Hoa Kỳ

Tin từ RFA: Hoa Kỳ và Việt Nam đồng ý nâng cấp lên ‘đối tác chiến lược’

Monday, 17/04/2023 - 11:42:07

Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng không có chứng cớ chắc chắn để kết luận về những gì thực sự diễn ra đằng sau các hiện tượng này nhưng bằng cách quan sát và phân tích các sự kiện, họ có thể phán đoán ra một số hàm ý của nó.

Antony Blinken
Ngoại Trưởng Antony Blinken đang thưởng thức nhạc Jazz tại Bình Minh Club ở Hà Nội đêm thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023. Ông đến Việt Nam hôm thứ Sáu và rời hôm Chủ Nhật. (Photo: U.S. Embassy in Hanoi/ Facebook)

Theo một nguồn tin không muốn nêu tên của đài Á Châu Tự Do (RFA) của chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược.”

Có nhiều chuyện xảy ra xung quanh chuyến thăm của Ngoại Trưởng Antony Blinken đến Việt Nam từ thứ Sáu đến Chủ Nhật vừa qua (14 – 16 tháng 4, 2023) khiến các nhà quan sát quan hệ Việt Mỹ quan tâm. Đó là những sự kiện liên quan đến việc ông Blinken gặp gỡ những ai ở Việt Nam và những gì xảy ra với ba nhà bất đồng chính kiến ngay trước khi phi cơ của ông Blinken hạ cánh xuống Nội Bài chỉ hai ngày.

Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng không có chứng cớ chắc chắn để kết luận về những gì thực sự diễn ra đằng sau các hiện tượng này nhưng bằng cách quan sát và phân tích các sự kiện, họ có thể phán đoán ra một số hàm ý của nó.

Đối tác chiến lược của Mỹ và Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác đa phương trong khu vực và đảm bảo an ninh, ổn định và sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia. Một số hoạt động đáng chú ý của đối tác chiến lược này bao gồm tăng cường hợp tác quốc phòng, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, hỗ trợ phát triển bền vững, tăng cường quan hệ giáo dục và trao đổi văn hóa.

Tiến Sĩ Hà Hoàng Hợp, một nghiên cứu gia tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, đưa ra nhận xét về những hàm ý có thể thấy từ lịch trình của Ngoại Trưởng Antony Blinken ở Việt Nam.

Ông Hợp nói với RFA, “Ông Blinken đã gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ Tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Bùi Thanh Sơn mà không gặp Chủ Tịch Nước và Chủ Tịch Quốc Hội của Việt Nam.

“Điều này cho thấy Thủ Tướng Phạm Minh Chính có sự chủ động cao độ trong quan hệ Việt-Mỹ. Cả hai bên muốn mối quan hệ của hai nước đi vào thực chất, nhắm trực diện vào các vấn đề chiến lược, chứ không mất thời gian vào những vấn đề có tính lễ tân, nghi thức.”

Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nhắc lại lần ông Phạm Minh Chính gặp ông Antony Blinken và ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Jake Sullivan ở Đại Sứ Quán Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn năm 2022, để thấy sự chủ động của hai bên là rất nhất quán.

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, có thể nhìn thấy sự chủ động tích cực xích lại gần nhau của cả hai phía trong sự kiện này.

“Hai ông Ngoại Trưởng Antony Blinken và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan nhận lời đến gặp Thủ Tướng Phạm Minh Chính trước hết thể hiện Mỹ cực kỳ chủ động và năng động trong mối quan hệ này.

“Lẽ ra Ngoại Trưởng Antony Blinken sẽ gặp Ngoại Trưởng Bùi Thanh Sơn, còn ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan thì gặp cả Bộ Trưởng Công An Tô Lâm và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang, thế nhưng các ông ấy cũng gặp Thủ Tướng Chính.”

TS Hợp cho rằng điều này cho thấy Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Mỹ, và Thủ Tướng Việt Nam đã vượt qua mọi nghi thức lễ tân để gặp gỡ trực tiếp với các cấp của Mỹ. Ông Hợp kết nối chuyến thăm năm 2023 này với cuộc gặp năm ngoái:

“Năm 2022, trong bữa tiệc Tổng Thống Joe Biden chiêu đãi đoàn ASEAN, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan được xếp ngồi giữa ông Biden và ông Chính, bỗng nhiên, sau khi nâng ly, ông Sullivan bỏ đi đâu đó, để cho ông Chính ngồi vào ghế của ông Sullivan vì ông Biden quay sang nói rất nhiều với ông Chính. Hai bên nói với nhau hơn 15 phút, để cho tám nhà lãnh đạo ASEAN còn lại ngồi nhậu với nhau.”

Tin cho hay trong chuyến thăm năm 2022 của ASEAN tới Hoa Kỳ, Campuchia là trưởng đoàn và họ không đồng ý các cuộc gặp song phương mà Hoa Kỳ phải gặp tập thể ASEAN. Như vậy, dường như Hoa Kỳ và Việt Nam đã bằng một cách nào đó ngồi riêng với nhau.

Nhìn lại quan hệ hai nước Việt Mỹ theo một quá trình như vậy, TS. Hà Hoàng Hợp chỉ ra rằng, lịch trình chuyến thăm của ông Antony Blinken ở Việt Nam vừa qua, chỉ gặp Tổng Bí Thư, Thủ Tướng và người đồng cấp, cho thấy hai bên muốn đi thẳng vào các vấn đề kinh tế và chính trị một cách thực chất.

Trong khi đó, Tiến Sĩ Nagao Satoru ở Viện Nghiên Cứu Hudson cũng nhận định với RFA rằng chuyến thăm của ông Blinken, với hai cuộc gặp với Tổng Bí Thư và Thủ Tướng, cho thấy kinh tế chính trị quốc tế là mối quan tâm chính chứ không đơn giản là ngoại giao theo kiểu xã giao.

Ông Nagao nêu ra rằng thương mại Việt – Mỹ hiện đang phát triển mạnh mẽ. Đây là một tình hình tốt để Việt Nam có tiềm lực để có thể dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào TPP và IPEF, những mạng lưới kinh tế không bao gồm Trung Quốc, với tư cách là một thành viên. Mặc dù có tạo ra một số vấn đề nhỏ giữa thương mại Mỹ – Việt, điều này cũng tốt cho Mỹ.

Tuy nhiên, TS Nagao cũng nói rằng Trung Quốc đang muốn vào TPP trong khi đó Mỹ muốn từ chối Trung Quốc. Oái oăm là nước Mỹ là nước đề xướng ý tưởng về TPP nhưng họ đã rời TPP từ thời Tổng Thống Trump nên Mỹ không còn quyền phủ quyết sự gia nhập của Trung Quốc. Mỹ cần thuyết phục các thành viên TPP khác từ chối cho Trung Quốc vào TPP. Đó là cũng là một lý do Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với Việt Nam.

Ông Antony Blinken đến Việt Nam ngày 14/4/2023 thì trước đó hai ngày, hôm 12/4, tòa án Hà Nội kết án nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng sáu năm tù giam và hai năm quản chế. Đồng thời, nhà hoạt động Thái Văn Đường (hay Đường Văn Thái) đang tị nạn ở Thái Lan bỗng mất tích khỏi nơi ở hôm 13/4, và ngày 16/4, Công An Hà Tĩnh thông báo đã bắt một người cùng tên vì “nhập cảnh trái phép.” Cũng trong dịp này, một số nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cho biết gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã được đến Hoa Kỳ tị nạn ngày 14/4/2023.

Liệu cả ba sự kiện liên quan đến ba nhà bất đồng chính kiến (một đã bị bắt, một bị kết án tù và một được tị nạn tại Hoa Kỳ) diễn ra ngay trước chuyến thăm của ông Blinken chỉ là sự ngẫu nhiên hay có mối quan hệ nào với chuyến thăm?

Các nhà phân tích được RFA phỏng vấn đã không thể trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn. Họ nhận thấy việc thả gia đình nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên có thể là “món quà” cho Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Ngoại Trưởng Blinken. Còn việc Nguyễn Lân Thắng bị kết án và Thái Văn Đường bị bắt là do chính trị nội bộ, với các quan chức cầu lợi ăn theo chính sách đàn áp những người bất đồng chính kiến.

RFA

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT