Phóng Sự

Làm phim của lớp tiếng Việt tại đại học (kỳ 6)

Sunday, 30/07/2017 - 10:50:13

Còn 'tham quan' là chữ mới du nhập sau này, do là đợt xâm lăng của tiếng Tàu vào tiếng Việt của chúng ta.

Bài BĂNG HUYỀN

Cách dùng tiếng Việt trong nước và tiếng Việt ở hải ngoại

Vì sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, đến Mỹ định cư lúc 13 tuổi, sinh viên Khang Đỗ khi vào học lớp tiếng Việt do thầy Trần Chấn Trí dạy tại UCI được học thêm cách nói tiếng Việt sao cho đúng, mà khi còn ở Việt Nam nhiều khi những từ ngữ đó dùng sai mà nhiều người không biết, vẫn tiếp tục dùng. Thầy Trí đã sửa rất kỹ cách nói tiếng Việt cho Khang và các sinh viên khác, nhất là với những bạn sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, quen dùng những từ ngữ trong nước thường dùng.

Khang Đỗ giải thích, “Vì tiếng Việt mỗi ngày mỗi khác, nên có nhiều cách nói khác nhau. Nhiều khi người Việt ở Mỹ lâu, về Việt Nam nói chuyện, sẽ không hiểu người trong nước nói gì. Thầy Trí chỉ cách nói cơ bản nhất, truyền thống nhất, thuần Việt nhất. Khi mới học, Khang thấy rất lạ. Khang hiểu, biết cách nói đó nhưng rất ngượng miệng. Vì không có xài những từ đó thường xuyên. Dần dần Khang mới thấy, à cách nói thầy Trí dạy mới đúng với tiếng Việt, mình cũng nên làm sao để nói cho đúng, cho chính xác. Bởi vì, nếu lỡ mình có chỉ dạy một người nào khác nói tiếng Việt thì mình phải biết được cách nói chính xác nhất để dạy cho họ.”


Tiến sĩ Trần Chấn Trí bên các sinh viên làm phim đạt giải của lớp tiếng Việt tại UCI. (Hình cung cấp)

Trong loạt bài “Giữ Gìn tiếng Việt tại Hoa Kỳ” mà người viết đã thực hiện trước đây, thầy Trần Chấn Trí có nhận xét về tiếng Việt trong nước và tiếng Việt hải ngoại, xin được trích lại: “Theo tôi, hiện nay có hai loại tiếng Việt phát triển song hành theo hai chiều hướng khác nhau, nhưng cùng phát triển cả. Tiếng Việt tại Việt Nam và tiếng Việt tại hải ngoại. Ở Việt Nam phát triển ngay trên môi trường quê hương. Còn tại hải ngoại, mà cụ thể là tại Hoa Kỳ tiếng Việt vẫn phát triển chứ không bị nghèo đi. Tính chất đào thãi của ngôn ngữ thì không thể nào tránh được dù ở trong nước hay ra hải ngoại. Có những chữ tự nó bị đào thãi, và có những chữ mới được đưa vào mà trước đây chưa có. Ví dụ chúng ta có từ thẻ tín dụng. Đó là một tiến trình vận động không ngừng của ngôn ngữ, ngay cả cách nói cũng khác xưa.”

Thầy Trí nói thầy không thích dùng chữ là “sử dụng những tiếng Việt trước 1975.” Vì “nói như vậy, mình nghe như những chữ đó cũ rồi. Nó cũ mà cứ xài hoài đâu có được. Điều quan trọng là chúng ta nên khuyến khích các em dùng từ ngữ nào có tính chất truyền thống và có tính chính xác, nó đừng bị lạm dụng thì đó là những chữ hay. Không phải chữ nào trước đây của chúng ta dùng là cũng đúng, không phải chữ nào tại Việt Nam hiện nay dùng cũng là sai.


Thầy Quyên Di bên các sinh viên lớp tiếng Việt tại UCLA. (Hình cung cấp)

“Có nhiều yếu tố để đánh giá ngôn ngữ, một trong những yếu tố đó, có thêm yếu tố cá nhân của mình nữa, thích hay không thích dùng chữ đó. Nhưng mình phải công bằng, cố gắng dùng những từ nào diễn tả đúng hoàn cảnh, tâm trạng… chứ không nên lạm dụng từ ngữ thành ra từ ấy không còn giá trị nữa. Ví dụ từ hoành tráng là một trong những chữ rất đẹp trong tiếng Việt. Nhưng bây giờ nó trở thành chữ mà khi nói ra, ai cũng cười cả. Đây là một điều đáng tiếc vô cùng. Đó là việc lạm dụng và gần như giết chết ngôn ngữ.”

Chia sẻ của Thầy Quyên Di

Về những từ ngữ trong nước mà các sinh viên (sinh ra và lớn lên tại Việt Nam rồi mới đến Hoa Kỳ định cư) vẫn quen dùng khi học lớp tiếng Việt tại Cal State Long Baech và UCLA, thầy Quyên Di nói, “Phải nhân tiện có trong bài học, thì tôi mới đưa dẫn chứng ra cho các em, để thấy cách dùng trong nước không chính xác. Ví dụ từ thiết kế, cái gì có hệ thống lớn lao thì mới dùng từ này. Chẳng hạn như thiết kế một công trình đường sắt. Còn chiếc áo dài thì chỉ cần dùng họa kiểu áo dài hay vẽ kiểu áo dài. Chứ không thể dùng là thiết kế áo dài như trong nước dùng thường xuyên. Hay trình bày trang báo, chứ không thể nào như trong nước nói là thiết kế trang báo.

“Tôi luôn nói với các em, tiếng Việt mình giàu có lắm, trong mỗi lĩnh vực, khuôn khổ mình đều có nhiều từ để dùng lắm. Hay chữ hoành tráng” là chữ không sai, ví dụ nói MC Nguyễn Ngọc Ngạn và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đứng trên một sân khấu rất hoành tráng, là đúng. Vì nghĩa hoành tráng là rộng theo chiều ngang (là hoành), còn tráng là lộng lẫy. Nhưng nói bộ quần áo hoành tráng là sai rồi, hay bữa ăn hoành tráng thì càng sai.”

Thầy Quyên Di đưa thêm ví du, “Trong nước hiện nay với chữ khai triển, thường đổi thành triển khai. Không phải chữ nào đổi ngược đi cũng có nghĩa. “Khai” là mở ra, triển là làm cho nó rộng rãi hơn, quy mô hơn. Vì vậy phải khai rồi mới triển, chứ chưa khai ra thì làm sao mà triển được. Vì vậy nói triển khai là không đúng.”

Thầy Quyên Di cho biết thêm, “Một trong những cách tôi giúp các em cách dùng từ vựng và viết câu cho đúng, tôi thường cắt bài báo có khi báo trong nước, có khi báo bên này, không cho các em biết từ báo nào và tác giả là ai, rồi phát ra cho các em sửa lại những lỗi bị sai. Có những lỗi do vô tình, có những lỗi do đánh máy vội, hay lỗi sử dụng từ vựng do không hiểu chính xác từ đó, có khi lỗi dịch nguyên bản từ tiếng Anh qua tiếng Việt mà vẫn giữ nguyên như thế, nhưng thật ra tiếng Việt không diễn tả như thế. Từ đó tôi mới giảng cho các em, để giúp các em biết từ sai tránh không dùng đến. Trong môi trường học đường, vấn đề này tương đối dễ. Vì người dạy là một gương mẫu về ngôn ngữ. Có những em theo học lớp tôi dạy không chỉ một mùa, có em học sáu mùa (trường UCLA), ba mùa trung cấp và ba mùa cao cấp, gồm 60 tuần, nhờ vậy các em quen cách nói của tôi trong lớp rồi. Tôi dùng từ vựng như thế nào, diễn tả một sự kiện đó bằng những ngôn ngữ như thế nào, các em nói theo, để học.”

Chia sẻ của Thầy Trần Chấn Trí

Về các sinh viên theo học tiếng Việt tại UCI, thầy Trần Chấn Trí kể, “Có trường hợp những em trưởng thành tại Việt Nam, quen dùng những từ trong nước dùng, khi nói trong lớp, nhiều em sinh đẻ bên này không hiểu từ đó là gì. Những lúc như vậy, tôi luôn nhẹ nhàng sửa lại cho các em ấy. Ví dụ các em nói Đi tham quan, tôi cũng cho các em biết chữ tham quan là từ Hán Việt. Tiếng Việt mình mấy ngàn năm nay dùng từ Hán Việt chứ đâu phải thuần Việt không. Thay vì dùng chữ tham quan, thì dùng chữ du ngoạn, dù du ngoạn cũng là chữ Hán Việt, chứ đâu phải thuần Việt. Nhưng tôi cắt nghĩa cho các em, tại sao nên dùng du ngoạn mà không phải là tham quan, vì du ngoạn tuy cũng là chữ Hán Việt, nhưng nó dùng cả mấy trăm năm, nếu không muốn nói là cả ngàn năm rồi. Tuy là Hán Việt nhưng nó đã trở thành của mình rồi, có tính chất truyền thống, thân mật. Còn tham quan là chữ mới du nhập sau này, do tình trạng chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam giao tiếp với bên phía Trung Cộng, nên ảnh hưởng rất nhiều những từ ngữ Hán Việt mới. Đây là đợt xâm lăng của tiếng Tàu vào tiếng Việt của chúng ta.”  

Thầy Trí nói, “Tôi luôn giảng cho các em, bản thân chữ tham quan không có gì là xấu cả, nhưng mà nó là chữ mới. Sau mình không dùng chữ truyền thống nó hay hơn. Hay thay vì nói ở lại lớp thì bên Việt Nam hiện nay thường nói là lưu ban, đây là từ mới của Trung Cộng. Tôi nói nhẹ nhàng cho các em hiểu là tôi không chống đối, nhưng các em nên coi lại cái gì lâu ngày, trở thành truyền thống thì hãy dùng. Chữ mới bây giờ trong nước dùng, có nhiều chữ tối nghĩa lắm. Càng ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam qua đây du học, muốn học những lớp tiếng Việt trong đại học, các em giỏi tiếng Việt rồi, và dùng những chữ mới, thì tôi canh chừng thôi.”

Thầy Trí cho biết “Tiếng Việt trong sáng” là tên đề tài thầy chọn để trình bày tại khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ thứ 29 do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali tổ chức nhân hè năm nay, vào ba ngày 28, 29 và 30 tháng 7, 2017, tại Coastline Community College. Tóm tắt về nội dung của đề tài này, thầy Trí nói, “Một cách tổng quát thì ngôn ngữ nào cũng tiến hóa hết nhưng phải tiến hóa một cách chừng mực, trong sự kiểm soát nào đó. Không phải ai đó kiểm soát mình, mà tự mỗi chúng ta phải tự kiểm soát, đừng để nó tiến hóa một cách bừa bãi thì mới trong sáng được. Tức là nên giữ cái cũ mà đẹp, cái nào cũ mà quá lỗi thời thì tự nhiên cũng bị đào thãi. Nhưng bên cạnh đó vẫn phải giữ những gì được xem là truyền thống, đừng có du nhập những cái mới, dù rằng không thể đóng cửa không du nhập cái mới, nhưng phải có chừng mực, dè dặt thì mới giữ được sự trong sáng của ngôn ngữ.

“Tôi đưa ra một số ví dụ phát triển vô tổ chức ở Việt Nam chẳng hạn. Ví dụ tiếng Việt mình có phần ráp chữ rất nhiều. Nhưng khi dùng chữ ráp gốc Hán thì phải dùng chữ gốc Hán hết, còn Việt thì Việt hết. Đằng này cứ ráp nữa Việt, nửa Hán. Dù rằng trong các ngôn ngữ trên thế giới, phần ráp nửa này nửa kia đều có. Ví dụ chữ superman trong tiếng Anh, ta thấy cũng có ráp nửa này nửa kia, super là tiếng Latinh, còn man là tiếng Anh, tôi đưa ra ví dụ này để thấy sự ráp nối nửa này nửa kia trong tiếng Anh và các thứ tiếng khác đều có.

“Nhưng trong tiếng Việt hiện nay trong nước có ráp nối như vậy quá bừa bãi. Chẳng hạn những nơi bán nước mía sạch, thì ghi quảng cáo là bán nước mía siêu sạch. Siêu là tiếng Hán, còn sạch là thuần Việt, ráp vậy nghe rất buồn cười. Trong khi truyền thống thì đã là chữ Hán rồi thì ráp cùng chữ Hán luôn. Ví dụ siêu thị, cả hai chữ ráp với nhau đều là tiếng Hán. Hoặc siêu nhân.

“Ngày xưa, người ta kêu là minh tinh, đều là hai chữ Hán, giờ khi nói đến minh tinh thì trong nước dùng là siêu sao, sao là thuần Việt.

“Họ còn dùng chữ siêu xuyệt, chữ xuyệt là chữ tiếng Pháp, nghĩa là ở trên (tiếng Pháp ghi là sur, tiếng Việt đọc là xuyệt.) Ý nói số nhà 3/7, sẽ có một dấu nghiêng (/, còn gọi là dấu xuyệt) đọc là số nhà 3 xuyệt 7. Ở trong nước họ dùng chữ siêu xuyệt để nói số nhà chồng lên nhau nhiều quá ở trong các ngõ hẻm ngoằn nghèo. Kiểu nói vậy thì làm sao tiếng Việt trong sáng được. Người Việt nghe còn không hiểu được thì nói gì người nước ngoài hiểu.

“Đôi khi cũng du di, như chữ superman, nhưng những chữ ráp như vậy trong tiếng Anh không nhiều, không bừa bãi như tiếng Việt trong nước hiện nay.

Thầy Trí nêu thêm, “Trong tiếng Việt mình cắt chữ cũng có, ví dụ xem tivi thì Việt Nam có câu là xem vô tuyến truyền hình. Nhưng người miền Nam thường nói gọn lại là truyền hình, tối nào tôi cũng xem truyền hình trước khi đi ngủ. Còn ngoài Bắc thì cắt gọn thành vô tuyến, tôi xem vô tuyến. Nhưng thật ra vô tuyến nghĩa là không dây. Nói tôi xem không dây, thì không có nghĩa lắm. Còn người miền Nam dùng chữ truyền hình, thì vẫn có nghĩa hơn vô tuyến một chút, nhưng chưa đầy đủ. Việc cắt chữ như vậy tuy không có lý, nhưng ai cũng chấp nhận được, tương đối dễ hiểu, không quá tối nghĩa, nhưng cũng không đến nỗi nào.

“Trong nước hiện nay còn có những chữ bị cắt ra táo bạo vô cùng. Ví dụ Máy điều hòa không khí, thì mới đủ nghĩa, nhưng lại dùng là điều hòa. Đây không chỉ là văn nói nữa, mà đưa vào văn viết trên báo rõ ràng. Tôi theo dõi báo chí tại Việt Nam để phân tích chữ nghĩa nhiều lắm.

“Hoặc ví dụ người lái xe, hay người quay phim, người bảo vệ, thì cắt bỏ chữ người, chỉ còn lái xe, quay phim, bảo vệ. Thật ra lái xe là động từ, mà dùng như danh từ vậy. Chuyện cắt chữ để gọn, hay ráp chữ đều có trong các ngôn ngữ trên thế giới. Nhưng tiếng Việt trong nước hiện nay bị lạm dụng nhiều quá, phát triển bừa bãi, thành ra mới thành vấn đề. Chứ còn những chuyện ráp chữ, cắt chữ… miễn đừng quá đáng thôi, vấn đề tôi nêu ra trong khóa tu nghiệp sư phạm là nó đã lạm dụng quá đáng.

Thầy Trí cho biết, “Bây giờ Việt Nam còn có kiểu dịch từ tiếng nước ngoài qua tiếng Việt, nghe ngây ngô lắm. Tôi cũng muốn nhấn mạnh là việc dịch cũng không phải không có. Như chữ First Lady dịch là Đệ nhất phu nhân, nhờ chuyển hay nên người ta dùng. Còn bây giờ thì chữ gì cũng dịch qua, nhưng dịch rất ngô nghê. Như in the earliest time possible thì dịch thành trong thời gian sớm nhất có thể. Bây giờ người ta nói câu này nhiều lắm. Dịch kiểu vậy khi đem vào tiếng Việt, nghe rất kỳ cục.

“Hoặc dịch thông qua tiếng Tàu như chuyện này không khả thi, sao không nói đơn giản là chuyện này khó thực hiện, thực hiện cũng là tiếng Hán, nhưng nó có tính chất truyền thống, ngấm vào tiếng Việt của mình rồi, thì trở thành của mình. Còn mà dịch kiểu đầu Ngô mình Sở, nửa Tàu nữa Tây. Nghe mệt quá.”
Thầy Trí cho rằng không phải vì thầy là một nhà ngôn ngữ, một nhà giáo thì mới phát hiện những điều này, mà tất cả những người Việt Nam có tinh thần trách nhiệm với việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng, đều thấy hết.

Rõ ràng ai ai cũng thấy rằng sự phát triển của ngôn ngữ là điều đương nhiên. Nhưng việc tạo điều kiện để tiếng Việt phát triển trong chiều hướng đúng và tốt đẹp là điều rất cần thiết. Không phải bất cứ điều gì được xã hội thừa nhận đều là đúng cả. Nhất là với một xã hội mà ngôn ngữ, nền văn hóa đang biến đổi theo chiều hướng xấu đi như ở trong nước hiện nay.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT