Mẹo Vặt

Bảo trì máy sấy

Vũ Hằng/Viễn Đông Thursday, 27/12/2012 - 07:24:04

Trong trường hợp nào chăng nữa, chúng ta cũng cần biết, để còn nhắc nhở và điều động quân lính chứ!

Vũ Hằng/Viễn Đông

Máy giặt và máy sấy là những “gia nhân” rất trung thành trong mọi nhà. Thỉnh thoảng chúng có to tiếng, nhưng rất ít khi càm ràm làm khó chủ nhân. Lần trước chúng ta đã nói về máy giặt, hôm nay xin nói về máy sấy để cho chúng được đẹp đôi. Cùng với máy giặt, cái máy sấy cần mẫn làm việc, tận tụy phục vụ chúng ta cho đến ngày “về hưu”. Ít ai để ý đến những bổn phận của mình đối với chúng. Riêng cái máy sấy, nếu được lưu ý đúng mức thì nó lại càng phục vụ hữu hiệu và lâu dài hơn. Những điều này, nếu may mắn có được người đàn ông chịu khó, họ làm rất dễ dàng và nhanh chóng, còn không thì nội tướng xăn tay áo làm cũng được. Trong trường hợp nào chăng nữa, chúng ta cũng cần biết, để còn nhắc nhở và điều động quân lính chứ!

Ổ cắm điện

Máy sấy, dù chạy điện hay chạy gas, vẫn cần một ổ cắm điện. Điều cần nhớ là phải dùng dây nối có 3 chấu (3 prongs), 2 chấu dẹt và 1 chấu tròn. Đừng bao giờ sử dụng những loại dây nối điện chỉ có 2 chấu dẹt. Trước khi làm bất cứ công tác gì về bảo trì hoặc săn sóc máy, phải nhớ rút dây khỏi ổ điện.

Ống xả (Vent)
Ống xả là đường ống dẫn khí nóng từ trong máy ra ngoài. “Ngoài” đây là ngoài trời, không ai dẫn ống vào trong nhà cả, bởi vì đây là khí nóng, có chứa nhiều bụi rác từ trong quần áo thải ra.
Ống xả là bộ phận cần lưu ý hơn cả, nhưng thường cũng bị lãng quên như số phận mọi bộ phận khác. Muốn máy làm việc hiệu quả y như những ngày còn mới, chúng ta cần lưu ý các điều sau:
- Tổng vệ sinh cho ống xả:
Mỗi năm ít là 2 lần, chúng ta làm tổng vệ sinh bằng cách ngoáy sạch lòng ống: Trước hết, gỡ ống ra khỏi lưng máy, rồi dùng một bàn chải cuống dài (brush) xỏ từ bên ngoài vào để clean. Bàn chải cuống dài giá chỉ có vài đồng, nhưng là một dụng cụ đặc chế rất thuận tiện để làm công việc này: Với một cái “đuôi” dẻo, uốn lượn theo lòng ống, nó có thể thọc sâu vào bên trong để làm việc. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy những đám bụi rác được đẩy ra, trông rất kinh hãi, từng dề, từng dề… đen lùi lũi. Lại có cả những miếng rác to hơn, vốn là “giấy thơm” mà bây giờ không còn thơm nữa, hoặc một cái vớ, một cái khăn tay… thất lạc lâu ngày. Cũng có thể bạn chỉ đẩy vào được một quãng ngắn rồi kẹt là vì rác rến đùn lên quá nhiều.
Thực đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, có đi vào trỏng để khám phá mới cảm thông cho nỗi khổ tâm của cái máy sấy. Nhưng không phải chỉ có cái máy sấy khổ tâm, mà cả cái túi tiền của chúng ta nữa. Là vì, khi ống xả không thông do rác rến cản đường, hơi nóng không thoát ra được hết thì máy sấy phải làm việc vất vả hơn mà vẫn không khô được quần áo. Khổ một điều là nó không tỏ ra dấu hiệu gì khác, ngoài việc chùi chũi “kéo cầy” lâu giờ, làm mất gas, mất điện nhiều hơn. Ấy là chưa kể, rác bụi khô nỏ trong lòng ống rất dễ bắt lửa, lại tiếp xúc với khí nóng thường xuyên, rất dễ đưa đến nguy cơ hỏa hoạn.
Giải tỏa đường thoát hơi là bạn đã làm được 2 việc lớn: Giúp cho máy sấy làm việc dễ dàng hơn và giải trừ nguy cơ hỏa hoạn.
Bây giờ bạn có thể… rút ra được rồi. Nhưng ông xã Hằng bảo là cứ để đó ngoáy thêm nhiều vòng nữa cho chắc ăn. Có thể đúng, bởi vì ổng có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này: Ổng là… thợ ngoáy mà! Có ai ngờ bí quyết là do ở cái lỗ… hay nói đúng hơn, cái “lỗ mũi” của máy: Thông hay không thông, đó mới chính là vấn đề đó bạn.
Biết được tầm quan trọng của ống xả, trong khi lắp ống chúng ta cần phải để ý đừng kéo ống căng quá có thể làm đứt dẫn đến rò khí, cũng như đừng đẩy máy lại quá gần, khiến cho ống bị đùn không thông được đường khí.

Những chuyện khác…
Ngoài chuyện cái lỗ mũi, chúng ta còn cần để ý đến một vài điều khác, tuy là lẻ tẻ nhưng không kém phần quan trọng, chẳng hạn:
- Lưới rác (lint trap): Nhớ phải lấy lưới ra, và “đổ rác” sau mỗi lần sấy, dù sấy nhiều hoặc sấy ít.
- Đừng chất quá đầy máy với những trang phục dầy nặng, như quần jean ướt, chăn mền, áo măng tô… Làm như vậy là bắt động cơ làm việc quá sức, nếu không chết máy ngay thì cũng giảm thọ. Tốt hơn, nên chia những thứ này ra làm 2, 3 lố, để giặt chung với những thứ quần áo khác. Nhờ đó, động cơ và phụ tùng máy sẽ bền hơn.
Sau cùng, nhớ phải để máy trên mặt nền bằng phẳng (máy giặt cũng vậy), bởi vì máy rung dữ lắm. Mặt nền không bằng phẳng là coi như cắt giảm một nửa đời hương phấn của máy đó.

Vuhang231@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT