Tiêu Thụ

Những cái túi ni-lông ở chợ

Saturday, 01/11/2014 - 09:05:53

Rằng, túi nilon không thể tự phân hủy trong lòng đất, nó làm đất chai cứng, “làm bẩn bãi biển, công viên và làm thoái hóa cả đại dương mênh mông nữa” như thống đốc Jerry Brown tuyên bố hôm ban hành đạo luật.

Bài ERIC TRẦN

Cái túi ni lông để đựng thực phẩm hàng hóa mua ở chợ, quen thuộc, và tiện lợi như vậy, đã sắp sửa vĩnh viễn xa rời chúng ta. Hôm 30 tháng Chín, thống đốc California, ông Jerry Brown, ký ban hành đạo luật cấm sử dụng các túi ni lông – gọi là plastic bags - trong các cửa hàng và chợ búa bắt đầu từ 15 tháng Bảy, năm 2015. Như vậy, “mối tình” keo sơn giữa người đi chợ và những cái túi đựng hàng chỉ còn kéo dài được chừng hơn nửa năm nữa. Và California sẽ là tiểu bang đầu tiên trên toàn nước Mỹ có một lệnh cấm như vậy.
Đó là xét trên bình diện tiểu bang. Còn tại các địa phương, những cái túi ni lông đã bị ghen ghét dèm xiểm từ lâu, và cuộc tranh luận về việc nên hay không nên dùng chúng đã ì xèo tiếp diễn trong nhiều năm nay. Thành phố San Francisco đã tự mình cấm chỉ túi nilon từ năm 2007. Bên cạnh đó, còn hơn 100 thành phố khác tại California, kể cả Los Angeles, đã làm như vậy. Xa hơn California là Chicago, Austin và Seattle… Tiểu bang Hawaii có thể cũng sớm theo chân với cùng một quyết định.
Đạo luật mới mang tên SB270 sẽ được áp dụng trước hết với các cửa hàng lớn như Walmart, Target… và các tiệm thuốc tây. Cosco thì khỏi nói, tự họ chẳng bao giờ tặng túi nilon cho bà con đựng đồ từ bao lâu nay rồi. Các cửa tiệm nhỏ hơn được gia hạn tới 2016. Luật cho phép chủ chợ được chạc thêm ít nhất 10 xu nếu khách hàng nào muốn xài loại túi mới, bền hơn, và có thể dùng đi dùng lại nhiều lần.
Sự tranh cãi kéo dài đã lâu, và đến nay, phe nói “không” đã thắng thế khi đạo luật được ban hành. Nhưng tổ chức American Progressive Bag Alliance, một hiệp hội toàn quốc kết hợp những những nhà sản xuất túi ni lông, thì chưa chịu. Họ cam kết sẽ vận động dư luận để đưa đạo luật này ra trưng cầu dân ý. Nếu có một cuộc trưng cầu như vậy thì ý bạn ra sao, bạn muốn thâu hồi lại cái luật hắc ám này? Hay, muốn duy trì cái đạo luật tốt lành sẽ đóng góp rất nhiều vào việc bảo vệ môi sinh?


                               “Đỡ quá, có cái túi nilon lót tay” ( Mark Zuckerberg)

Nói tới những ích lợi mà những cái túi nilon bình dân này mang lại thì nhiều lắm. Ngoài sự thuận lợi cho những người đi chợ: Khi đi tay không, khi về thì đùm đề, tay mang tay xách…., những cái túi nilon mỏng mảnh còn dùng được vào khá nhiều việc khác, như đựng xương cá, vỏ cam, vỏ chôm chôm… nói chung là đựng rác nhà bếp trước khi ném chúng vào thùng rác lớn. Mấy người dắt chó đi dạo mỗi ngày có thể dùng túi nilon để bọc tay hốt phân chó, sau khi chúng bĩnh ra đường. Bây giờ mà dẹp túi nilon thì chẳng lẽ bắt nhà tỷ phú trẻ tuổi, Marc Zuckerberg (sáng lập viên Facebook) để tay trần mà hốt?
Nhưng, những người muốn dẹp túi nilon nêu lên một lý tưởng cao đẹp hơn rất nhiều so với những ích lợi ngang hàng rác rến như xương gà, xương cá, vỏ cam….. và cứt chó: Rằng, túi nilon không thể tự phân hủy trong lòng đất, nó làm đất chai cứng, “làm bẩn bãi biển, công viên và làm thoái hóa cả đại dương mênh mông nữa” như thống đốc Jerry Brown tuyên bố hôm ban hành đạo luật.


                                    Đùm đề tay mang tay xách


Thế nhưng, ông Lance Christensen, một nhà phân tích khoa học tại Reason Foundation, phản bác: Cái ý kiến cho rằng túi nilon làm hại môi trường thực không đứng vững, mà trái lại, dẹp bỏ túi nilon mới làm hại nhiều hơn cho môi trường và cho túi tiền của dân chúng. Ông lập luận dựa vào kết quả của một nghiên cứu do Reason Foundation thực hiện như sau:
1. Đổ tội cho túi nilon làm ô nhiễm? Không đúng, vì túi nilon chỉ chiếm chưa tới 1%, cụ thể là 0.4% trong cái núi rác từ dân cư các thành phố đổ ra, và nó không thể là nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn hệ thống ống cống công cộng. Vì vậy, cấm túi nilon sẽ chẳng mang lại lợi ích nào cho môi trường. Thực tế, theo thống kê của thành phố San Francisco, thì kể từ sau khi cấm túi nilon, lượng rác của thành phố lại tăng lên.
2. Ảnh hưởng tới biển cả: Túi nilon không phải là mối đe dọa đối với các loài thủy sinh trong đại dương mà chính là những dụng cụ câu cá, đánh bắt …. hư cũ, được phóng bừa bãi vào lòng biển. Nghiên cứu của Reason Foundation chỉ ra rằng, bỏ túi nilon có thể cứu được vài con cá nhỏ, nhưng không phải là giải pháp cho các loài thủy sinh.
3. Một mặt khác, bỏ túi nilon thì phải có một thứ túi khác cho khách hàng sử dụng, mà cái loại túi thay thế này lại gây tốn kém gấp 5 lần chi phí do túi nilon gây ra. Thứ nhất, chi phí chế tạo các túi thay thế, có thể dùng đi dùng lại nhiều lần… chắc chắn cao hơn nhiều. Việc tái sử dụng cũng không phải là miễn phí. Bởi vì, khách hàng sẽ phải rửa sạch trước khi dùng lại. Số nước được dùng để rửa những túi ấy tính ra nhiều gấp 40 lần so với số nước phải dùng để sản xuất túi nilon. Muốn tiết kiệm nước chỉ có cách là … khỏi rửa. A, như vậy là chống đối khuyến cáo của Bộ Y Tế Công Cộng tiểu bang rồi, bởi vì bộ này từng phát biểu, “Sự nóng bức trong tháng hè có thể làm tăng số vi trùng ẩn nấp trong các giỏ túi đi chợ! Thế nên, quí vị phải thường xuyên rửa sạch những túi giỏ (được dùng lại) đó.”
4. Sau cùng, không thể bỏ qua cái khoản ít nhất 10 xu khách hàng phải bỏ ra để mua túi đựng, một thứ mà trước kia họ vẫn được cho không! Như vậy, lợi cho chủ chợ mà thiệt cho khách hàng.
Phần trình bầy trên đây chưa thể nói hết mọi khía cạnh của một vấn đề đã được các đầu óc lớn bàn thảo nhiều năm qua. Người viết chỉ chuyển tải một số nhận xét, đọc lên đã thấy vui, dưới quan điểm một người tiêu thụ. Từ nay tới ngày có cuộc trưng cầu dân ý chắc còn hơi lâu, thừa thì giờ cho bạn suy nghĩ.
Erictran216@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT