Tiêu Thụ

Hàng mua rồi có nên trả lại (bài 1)

Friday, 04/04/2014 - 09:58:31

Câu hỏi này ít khi được người mua hàng đặt ra, bởi vì chuyện đó đã trở thành một thông lệ, một việc làm đương nhiên nếu mình không thích hoặc hàng hóa bị hư hại, khiếm khuyết…. Đối với giới bán hàng, chuyện đó dường như không gây ra sứt mẻ hay thiệt hại gì đáng kể, bằng chứng là cửa hàng nào

Eric Trần



Câu hỏi này ít khi được người mua hàng đặt ra, bởi vì chuyện đó đã trở thành một thông lệ, một việc làm đương nhiên nếu mình không thích hoặc hàng hóa bị hư hại, khiếm khuyết…. Đối với giới bán hàng, chuyện đó dường như không gây ra sứt mẻ hay thiệt hại gì đáng kể, bằng chứng là cửa hàng nào cũng cho phép điều đó, thậm chí còn đua tranh với nhau về thời hạn “trả hàng”: Bình thường là 30 ngày, nhiều chỗ cho phép 90 ngày. Có nơi bán cây cho phép “trồng thử” cả năm. Bảnh hơn nữa, trước đây có cửa hàng còn nới rộng thời gian “dùng thử” tới … vô giới hạn! Sinh hoạt trong một thị trường thoải mái như vậy, giới tiêu thụ cảm thấy rất yên tâm, yên tâm đến nỗi phát sinh nhiều lạm dụng, càng ngày càng nhiều lạm dụng, khiến chúng ta phải tự hỏi: Kết cục sẽ ra sao? Ai mới thực sự là người chịu thiệt hại?

Trả hàng lại, tại sao?

Việc mua hàng rồi trả lại thực ra vẫn còn là một ý niệm mới mẻ đối với nhiều người chúng ta. Nói rõ hơn, đó là chuyện không thể hiểu được, không thể xảy ra được. Cách đây không lâu, chúng ta còn sinh hoạt trong một môi trường mà người bán kẻ mua phải đề phòng lẫn nhau, ai cũng phải tự hiểu “hàng mua rồi miễn trả lại.” Làm sao không lạ lùng khi bây giờ gặp những cửa hàng cho phép dùng thử, không phải chỉ là 1, 2 ngày mà là 30 ngày, 90 ngày?

Ở đâu chăng nữa, không người bán nào muốn hàng bán ra rồi bị trả lại. Nhưng sở dĩ phải chấp nhận việc đó là vì họ muốn tạo niềm tin nơi khách hàng để từ đó có thể bán được nhiều hàng hóa hơn. Về phía người tiêu thụ, sự dễ dãi đó khiến chúng ta cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn, và việc “đi shopping” từ đó trở thành nguồn vui, không đơn thuần là sự bó buộc, đầy những ám ảnh về hơn thua, lường gạt nữa.
Sinh hoạt tốt đẹp ấy sở dĩ có được chủ yếu là do người bán tin tưởng rằng: Người mua đa số không muốn trả lại món hàng trừ khi bất đắc dĩ, chẳng hạn:

Sản phẩm hoàn toàn không thích hợp
Sản phẩm bị khiếm khuyết
Sản phẩm bị hư hại quá sớm.

Phía người bán tin như vậy là đúng, và việc nhận lại món hàng là một quyết định khôn ngoan. Nhưng trên thực tế, lòng tin đó đã bị lạm dụng do một số khách hàng thiếu lương thiện, khiến sản phẩm bị trả lại một cách oan ức đưa đến nhiều thiệt hại. Một cuộc thống kê gần nhất cho thấy, giới bán lẻ thiệt hại nhiều trăm triệu đô la, có năm lên tới hàng tỷ đô la, do sự trả hàng một cách không lương thiện. Nhưng sự thiệt hại không chỉ giới hạn nơi người bán, bởi vì rốt cuộc người bán phải nâng giá sản phẩm để chuyển lại phần nào sự thiệt hại ấy cho giới tiêu thụ.

Hành xử thiếu lương thiện khi trả lại hàng

Trong giới thương mại, người ta đặt ra một từ ngữ riêng, đó là Return Fraud and Abuse, gọi tắt là RFA ( xin đừng lầm với tên gọi của đài phát thanh RFI), để chỉ hành vi lạm dụng thiếu lương thiện của những khách hàng trả lại sản phẩm với ý đồ trục lợi bất chính. Hiện tượng RFA không phải bây giờ mới có, nhưng ngay từ năm 1995, một bản báo cáo trên tạp chí thương mại STORES Magazine đã báo động có gian lận trong các món hàng trả lại và sợ rằng sự gian lận sẽ còn trở lên trầm trọng hơn trong tương lai. Đúng vậy, gần 20 năm sau, người ta đã thấy rằng những trò lường gạt càng lúc càng qui mô, và đã đặt giới bán hàng trong một tình thế khó xử: Làm thế nào để có một thái độ cân bằng – đối phó được sự mất mát do gian lận mà vẫn duy trì được tập quán lành mạnh cho phép khách hàng lương thiện “trả lại sản phẩm” trong một thời hạn phải chăng?

Thống kê cho thấy có tới 9% số hàng được trả lại xuất phát từ gian ý, gây ra sự thiệt hại cả tỷ đô la hàng hóa, chưa kể đến những thiệt hại liên quan chẳng hạn:

Thời giờ và tiền bạc bỏ ra để nhận lại món hàng

Chi phí tái nhập kho

Phí tổn tái xét giá trị món hàng

Tìm xem có thể bán lại món hàng được không? Nếu được, phải bán với giá nào? Ở đâu?

Đối với những món hàng không thể bán lại được, sự thiệt hại còn nhiều hơn, là vì hàng không bán được, mà lại mất thêm thời gian và tốn kém lập thủ tục nhận hàng về….

Là người tiêu thụ dĩ nhiên chúng ta không muốn cửa hàng thiệt hại một cách bất công, đừng nói gì tới việc bản thân mình lại phải gánh vác phần nào những thiệt hại ấy. Làm thế nào để tránh và nhắc nhở người khác cùng tránh những điều gọi là RFA ấy, hầu duy trì những tập tục tốt đẹp trong thương trường? Chúng ta sẽ trở lại đề tài này trong bài sau.

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT