Hôn Nhân, Cuộc Sống

Ly dị muộn

Friday, 05/10/2018 - 08:47:05

Do đó, nếu bạn đem toàn bộ sức lực, toàn bộ gia tài “đặt cược” vào người đàn ông, thì cuộc sống sẽ trở nên bị động và phụ thuộc. Cho đến khi cuộc sống đã ổn định, cần anh ấy bỏ đi, bạn sẽ mất trắng.


(Getty Images)

Bài ĐOAN TRANG

Ly dị không bao giờ dễ dàng, nhưng thực tế đã có không ít các cặp vợ chồng trên 50 tuổi mà vẫn đi đến quyết định “đường ai nấy đi.” Tuy nhiên, đừng tưởng cứ ly dị là xong một “gánh nợ.” Những cuộc “ly dị muộn” thường gặp nhiều trở ngại hơn những người trẻ.

Tốn kém và đáng sợ

Năm 2011, G. Konop, chủ một nhà hàng bán thức ăn nhanh, 55 tuổi, quyết định ly hôn sau một cuộc hôn nhân 25 năm. Vào lúc chia tay, con trai của bà đã lớn, và có thể làm quen được cuộc sống thiếu vắng người cha. Nhưng cô con gái nhỏ thì không. Cô bé không chấp nhận gia đình đang ở chung một nhà, nay phải chia cắt. Một hôm, cô bé đi học và không trở về nhà. Sau đó, cô bé nhắn cho mẹ một lời duy nhất: “Con không muốn về nhà nữa.”

Các chuyên gia tâm lý khuyên những người đang có ý định ly dị nhưng con cái ở tuổi teen, chưa thật sự trưởng thành, cần cân nhắc, bởi quyết định ly dị có thể làm cho con trẻ bị sốc, và làm những điều thiếu suy nghĩ.

Sau 19 năm kết hôn, K. James, 50 tuổi quyết định ly dị bởi những bất đồng trong cuộc sống hôn nhân. Trước đó, cô đơn giản nghĩ rằng “còn hợp thì còn sống chung, không hợp thì chia tay cho khỏe.” Nhưng sau ly hôn, cô đã mất một thời gian khá lâu để điều chỉnh cuộc sống từ người có gia đình trở thành người độc thân, chứ không “khỏe” như cô nghĩ.

“Ngay cả khi bạn không có cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng nếu đã quen với tiếng cười, giọng nói của các thành viên trong gia đình, thì khi sống một mình, bạn sẽ thấy hiu quạnh biết dường nào,” James nói.
Ngoài cuộc sống cô độc, James còn bị sốc vì đã mất hơn $30,000 cho vụ ly dị ấy. Cô nói, “Nếu biết rằng ly hôn sẽ tốn kém đến như thế, tôi đã không ly dị.”

L. Cohen, một luật sư chuyên về hôn nhân gia đình ở Illinois, hiện đang phục vụ trong một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phụ nữ ly dị, chia sẻ: Nhiều người cứ nghĩ sau ly dị, học sẽ được tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, họ còn có những thân nhân khác, và bạn bè khắp nơi nữa. Nhưng thực tế, ngay cả các thành viên trong gia đình, hay bạn bè đều không thể sống chung với bạn dưới một mái nhà như người phối ngẫu, bởi ai cũng có cuộc sống riêng của họ, phải làm việc, và phải lo cho con cái, gia đình họ.

Giải thoát?

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều trường hợp chọn ly họn là nhằm giải thoát khỏi cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc, và thật sự họ đã đã có cuộc sống thoải mái hơn sau ly dị.

Vợ chồng ông bà H.T. sống với nhau gần 30 năm, có ba người con, tất cả đều đã trưởng thành, làm ăn xa, thỉnh thoảng về thăm ông bà. Một ngày nọ, ông chồng gọi phone cho người con trai nói mua cho ông một vé về Việt Nam chơi, vì lý do: Bố già rồi, chỉ còn mấy người bạn ở Việt Nam, nay bố muốn về thăm họ một lần.”
Nghe hợp lý, người con trai liền book cho cha vé khứ hồi đi Việt Nam. Ba tháng sau, người cha trở lại Mỹ, nhưng không đi một mình, mà có dẫn theo một cô gái trẻ, nhỏ tuổi hơn người con trai, và giới thiệu với vợ, “Đây là con gái của anh bạn thân của tôi. Trước khi mất anh ấy gửi tôi, nhờ chăm sóc cho đứa con gái này, nên tôi dẫn sang đây luôn. Có gì cô ấy chăm sóc cho mình lúc tuổi già.”

Dù không đồng ý và ngạc nhiên trước quyết định của chồng, nhưng bà vợ không muốn làm to chuyện, và để cô gái kia ở chung, coi như “con cháu trong nhà”, vì “bây giờ ra khỏi nhà thì cô ấy đi đâu khi chân ướt chân ráo sang một nơi xa lạ,” bà nói.

Tuy vậy, cô gái kia ngày càng lấn lướt, không muốn là “con cháu trong nhà”, mà muốn thành bà chủ nhà, thậm chí còn nói thẳng rằng bà hãy đi ở với những người con chứ ở đây không hợp. Kết cục, chính bà vợ là người làm đơn ly dị, dù đã bước sang tuổi lục tuần. Các con bà biết chuyện đã mời bà về ở chung. Ông chồng sau đó bị ngã, nằm liệt giường và qua đời không lâu sau đó. Người vợ lúc này mới tâm sự rằng bà đã phải chịu đựng người chồng gia trưởng suốt nhiều năm, và khi quyết định ly dị, về sống với con cái, bà mới cảm thấy cuộc sống “dễ thở” hơn.

Hãy là chính mình

Khi ly dị, phụ nữ thường là người thiệt thòi hơn đàn ông. Điều này càng rõ hơn đối với phụ nữ ở tuổi xế chiều, sau 50, hơn là phụ nữ trẻ, hoặc trung niên.

Khi quen và cưới nhau, người đàn ông thường hứa hẹn đủ điều, và luôn miệng nói rằng, “Anh sẽ yêu em đến trọn đời.” Nhưng thực tế, đây thực sự là câu nói đáng sợ nhất, bởi không ai có thể chắc chắn được điều gì, vì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Khi lập gia đình, G. Konop và K. James đều không nghĩ rằng sau khi sống thật lòng, hy sinh mọi thứ cho chồng, con thì sẽ được đáp lại bằng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhưng sau một thời gian dài sống chung, người chồng ngày càng thay đổi, thậm chí có những thay đổi tệ hại khiến người vợ không có sự lựa chọn nào khác là ly dị, cho dù sau đó họ có rơi vào tình cảnh khó xử với con trẻ tuổi teen, hoặc phải trải qua một thời gian dài để làm quen với cuộc sống cô đơn.

Do đó, nếu bạn đem toàn bộ sức lực, toàn bộ gia tài “đặt cược” vào người đàn ông, thì cuộc sống sẽ trở nên bị động và phụ thuộc. Cho đến khi cuộc sống đã ổn định, cần anh ấy bỏ đi, bạn sẽ mất trắng.

Dựa núi núi sẽ ngã, dựa người người sẽ chạy, chỗ dựa chắc chắn nhất chỉ có thể là chính mình. Nhưng cũng có thể chọn người chồng để tránh lâm vào thế phải quyết định ly hôn.

Phẩm chất của một người đàn ông sẽ được nhận biết qua thái độ của người đó đối với bố mẹ. Một người ngay đến bố mẹ ruột của mình mà không tôn kính, bản chất người đó không biết uống nước nhớ nguồn.
Còn người đàn ông quá hiếu thảo, thậm chí là “con cưng của mẹ” luôn nghe răm rắp lời mẹ, trong mắt anh ấy “mẹ chỉ có một, vợ có thể thay.”

Tính nóng hơn bản lãnh, chính là người đàn ông tệ nhất. Những người như vậy vô cùng coi trọng mặt mũi và tôn nghiêm của mình dù không ra gì, hễ bị xúc phạm thì luôn trút giận vào vợ yếu con thơ, để được thỏa mãn tâm lý. Hơn nữa, bạo hành gia đình chỉ có hai loại là: không có và luôn có, chỉ cần xảy ra một lần thì các lần sau sẽ luôn tiếp diễn, nên hành động mà bạn cho là nhẫn nhịn, thấu hiểu của bạn không những không cảm hóa được anh ấy, mà còn khiến anh ấy nghĩ bạn nhu nhược, đê tiện, trở nên càng đánh càng hăng. Do đó, người đàn ông nóng tính thích bạo hành, nhất định phải dứt khoát tránh xa.

Thật ra trong hôn nhân cái đáng sợ không phải là cãi vã, đôi khi hai bên bộc lộ được bức xúc của mình, vậy mà lại có lợi cho việc hiểu rõ đối phương và dễ thông cảm cho nhau. Điều đáng sợ nhất trong hôn nhân, chính là im lặng, chiến tranh lạnh, vì bản chất của hành động này chính là đang né tránh. Đôi khi chỉ là một hiểu lầm cỏn con, hai bên đều để dồn trong lòng, vấn đề từ từ nhem nhuống trở thành oán hận nhau.
Rất nhiều người vì muốn giữ lớp vỏ ngoài của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, không muốn bị người ta đàm tiếu, vì muốn “cho con mình một gia đình nguyên vẹn”, thường hay lựa chọn chịu đựng, nhưng đến cuối cùng, việc nhẫn nhịn của bạn không hề cứu vãn được tình hình, mà chỉ làm tổn thương bạn thêm, thậm chí tổn thương con bạn.

Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, hôn nhân ở tuổi xế chiều có khi là lối thoát, cũng có thể là bi kịch. Vì thế, một quyết định sáng suốt, cẩn trọng, sẽ luôn là “lối thoát”, mà không phải là bi kịch.
(Theo Marketwatch.com, Familyshare.com)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT