Người Việt Khắp Nơi

‘Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới’ và lịch sử khởi đầu của phố Little Saigon

Thanh Phong Monday, 14/08/2023 - 11:38:08

Người viết đã đọc từ trang đầu đến trang cuối và cảm nhận cả một công trình, vừa moi óc vừa tìm tòi nhiều tư liệu, hình ảnh để hoàn thành sách Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới mà từ trước đến nay chưa ai viết đầy đủ hơn về Little Saigon.

THANH PHONG
Du Miên- Ngọc Hà đồng tác giả sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” (Thanh Phong/Viễn Đông)

LITTLE SAIGON – Vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật, ngày 13 tháng 8 tới đây, ký giả Du Miên và phu nhân Ngọc Hà sẽ ra mắt cuốn sách “Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới” tại Thư Viện Việt Nam, và cặp đôi này xin kính mời tất cả quý đồng hương tới tham dự để biết và yêu mến, hãnh diện nơi mình đang sinh sống (Little Saigon) và tại sao tác giả gọi nơi này là “Việt Eden- Địa Đàng Hạ Giới”.

Từ ngày người Việt tỵ nạn đặt chân đến miền Nam Hoa Kỳ và sau đó thành lập “Little Saigon” để không quên những kỷ niệm quen thuộc của thủ đô Saigon yêu dấu đã bị đổi tên; từ đó đến nay đã có nhiều người viết về Little Saigon nhưng chưa có ai viết tỷ mỷ và dẫn chứng đầy đủ vừa bằng chữ viết vừa bằng hình ảnh và tư liệu quý hiếm như cuốn Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới do hai vợ chồng ký giả Du Miên – Ngọc Hà chủ biên.

Du Miên là tín đồ Cao Đài, qua Sách Sáng Thế Ký (Kinh Thánh Cựu Ước) ông biết khi tạo dựng vũ trụ và vạn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng một khu vườn mang tên Eden với đầy đủ cây cối xanh tươi, hoa trái ngon ngọt, chim chóc hót líu lo để hai nguyên tổ loài người Adam và Eva sống êm đềm hạnh phúc, không phải lo lắng cơm ăn, áo mặc. Nếu trên Thiên Đàng con người được sống vĩnh cửu thì dưới đất, Eden chính là vườn Địa Đàng.

Ký giả Du Miên, Ngọc Hà sống tại miền Nam California, và ông là một trong những người góp phần sáng lập ra Little Saigon. Trải qua gần nửa thế kỷ trên mảnh đất này, hai ông bà đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, từ khu đất trồng trái dâu hoang sơ biến thành khu phố thị sầm uất, từ chỗ bị chính quyền Hoa Kỳ không muốn người Việt tỵ nạn tập trung đông đảo một chỗ, người Mỹ kỳ thị không muốn thấy những bảng hiệu toàn chữ Việt, không muốn người Việt tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Quân Lực 19 tháng 6 (Nghị Viên Frank Fry sau là Thị Trưởng Westminster), thậm chí đòi trục xuất người Việt khỏi Quận Cam (Giám Sát Viên Harriett Wieder).

Nhưng nhà báo Du Miên viết trong lời giới thiệu: “Little Saigon quả là báu vật Trời – Phật –Tổ Tiên ban cho đàn lưu dân Việt,” và theo ông, “Mọi việc đều có “yếu tố thiêng liêng, Ý Trời cả,” và Ý Trời đã dành đất lành cho người Việt khắp nơi tìm đến và biến Little Saigon mà ông so sánh như vườn Địa Đàng Eden trong Kinh Thánh.

Sách dày 330 trang, trong đó tác giả chia thành ba Chương và một Phụ Lục. Bắt đầu Chương 1 từ trang 13 đến hết Chương 3 trang 224, tác giả ghi chép và có những hình ảnh dẫn chứng cụ thể từ ngày có danh xưng “Little Saigon” ngày 1 tháng 2, 1981 đến nay, trong đó có rất nhiều chi tiết thuộc loại “thâm cung bí sử” chưa ai viết và nhiều người chưa từng biết như ông nhà báo vẽ bản đồ, ông nhà giáo làm niên giám điện thoại, nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang từng bị một thanh niên địa phương tấn công bằng gậy baseball ngay trong phòng làm việc của ông, vụ sinh viên Lâm Văn Minh sẩy cò làm chết giáo sư Edward Lee Cooperman, đại học Fullerton, vụ án thầy giáo Trần Văn Bé Tư bắn gục ông Trần Khánh Vân.

Ngoài ra, có hai vị lãnh đạo tôn giáo xuất chúng. Linh Mục Đỗ Thanh Hà, người mạnh mẽ ủng hộ công cuộc kháng chiến phục quốc, có công vận động xây dựng Trung Tâm Công Giáo bề thế như hiện nay, và là vị Giám Đốc tiên khởi. Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, ngài là cao đồ của Tổ Sư Minh Đăng Quang, khai sáng Tăng Già Khất Sĩ ở miền Nam Việt Nam. Ngài là vị lãnh đạo Phật Giáo chủ trương hòa mình cùng các tôn giáo bạn ngay từ những ngày còn ở Việt Nam.

Cũng như LM Đỗ Thanh Hà, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên ủng hộ nhiệt tình các phong trào kháng chiến phục quốc. Vào thập niên 1990 ngài đã quỳ gối trước hai người đứng đầu cộng đồng tại Little Saigon để “xin các vị hãy cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ hiềm khích để phục vụ cộng đồng.”

Ít người biết về lịch sử bốn trụ cờ trên đại lộ Bolsa, việc kỹ sư Hồ Thành Việt bỏ dấu tiếng Việt vào computer, Trúc Lâm Yên Tử ngôi chùa đầu tiên ở Little Saigon. Chủ hệ thống Phở Hòa là ai? BDQ Đặng Văn Thạnh và phu nhân Yến cô nương mở nhà sách Tú Quỳnh tại Little Saigon ra sao? Chuyện Đại úy Cọp Rằn CNN Nguyễn Ngọc Chấn làm phim “Vì Tôi là Linh Mục” với các tài tử nào? Bolsa Ngũ Hổ gồm những ai tạo dựng nên Little Saigon? Và còn nhiều, rất nhiều những điều viết về Little Saigon mà một bài báo không thể giới thiệu hết cả một cuốn sách dầy tới 330 trang.

Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới

Người viết đã đọc từ trang đầu đến trang cuối và cảm nhận cả một công trình, vừa moi óc vừa tìm tòi nhiều tư liệu, hình ảnh để hoàn thành sách Việt Eden – Địa Đàng Hạ Giới mà từ trước đến nay chưa ai viết đầy đủ hơn về Little Saigon. Đây sẽ là một trang sử oai hùng của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại; một cuốn sách đáng để cho cư dân Little Saigon hãnh diện và làm món quà tặng cho bạn bè, người thân ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt qua câu trả lời của ký giả Du Miên, Chủ Bút tuần báo Saigon cũng là người vẽ bản đồ khu phố Saigon đăng trên báo Saigon, ông trả lời nữ ký giả Rosa Kwong, gốc Hồng Kông khi cô hỏi: Tại sao ông gọi là Phố Mới, Phố Saigon? Chủ bút Du Miên trả lời, “Ở quê nhà Việt Nam, Cộng Sản đổi tên thủ đô Saigon của chúng tôi rồi. Chúng tôi lập khu phố nhỏ, phố mới gọi là Phố Saigon. Saigon thủ đô của nước tôi lớn và hoa lệ, là “Hòn Ngọc Viễn Đông”… Còn ở Westminster đây, bất quá chúng tôi gom nhau lại thành một khu phố nhỏ, một góc chút xíu của Saigon hoa lệ ngày xưa.

Cô ký giả gốc Hồng Kông lặng yên một lúc khi thấy Chủ Bút báo Saigon rơm rớm nước mắt khi nhắc đến Saigon. Cô gật đầu chào mọi người, lặng lẽ bước đi. Vài ngày sau, trong bài tường thuật ngày 1 tháng 2 năm 1981, cô gọi khu phố bé tí, phố Saigon của tuần báo Saigon nói trên là “Little bit of Saigon.” Sau này người ta lần lượt bỏ bớt hai chữ “bit of” còn lại Little Saigon. Và danh xưng Little Saigon có từ đó, từ ngày 1 tháng 2 năm 1981.

Ngay trang bìa, với nét chấm phá ngoạn mục của họa sĩ Đinh Hiển, tức họa sĩ “Hĩm” mà những người cao tuổi ở miền Nam vốn đã nghe danh, họa sĩ vẽ ký giả Du Miên, vai mang ba lô, tay cầm cây bút rảo khắp mọi nơi săn tin, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cây bút khác thường, cây bút to như cây gậy, chắc hẳn họa sĩ muốn diễn tả điều gì đó về người ký giả, một Chủ Bút, một Chủ Tịch Hội Ký Giả, một Tổng Thư Ký Hiệp Hội Truyền Thông Việt Ngữ tại Hoa Kỳ.. .

Bức vẽ này đã có từ ba chục năm trước, đến nay ký giả Du Miên quyết tìm đến người họa sĩ mà ông yêu quý này, và trời không phụ lòng, Du Miên đã tìm được họa sĩ Hĩm, nay người họa sĩ này đang ở vào tuổi “bách niên giai lão,” ông đã ký tặng trên tấm bút họa và ghi dấu 2023.

Thi sĩ Kiến Hoa Võ Thành Đông đã dùng hình vẽ này trình bày trang bìa cho cuốn sách một cách trang nhã. Ngay trang đầu, tác giả để lời cảm ơn tất cả các nhiếp ảnh gia, phóng viên báo, ảnh, các đài truyền hình Hoa Kỳ – Việt Nam hải ngoại, những người ông biết được tên và cả những tấm hình ông không tìm được tên tác giả ông đều chân thành cảm tạ và xin phép để được trích đăng, “Tất cả đồng bào nhân chứng sống ấy đã là một trong nhiều thành phần đã đóng góp vào lịch sử hình thành Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới Little Saigon của chúng ta.”

Trích đoạn trong phần Kết của cuốn sách, tác giả viết:

“Liên tiếp sau sự ra đi lần lượt của những người từng gắn bó với giai đoạn đầu của Little Saigon: Mục Sư Nguyễn Xuân Đức – Đốc Sự Phùng Minh Tiến, ba con cọp trong nhóm “Bolsa Ngũ Hổ”: Đặng Văn Thạnh, Nguyễn Xuân Phước và Nguyễn Văn Thành. Nhiều bạn thân vừa hăm, vừa thúc: “Hai bạn (Du Miên, Ngọc Hà) không viết thì coi như đó là một dấu chấm hết. Các thế hệ tiếp nối sẽ mất cơ hội để hiểu rõ hơn về thuở ban đầu của Little Saigon.” Nên chúng tôi “cùng nhau” viết cuốn sách này như là cách thể hiện sự “nối bước” dưỡng phụ, dưỡng mẫu Việt Định Phương, Trúc Hà, đàn anh đàn chị Thanh Nam, Túy Hồng – hai đôi uyên ương trong trường văn trận bút, sống và chết với nghiệp báo, bên nhau như bóng với hình.”

Tuy đã dành trên 300 trang giấy để viết về Little Saigon nhưng đồng tác giả Du Miên – Ngọc Hà vẫn chưa thỏa lòng qua câu viết “Những sự kiện, nhân vật trong sách chỉ liên quan đến lịch sử lúc Little Saigon khởi lập. Bên cạnh lịch sử khởi đầu ấy, Little Saigon luôn sinh động, còn chờ thêm nhiều ghi chép trong tương lai.”

Ký giả Du Miên từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông, từng có các tác phẩm: 3 Năm ở Mỹ; Ngày Phải Tới; Việt gian, Việt cộng, Việt kiều và Việt Nam Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông.

Một nửa của ông, ký giả Ngọc Hà, một phụ nữ tài hoa, từng là Chủ Nhiệm Tuần báo Saigon, tuần báo Trường Sơn và Thời Báo. Ủy viên tiên khởi Hội Ký Giả Việt Nam Hải ngoại, và cũng là một phụ nữ nội trợ đảm đang. Hiện nay mỗi ngày đôi uyên ương này cùng sánh vai nhau trên đường từ nhà đến đài truyền hình VNA-TV, từ đài truyền hình đến Thư Viện Việt Nam để như Thanh Nam, Túy Hồng sánh vai nhau trong trường văn trận bút sống chết với nhau như bóng với hình. Sau giờ làm việc lại trở về nhà để cùng nhau săn sóc khu vườn với nhiều kỳ hoa dị thảo, với tiếng chim hót líu lo và bầy cá Koi khổng lồ bơi lượn trong hồ dài uốn lượn trong vườn. Phải chăng đây cũng là một Eden thu nhỏ mà đôi uyên ương Du Miên – Ngọc Hà đang tận hưởng trong Địa Đàng Hạ Giới tại Little Saigon?

THANH PHONG

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT