Hôn Nhân, Cuộc Sống

Sinh viên làm việc tại trường đại học

Wednesday, 29/10/2008 - 12:32:37

Những sinh viên này vừa đi học vừa đi làm trong những chương trình đã được quy định bởi nhà trường. Chính phủ liên bang sẽ trả một phần lương ...

Hoàng Châu

Chương trình làm việc dành cho sinh viên của chính quyền liên bang (Federal Work-Study Program) cung cấp cơ hội làm việc bán thời gian cho sinh viên bậc Cử nhân và Sau Cử nhân có khó khăn về tài chánh.



Những sinh viên này vừa đi học vừa đi làm trong những chương trình đã được quy định bởi nhà trường. Chính phủ liên bang sẽ trả một phần lương bổng và chỗ làm việc trả phần còn lại.

 

Mục tiêu của chương trình nhằm khuyến khích sinh viên thực hành phục vụ cộng đồng hay làm những công việc có liên quan đến ngành nghề tương lai và giúp sinh viên trang trải một phần chi phí giáo dục. Một sinh viên học về thư viện có thể xin làm cho thư viện trường hoặc học về sư phạm có thể xin làm cho những chương trình dạy kèm trong trường đại học.

 

Khi nhận được Financial Aid Package (tạm dịch: Trợ cấp Tài chánh Trọn gói), sinh viên nên để ý rằng phần này không phải là cho không như các học bổng, cũng không phải hoàn trả như tiền mượn mà là phải làm việc mới có.

 

I. Lợi ích

 

Một cuộc nghiên cứu cấp quốc gia cho thấy rằng những sinh viên làm việc từ 10 – 15 giờ một tuần thường có tỷ lệ ra trường cao hơn những sinh viên không làm việc. Nhiều sinh viên nhờ chương trình này mà có chút tiền chi tiêu căn bản trong khi theo đuổi việc học hành và giúp họ hoàn thành bậc đại học.

 

Ngoài ra, tham dự vào chương trình giúp cho sinh viên những lợi điểm sau:

 

1. Có nhiều cơ hội tìm việc sau khi ra trường, làm đẹp bản tiểu sử (resume) và làm quen hơn với môi trường làm việc sau này. Đây là lúc sinh viên có thể thăm dò ý thích, nhận ra những va chạm thực tế về công việc của mình.

Một sinh viên học về Business (Thương mại), khi đang theo học em xin làm việc cho Văn phòng Trợ cấp Tài chánh Đại học và cảm thấy thích thú. Sau khi ra trường em quyết định xin ở lại làm việc tiếp cho văn phòng này và được chấp thuận.

 

2. Tiền kiếm được không bị khấu trừ đi khi xin hỗ trợ tài chánh cho năm sau. Nếu sinh viên làm việc nơi khác, số tiền kiếm được sẽ bị khấu trừ một phần.

 

3. Giảm tiền nợ cho chi phí đại học. Số tiền nợ càng ít, những lo lắng càng bớt đi.

 

4. Không cần phải lái xe tới chỗ làm xa, hao tốn tiền xăng và thời giờ đi lại.

 

5. Nhiều em thường kết hợp làm homework với dạy kèm cho bạn học cùng lớp. Có em làm việc trong văn phòng cung cấp việc làm và có thể ôn bài khi không có khách hàng. Thật là một công hai việc hữu ích. Các chủ nhân ngoài trường đại học thường không dễ dàng với nhân công của mình tới mức như vậy.

 

II. Tiêu chuẩn

 

Chương trình việc làm cho sinh viên được quyết định bởi một số tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ. Họ đánh giá những thông tin tài chánh được báo cáo trên hồ sơ xin trợ cấp tài chánh (FAFSA) để quyết định phần đóng góp của gia đình (Expected Family Contribution) hay còn gọi tắt là EFC. Chính từ EFC, số tiền làm việc qua chương trình này được quyết định, và dĩ nhiên, nhiều ít khác nhau tùy theo gia cảnh mỗi sinh viên. Phần EFC bao gồm phần đóng góp được trông đợi từ cha mẹ và sinh viên.

 

Những tiêu chuẩn căn bản cho tính toán này là:

1. Lợi tức, tài sản của sinh viên (nếu sinh viên không còn lệ thuộc vào gia đình).

2. Lợi tức, tài sản của cha mẹ (nếu sinh viên còn lệ thuộc vào gia đình).

3. Số người trong gia đình và số con cái đang theo học đại học.

 

III. Lương bổng

 

Nếu hội đủ tiêu chuẩn làm việc, sinh viên thường bắt đầu với đồng lương tối thiểu hay có thể cao hơn tùy theo tính chất và kỹ năng cần thiết cho công việc. Một sinh viên làm việc trong phòng lab sẽ được trả lương cao hơn là làm dọn dẹp sách vở trong thư viện.

 

Sinh viên bậc Cử nhân được trả lương theo giờ trong khi sinh viên Sau Cử nhân có thể được trả lương theo giờ hoặc theo việc, tùy theo tính chất từng công việc.

 

Một sinh viên bậc Cử nhân làm việc trong phòng lab của đại học thường được trả khoảng $11 một giờ hay hơn nữa. Dĩ nhiên đại học tư thường trả cao hơn đại học công.

 

Tổng số tiền làm ra không được vượt quá tổng số tiền cho phép. Văn phòng Trợ giúp Tài chánh có thể căn cứ vào kết quả học tập để điều chỉnh số lượng giờ làm việc.

 

IV. Số lượng giờ đi làm

 

Một cuộc nghiên cứu cấp quốc gia về liên hệ giữa giờ làm việc và sự thành đạt của sinh viên cho thấy: sinh viên học tập kém dần nếu làm việc trên 15 giờ một tuần và nếu số giờ tăng lên tới 20 giờ một tuần thì tỷ lệ bỏ học là rất cao. Xin quý phụ huynh nhớ con số này để nhắc nhở con em mình.

 

Một sinh viên vừa học hành thành công vừa làm việc 15 giờ một tuần đã tiết lộ bí quyết của cô: không xem TV.

 

Một em cố làm tiền mua một cái xe đẹp, thế là có những phát sinh mới như tiền mua bảo hiểm cao, tiền trả hàng tháng đến nhanh vùn vụt …. Và cũng chính chiếc xe đẹp này thu hút em có thêm bạn bè. Mục tiêu học hành cứ thế xa dần.

 

Đối với sinh viên đang học cao đẳng cộng đồng (community college) thì số giờ làm việc có thể lên tới 15 giờ một tuần nhưng nếu đã chuyển (transfer) lên đại học thì tốt nhất chỉ nên làm 10 – 12 giờ một tuần mà thôi vì lúc này bài vở nhiều và khó hơn.

 

V. Giới hạn về công việc

 

Chương trình có một số giới hạn như không được dùng sinh viên để thay thế nhân viên thường trực. Sinh viên cũng không được vận động cho các ứng cử viên chính trị hay vận động hành lang lập pháp.

 

Hơn nữa, sinh viên cũng không được làm việc ngoài Hoa Kỳ, trừ khi trường học có chi nhánh ở nước ngoài hay làm việc tại toà đại sứ, toà tổng lãnh sự của chính phủ Hoa Kỳ.

 

VI. Môi trường làm việc

 

Trong phạm vi trường học, một số công việc thường được dành cho sinh viên như sau: làm việc trong Văn phòng Trợ cấp Tài chánh, Thư viện, Dạy kèm (Tutor), Phụ tá Giáo sư, Phụ tá Hướng dẫn Phòng thí nghiệm (Hoá, Sinh, Vật Lý…).

 

Mỗi trường phải dành ít nhất 7% ngân quỹ dành cho phục vụ cộng đồng ngoài trường học. Sinh viên có thể làm cho các tổ chức tư nhân không lợi nhuận hoặc các cơ quan công quyền nhưng công việc nói chung phải là phục vụ lợi ích chung.

 

Trường đại học sinh viên đang theo học thường liên kết với một số tổ chức nhằm giúp cho sinh viên có thêm kinh nghiệm về những ngành nghề sinh viên đang theo học như:

1. Làm việc trong các lãnh vực săn sóc sức khoẻ (healthcare), săn sóc trẻ em (child care)… hay các chương trình trợ giúp nhà cửa (housing).

2. Làm việc trong những Trung tâm phục vụ Thanh thiếu niên (Teen Center)

 

Tóm lại đây là chương trình hỗ trợ tài chánh rất có ích cho sinh viên. Tuy nhiên, lượng thời gian, chỗ làm và thời khoá biểu làm việc cần được kết hợp sao cho phù hợp với chương trình học tập. Việc học hành bao giờ cũng phải ưu tiên hơn đi làm việc. Hãy coi công việc như một hình thức học tập khác hoặc như một cơ hội cho đầu óc nghỉ ngơi sau những giờ học mệt nhọc. Nếu không biết tính toán về nhu cầu và tìm một lối sống đơn giản, sinh viên dễ mất mục tiêu, đi lạc vào vòng luẩn quẩn kiếm tiền đến nỗi có thể bê trễ việc học hành.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT