Mẹo Vặt

Trừ khử kiến (bài 2)

Vũ Hằng Tuesday, 13/08/2013 - 11:02:53

“Hằng ơi, cám ơn bồ đã viết một bài nghiên cứu rất vui về loài kiến. Nhưng kiến chúa hay kiến thợ, kiến đực hay kiến cái thì mặc chúng, mình đâu cần biết chúng là gì, điều cần thiết là làm sao để chúng đừng vào nhà mình mà phá kìa….”

Vũ Hằng

Các bạn biết “dân” số kiến trên thế giới hiện nay là bao nhiêu không? Tính bằng con số chắc không ai tưởng tượng được, nên các nhà khoa học mới đưa ra một hình ảnh cụ thể: Nếu có chiến tranh với kiến, thì mỗi một người, bất kể nam phụ lão ấu hoặc trẻ sơ sinh, sẽ phải đấu với 1.5 triệu con kiến! Nghĩa là, nếu cứ một giây bạn loại trừ được 1 “nàng” (bởi vì kiến đa số là giống cái), và một ngày 8 tiếng chỉ lo đối phó kiến – không giặt giũ, không nấu nướng, không dỗ con…. thì bạn sẽ mất 52 ngày. Để dành 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi, không giết kiến, bạn sẽ mất đúng 2 tháng. Đấy là mới xong riêng phần bạn, còn phần em bé chưa biết lẫy, 3 đứa lớn hiện đi học, ông xã còn đi làm... thì chưa tính. Bởi vì mỗi người đều được chia phần 1 triệu rưỡi con kiến, nên nếu phải lo giúp mấy người đó luôn, bạn sẽ mất trọn một năm trời. Nhưng trong khi bạn làm công việc đó thì kiến chúa không nằm im, nó sinh sôi theo tỷ lệ: Bạn giết được 1 con, thì kiến chúa cho ra đời…10 con khác. Công lao của bạn kể như công cốc!
Như thế diệt hay không cũng chẳng quan trọng, mà vấn đề là làm sao cho kiến khỏi quấy nhiễu mình nữa, như ý kiến một bạn đọc viết thư cho Hằng hôm trước: “Hằng ơi, cám ơn bồ đã viết một bài nghiên cứu rất vui về loài kiến. Nhưng kiến chúa hay kiến thợ, kiến đực hay kiến cái thì mặc chúng, mình đâu cần biết chúng là gì, điều cần thiết là làm sao để chúng đừng vào nhà mình mà phá kìa….”

Không mời không đến

Cám ơn bạn đã đặt vấn đề một cách rất thẳng thắn. Thì Hằng xin góp ý ngay: Cách tốt nhất là đừng tạo điều kiện cho kiến tìm đến nhà mình. Nhưng tại sao kiến đến nhà mình? Trong nhà mình có cái gì hấp dẫn kiến?
Trong nhà mình có nhiều thứ hấp dẫn kiến. Trên hết là đường (sugar), mật (honey) và các đồ ăn ngọt. Sau đó là đến xác côn trùng chết (như dán, ruồi, muỗi, bướm...). Ngoài vườn thì kiến có thể ăn lá, hút nhựa tiết ra từ thân cây, có giống kiến còn biết nuôi bọ cây (aphid) để hút lấy chất ngọt từ trong mình con bọ. Trong mùa hè, kiến thường bò vào nhà nhiều hơn, bởi ngoài trời quá khô và nóng, kiến khát nước, nên bò vào nhà để tìm nước. Trong đa số trường hợp, kiến thường không đến nếu không được … mời.

Như vậy, một phản ứng rất đơn giản là mình đừng có mời chúng bằng những món hấp dẫn kể trên. Cụ thể, em thường làm các việc sau đây:
1. Lau sạch: Các mặt bàn trong nhà, mặt quầy trong bếp, và nền nhà cần được lau chùi sạch sẽ bằng cách quét, hút bụi, lau rửa... thường xuyên. Đừng để các mảnh vụn thực phẩm vương vãi, nhất là sau khi ăn bánh, kẹo, và các thực phẩm có mật đường. Các quầy bếp, chỗ làm đồ ăn, cần được lau sạch, và khử trùng thường xuyên bằng DẤM hòa loãng với nước.
2. Đồ ăn, nếu để ngoài tủ lạnh, như các hộp bánh, kẹo, trái cây… cần phải được giữ trong những hộp đậy kín, khí trời không lọt vào được.
3. Bồn rửa: Xong bữa là rửa chén đĩa ngay, để trong bồn không có chén đĩa dơ, không có nước đọng, không có thực phẩm vương vãi…
4. Đồ ăn chó mèo: Để chén đồ ăn của chó mèo trong một cái tô lớn hơn, rồi đổ nước vào tô lớn, làm thành một cái hào nước quanh chén đồ ăn kiến không thể bơi qua được.
5. Xác côn trùng như gián, ruồi, muỗi... chết (kể cả xương cá, vảy cá…) thường được họ hàng nhà kiến chiếu cố tận tình, cứ như đến để đưa ma bạn thân vậy. Vì thế, nhà cửa cần phải được quét sạch và đi đổ rác thường xuyên.
Đây là những việc chúng ta thường làm, nên có lẽ không đòi hỏi gì nhiều nơi nội tướng. Có điều trong nhà không phải chỉ có chúng ta, việc quan trọng là phải nhắc nhở những người khác cũng giữ gìn như vậy. Chắc chắn kiến sẽ không còn lý do gì vào nhà mình nữa, bạn sẽ gạt hẳn ra ngoài được một mối bận tâm lớn.

Không mời mà tới

Tuy nhiên, dù có sạch sẽ kỹ càng cách mấy, vẫn có lúc bạn nhìn thấy một hai con kiến lảng vảng trong nhà, hoặc nhìn thấy một đàn kiến “dòng giây” đi tới…. Nếu cần phải đối phó tại chỗ, có vài điều chúng ta cần lưu ý:
1. Xử ngay tên thám báo (scout): Kiến là một loài côn trùng có bản năng tổ chức rất cao, với sự phân công rất khoa học và chặt chẽ. Chẳng hạn, trước khi đổ quân đến một điểm nào đó để lấy thực phẩm mang về, tổ kiến luôn luôn phái một vài con đi trước để dò đường. Có thể là một vài chị kiến mà bạn thấy lang thang cô đơn trên mặt bàn. Nhưng không phải “bò lạc” đâu, đây chính là những tên nữ thám báo. Chúng sẽ tìm dấu nước ngọt tràn ra ở đâu, mẩu kẹo bánh rơi xuống chỗ nào…. Rồi về tổ kéo thêm kiến thợ đến để cùng làm thịt chiến lợi phẩm. Vì thế, nếu không có ý định gài bẫy để tìm ra hang ổ của kiến, bạn phải mau mắn loại trừ ngay những tên thám báo này, đừng để cho chúng có cơ hội về tổ.
2. Kiến đã dòng dây đi tới: Khi bạn thấy đoàn kiến đang “dòng dây” đi tới, điều đó có nghĩa là bạn đã hơi chậm tay và kiến thám báo đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó bạn có thể dùng thuốc kiến, hoặc pha chút nước Javel (bleach) để xịt, rồi dùng một miếng khăn vải ướt để tóm lấy chúng.
Nếu kiến dòng dây trên mặt đất, thì lấy máy Vacuum (hút bụi) ra thâu tóm là tiện lợi hơn cả. Nhưng nhớ rằng khi kiến bị hút vào, chúng vẫn sống bên trong lòng máy! Và chúng ta không thể để như vậy được. Lấy bột Talcum Powder (bột rôm) hoặc bột DE (diatomaceous earth) rải trên lối đi của chúng rồi dùng cùng một máy Vacuum ấy hút bột lên. Đây là những bột giết kiến mà không gây hại cho môi trường. (Riêng việc dùng Talcum Powder để làm phấn rôm cho trẻ em thì có phần không ổn, cô giáo của Hằng nói như vậy. Để em hỏi thêm cô về chuyện này rồi trình lại các bạn trong một dịp khác.)
Tuy nhiên, nếu khám phá thấy tổ kiến ngoài vườn, hoặc nghi ngờ kiến đã làm tổ trong nhà, thì cách đối phó trên đây chỉ là tạm thời… gãi ngứa! Mình phải có biện pháp để đối phó với cả tổ kiến, hoặc làm cho chúng sợ mà bồng bế nhau đi nơi khác thì mới trừ được hậu họa.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT