Tiêu Thụ

Tốt nhất là để ai dùng thì người đó mua

Friday, 18/08/2017 - 07:58:27

Trong lúc đi chọn hàng, bạn sẽ nghĩ: “Đến lúc cái máy này bị hư thì chắc người nhận cũng chẳng còn nhớ ra ai đã tặng. Vậy tìm mua cái rẻ một chút, miễn là pha được cà phê thì thôi.”

Bài ERIC TRẦN

Bài trước, chúng ta đã đưa ra một vài nhận định về hệ thống bảo hiểm y tế áp dụng tại Hoa Kỳ hiện nay, theo đạo luật ACA (Affordable Care Act) vẫn quen gọi là Obamacare. Một cách khách quan, chúng ta phải nhận rằng Obamacare đã đặt bảo hiểm y tế vào tay nhà nước, bất chấp qui luật cung cầu thiết yếu của thị trường tự do. Sự can thiệp quá sâu, quá bạo của nhà nước đã đưa đến tình cảnh tiến thoái lưỡng nan hiện nay - tiến không được, lùi không xong.


Mua sắm cho chính mình, bạn thường phải đắn đo về giá cả và phẩm chất.

Sở dĩ nói như vậy là vì chưa tìm được phương thức cải tổ mà cũng không thể nhất thời loại bỏ Obamacare được. Đây là một cơn nhức đầu có thật của nước Mỹ, chứ không phải chỉ là sự đối kháng về chính trị giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Các chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa phê bình Obamacare thì đã hẳn, nhưng chính cựu Tổng Thống Bill Clinton, thuộc đảng Dân Chủ, ngay trong lúc đi vận động tranh cử cho vợ là Hillary Clinton hôm 4 tháng Mười, 2016, cũng thành thật nhận xét: “Obamacare là cái thứ điên rồ nhất trên thế giới.”


CMS, cơ quan chính phủ điều hành Medicare và Medicaid.

Thực ra, không phải chỉ với bảo hiểm sức khỏe mà với bất cứ thứ hàng hóa nào, tốt nhất là hãy giành cho người sử dụng, tức giới tiêu thụ, quyền quyết định tối hậu về việc phải mua thứ gì và mua bao nhiêu cho mình. Người tiêu thụ, chứ không phải là người bán, lại càng không phải là nhà nước, mới là lực lượng quyết định sinh hoạt thị trường. Kinh tế học vỡ lòng gọi đó là “first party purchase,” tức là ai dùng thì người đó mua. Mặc dầu đó là quy tắc căn bản về kinh tế, nhưng không phải ai cũng bằng lòng chấp nhận như vậy.
Ông Bob McEwen, cựu dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ, nhận định rằng, với bảo hiểm y tế, những gì chính quyền làm suốt trong 75 năm qua, càng dính sâu càng làm cho thị trường sa lầy, dịch vụ đắt đỏ, mà người bệnh lại không tìm ra bác sĩ, trong khi hệ thống điều hành thì nặng nề giấy tờ và ngập đầy lãng phí. Sau đây là bài nói chuyện của ông Bob McEwen, đăng trên trang mạng của Prager University về tình trạng này:
“Obamacare ra đời với cao vọng chấn chỉnh lại những khiếm khuyết vốn có trong hệ thống bảo hiểm. Nhưng thay vào đó, nó chẳng cải tổ được gì mà lại còn làm cho tệ hơn.”

Tại sao vậy? Bởi vì, chính quyền không phải là người tiêu thụ chính cấp (first party payer), mà chỉ là đệ tam nhân (third-party payer). Chúng ta sẽ định nghĩa “thứ bậc” trong những thí dụ mua sắm cụ thể.


Mua đồ tặng người khác, bạn đỡ phải so đo về phẩm chất, cốt tìm món hàng cho vừa túi tiền của mình.

Vai trò mua chính cấp (first- party purchase)

Giả sử bạn đang muốn mua một cái TV về nhà để chuẩn bị thưởng thức những trận tranh tài trên sân cỏ trong mùa World Cup sắp tới (từ ngày 14 tháng Sáu tới 15 tháng Bảy, 2018, tại Nga). Bởi vì đây là món hàng mua về cho mình dùng, bạn biết rõ hai điều cần thiết: Giá cả (price) và Phẩm chất (quality), tức là làm sao mua được món hàng thật tốt với giá thật rẻ.

Với phẩm chất của cái TV, bạn có ít nhất ba điều ước mong: Màn ảnh lớn, âm thanh sắc nét, và hình ảnh rõ ràng. Nhưng bạn cũng phải xét tới giá cả và túi tiền của mình.


Người ta sợ rằng Medicare, chương trình y tế của chính phủ, sẽ cạn tiền trong một tương lai gần

Chỉ có bạn mới biết được cái TV nào đáp ứng được mong muốn (thường là rộng lớn) và cái túi tiền (thường là giới hạn) của mình. Trong sự cân đo đó, bạn sẽ tìm ra được một sản phẩm thích hợp. Giới bán hàng cũng biết thế, nên cạnh tranh với nhau để có thể lấy được đồng tiền của bạn. Trên hết, bạn là người thúc đẩy sản xuất, tìm hiểu sản phẩm, và quyết định mua sắm.

Trường hợp này gọi là “first-party purchase,” người mua chính là người tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Vai trò mua thứ cấp (second-party purchase)

Bây giờ giả sử bạn mua hàng, nhưng không sử dụng, mà chỉ mua để tặng cho ai đó. Trong trường hợp này, bạn chỉ quan tâm về giá cả, bởi vì tiền là do bạn bỏ ra, nhưng bạn có thể “co giãn” về phẩm chất. Nói thí dụ, mua quà tặng sinh nhật – một cái máy pha cà phê, chẳng hạn.

Trong lúc đi chọn hàng, bạn sẽ nghĩ: “Đến lúc cái máy này bị hư thì chắc người nhận cũng chẳng còn nhớ ra ai đã tặng. Vậy tìm mua cái rẻ một chút, miễn là pha được cà phê thì thôi.”

Thực tế chắc ai cũng đã từng mua những món đồ cho người khác, mà nếu để xài chắc mình sẽ không mua. Sở dĩ chúng ta để ý tới giá cả là vì tiền mình phải bỏ ra, mà không mấy quan tâm tới phẩm chất vì mình không phải là người sử dụng.

Xoay ngược vai trò: Nếu sử dụng một món hàng mà không phải bỏ tiền mua, chắc chắn chúng ta sẽ rất quan tâm về phẩm chất, bất kể giá cả bao nhiêu. Nói thí dụ, được người khác bao ăn tại nhà hàng, ai chẳng muốn gọi những món thật ngon; mấy ai gọi món rẻ tiền khi mà đồ ăn hoàn toàn miễn phí?

Tất cả những trường hợp trên – mua mà không dùng, hoặc dùng mà không mua – đều là “second-party purchase” trong vai trò mua sắm thứ cấp cả.

Vai trò đệ tam nhân (third-party purchase)

Bây giờ mới tới trường hợp “ngoạn mục” nhất: Bạn là người mua hàng, nhưng không phải dùng tiền của mình mà cũng không sử dụng món hàng mình mua. Vậy thì cần gì phải so đo về giá cả và phẩm chất cho mệt người?

Thí dụ, ông xếp lớn trong công ty đưa cho bạn $150 để mua một món quà làm phần thưởng trong buổi liên hoan sắp tới của công ty. Bạn cầm tiền vào cửa hàng, đi ngang qua một món đồ chơi ghi giá $149, bạn nghĩ ngay: Ờ, món này được đấy, sao không mua đi.

Vậy là bạn mua ngay món hàng, hoàn thành tốt đẹp công tác mà xếp lớn giao cho.
Trong buổi xổ số của công ty, món quà được gói kỹ, trông lớn lao to tát. Nhưng khi người trúng mở ra mới hay đó chỉ là... Con Ếch nhồi bông, cao 2 thước!

Ai cũng ôm bụng cười ngả nghiêng. Người trúng thưởng khệ nệ mang quà về, nhưng căn apartment chật hẹp không có chỗ để trưng bầy cóc... muốn gọi cho đứa cháu nào đó thích thì đến lấy, nhưng điện thoại mấy bữa nay hư chưa sửa được. “Phải chi trúng được cái iPhone, hay ít nhất cái Samsung….. thì hay biết mấy!” con người may mắn ấy nghĩ thầm.

Trường hợp này gọi là “third-party purchase,” người mua hàng không dùng (nên không để ý đến phẩm chất và giá trị của sản phẩm), đồng thời cũng không phải bỏ tiền (nên bất kể giá cả).
Đây là trường hợp mua sắm tệ hại nhất, không ích lợi cho người mất tiền, cũng chẳng mấy giá trị cho người sử dụng. Có lẽ chỉ người bán hàng là thích!

Nói “chính cấp, thứ cấp, đệ tam nhân” có vẻ khó hiểu. Nhưng ai trong chúng ta chẳng từng trải qua ba trường hợp đó? Bây giờ bạn thử nghĩ xem, những chương trình bảo hiểm y tế chính phủ cung cấp - như Medicaid, MediCal, Medicare vốn có trước đây, và Obamacare hiện nay – thuộc loại nào trên thị trường: Chính cấp, thứ cấp, hay đệ tam nhân?

Không cần tới trí óc của một nhà kinh tế, chúng ta cũng có thể hiểu được ưu khuyết điểm hoặc bế tắc cần giải quyết của thị trường bảo hiểm y tế hiện nay.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT