Thế Giới

Úc: Sống sót nhờ ngóc mũi lên trời

Thursday, 09/02/2017 - 10:07:35

Ông đã dùng hai tay chống lưng thật mạnh để cố đưa lỗ mũi của mình lên trên mặt nước trong nhiều giờ để khỏi chết ngộp. Cuối cùng một người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu của ông cách đó đến 500 mét đã vội vã báo động.

Ông Miller ngửa mũi lên trong hai tiếng đồng hồ. (YouTube)


Daniel Miller thoát chết ngộp nhờ nhanh trí và nhờ dùng một phương pháp Yoga. Vào ngày thứ Ba vừa qua, ông Miller, 45 tuổi, đang lái xe xúc đất hoạt động trong khu vực nhà riêng của ông, cách thành phố Sydney khoảng 180 dặm về hướng bắc thì chiếc xe mất đà và lao xuống một cái đập. Xe bị hoàn toàn ngập trong nước bùn và ông Miller bị kẹt cứng không sao mở cửa thoát ra được.
Ông đã dùng hai tay chống lưng thật mạnh để cố đưa lỗ mũi của mình lên trên mặt nước trong nhiều giờ để khỏi chết ngộp. Cuối cùng một người hàng xóm nghe tiếng kêu cứu của ông cách đó đến 500 mét đã vội vã báo động.
Vợ của ông, bà Saimaa, viết trên Facebook rằng chồng bà đã bị kẹt cứng dưới nước khoảng 5 giờ, nhưng toán cứu cấp cho hay chỉ khoảng hơn 2 giờ mà thôi. Ông Miller nói, “Tư thế rướn người của tôi là tư thế rắn hổ mang, đúng theo một bài tập Yoga. Mặc dù tôi không tập Yoga nhưng cũng có thể nói Yoga đã cứu tôi, và cũng may là trời không mưa, nếu không là xong rồi.”
Nell Stephens, một thanh tra cảnh sát, cũng nói, “Ông này may mắn thật.”

Mã Lai Á giúp dân Rohingya ở Miến Điện
Một chiếc tàu từ Mã Lai Á chở phẩm vật tiếp tế cho dân Hồi giáo Rohingya ở tỉnh bang Rakhine phía bắc Miến Điện đã cập bến ở cảng Yangon, nhưng lại bị một nhóm nhỏ gồm nhiều người dân Miến Điện đến phản đối. Chiếc tàu này sẽ đưa xuống 500 tấn hàng cho Yangon, sau đó sẽ mang 2,200 tấn hàng còn lại đến vùng đông nam của Bangladesh.
Có khoảng 69,000 cư dân Rohingya đã bỏ trốn từ Miến Điện sang trú thân ở Bangladesh từ bốn tháng qua, từ khi lực lượng an ninh của Miến Điện tung ra cuộc trấn áp lớn lao nhắm vào họ ở Rakhine.
Mã Lai Á là quốc gia có đông đảo tín đồ Hồi giáo, trong lúc dân chúng Miến Điện lại đa số theo Phật giáo. Người dân ở Yangon không hoan hô việc tàu tiếp tế phẩm vật cho người Hồi giáo Rohingya cập bến ở thành phố của họ.
Chính phủ Mã Lai Á lại lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Miến Điện về tình hình trấn áp người Rohingya, dù Miến Điện chính thức bác bỏ không hề có chuyện này, chỉ là nhằm vào “phiến quân quậy phá ở vùng biên giới phía bắc mà thôi.”

Thổ Nhĩ Kỳ: Binh sĩ bị máy bay Nga bắn lầm
Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để gửi lời phân ưu đến thân nhân các binh sĩ Thổ thiệt mạng trong một vụ oanh kích lầm. Nga xác nhận các chiến đấu cơ của họ đã oanh kích nhầm vào lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria hôm thứ Năm, khiến ba binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị giết và 11 người khác bị thương.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay là một quả bom do máy bay Nga thả đã rơi vào một tòa nhà nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng quân, khi một chiến đấu cơ của Nga nhắm đánh phá lực lượng của phiến quân Daesh trong chiến trận giành giật thành phố al-Bab. Hiện nay cả hai phía đều đang cho điều tra riêng để tìm hiểu vụ oanh kích lầm này.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang cố hợp lực với nhóm kháng chiến của Syria nhằm lấy lại thành phố al-Bab từ tay nhóm IS. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các phe khác nhau trong chiến trận Syria, nhưng họ cùng chống lại nhóm IS. Hai quốc gia đang nỗ lực xích lại gần nhau sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Nga trước đây.

Ấn Độ: Chết vì hôn rắn hổ mang
Một thanh niên Ấn Độ 21 tuổi đã qua đời trong bệnh viện vì nọc độc của rắn hổ mang, sau ba ngày chiến đấu chống lại tử thần. Anh Somnath Mhatre được biết đã cứu con rắn này từ phía dưới một chiếc xe hơi tại Navi Mumbai, cách thành phố Mumbai khoảng 16 dặm. Anh là một người chuyên bắt rắn độc và hay thực hiện nhiều màn “đứng tim” với chúng, thí dụ như anh hay tìm cách hôn chúng trên đầu.
Anh đã bị con rắn này cắn vào ngực khi biểu diễn như thế và được chở cứu cấp vào bệnh viện nhưng vẫn không xong. Ông Pawan Sharma, một thành viên của Hiệp Hội Resqink Association of Wildlife Welfare, cho biết, “Những màn gay cấn do người bắt rắn thực hiện nên được chính phủ cấm hẳn, chúng tôi đang hối thúc các cơ quan nên ra các cảnh báo như thế.”
Có hai người bắt rắn độc khác cũng thiệt mạng trong cùng khu vực của anh Mhatre từ 5 tháng qua. Từ 12 năm qua, ở Ấn Độ đã có 30 cái chết của những người tìm cách “làm xiếc” giật gân với rắn độc.

Pháp: Nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn
Công ty EDF chuyên về điện của Pháp và các viên chức địa phương cho hay một vụ nổ đã xảy ra tại một nhà máy điện nguyên tử của Pháp hôm thứ Năm khiến vài nhân viên nhà máy bị thương, nhưng theo các viên chức thì vụ nổ không gây ra tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong vùng. Vụ nổ xảy ra tại phòng máy nhưng không phải tại các lò phản ứng nguyên tử.
Ông Olivier Marmion, một chuyên gia điện tử của nhà máy, cho báo chí hay, “Đây là một tai nạn kỹ thuật khá mạnh nhưng không phải là một tai nạn nguyên tử.” Các nhà điều tra tin là vụ nổ không phải do phá hoại cho nhà máy điện nguyên tử ở Flamanville, nằm cách phía tây của Cherbourg khoảng 15 dặm.
Nhà máy này, vốn nằm gần duyên hải phía bắc của Pháp, gần eo biển Channels, bắt đầu hoạt động từ những năm 1980 và hiện nay nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa rõ. Có 5 nhân viên của nhà máy bị ghi nhận bị thương nhẹ trong vụ nổ và không có ai bị thương nặng cả.

Bắc Hàn bị tố khai thác lao động trẻ em
Vấn đề chính phủ Bình Nhưỡng khai thác lao động trẻ em sẽ được mang ra thảo luận ở Geneva do Liên Hiệp Quốc tổ chức vào thứ sáu tuần này. Cơ quan Human Rights Watch và 3 tổ chức nhân quyền của Nam Hàn cho hay các viên chức Liên Hiệp Quốc đã được thông báo về tình hình trẻ em Bắc Hàn bị khai thác lao động tàn tệ ra sao.
Ngoài ra các viên chức còn muốn Liên Hiệp Quốc đề cập đến vấn đề con cái của các phụ nữ Bắc Hàn đang bị kẹt ở một quốc gia thứ ba, thí dụ như họ bị kẹt ở Trung Quốc. Được biết hai thiếu nữ Bắc Hàn tên Jeon Hyo-win, 16 tuổi và Kim Eun-sol, 18 tuổi, sẽ ra điều trần trước Liên Hiệp Quốc ở Geneva về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em ở Bắc Hàn.
Kim cho hay khi được 13 tuổi, em đã phải làm tôi mọi trong một gia đình Hắc Hàn mà không có lương vì mẹ của em bỏ sang Trung Quốc làm việc và sinh sống, còn Jeon thì phải bỏ học và bị ép lao động hàng ngày vì cha của em không có đủ tiền trả học phí cho em.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT