Chuyện Nước Pháp

Truyền thống chơi nhạc tự do trong mùa hè

Wednesday, 02/09/2015 - 07:59:07

Đến nay đã là 79 năm mà tôi thấy trên mạng vẫn còn bán CD nhạc này giá đắt và bán chạy, dĩ nhiên là trình bày bởi lớp hậu sinh khả úy về sau.

Bài NGUYỄN THỊ NGỌC DIỄM

Năm 1982, lần đầu tiên Bộ Văn Hóa (trong số 16 Bộ của chính quyền Pháp) - với bà Bộ Trưởng hiện nay năm 2015 là một người đẹp gốc Đại Hàn được nhận làm con nuôi tên họ là Fleur Pellerin - đã ban hành luật lệ cho phép công dân cả nước tổ chức chơi nhạc tự do vào ngày 21 tháng 6 mùa hè, khi trời đẹp và ấm áp, tuy cũng có lúc gió mưa không đúng lúc. Thường khi đây là ngày Chủ nhật.
Từ giới tài tử cho đến dân nhà nghề tổ chức sô trình diễn, mọi người tha hồ thưởng thức âm nhạc đủ loại như nhạc rốc cuồng loạn với giới trẻ, nhạc thính phòng và nhạc vàng cho đa số dân chúng, nhạc jazz trầm buồn nức nở than thân trách phận, nhạc ráp mới nhất vừa hát vừa nói láp giáp kể chuyện thật khó hiểu dù rất sống động, dân ca kèm theo vũ điệu địa phương rất vui vẻ...
Tính sổ đã được 34 năm tuổi ngày lễ biến thành truyền thống của dân Pháp nhờ tất cả các sô diễn rất giá trị cũng là miễn phí cho tới các màn ca hát tài tử diễn ra khắp nơi với vài ba dụng cụ âm nhạc cũng đủ gây náo nhiệt hào hứng vì có đông đảo người tham gia.

Chương trình buổi lễ âm nhạc tại quận 1, thành phố Paris ngày 21 tháng 6 năm 2015.



Tầm vóc thành công không ngờ vô cùng tốt đẹp, nhất là có sự hợp tác trung thành của hãng tư nhân duy nhất bảo vệ tác quyền các bản nhạc lừng danh tên là SACEM (Société des Auteurs, Compsiteurs et Editeurs de Musique) và đã gợi hứng cho cả thế giới bắt chước. Năm 1985 nó được "xuất cảng" ra khỏi Pháp nhân dịp năm Châu Âu chơi nhạc, rồi từ đó đến nay có hơn 100 quốc gia trên toàn quả đất cùng tổ chức ngày lễ trẻ trung này mang đến nhiều hạnh phúc cho dân chúng vui chơi thưởng ngoạn khắp nơi vào cuối tuần.
Buổi lễ đã diễn ra vào ngày 21 tháng 6 năm nay, nhất là ở thủ đô Paris với 20 quận có chương trình rất phong phú với những cuộc biểu diễn âm nhạc do giới nhà nghề hay tài tử đảm nhiệm với chủ đề "Cùng nhau thưởng thức âm nhạc." Năm ngoái, họ đã xoay quanh câu chuyện "Nhạc Thành Phố."
Tôi xin mời độc giả theo dõi mở đầu buổi lễ được tường thuật lại theo thứ tự tại quận số 1 của thành phố hoa lệ trang nhã Ba Lê, rồi quận 2, v.v. với sự chọn lọc là quận 1 vì có gần 60 cuộc trình diễn đặc sắc!
Qua thế kỷ thứ 21, chúng ta đã quen dùng những thứ điện thoại tối tân cầm tay. Ai cũng biết và có thể sử dụng được, nhưng áp dụng nó vào buổi tổ chức chơi nhạc nhà nghề gọi là "tham gia từ khán giả" thì quả thật mới lạ và hấp dẫn!
Địa điểm tổ chức là Công Viên Hoàng Gia, từ 14 giờ rưỡi với ban nhạc được mời trước bởi Bộ Văn Hóa và Thông Tin là Amazing Key Stone Big Band với chủ đề "Pierre và Con Chó Sói... Với Nhạc Jazz." Đây là một công trình sáng tác của nhạc sĩ Nga tài giỏi Serge Prokofiev (1891-1953) viết lời và nhạc từ truyện cổ tích dành cho trẻ em với mục đích giúp chúng khám phá và hiểu biết về nhạc jazz là thế nào mà không bị chán vào năm 1936.
Đến nay đã là 79 năm mà tôi thấy trên mạng vẫn còn bán CD nhạc này giá đắt và bán chạy, dĩ nhiên là trình bày bởi lớp hậu sinh khả úy về sau.
Tóm tắt câu chuyện và các dụng cụ âm nhạc tượng trưng cho các nhân vật như sau: Pierre là một cậu bé sống với ông nội trong miền quê xứ Nga. Vào hôm đó, cậu quên đóng cửa vườn nhà. Thế là một con vịt hoang lợi dụng thời cơ chui vào muốn xuống tắm ao gần đó. Nó đụng đầu và cãi cọ với một con chim. Nghe tiếng lộn xộn, một chú mèo mon men tới chộp chim. Nhờ cậu bé kịp thời báo động, chim bay vút lên cây trốn tránh.
Ông nội hay được vừa càu nhàu vừa kéo thằng bé vào nhà đóng cửa lại vì sợ chó sói sẽ đến viếng! Quả nhiên, nó tới kiếm ăn. Chú mèo sợ hãi trốn lên cây khác, con vịt khờ khạo từ dưới ao lên bị sói đớp ngay. Pierre bèn ra khỏi nhà, cậu leo lên cây với sợi dây thừng và nhờ chim bay vòng quanh sói đánh lạc hướng nó. Thế là sói bị kẹt phần đuôi cột chặt bởi dây luộc. Cùng lúc, vài thợ săn mò tới định bắn hạ sói nhưng bị Pierre cản ngăn. Cuối cùng, cả bọn người lớn và cậu bé cùng nhau tiến tới trong chiến thắng là đưa sói về sở thú để nuôi chứ không sát hại nó.
Lúc người kể đọc chuyện, các nhạc sĩ dùng dụng cụ âm nhạc chơi jazz tượng trưng cho từng "nhân vật" trong truyện (nhân cách hóa các con thú) để chêm vào phụ họa rất tinh tế. Pierre, nhân vật chính là ban chơi đàn dây (gồm có vĩ cầm, hồ cầm và đại hồ cầm) với tính cách can đảm ngây thơ. Ông nội (hay ngoại) là kèn basson (âm thanh sâu, mạnh như cau có). Con chim là sáo ngang với âm thanh trong veo như pha lê. Con vịt là kèn hautbois và âm thanh êm nhẹ vùng quê. Chú mèo là kèn nhỏ clarinette cho âm thanh tinh quái, nhẹ như bước rình của nó. Con sói dữ thì là kèn "cor" và các hợp âm đậm màu đen tối. Các thợ săn là dàn kèn phối hợp với trống gây nhịp đi kích động hùng mạnh.
Sự phối hợp tài tình giữa các yếu tố lời kể và dụng cụ âm nhạc lồng trong cốt chuyện tuy dành cho trẻ em đã đưa đến mức tuyệt vời và làm cho công trình nghệ thuật nói trên sống mãi theo thời gian vì người lớn cũng thật sự yêu chuộng. Ban nhạc có thể là dàn đại hoà tấu giao hưởng (nhạc cụ dùng dây, chất đồng, chất gỗ và gõ) hay nhỏ hơn (thính phòng) với vài nhạc sĩ.
Trên màn ảnh nhỏ Youtube, cả trăm ngàn người vào xem từ những màn chỉ dài có mấy phút cho tới khoảng gần 1 giờ do người Pháp thực hiện và cả công ty hoạt họa Hoa Kỳ Walt Disney cũng phóng tác theo (Peter and the Wolf) rất ăn khách.
Khán giả đứng coi thật đông đảo và thưởng thức với những tiếng vỗ tay rầm rộ trong khi các em bé chiếm thiểu số. Từ 6 giờ rưỡi đến 7 giờ chiều là phần biểu diễn mới lạ của nữ nhạc sĩ sáng tác kiêm DJ tên là Chloé chuyên về nhạc điện tử ứng dụng vào điện thoại di động cầm tay loại thông minh (Smartphone) với sự hợp tác từ phía khán giả.
(còn tiếp 1 kỳ)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT