Tiêu Thụ

Trước thềm đại học: Những điều cần biết về student loans

Friday, 19/08/2016 - 10:33:01

Tốt nhất, tổng số nợ nần phải ít hơn số lương bạn dự trù kiếm được trong năm đầu tiên. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải trả nợ ngay trong năm đầu đi làm. Thực ra, bạn chỉ có thể trích ra 10% để trả nợ, với hy vọng sẽ trả hết nợ nần trong vòng 10 năm.

Bài ERIC TRẦN

Những câu chuyện đầy màu u ám của một số sinh viên đã tốt nghiệp như đã kể trong các bài trước không có ý làm các bạn trẻ chùn chân, không dám bước vào ngưỡng cửa đại học. Dù thế nào chăng nữa, học vấn vẫn là con đường chính đáng nhất đưa từng người, và cả xã hội đi lên. Dĩ nhiên, việc vay tiền để đi học – student loans – vẫn là phương thế thuận tiện nhất giúp chúng ta thực hiện ước mơ học vấn. Nhưng để khỏi bị oằn vai bởi gánh nặng nợ nần, chúng ta cần biết tận dụng những lợi thế của students loans, cũng như sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Sau đây là một số nhận xét căn bản cần được đặt ra với các bạn sắp vào đại học và những người có liên quan.

1. Đừng vay nhiều hơn tiền lương năm đầu tiên

Dự đoán tổng số nợ nần bằng cách lấy số nợ một năm nhân với số năm học trước khi tốt nghiệp. Rồi ước lượng số lương của công việc mình muốn nhắm tới là bao nhiêu bằng cách tham khảo những trang mạng ích lợi như salary.com, payscale.com hoặc glassdoor.com. Dĩ nhiên, đây chỉ là những ước lượng hầu cho bạn vài ý niệm căn bản để so sánh.

Tốt nhất, tổng số nợ nần phải ít hơn số lương bạn dự trù kiếm được trong năm đầu tiên. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải trả nợ ngay trong năm đầu đi làm. Thực ra, bạn chỉ có thể trích ra 10% để trả nợ, với hy vọng sẽ trả hết nợ nần trong vòng 10 năm.

Giáo sư Mark Kantrowitz, giám đốc công ty tư vấn sinh viên trên mạng edvisors.com, phát biểu: Không nên bỏ ra tới 15% số lương để trả nợ, bởi vì bạn sẽ phải thắt lưng buộc bụng, làm cho đời sống trở nên nặng nề vất vả với phần lương còn lại. Nếu phải vay mượn nhiều, bạn nên suy nghĩ cách giảm nợ, chẳng hạn tìm cách cắt giảm chi tiêu trong thời gian đi học, tăng thêm nguồn tài trợ từ tiền tiết kiệm, từ tiền quyền lợi về thuế (education tax benefits), từ sự giúp đỡ của cha mẹ.

2. Nỗ lực tìm nguồn trợ cấp

Trợ cấp có thể gọi là “free money”, tiền cho không biếu không, không trả lãi, trả vốn. Đối với sinh viên, có nhiều nguồn trợ cấp như grants và scholarships. Có thể tìm chi tiết từ các trang mạng fastweb.com, studentscholarshipsearch.com và collegescholarshipsearch.com. Theo cô Sallie Mae, tác giả công trình nghiên cứu “How America Pays for College 2013 Report”, thì có tới 30% chi phí đại học hiện nay được chi trả bởi những loại “free money” như thế.
Giáo sư Kantrowitz nhận xét, “Đa số những chuẩn sinh-viên cứ chờ tới mùa xuân cuối cùng trong trường trung học rồi mới bắt đầu nghĩ tới chi phí đại học. Như vậy là quá trễ, bạn đã bỏ mất ít nhất một nửa số cơ hội rồi.” Giáo sư cho rằng ngay từ những năm tiểu học bạn đã có thể bắt đầu săn tìm học bổng để dành cho những năm đại học được rồi. “Bạn có thể tham gia công tác cộng đồng có tính điểm, hoặc những cuộc thi có thưởng như National Spelling Bee, Doodle 4 Google. Tìm học bổng trong cộng đồng sắc tộc của mình, hoặc nơi công tư sở của cha mẹ mình, tại sao không?

3. Chính phủ trước, tư nhân sau

Mỗi năm trong đại học, bạn nên nộp đơn Free Application for Federal Student Aid, gọi tắt là FAFSA, để cập nhật hóa tình trạng của mình với Office of Federal Aid, hầu kịp thời nhận được tin tức về các quyền lợi liên quan, như federal loans, grants, các chương trình vừa học vừa làm (work-study).
Vay tiền của chính phủ (federal loans) chắc chắn có nhiều lợi điểm hơn so với vay tiền của tư nhân. Trước hết, bạn được hưởng phân lời thấp, cố định, trong khi tiền vay của tư nhân phải chịu phân lời biến thiên theo thời thế. Cho dù một ngân hàng tư nhân nào đó có đề nghị cho bạn hưởng phân lời thấp chăng nữa, đó chỉ là nhất thời, không có gì ngăn cấm họ tăng phân lời lên cao ngay trong... tháng sau.
Vay tiền của chính phủ còn có một lợi điểm khác là “thời gian trì hoãn” (deferment), tức là thời gian bạn được hoãn trả nợ, chẳng hạn khi thất nghiệp hoặc khi đi học lại. Ngoài ra, chính phủ không đòi hỏi phải có người “co-sign,” bạn không phải núp bóng cha mẹ hoặc một người có uy tín thật tốt, trong khi vay tiền tư nhân lại đòi hỏi phải có người đứng mũi chịu sào thay cho bạn.” Nói chung, giáo sư Kantrowitz kết luận, “vay tiền của chính phủ bạn cảm thấy yên tâm hơn về mọi mặt, so với việc vay tiền của tư nhân.”
Để tạm kết luận, nếu “students loans” là con đường không thể tránh được, bạn phải tìm mọi cách để tận dụng nó, thay vì để cho nó đè bẹp bạn. Chúng ta sẽ bàn thêm nhiều chi tiết trong bài tới.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT