Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 27)

Sunday, 04/03/2018 - 10:23:36

Đạo Phật là đạo dạy từ bi, không đặt nặng lý thuyết, mà chú trọng thực hành. Khi trở thành con Phật, người Phật tử bắt buộc phải giữ năm giới (ngũ giới).

Bài BĂNG HUYỀN

Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng (phần 1)

Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng (GĐTS Sợi Nắng) là một đạo tràng hội tụ của những người con Phật sống quanh vùng Quận Cam, có cùng một ý hướng chuyên tu để cùng học đạo hằng an vui tự tại giữa bể khổ trầm luân, đã được Sư ông-Hòa Thượng Thích Tịnh Từ (Viện chủ Tu Viện Kim Sơn- Bắc California) thành lập được gần 20 năm.


Cư sĩ Quảng Minh Hậu trong một khóa tu do GĐTS Sợi Nắng tổ chức tại Tu viện Đại Bi. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nam cư sĩ Quảng Minh Hậu, là một trong những cư sĩ lớn tuổi nhất của Sợi Nắng và cũng là một trong những thành viên trụ cột, có mặt trong GĐTS Sợi Nắng từ buổi đầu thành lập đến nay cho biết, “Mấy năm đầu mới lập ra GĐTS Sợi Nắng, Sư ông Thích Tịnh Từ còn khỏe nên xuống Hoằng Pháp ở đây rất đều mỗi hai tháng. Nhưng mấy năm nay sức khỏe của Sư ông yếu hơn, bác sĩ đề nghị hạn chế đi máy bay, vì Sư ông bị bệnh tim bẩm sinh, nên những khi không có Sư ông, chúng tôi mời các thầy khác đến Hoằng Pháp.

“Thường Sợi Nắng hay mời thầy Thích Tánh Tuệ đến Hoằng Pháp. Hằng tháng GĐTS Sợi Nắng luôn có tổ chức những buổi tu học như Thọ Bát Quan Trai. Nơi Sợi Nắng tổ chức tu học thường là tại Tu Viện Đại Bi (thành phố Santa Ana), mở ra để các Phật tử không thuộc Sợi Nắng cũng có thể đến tu học. Còn nếu khi nào có Sư ông xuống đây được, thì chúng tôi luôn mở khóa tu từ chiều thứ Sáu, cả ngày thứ Bảy và Chủ Nhật.


Buổi tụng giới của các thành viên GĐTS Sợi Nắng. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“Ngoài ra hằng tháng một lần Sợi Nắng còn tổ chức những buổi tụng giới tại tư gia của các thành viên, luân phiên thay đổi địa điểm. Cùng nhau ngồi thiền, ôn lại các giới luật của người cư sĩ, thực hiện nghi thức tụng giới, có người chủ lễ đọc các giới luật, để các Phật tử xem mình có giữ gìn giới luật hay không, đọc mấy bài kinh, rồi cùng chia sẻ những hiểu biết tu học của mình với mọi người.”

Cư sĩ Quảng Minh Hậu nói, “Những buổi tu tập chung, hay tụng giới vào mỗi tháng như vậy, làm cho buổi thiền định có không khí ấm áp, vui lắm. Nếu ở nhà tự mình ngồi thiền, thấy không có năng lực. Cùng ngồi chung với nhau, tạo nên oai nghi lạ lùng lắm, an lạc lắm.”

Đạo Phật là đạo dạy từ bi, không đặt nặng lý thuyết, mà chú trọng thực hành. Khi trở thành con Phật, người Phật tử bắt buộc phải giữ năm giới (ngũ giới). Đây là năm điều giới luật đạo đức của Phật giáo. Đó là: không sát hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất say làm lu mờ trí óc. Người Phật tử chỉ giữ năm giới thôi cũng đủ thể hiện lòng từ bi của đạo Phật.

Không sát sanh là tôn trọng sanh mạng của người và vật. Không trộm cướp là tôn trọng sự nghiệp tài sản của người. Không tà dâm là là tôn trọng hạnh phúc gia đình mình và gia đình người. Không nói dối là giữ uy tín của mình và tôn trọng phẩm giá người. Không uống rượu, hút á phiện, xì ke ma túy là bảo vệ sự sáng suốt và sức khỏe của mình, đồng thời tôn trọng an ninh trật tự xã hội.

Tu tập cùng nhau trong đạo tràng

Theo cư sĩ Quảng Minh Hậu, “các vị có nói ăn cơm có canh, tu hành có bạn là thế, mình có khó khăn gì, cùng chia sẻ, để các thành viên trong đạo tràng giúp, lợi lạc dữ lắm. Có những người bạn đạo bên cạnh cùng mình tu tập, tăng thêm năng lực. Ở xứa Mỹ này, phần đông mọi người nếu còn đi làm do áp lực công việc, chăm sóc gia đình, thời gian tu học thường hạn chế. Một số lớn có tâm tu nhưng lại vì hoàn cảnh riêng mà ít ỏi chữ nghĩa, cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc học tập và nghiên cứu giáo lý.

“Cho nên sự tu học có bạn có bè rất quan trọng đối với các Phật tử trong đạo tràng. Nhờ đó tập thể các thành viên trong đạo tràng cùng nâng đỡ nhau, lấy chỗ mạnh (sở trường, ưu điểm) của người này bù cho chỗ yếu (sở đoản, khuyết điểm) của người kia. Nếu tất cả các thành viên trong đạo tràng đều cùng hiểu đạo, cùng tu, cùng ủng hộ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần thì sẽ tránh được rất nhiều nghịch cảnh chướng ngại.

“Nếu được cùng bạn đạo bàn luận giáo lý, trao đổi ý kiến, người Phật tử có thể hóa giải những hoài nghi, thắc mắc. Nhiều khi người tu một mình suy nghĩ mãi mà tư tưởng vẫn bế tắc, đến chừng học chung với nhau trong một buổi sinh hoạt tập thể, nghe các bạn đạo chất vấn nhau, mổ xẻ vấn đề với nhau, thì tâm mình sáng ra liền.”

Ý nghĩa tên gọi Sợi Nắng

Nữ cư sĩ Diệu Trí là thành viên gia nhập vào Gia Đình Thiền Sinh Sợi Nắng khoảng 10 năm nay, và là một trong những người trẻ (nhưng cũng đã ngoài 50 tuổi) của Sợi Nắng, là người thực hiện các chương trình tu học cho Sợi Nắng mỗi tháng. Bà chia sẻ, “Sư ông, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ đặt tên cho GĐTS là Sợi Nắng. Sợi Nắng có nghĩa là Phật Tánh hay là Chân Như. Trong người mình lúc nào cũng có bản lai diện mục, mình luôn có Phật tánh.”

Ngài Daito Kokuchi có giải thích rõ, “Đức Thế Tôn ngồi thiền trong núi sáu năm, nhìn thấy sao mai mà giác ngộ. Tức thấy được bản lai diện mục. Thân là nhà và phải có một ông chủ nhà. Chủ nhà được hiểu là bản lai diện mục. Biết được nóng lạnh, hay cảm thấy thiếu thốn, hoặc có những ham muốn v.v. Tất cả đều là vọng tưởng và không phải là chủ nhân thực sự của ngôi nhà.

“Những vọng tưởng này là những thứ được thêm thắt và tan biến theo từng hơi thở, lôi kéo chúng ta rơi vào địa ngục và luân hồi trong sáu đường. Tiếp tục tọa thiền càng sâu, sâu mãi, sẽ tìm được căn nguyên của vọng tưởng. Một tư tưởng không có bất cứ hình thể tướng mạo nào, nhưng vì tin chắc những tư tưởng này tồn tại ngay cả sau khi chết, nên ta rơi vào địa ngục với nhiều đau thương khổ não trong thế gian vô thường này.

“Lúc nào tư tưởng dấy khởi hãy buông đi! Bạn chỉ cần quét sạch mọi tư tưởng tức là thành tựu tọa thiền. Khi tư tưởng được buông bỏ, bản lai diện mục xuất hiện. Tư tưởng giống như những đám mây, khi mây tan vầng trăng ló dạng. Vầng trăng chân thường đó là bản lai diện mục. Tự tâm chính là Phật. Kiến tánh là nhận ra tâm Phật. Buông bỏ tư tưởng một cách liên tục, rồi sẽ thấy Phật tại tâm.”

Cư sĩ Diệu Trí giải thích, “Cũng như ánh nắng mặt trời thì lúc nào cũng ở đó. Vì sự xoay chuyển của trái đất quanh mặt trời, mới có ngày, có đêm. Vì sự xoay chuyển của trái đât, nên mình không thấy mặt trời, hay những lúc mây mờ che đi, nhưng mặt trời vẫn luôn luôn ở đó. Sợi Nắng có nghĩa là sự tỉnh thức. Sư ông đặt tên Sợi Nắng, ý nói đến sự tỉnh thức. Hồi đầu khi nghe đến GĐTS Sợi Nắng, tôi cũng hơi ngại ngùng khi tham gia. Vì lúc đó mình chưa hiểu rõ về Phật Pháp và nghĩ mình đâu có biết ngồi thiền.

“Nhưng thật ra trong ngày, ngồi thiền cũng là một phần của Phật tử, nhưng trong mọi tư duy của mình phải có sự tĩnh thức, trong mọi sinh hoạt, tư duy của mình luôn có sự tĩnh thức, chánh niệm. Đi ngồi nói năng,… tất cả đều là thiền. Không phải chỉ có tọa thiền và đè nén tư tưởng mới là thiền. Dù đứng hoặc ngồi, hãy ráng chú tâm và tỉnh giác, bất chợt sẽ nhận ra bản lai diện mục trong mỗi người. GĐTS Sợi Nắng nghĩa là các thiền sinh của gia đình quay về với Phật tánh của mình, chân thiện mỹ trong mình và nhìn mọi việc không có phân biệt, luôn luôn sáng suốt.”

Những căn bản của Phật Pháp

Theo cư sĩ Diệu Trí Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.

Diệu đế thứ nhất là Khổ Đế. Chân lý thâm diệu đầu tiên, Đức Phật thấy rằng đời sống của con người từ khi sinh ra đến lúc ra đi khỏi cõi tạm này đều là đau khổ. Nghĩa là phải chịu đau đớn thể xác, già nua, bệnh hoạn, rồi chết. Ta cũng phải chịu đau khổ về mặt tâm lý như cô đơn, phiền giận, bực bội, sợ hãi, bối rối, thất vọng, sân hận. Đây là những hiển nhiên, không thể chối cãi. Đây là thực tế khách quan, không phải bi quan. Vì bi quan là mong đợi những điều gì trở nên tệ hại. Mặt khác, Phật giáo giải thích cách thức giải quyết các đau khổ đó và cách thức để có hạnh phúc thật sự.

Diệu đế thứ hai là Tập Đế. Với chân lý này, Đức Phật dạy rằng tất cả mọi đau khổ đều do ái dục và tham thủ. Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình, nếu ta không được những gì mình muốn, v.v. Ngay cả khi ta muốn và được, điều này cũng không bảo đảm có hạnh phúc. Tâm khát khao ham muốn cướp đoạt của ta niềm vui được thỏa lòng và hạnh phúc. Thay vì kiên trì chiến đấu để thành đạt điều mong muốn, hãy cố gắng sửa đổi chính cái lòng ước muốn của mình.

Diệu đế thứ ba là Diệt Đế. Điều này có thể chấm dứt đau khổ và đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc. Khi con người dứt bỏ ái dục, vốn là vô ích, và tập sống từng ngày, con người bắt đầu sống an vui và tự do. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ và năng lực để giúp đỡ người khác. Trạng thái ấy được gọi là Niết bàn.
Và diệu đế thứ tư là Đạo Đế. Chân lý này là con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. Con đường này gọi là Bát Chánh Đạo.

Bát Chánh Đạo chính là con đường gồm tám yếu tố chân chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Đây là con đường của đạo đức và tỉnh thức - qua lời nói, ý nghĩ và hành động, và phát triển trí tuệ bằng sự nhận thức rõ ràng về Tứ Diệu Đế và bằng sự tăng trưởng lòng từ bi.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT