Xe Hơi

Hệ thống thắng bánh sau: Tháo gỡ và kiểm tra

Friday, 24/11/2017 - 10:52:39

Trong khi làm việc, guốc chà sát vào lườn trống, tạo ra rất nhiều nhiệt, khiến cho mặt lining vừa mòn mà lại có thể nứt nẻ, làm văng ra nhiều miếng vụn. Có miếng kẹt lại ở chỗ nứt, gây tình trạng kẹt thắng (lockup) ngay cả khi tài xế không nhấn chân trên bàn đạp.

Bài HAO SMITH

Với dụng cụ sẵn sàng, hôm nay chúng ta bắt tay vào việc thay thắng cho bánh sau. Sở dĩ phải nói rõ “bánh sau”, là vì hệ thống thắng ở bánh sau khác với bánh trước. Trong khi bánh trước thường dùng thắng đĩa (disc brake), thì bánh sau dùng thắng trống (drum brake). Vì thế, để chính xác hơn, tiêu đề của bài này phải là: Gỡ và kiểm tra thắng trống (drum brake).

Trước tiên, chúng ta cùng rà lại để điểm mặt những thành phần tạo thành thắng trống:
- Drum (trống): Gỡ lốp xe, bạn sẽ thấy ngay cái “drum”, đúng ra là cái lưng trống phủ úp, đậy trên các bộ phận chi tiết khác của thắng.


Các bộ phận thắng trống bao gồm: Drum (trống) là phần lưng nhô ra ngoài dễ thấy, Shoes (guốc thắng) nằm bên trong, và Backing Plate (mặt sau)….. tất cả đều gắn vào trục bánh sau (rear axle)

- Backing Plate (mặt sau): Là một cái khay sắt, đỡ ở đằng sau, để cho các bộ phận thắng bám vào.
- Shoes (guốc thắng): Đó là hai chiếc guốc, tạo thành một đôi ở hai bên thành trống. Guốc thực ra là miếng kim loại, cõng miếng “gôm” (lining) trên lưng. Khi tài xế đạp thắng, guốc sẽ ép gôm vào thành trống để ngăn cho bánh xe ngừng quay. Hai miếng “gôm” này chính là thành phần bị mòn sau thời gian sử dụng, khiến chúng ta phải thay luôn đôi guốc.

- Cylinder: Ống xi lanh có piston bên trong. Khi tài xế đạp thắng thì luồng dầu thắng sẽ được dồn xuống xi lanh, và piston được đẩy ra, ép “guốc” thắng ép vào mặt trống.

- Return Springs (lò so kéo về): Sau khi tài xế nhả thắng thì hai guốc thắng sẽ được những cái lò so này kéo về vị trí ban đầu, cách xa mặt trống, để bánh xe có thể lăn tiếp.

- Adjuster Mechanism (Hệ thống tự điều chỉnh): Sau một thời gian sử dụng, những miếng “gôm” sẽ mòn dần, để lộ ra một khoảng trống lớn hơn giữa mặt trống và “guốc.” Khi đó, hệ thống tự điều chỉnh sẽ can thiệp để khi tài xế cần hãm đà lăn của bánh thì “guốc thắng” vẫn có thể tiến gần, ép sát mặt trống.
- Ngoài ra, chúng ta còn thấy những bộ phận thuộc về Parking Brake, cũng gọi là Emergency Brake.
Công việc của chúng ta hôm nay nhắm tới việc thay hai cái “guốc,” vì miếng gôm (lining) kẹp trên đó đã quá mòn, đồng thời, cũng chỉnh lại những lệch lạc có thể xảy ra đối với các bộ phận khác. Thí dụ: Dầu thắng có thể rò rỉ, làm nhẫy ướt “guốc thắng.” Sau nữa, thắng có thể bị kẹt, dính luôn vào mặt trống, không gỡ ra được, ngay cả khi tài xế không đạp thắng. Lý do là vì guốc bị mòn quá nhiều, làm cho đáy guốc cũng chà luôn vào mặt trống, và bị kẹp lại ở đó.


Bên trong lòng trống (drum), bạn sẽ thấy các bộ phận thắng phô ra.

Trước tiên, bạn phải kiếm một khoảng đất bằng phẳng để đậu xe, rồi gỡ tháo lốp xe. Công việc tháo lốp nói thì đơn giản, nhưng thực tế hơi khó khăn do bù-loong dính trục quá chặt. Việc ấy lần trước chúng ta đã nói.
Giả sử lốp đã tháo ra rồi. Bây giờ các ban sẽ thấy lưng trống hiện ra trước mặt. Sau đây là những bước cụ thể do các chuyên viên thuộc 2carpros.com hướng dẫn, nhằm giúp cho công việc trở nên dễ dàng và thú vị hơn:

1. Gỡ Trống (remove): Trong một số kiểu xe, việc gỡ trống khá là đơn giản, bạn chỉ việc gỡ mấy cái khuy gài, rồi dùng tay lắc lắc mấy lần là gỡ được. Trong các xe khác, việc gỡ trống có thể khó hơn, đòi bạn phải gỡ nắp che bụi (dust cap) ra trước, rồi dùng chìa khóa ống (socket) thích hợp để xoáy bù-loong gắn trống với trục bánh xe (axle bearing nut).

Nhưng cũng có thể bạn phải gỡ trống ra khỏi 5 bù-loong (nuts) gắn nó với backing plate. Trên lý thuyết, bạn chỉ cần dùng tay để xoay. Nhưng thực tế, bạn phải vẩy W40 trước vào các bù-loong này, và chờ ít phút cho rỉ sét bong ra. Rồi sau đó, dùng búa cao su nện trên mặt trống, chung quanh các con bù-loong để từ từ gỡ trống ra. Cẩn thận đừng nện trên các trục “lug stud”.






Có thể dùng búa và đục để tháo nắp che bụi


Gỡ nắp che bụi ra


Dùng socket để xoáy lỏng bù-loong gắn trống với trục


Xoáy hai bù-loong vào lỗ hổng để từ từ đẩy trống ra

Cũng có thể, nhà sản xuất đã thiết kế sẵn hai cái lỗ nhỏ để bạn xoáy hai con bù-loong nhỏ vào đó, xoáy đều cả hai con và trống sẽ từ từ bung ra.

2. Lau sạch: Treo xô nước lên trục để có sẵn nước lau, giúp bạn đỡ phải chạy ra chạy vào thay giẻ, giúp công việc trở nên vừa tiện lợi vừa... thích thú (?). Dùng nước lã bình thường lau sạch các vẩn bui, rồi để cho tự khô. Cũng có thể dùng vòi nước tưới vườn để xịt cho cặn bụi bắn đi.

3. Xem xét “guốc thắng” (brake shoes): Bây giờ bạn có thể nhìn rõ mặt đôi guốc. Thực ra, không thể gọi là “đôi” bởi vì hai chiếc guốc không hoàn toàn giống nhau. Đó là hai miếng sắt, bẻ cong, uốn theo lườn trống, cái nào cũng mòn vẹt ít nhiều trên bề mặt mà tiếng Mỹ gọi là “brake lining”.

Trong khi làm việc, guốc chà sát vào lườn trống, tạo ra rất nhiều nhiệt, khiến cho mặt lining vừa mòn mà lại có thể nứt nẻ, làm văng ra nhiều miếng vụn. Có miếng kẹt lại ở chỗ nứt, gây tình trạng kẹt thắng (lockup) ngay cả khi tài xế không nhấn chân trên bàn đạp.


Quan sát: Guốc có thể bị mòn và nứt nẻ

4. Kiểm tra ống xi lanh: Đây là một ống tròn, bên trong có pít-tông và dầu thắng. Khi tài xế nhấn chân trên bàn đạp thì dầu dồn xuống, đẩy pit tông ra, ép “guốc” vào thành trong của mặt trống. Cái tội của ống xi lanh là nó có thể nứt nẻ, để dầu rò rỉ ra. Đây là dịp rất tốt để chúng ta kiểm tra xi lanh, và thay luôn xi lanh mới ngõ hầu yên tâm về lâu dài. Sau này khi đã quen tay rồi, ban cũng nên thay luôn xi lanh cho tiện việc. Nhưng bây giờ thì chưa…. nếu xi lanh không có dấu hiệu hư hại, bạn cứ việc dùng lại, để tập trung vào công việc trước mắt là “thay guốc thắng”

Bài lần sau, chúng ta sẽ trình bầy kỹ càng về việc gỡ lò so để lấy ra đôi guốc cũ, trước khi lắp guốc mới vào cho hệ thống.

haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT