Tiêu Thụ

“Mò mẫm” với bản kê khai chi thu

Friday, 06/08/2010 - 04:14:57

Thật là một lời cam kết tròn trịa, chẳng sơ hở chút nào. Là một người không quen các thủ thuật chữ nghĩa, bạn không để ý một điều rất ...

Eric Trần /Viễn Đông

Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bạn muốn xin giảm tiền Mortgage để có thể giữ lại căn nhà sau 8 năm dựng xây vun đắp. Được giới thiệu với một văn phòng “luật sư” và nghe những cam kết như đinh đóng cột của họ, bạn bằng lòng đóng lệ phí 3.000 Mỹ kim, với hy vọng: Họ sẽ tích cực làm việc cho đến khi nào xin giảm được “sở hụi” hàng tháng, qua thủ tục Loan Modification; nếu rốt cục, không xin giảm được đồng nào, thì họ sẽ hoàn lại tiền lệ phí.

Thật là một lời cam kết tròn trịa, chẳng sơ hở chút nào. Là một người không quen các thủ thuật chữ nghĩa, bạn không để ý một điều rất bất lợi cho mình, đó là: Văn phòng “luật sư”  không cam kết sẽ hoàn thành công việc trong bao lâu: 3 tháng, 6 tháng, hay 1 năm? (Chúng tôi dùng chữ “luật sư” trong ngoặc kép, là vì có nhiều văn phòng tự nhận là luật sư, nhưng khách hàng không có cách nào kiểm chứng họ thực sự có phải là luật sư hay không). Với một lời hứa không có hạn kỳ như vậy, họ không bao giờ phải trả lời với bạn, hay đúng hơn, không bao giờ phải trả lại tiền cho bạn, dù họ làm việc không hiệu quả, hoặc có khi chẳng làm việc gì cho bạn cả!  
Quả thực như thế, sau 3 tháng chờ đợi cứu xét, bạn bị nhà băng từ chối. Nhưng bạn không còn một đường nào khác là phải tiếp tục đi theo họ. Và đây là diễn tiến của giai đoạn làm hồ sơ lần thứ hai.
Đúng ra, hồ sơ đã bị bác là phải “xóa bài làm lại”. Đó là điều chúng ta hiểu, và nhà băng cũng yêu cầu như vậy: Re-apply, tức là nộp lại toàn bộ giấy tờ, ngay cả những thứ vốn là giấy in sẵn, với nội dung cố định, không có gì thay đổi.  Nhưng cái văn phòng dịch vụ này lại chỉ nói bạn làm một bản kê khai tài chánh với số chi và thu được sửa đổi cho thích hợp hơn.

Bản Kê Khai Chi Thu (Financial Analysis)


Bản kê khai chi thu là một bản văn quan trọng nhất trong hồ sơ xin giảm nợ. Vậy xin mở  ngoặc để nói về 2 điều chính yếu liên quan đến bản văn này:

1 – Nhiều người cho rằng, mình đang xin giảm nợ thì mình phải cho nhà băng thấy hoàn cảnh khó khăn. Rõ ràng nhất là nộp cho họ một bản kê khai tài chánh, trong đó mức thu (tiền lương, lợi tức) ít hơn mức chi (ăn uống, tiêu dùng, hóa đơn điện nước…). Phải chứng tỏ mình thiếu hụt, thì “người ta” mới thương, mới giảm tiền cho mình. Quan niệm này, xin trả lời thẳng với bạn, là hoàn toàn sai. Bởi vì, phía chủ nợ sẽ nghĩ rằng, “Trong tình trạng chi nhiều hơn thu như vậy, thì làm sao quí vị giữ được căn nhà? Có giảm tiền cho quí vị bây giờ thì mai mốt quí vị cũng không có khả năng trả nổi. Tốt hơn, chúng tôi lấy lại nhà, đằng nào cũng lỗ thì chẳng thà làm sớm còn đỡ hơn làm trễ.” Với cái não trạng như thế, câu trả lời của nhà băng chắc chắn là: Từ chối (denied) không cho giảm tiền nhà, vì khách hàng không đủ Income; khách hàng có thể làm đơn lại nếu thấy tình cảnh của mình đã khá hơn, hoặc có thể bán nhà theo lối Shortsale.

Dĩ nhiên, bạn không muốn bỏ nhà, bạn phải nộp đơn lại. Nhưng phải kê khai chi thu như thế nào? Khai thiếu hụt thì đã bị từ chối, như vậy  khai thu vừa đủ chi, hay còn dư ra chút đỉnh? Dư bao nhiêu, để không bị coi là còn nhiều khả năng?
Quả thực là một câu hỏi khó, bạn không tự  trả lời được. Và đây chính là chỗ để phân biệt kẻ hay người dở trong số những văn phòng làm dịch vụ Loan Modification: Văn phòng nào tốt, văn phòng nào chỉ “nói dựa ăn tiền”?   

2 – Đáng tiếc, đa số các văn phòng dịch vụ mở ra vào lúc này là thuộc loại “nói dựa ăn tiền”. Không tích cực tìm hiểu tiêu chuẩn của nhà băng, họ chỉ làm một công việc là… mò mẫm: Kê khai kiểu này không được, thì kê khai kiểu khác. Cái văn phòng của bạn còn tệ hơn một mức: Thay vì làm lại từ đầu sau khi hồ sơ trước đã bị từ chối, họ chỉ bảo bạn nộp lên một bản kê khai khác. Vài tháng sau đó, bạn nhận được thư của nhà băng chỉ để nhắc nhở một điều ai cũng biết, nhưng văn phòng dịch vụ của bạn chưa biết: Làm đơn lại từ đầu! Rồi một tháng sau đó, bạn nhận được thông báo: Đơn xin Loan Modification của bạn bị từ chối.

Như vậy là sau hơn nửa năm theo đuổi văn phòng “luật sư”, hồ sơ của bạn đã bị từ chối 2 lần. Bạn lo lắng trước viễn cảnh đen tối sắp xảy tới cho gia đình. Cạnh đó là sự khổ tâm day dứt, khi nhận ra rằng mình đã đặt lòng tin sai chỗ, nơi những con người không biết làm việc, và cũng không hề có ý làm được việc. Nhưng bạn không thể khiếu nại được, bởi vì họ vẫn nói rằng hồ sơ của bạn chưa …. chết, lần này không xong thì làm lại lần nữa… Nhưng  6 tháng đã qua, liệu bạn có còn chút lòng tin nào mà đi tiếp với họ không?
Sau câu chuyện có thực của một người bạn Eric, chúng ta rút được kinh nghiệm gì? Phải đề phòng trước những lời cam kết của các văn phòng dịch vụ. Và cần hỏi rằng, họ có biết gì về tiêu chuẩn cứu xét của nhà băng hay không? Nếu họ cũng chỉ mò mẫm, thử nghiệm, bạn hãy chuẩn bị tâm lý đón nhận từ thất bại này qua thất bại khác! Còn người bạn của Eric đã làm gì sau khi phải chấp nhận sự thật ê chề đó? Xin hẹn bạn trong bài lần sau.

Eric Trần

Erictran15751@gmail.com


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT