Cảm Niệm Giữa Đời

Già ơi, ta xin chào mi nhé

Friday, 02/02/2024 - 12:07:47

Khi còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông

GG

Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ trên đời, rồi khi lớn tuổi, trải qua vài thử thách, mới biết sau yêu còn có chia tay. Điều mà người trẻ tuổi không bao giờ hoặc ít khi nào nghĩ đến! Lúc trẻ, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Khi có tuổi mới biết tình yêu “đến đó rồi đi, có đó rồi mất”. Từ những cảm nghĩ lạc quan của tuổi trẻ người ta lại bước sang tư tưởng bi quan của người già!

Lúc trẻ, cứ tưởng “yêu một người thì dễ, quên một người mới khó”. Người trẻ khi yêu hình như đã mặc nhiên công nhận vị trí “khó quên” của người bạn tình. Đến khi tuổi tác ngày một cao đã chứng minh điều ngược lại: người lớn tuổi thấy mình đã quên đi nhiều người mình đã từng yêu, quên một cách dễ dàng!

Lúc trẻ cứ tưởng tình yêu luôn dựa theo nguyên tắc “bình đẳng” qua triết lý “yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại”. Về già mới chợt nhận ra bài học kinh nghiệm đầy bất công của tình yêu: “có những yêu thương chỉ cho mà không nhận”. Nhà thơ người Anh, Abraham Cowley (1628-1667) đã phải thốt lên: “Of all the pain, the greatest pain/It is to love, but love in vain” - “Trong mọi khổ đau thì nỗi đau lớn nhất là tình yêu khi ta yêu người chắc gì người đã yêu ta”

Lúc trẻ cứ tưởng rằng “yêu một người là sống chết vì người đó”, giờ mới biết “yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình”. Đây không phải là lòng “tự ái” của con người khi về già mà là những điều mà nhiều người có tuổi rút ra được sau những cuộc tình “mù quáng” của thời thanh niên và thiếu nữ.

Người Pháp có câu: “Tình yêu là Bình Minh của hôn nhân, hôn nhân là Hoàng Hôn của tình yêu” và với kinh nghiệm bản thân, Socrates khuyên: "Hãy lập gia đình. Nếu lấy được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu lấy phải người xấu bạn sẽ trở thành một triết gia” (By all means: marry. If you get a good wife: you’ll become happy. If you get a bad one: you’ll become a philosopher).

Ngay từ lúc còn trẻ nhiều người cũng đã trở thành “triết gia” vì yêu. Họ thích định nghĩa tình yêu với những mỹ từ, mỹ ý khi lớn tuổi lại cuống cuồng vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả. Tại sao ư? Vì “tình yêu thật khó định nghĩa: nó đến bất chợt, đi bất ngờ, và để lại một vết thương lòng muôn thuở”!
Tình yêu quả là rắc rối. Lúc trẻ cứ tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, về già mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh, có chăng là mình đã không nhận thấy. Khi còn trẻ, phạm vi giao tiếp thường mở rộng, bạn bè giao thiệp rất đông. Đến lúc ở vào tuổi về hưu bỗng thấy mình cô đơn vì cuộc sống thu hẹp và người già thường “ẩn mình” trong căn nhà mình thôi.

Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm vì chung quanh toàn là người, về già mới hiểu những giây phút bên người thân quả là một sự ấm áp nhưng lại rất mong manh, trong khi đó, “nỗi cô đơn luôn ở bên cạnh”.

Lúc trẻ tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn mới biết có những thứ còn ngọt hơn cả kẹo. Người cha già trên giường bệnh nhận từ con viên thuốc đắng nhưng sao vẫn thấy ngọt. Người mẹ già ăn bát canh khổ qua nhưng không cảm thấy đắng vì sự hiếu thảo của con. Ông cha ta thường nói: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới” là vậy.

Lúc trẻ tưởng tượng rất nhiều, về già mới nhận ra: “chuyện cổ tích không bao giờ có thật”. Lúc trẻ, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, khi tuổi tác đã cao mới thấy thay đổi chỉ một người cũng khó, có chăng vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

Lúc trẻ cứ tưởng một khi thành “người lớn” là lớn, bây giờ mới thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn. Đến khi thật sự thành người lớn thì người ta mới hiểu: “không bao giờ bé trở lại được”. Đó là sự thật khiến cho nhiều người lúc bé cứ mong mình chóng lớn, giờ đây lớn rồi lại ước gì mình bé lại.

Lúc trẻ cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết: “được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất”. Lúc trẻ tưởng rằng “những gì đến rồi sẽ đi”, giờ mới biết: “khi niềm vui đến thường qua mau, còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi mãi”.

Lúc trẻ cứ nghĩ: “Tiền bạc, Tình yêu rồi mới đến Sức khỏe”, về già mới khám phá sự đảo ngược: “Sức khỏe, Tiền bạc, Tình yêu”. Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng về già “sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều”.
Cuối cùng, lúc trẻ cứ tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm.

Về già mới hiểu nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh. Johann Von Goethe đã từng nói: “Cái chết, ở một mức độ nào đó, là một điều vô lý bỗng trở thành hiện thực” (Death is, to a certain extent, an impossibility which suddenly becomes a reality).

(KC chỉ trích ra ít đoạn bài viết ghi là của tác giả NPN, nhận được qua email nên mình không rõ tên đầy đủ của người viết. Bức tranh 'The Kiss - Nụ Hôn' của hoạ sĩ người Áo Gustav Klimt)

FB Ngân Giang

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT