Mẹo Vặt

Những vấn đề về Microwave

Vũ Hằng Wednesday, 17/07/2013 - 09:25:01

Gặp vấn đề phức tạp, mình đã có bác sĩ nhi khoa ngay bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng những câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, để đáp lại thịnh tình của bạn, em xin phép được nói riêng về cái microwave mà thôi.

Vũ Hằng

Có một lá thư Hằng nhận được đã lâu nhưng chưa có dịp đề cập. Không chừng người viết đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc của mình, và không cần đến những lời bàn dông dài này nữa. Nhưng thiết nghĩ vấn đề bạn nêu ra là điều có ích lợi chung, nên em xin mạn phép đăng lại ý kiến đó để chúng ta cùng bàn luận.
Thư bạn viết như sau: “H. có đọc bài viết của chị về Microwave. H. có 1 bé trai 9 tháng tuổi. Mới đây H. có đọc một bài báo, nói dùng Microwave không ảnh hưởng gì khi hâm đồ ăn cho bé. Từ đó, H. nấu cháo trên bếp cho mềm (nấu đủ để bé ăn 2 ngày), xào thịt vừa chín. Sau đó múc cháo vào tô, cho vào Microwave, khi cháo sôi thì bỏ thịt và rau vào. Nhưng H. phân vân không biết làm như vậy có ảnh hưởng gì không? Chị giúp H. nhé. Cám ơn chị nhiều.”
Trước hết, xin cám ơn sự tín nhiệm của bạn mặc dầu Hằng hoàn toàn không xứng đáng. Về việc săn sóc trẻ em, chúng ta ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm bản thân. Gặp vấn đề phức tạp, mình đã có bác sĩ nhi khoa ngay bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng những câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên, để đáp lại thịnh tình của bạn, em xin phép được nói riêng về cái microwave mà thôi.
Không ai phủ nhận những tiện lợi do lò Microwave mang lại kể từ ngày nó ra đời. Cho đến bây giờ, Microwave đã trở thành một tiện nghi không thể vắng mặt trong mọi gia đình trên nước Mỹ và các nước kỹ nghệ hóa…. chỉ trừ nước Nga. Không biết khoa học gia trong cái nước cộng sản này tài cán đến đâu mà năm 1976, họ phổ biến kết quả của một khảo cứu khoa học được nói là thực hiện suốt 20 năm trước đó, làm ầm ĩ về tác hại trong việc dùng Microwave để nấu nướng và hâm nóng thực phẩm, tiếp đó là lệnh cấm sử dụng Microwave trên toàn cõi nước Nga cho mãi tới năm 1986 mới được bãi bỏ. Nước Mỹ và các nước khác không làm ầm ĩ như vậy. Họ thừa nhận có một số nguy cơ về việc dùng phóng xạ điện từ trong microwave, nhưng sự rủi ro đã được hạn chế tới mức tối đa, và sự tiện lợi do Microwave mang lại thì quá nhiều, quá đủ để biện minh cho sự tồn tại của nó. Đó là tóm tắt những gì gọi là “điều qua tiếng lại” trong giới khoa học.
Tuy nhiên, giới nội tướng và nhất là những người còn đang nuôi con nhỏ vẫn tỏ ra quan ngại. Nổi nang hơn cả có Kate Tietje, một nách 4 con, lớn nhất 5 tuổi, và nhỏ nhất mới có 4 tháng, nhỏ hơn cháu bé nhà bạn H. trên đây nữa (Hằng bắt chước ông bà mình dùng chữ “một nách…” để nói về người phụ nữ có con nhỏ. Còn tại sao lại “một nách” nuôi con, thế “nách kia” nuôi ai, thì quả thực Hằng không hiểu. Bạn nào biết chỉ em với nhé!).
Suốt từ năm 2009 đến nay Kate không bao giờ dùng Microwave, với những lý do được cô nêu lên như sau:
Microwave nấu chín thực phẩm bằng tác dụng của những tia sóng điện từ (electromagnetic radiation) làm biến đổi cấu trúc nguyên thủy của đồ ăn. Những tia sóng điện từ này nguy hại đến mức nào? Kate trưng ra một khuyến cáo khoa học: Khi dùng microwave, bạn không nên đứng gần cửa lò, cũng không nên nhìn chằm chằm vào trong lò, là vì sóng vi ba có thể bắn ra chừng vài inches bên ngoài mặc dầu cửa lò đã được đóng kín. Cũng vì sự nguy hại của sóng điện từ mà Microwave bắt buộc phải có một dụng cụ an toàn tự động, đó là cái cửa lò: Khi cửa lò đóng lại chúng ta mới có thể bật “start” để sóng vi ba bắn ra. Nếu vì một lý do nào đó cửa lò bật mở thì lập tức tiến trình phóng xạ ngưng lại, để sóng vi ba không thể lọt ra ngoài.
Cũng như nhiều bà mẹ khác, Kate tin rằng rằng, sóng điện từ làm được việc hâm nóng, nhưng chắc chắn không tốt cho thân thể chúng ta nếu bị chúng bắn vào. Vậy còn thực phẩm nằm trong lò, mà lát nữa chúng ta sẽ lấy ra cho vào miệng, hiện đang bị phóng xạ trực tiếp thì sao? Chẳng lẽ không ảnh hưởng gì? Câu trả lời là điều ai cũng có thể suy ra được.
Quan ngại thứ hai cũng là một điều nhãn tiền, đó là thực phẩm xuất từ lò microwave trông không bình thường, và không giống như khi nấu bằng lửa. Ấy là chưa kể có những chỗ đã nóng ran, mà chỗ khác còn lạnh, nghĩa là nóng lạnh không đều. Sự bất thường đó Kate cho rằng do tác dụng của tiến trình “i-ông hóa” (ionization), mặc dầu khoa học nói rằng không có Ionization ở đây. Hằng nghĩ chúng ta khỏi cần mổ xẻ i-ông với i-bà làm gì, chỉ cần xác nhận rằng thực phẩm xuất lò Microwave trông khác thường và nóng lạnh không đều là đủ rồi.
Và sau cùng, khoa học cũng khuyến cáo: Đừng bao giờ dùng microwave để hâm nóng đồ ăn trong những túi, hộp plastic (như bình sữa của em bé). Chất BPA (gây trở ngại sinh hoạt tuyến nội tiết) và những hóa chất độc hại khác, vốn có trong đồ nhựa, dưới kích thích của nhiệt, sẽ tan hòa vào thức ăn, có thể đưa đến ung thư sau này. Tiến trình tan hòa xảy ra gần như vô hình, nhưng cũng đủ để di hại về sau.
Đó là tóm tắt ý kiến của những bà mẹ không ủng hộ Microwave khi làm thức ăn cho em bé. Còn ý kiến của Hằng hả? Chắc bạn cũng đoán được. Rất tiếc, cái thời “một nách” nuôi con thì Microwave chưa phổ biến. Bây giờ có Microwave rồi, “người ta” lại không còn khả năng cho mình em bé được nữa.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT