Mẹo Vặt

Phân tổng hợp: Cách dùng đơn giản nhất

Tuesday, 07/11/2017 - 08:21:25

Thí dụ: Cỏ cần nhiều Nitrogen để làm xanh lá, nó sẽ cần đất cung cấp nhiều Nitrogen hơn là một cây xoài, cây ổi. Nếu cây sắp trổ hoa, đất cần phải cấp nhiều phosphorus cho nó hơn.

Bài VŨ HẰNG

Chúng ta đã biết phân tổng hợp bao gồm những dưỡng chất căn bản mà cây cối rất cần, gọi là N, P, K, nhắm vào baphần căn bản của cây, là lá, rễ, hoa và quả. Nhưng đến khi ra cửa hàng tìm mua một bao phân thích hợp thì chúng ta lại rối. Là vì họ trình bầy quá nhiều loại phân với đủ mọi tỷ lệ N, P, K khác nhau. Vậy muốn có câu trả lời cụ thể cho vườn nhà, Hằng đề nghị bạn suy xét vài điều sau đây:


Chúng ta thường nói "bón phân cho cây" mà thực ra là bón phân cho đất.

Bón phân cho cây, hay bón phân cho đất?

Chúng ta thường nói "bón phân cho cây," nhưng thực tế không phải như vậy. Chúng ta không bón phân cho cây, mà bón phân cho đất. Rồi, từ trong đất, phân trở thành dưỡng chất, nuôi dưỡng cây qua chùm rễ. Vì cây nhận dưỡng chất từ đất, nên đất tốt thì cây xanh, hoa đẹp, quả ngon, đất xấu thì hoa lá èo uột, trái quả lưa thưa.


Phân tổng hợp cân bằng NPK cũng gọi là "all purpose," phục vụ tất cả mọi nhu cầu.

Thí dụ: Cỏ cần nhiều Nitrogen để làm xanh lá, nó sẽ cần đất cung cấp nhiều Nitrogen hơn là một cây xoài, cây ổi. Nếu cây sắp trổ hoa, đất cần phải cấp nhiều phosphorus cho nó hơn.

Điều quan trọng nhà vườn cần nhớ là chúng ta bón phân cho đất để làm đất tốt lên, làm cho nó có đủ Nitrogen (N), Phosphorus (P), và Potassium (K) cung cấp cho cây theo nhu cầu phát triển.
Vậy giả sử bạn có một vườn Tu-líp sắp trổ hoa. Bạn phải làm gì? Theo lẽ thì phải bón phân có số P (Phosphorus) cao để vườn cây trổ hoa thật đẹp, đúng không?

Không đúng! Bởi vì, khi xem lại cấu tạo đất thì hóa ra đất vườn nhà bạn vốn có nhiều Phosphorus (P) rồi.
Nếu đất đã có nhiều P rồi, số P bạn cung cấp thêm chỉ là thừa, cây tiếp nhận không hết thì có cũng như không, lượng P thừa sẽ theo nước mưa chảy đi hết. Nói khơi khơi rằng cây sắp trổ hoa vậy chúng ta chỉ việc mua phân 5-10-5 để bón cho nó là không hợp lý.


Đơn giản nhất là chọn loại phân tổng hợp cân bằng NPK.

Vì thế, chúng ta phải bón loại phân nào cung cấp được dưỡng chất mà đất đang thiếu, chứ không hẳn là chất mà cây đang cần. Em xin nhắc lại: Phải bón thứ dưỡng chất nào mà đất thiếu chứ không phải là thứ mà cây đang cần. Giả sử đất vườn nhà bạn đã có nhiều P thì thứ phân bạn dùng - cho bất cứ một thứ cây nào, chứ không riêng gì Tulip, hoa hồng, hoa huệ… - không nên có Phosphorus. Nếu bạn lại biết thêm rằng, đất tuy có nhiều Phosphorus nhưng lại thiếu Nitrogen. Như vậy, khi đi mua phân, bạn phải kiếm bao phân nào có tỷ lệ gần gần như thế này: 20-0-5….. thì mới đáp ứng được nhu cầu của đất.

Tóm lại cung cấp tỷ lệ NPK theo nhu cầu của cây là không chính xác. Đúng hơn, chúng ta phải cung cấp NPK theo nhu cầu của đất.


Vì thế, lý tưởng nhất là phải thử đất thiếu gì rồi tìm cách đáp ứng.

Tuy nhiên, nói đi rồi phải nói lại, đúng là chúng ta phải cung cấp dưỡng chất cho đất, để từ đó đất nuôi cây. Nhưng thực tế, dưỡng chất nào mà cây cần thì đất cũng cần. Bởi vì đất phải cung cấp theo nhu cầu của cây, nên đất sẽ sớm hao hụt thứ dưỡng chất nào mà cây cần, và trở thành thiếu thốn thứ đó.

Lý tưởng và thực tế

Vậy lý tưởng nhất là chúng ta cần phải thử đất, xem đất vườn nhà mình như thế nào, rồi từ đó tìm phương thế đáp ứng. Nhưng thử ra sao? Phải gửi mẫu đất đến phòng thí nghiệm của các thầy cô hay tự làm ở nhà? Nếu phải gửi đến phòng thí nghiệm thì thực là chuyện to rồi, chẳng còn phải là mẹo vặt nữa.

Bởi thế, em mới rút ra kinh nghiệm như thế này: Ban đầu, mình hãy cứ bón một loại phân với tỷ lệ cân bằng (N, P, K ngang nhau), rồi xem cây phản ứng thế nào. Nếu thấy xuất hiện những phản ứng tiêu cực, như cây phát triển chậm, lá vàng vọt… rồi mình sẽ từ từ có biện pháp thích ứng.

Ai ngờ cứ đơn giản như vậy lại được việc. Nếu muốn dùng phân tổng hợp, Hằng đề nghị các bạn cứ thử như vậy trước.

Nói lòng ngay, em có được mẹo vặt này cũng là nhờ ông Cả Đẫn, một người không bao giờ làm vườn nhưng đầy một "bụng" sách, kể cả sách về trồng trọt. Hồi mới về sống với nhau, thấy ổng lúng túng, không nấu được ấm nước sôi cho vợ uống thuốc trong những ngày nằm cữ, Hằng vừa giận vừa buồn cười, mới gọi ổng là Cả Đẫn. Mặc dầu không còn ý nghĩa gì nữa, nhưng cái tên đã "chết" như vậy rồi.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

Advertisement

MỚI CẬP NHẬT