Tiêu Thụ

Thêm một liều thuốc cho bệnh “nghiện shopping”

Friday, 07/10/2016 - 10:02:46

Rốt cuộc, bạn cũng sẽ ghi được một danh sách. Đút nó vào túi. Lần sau, nếu cảm thấy háo hức muốn mua một đồ gì, xin hãy lấy danh sách này ra, và thử xem món đồ trước mặt có tạo được một niềm vui tương đương, xứng đáng không?

Bài ERIC TRẦN

Nghiện thuốc lá, nghiện cờ bạc, nghiện rượu chè… vốn đã khó trị, mà nghiện shopping cũng chẳng hề dễ trị chút nào. Hôm nay, chúng ta nói thêm về một vài phương thức giới khảo cứu tâm lý tiêu thụ đã đưa ra để giúp chúng ta mổ xẻ bệnh nghiện shopping.

1. Tổng cộng thời giờ và tiền bạc tiêu vào những thứ vất đi

Liệt kê những món hàng chúng ta đã từng háo hức nhận về nhưng đã lâu không dùng tới, rồi tính toán sự thiệt hại chúng gây ra. Gom tất cả vào một chỗ, chụp một tấm hình kỷ niệm. Viết giá tiền đã mua từng món, cộng lại để xem tổng số là bao nhiêu. Hằng trăm? Hay hằng nghìn? Dán con số tổng cộng này vào bức hình để mỗi khi nhìn vào đó là một cơ hội ôn lại bài học cũ.

Nhưng không phải chỉ có phụ nữ…



Nhưng đó mới chỉ là giá tiền, còn giá thời gian? Thời gian không phải là vô giá trị, mà chính thời gian mới là một tài sản … vô giá. Hãy nhớ lại xem mình đã bỏ ra bao nhiêu thời gian để săn tìm món hàng đó. Rồi cũng làm một con toán cộng, và dán luôn số tổng cộng trên bức hình. Bây giờ, mỗi lần nhìn vào đó, xin bạn hãy nghĩ xem mình có thể làm một điều gì khác ý nghĩa hơn với số thời giờ đã mất đó không?
Làm như vậy không có ý khiến bạn mãi mãi bị dằn vặt, mà chỉ để “cải tạo” những nếp hằn do thói quen đã in vào não trạng. Mỗi lần nhìn vào đó là mỗi lần con mắt tinh thần lại mở to, giúp bạn suy nghĩ về những gì bạn định mua. Khi đó, bạn sẽ tự hỏi: Liệu món đồ ấy rốt cuộc có nằm trong bức tranh “hàng rác” này không?

2. Liệt kê những gì tuy không là vật chất nhưng làm cho bạn thích thú

Bây giờ chúng ta sẽ làm một danh sách khác, tích cực hơn. Trong khi những sản phẩm vật chất có thể đưa lại nguồn vui, nhưng trong đời bạn chắc chắn còn những thứ khác làm cho bạn hạnh phúc mà tiền bạc không thể mua được. Cũng lấy ra một miếng giấy, và chăm chỉ ghi lại những thời gian hạnh phúc, dù chỉ là một khoảng khắc đủ để nở một nụ cười, hay một điều làm bạn nhảy cẫng lên vì sung sướng. Không thể tìm được ư? Hay có rất nhiều, khiến bạn ghi lại không kịp?
Rốt cuộc, bạn cũng sẽ ghi được một danh sách. Đút nó vào túi. Lần sau, nếu cảm thấy háo hức muốn mua một đồ gì, xin hãy lấy danh sách này ra, và thử xem món đồ trước mặt có tạo được một niềm vui tương đương, xứng đáng không?

3. Tạm lùi xa để nhìn cho rõ

Nếu thói quen móc túi (chính mình) đã thành hình quá sâu đậm, bạn hãy dành một chút thời gian hoàn toàn tránh xa những thứ vật chất vốn bao quanh mình để xem mình cảm nghiệm như thế nào. Sống giữa môi trường vật chất bao quanh và có cơ hội mua mọi thứ, bạn cứ tưởng là mình không thể dứt ra được. Nhưng nếu bỏ ra một ngày đi dạo trong công viên, thưởng thức vẻ đẹp cây cỏ, tiếng gió lùa qua ngàn lá cùng tiếng chim hót líu lo… bạn mới thấy rằng mình đâu phải chỉ gắn bó với vật chất! Quan trọng nhất là bạn sẽ tự nhận ra rằng, đâu phải chỉ có đồ vật cụ thể mới mang lại niềm vui. Và từ từ, bạn có thể “tắt lửa lòng” với bản năng “thèm mua sắm.” Từ từ bạn hãy tập ra ngoài mà không mang theo túi tiền để bắt buộc con mắt mình nhìn ra những thứ khác ngoài những món đồ vật chất.

4. Tiêu chuẩn Tôi có cần mua món này không?

Hãy đặt ra một số tiêu chuẩn cá nhân về việc mua sắm. Khi gặp một món đồ nào đó khiến mình rất … ngứa tay, bạn hãy hỏi lại xem món đồ ấy có đạt được hết các tiêu chuẩn không? Chẳng hạn:
- Đây có phải là món đồ mình đã liệu trước không? Hay là nổi cơn thèm muốn bất chợt?
- Liệu món đồ này rồi ra có nằm trong danh sách “hàng rác” không?
- Mua về rồi để ở đâu?
- Tôi có tính món này vào trong ngân khoản chi tiêu tháng này chưa?
- Tại sao tôi lại cần/muốn mua nó?
Trên đây chỉ là những câu hỏi gợi ý. Bạn có thể đặt ra những câu hỏi khác, tùy theo tính khí và thói quen của mình. Chẳng hạn, nếu đã nhiều lần trải qua những giây phút ân hận sau khi mua, bạn có thể thêm: Liệu món đồ có làm cho mình cảm thấy “tội lỗi” như nhiều lần trước hay không?
Không khác gì một người nghiện thuốc lá, muốn bỏ mà chẳng có thể bỏ ngay được, nghiện shopping cũng chẳng dễ “cai.” Quan trọng là sự kiên nhẫn, và hãy biến nó thành một trò chơi, thay vì chơi shopping thì… liệu mình có thể chơi trò gì khác không?
Erictran16@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT