Mẹo Vặt

Khi nào không nên dùng sản phẩm giặt mềm

Vũ Hằng/Viễn Đông Thursday, 20/12/2012 - 09:32:24

Thực ra, miếng giấy đó không phải để làm cho thơm, mà được dùng để làm mềm quần áo trong khi sấy, gọi chung là Dryer Sheet, phổ thông nhất là giấy sấy thương hiệu Bounce. Dùng cho máy giặt thì có nhiều thứ nước gọi là Fabric Softener.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Lần trước, chúng ta có nói về phương pháp “giặt mềm” với những sản phẩm lúc nào cũng sẵn trong tầm tay, nhờ đó quần áo không bị cứng còng sau khi “xuất lò” mà vẫn giữ được sự mềm mại, dễ ủi, dễ gấp. Những sản phẩm ấy là giấm, baking soda, và một chút xà bông gội đầu Hair Conditioner. Nhưng có thể sự dễ dàng và giản dị như vậy lại có vẻ xa lạ với một số người, là vì các bạn ấy đã quen lấy một miếng giấy thơm bỏ vào trong máy sấy từ bao nhiêu năm nay, nên đâm ra “nghiện” cái mùi thơm của nó rồi. Thực ra, miếng giấy đó không phải để làm cho thơm, mà được dùng để làm mềm quần áo trong khi sấy, gọi chung là Dryer Sheet, phổ thông nhất là giấy sấy thương hiệu Bounce. Dùng cho máy giặt thì có nhiều thứ nước gọi là Fabric Softener.
Nếu chưa tin ở sự hiệu quả của những sản phẩm lành tính như giấm và baking soda, hoặc chưa thể bỏ được Dryer Sheet và Fabric Softener thì bạn nên để ý những điểm sau đây:

1. Có thể gây dị ứng trên da
Nếu cảm thấy dạo này em bé hay khóc, lột trần ra thì thấy da cháu nổi mề đay, có thể cháu bị ngứa do dị ứng da. Cùng lúc đó bạn cũng thường bị ngứa, cho rằng mình bị dị ứng nhưng uống thuốc không thấy bớt… nguyên nhân có thể do hóa chất từ trong sản phẩm “giặt mềm” này mà ra. Bởi vì những miếng dryer sheet hoặc nước fabric softener thực ra là các chất hóa học được ngụy trang bằng mùi thơm để hấp dẫn lỗ mũi người tiêu thụ. Chúng để lại một lớp màng gần như vô hình trên quần áo, để rồi từ từ xả hóa chất ra trên da người hoặc phả vào không khí cho mọi người cùng thở hít.
Cũng có ý kiến cho rằng, các sản phẩm giặt mềm làm cho da họ… nổi mụn vì lớp sáp (wax) mỏng chúng để lại làm nghẹt lỗ chân lông đối với những người có làn da cực kỳ mẫn cảm.
Gặp những hiện tượng ấy, bạn thử ngưng dùng Dryer Sheets hoặc Fabric Softener xem có thấy đỡ hơn không? Và đừng tiếc một lời khen dành cho… bà lang này nhé!

2. Không hợp một số mặt hàng vải
Đừng dùng sản phẩm giặt mềm với những mặt hàng sau đây:
- Lụa (silk): Vì hóa chất có thể làm cho màu lụa kém sáng!
- Quần áo chơi thể thao hoặc thể dục (workout) của một số nhà sản xuất (Dockers, chẳng hạn) có ghi rõ là không dùng Fabric Softener hoặc Dryer Sheet. Bởi vì các sản phẩm giặt mềm ấy sẽ vô hiệu hóa khả năng chống dơ, chống lem (stain defender) của quần áo. Muốn thử khả năng chống lem ấy, bạn đổ một chút nước lên quần áo Dockers, bạn sẽ thấy nước kết thành hạt và từ từ trôi đi, chứ không làm ướt quần áo. Nhưng đem giặt mềm với những hóa chất thị trường, quần áo sẽ mất đi cái tính năng mà Dockers rất lấy làm tự hào ấy.
- Các loại khăn tắm làm bằng sợi microfiber (sợi mịn): Bởi vì, hóa chất từ trong Fabric Softener sẽ để lại một lớp màng mỏng ngăn nước, không để cho nước thấm vào sợi vải.
- Các loại quần áo có ghi chữ Flame Retardant (chống cháy) như trang phục cho ma quỉ vào đêm Halloween, hoặc các bộ đồ ngủ (pyjamas).

3. Trở ngại máy sấy
Hóa chất trong sản phẩm giặt mềm có thể làm nghẹt ống thoát hoặc lưới rác trên máy sấy. Bạn có thể thử nghiệm bằng cách lấy lưới rác (lint); clean sạch, đổ một chút nước vào lưới, rồi quan sát xem nước có lọt qua không? Nếu không thì ắt hẳn lưới đã nghẹt! Và thủ phạm không ai khác hơn là lớp màng hóa chất do những miếng dryer sheet thải ra. Còn ống thoát thì khỏi cần chứng minh: Miếng giấy trắng bèo nhèo lòi ra ở đầu ống bên kia chính là… nó đấy. Cái “lỗ mũi” bị nghẹt thì không hiểu khói nóng thoát đi đâu nhỉ? Luồn vào nhà, và rất có thể gây hỏa hoạn nếu không thể thoát đi đâu được. Chính vì thế một số nhà sản xuất máy sấy có ghi rõ: Không dùng dryer sheet!
Để kết luận, chúng ta không nên coi dryer sheets hoặc fabric softener là những gì không thể thiếu ở phòng giặt. Nhưng nếu chưa thể… bỏ được nhau, bạn chỉ nên dùng chúng một cách rất hạn chế, bằng cách pha loãng nước Fabric Softener khi giặt, hoặc chỉ dùng nửa miếng Bounce khi sấy. Nếu chỉ có mục đích giặt mềm, bạn đã có sẵn những sản phẩm trong tủ bếp. Bạn biết tên chúng rồi phải không: Giấm và Baking Soda. Các nhà bảo vệ môi trường chắc sẽ rất thích câu kết luận này đấy.

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT