Thế Giới

Nhật: Ưu tiên sau chiến thắng của Abe

Monday, 23/10/2017 - 10:03:53

Các quan sát viên cho là cách ăn nói cứng rắn của ông Abe sẽ làm vui lòng người dân, nhưng cụ thể ông sẽ làm gì đối với Bắc Hàn thì chưa rõ.

Sau chiến thắng lớn ở cuộc bầu cử Quốc Hội, Thủ Tướng Shinzo Abe lên tiếng hứa sẽ đối phó mối đe dọa quân sự từ Bắc Hàn. Trong một cuộc họp báo, ông Abe cho hay, “Kết quả bầu cử là lá phiếu tín nhiệm của cử tri Nhật dành cho đảng cầm quyền vì thế ông cương quyết sẽ bảo vệ sự yên ổn và phú cường của dân chúng Nhật trước bất kỳ mối đe dọa nào đến từ Bắc Hàn.”
Ông Abe nói, “Tôi sẽ cương quyết theo đuổi một nền ngoại giao cứng rắn nhằm đối phó với các hỏa tiễn của Bắc Hàn và sẽ nói chuyện với Tổng Thống Mỹ Trump về vấn đề này nhân dịp ông ấy sắp đến Châu Á, cũng như sẽ nói chuyện với các lãnh đạo Nga và Trung Quốc .” Các quan sát viên cho là cách ăn nói cứng rắn của ông Abe sẽ làm vui lòng người dân, nhưng cụ thể ông sẽ làm gì đối với Bắc Hàn thì chưa rõ.

Mỹ chuẩn bị oanh tạc cơ bay B-52
Không lực Hoa Kỳ cho hay trong bầu không khí gia tăng căng thẳng như hiện nay giữa Mỹ và Bắc Hàn, phi đội B-52 có mang theo vũ khí nguyên tử sẽ sẵn sàng chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi có báo động, một tình trạng sẵn sàng chưa từng thấy kể từ thời chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991 đến nay.
áo Defense One cho hay là căn cứ không quân Barkdale Air Force Base ở Louisiana đã cho tái khởi động các đường băng dành cho pháo đài bay B-52. Tướng David Goldfein, Tư lệnh Không Quân Mỹ, cho hay, “Đây là một bước khởi động nữa cho thấy chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng.”
Ông đã đi một vòng thị sát sân bay Barkdale và các sân bay khác phục vụ trong sứ mệnh này, tuy nhấn mạnh là “chỉ chuẩn bị sẵn sàng thôi chứ Không Lực Mỹ chẳng có sứ mạng nào nào đặc biệt vào lúc này đâu, vì chưa có báo động nào ban ra cho chúng tôi cả.”

Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Afghan, Iraq
Trong ngày thứ Hai, Ngoại Trưởng Rex Tillerson đã thực hiện hai chuyến đi không báo trước sang Afghanistan và Iraq. Sở dĩ chuyến thăm viếng bất ngờ được giữ kín là vì lý do an ninh, các tổ chức phiến quân có thể tấn công nếu như họ hay ông đi như thế.
Ngoại Trưởng Tillerson và các phụ tá sẽ bay khoảng 4,000 dặm, từ sáng tinh mơ đến tối mịt để thực hiện hai chuyến đi này. Tại Iraq ông gặp Tổng Thống Fouad Massoum và Thủ Tướng Haider al-Abadi. Chuyến đi Afghainstan còn được giữ kín hơn, người ta chỉ biết khi ông đã rời quốc gia này, nơi ông khẳng định chính phủ Trump vẫn hỗ trợ cho chính phủ của Tổng Thống Ashraf Ghani đánh bại Taliban và thực hiện hòa bình dài lâu cho đất nước tơi tả vì 16 năm chiến tranh này.
Tuần trước Taliban còn sát hại trên 200 người ở Afghanistan. Tổng Thống Trump hứa tăng cường thêm 4,000 quân nhân cho Afghanistan, khiến tổng số quân nhân Mỹ tại đây đã lên đến 13,500 người.

Tây Ngạn dựng tượng Saddam Hussein
Những người tranh đấu cho Palestine đã dựng lên một tượng dài tưởng nhớ nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq tại Tây Ngạn. Tượng đài có ảnh của nhà độc tài có đội mũ, tay cầm khẩu súng trường, lồng trong một cái khung trang hoàng có cờ của Iraq và dựng lên tại thị trấn Qalqiliya ở Bờ Tây.
Một tổ chức có tên Arab Liberation Front đứng ra làm chuyện này, nhưng trong lễ khánh thành tượng đài có sự tham dự của ông Rafea Rawajbeh, Thị Trưởng của thị trấn nói trên và là thành viên của đảng cầm quyền Fatah của Palestine.
Khi còn cầm quyền, Hussein luôn ủng hộ phong trào tranh đấu của người Palestine và tặng hàng triệu Mỹ kim cho gia đình của những cảm tử đánh bom trong thời kỳ xảy ra chiến sự Intifada vào năm 2000.
Nhiều người dân Palestine còn hoan nghênh Hussein do ông ta đã cho bắn hàng chục hỏa tiễn Scud sang phần đất của Israel trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.

Nigeria: Đại học thuê thầy rắn
Một trường đại học ở phía tây bắc Nigeria đã bỏ tiền ra thuê các “ông thầy trừ rắn” về làm việc, sau khi một sinh viên của trường này bị rắn độc cắn chết. Cô Zainab Umar, sinh viên năm cuối về kinh tế của đại học Umaru Musa YarAdua của bang Katsina, là nạn nhân tử vong tuần qua vì rắn.
Các “thầy dụ rắn” rất phổ biến tại các quốc gia Nam Á và tại vài xứ của Châu Phi, họ thường sử dụng một ống sáo đặc biệt thổi vài điệu nhạc mà lũ rắn có vẻ bị quyết rũ. Thày dụ rắn khá phổ biến trên đường phố phía bắc của Nigeria. Thường thì họ không bị rắn cắn dù bọn rắn ngóc đầu dậy rất gần họ.
Người phụ trách sinh viên vụ, ông Sleiman Kankara, cho hay sau khi có chuyện sinh viên bị rắn cắn, trường đại học này thường mời các “thày dụ rắn” về trường nhằm đuổi chúng di chuyển khỏi trường. Ông Kankara còn cho hay người anh và bạn bè của cô Umar đã mang cô ra khỏi bệnh viện của đại học nơi cô được điều trị, khiến cô tử vong.

Bangladesh: Khủng hoảng Rohingya càng trầm trọng
Gần 1 triệu người Hồi giáo Rohingya đã chạy ra khỏi Miến Điện và tràn qua Bangladesh, khiến tình trạng của quốc gia này gần như không sao chịu nổi, theo lời một đặc phái viên của Bangladesh cho Liên Hiệp Quốc hay. Ông Shameem Ahsan nói, “Bạo động ở tỉnh Rakhine không giảm, nhiều ngàn dân Rohingay vẫn còn vượt biên vào Bangladesh hàng ngày.”
Từ tháng Tám đến nay theo số liệu chính thức dã có trên 600,000 dân Tohingya tràn vào. Ông Ahsan lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc nhằm tìm kiếm thêm tài trợ nhân đạo của quốc tế, sau khi $340 triệu Mỹ kim đã được hứa, nhưng Liên Hiệp Quốc cho hay phải cần $434 triệu, vốn là số tiền giúp đỡ nhiều mặt cho trên 1 triệu di dân trong khoảng sáu tháng. Hiện nay các cơ quan thiện nguyện mô tả các trại di dân của Bangladesh là “khủng khiếp và không sao chịu nổi.” Trẻ em tại các trại rất nheo nhóc, lại thiếu nước sạch, thực phẩm và thuốc men.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT