Thế Giới

Đoàn Olympic Na Uy hết hồn vì nhận... 15,000 quả trứng

Friday, 09/02/2018 - 09:54:47

Trả lời với truyền thông, đầu bếp Stale Johansen của Na Uy cho biết đã nhận được “một nửa xe tải trứng” từ ban tổ chức Olympic.



PYEONGCHANG - Đầu bếp của đoàn thể thao Na Uy đã có phen hoảng hồn khi nhận được đến 15,000 quả trứng gà từ nhà cung cấp thực phẩm của ban tổ chức Olympic, thay vì 1,500 quả như yêu cầu. Được biết, sự việc hy hữu này là hậu quả của việc dùng công cụ dịch thuật tự động của Google – Google Translate. Theo đó, đầu bếp của đoàn thể thao Na Uy, hiện đang ở Nam Hàn để dự Olympic Mùa Đông Pyeongchang, đã sử dụng Google Translate để điền danh sách yêu cầu cung cấp thực phẩm.
Tuy nhiên, do sai sót khi dịch thuật, đoàn thể thao Na Uy đã nhận được gấp 10 lần số trứng cần thiết, tức 15,000 quả. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi đấu thủ trong đoàn (gồm 109 người) sẽ phải ăn 7 quả trứng/ngày trong suốt kỳ thế vận hội. Nam Hàn vốn sử dụng hệ đếm khá phức tạp, với nhiều đơn vị đếm khác nhau được áp dụng cho các trường hợp khác nhau. Riêng với trứng, các nhà hàng Nam Hàn thường đặt mua với số lượng là bội số của 30. Vì vậy, chỉ cần một sai sót rất nhỏ trong cách viết cũng có thể khiến số trứng cần đặt tăng lên gấp 10 lần.
Trả lời với truyền thông, đầu bếp Stale Johansen của Na Uy cho biết đã nhận được “một nửa xe tải trứng” từ ban tổ chức Olympic. “Họ liên tục bê trứng vào, mãi không dừng,” ông Johansen nói. Thậm chí, có người nói đùa rằng, gương mặt của các đầu bếp Na Uy đã biến thành hình trái trứng khi nhìn thấy số lượng thực phẩm lớn đến vậy. Tuy nhiên, nhà cung cấp Nam Hàn sau đó đã đồng ý nhận lại 13,500 quả trứng bị dư ra của đoàn Na Uy.

Trung Quốc xây cầu treo đáy kính cao gần 2,000 mét
TRÙNG KHÁNH - Trung Quốc tiếp tục phá vỡ kỷ lục cầu treo đáy kính cao nhất thế giới, khi hoàn thành cây cầu cao gần 2,000 mét nối liền hai tỉnh. Cây cầu đáy kính mới được xây ở độ cao 1,981 mét ở núi Batai phía đông nam Trung Quốc. Lối đi cao chóng mặt này được cho là cây cầu đáy kính cao nhất thế giới, đánh bại kỷ lục trước đây thuộc về cầu kính Trương Gia Giới cao 548 mét.
Cây cầu có chi phí xây dựng $1.5 triệu Mỹ kim, nối liền huyện Thành Khẩu ở Trùng Khánh với huyện Vạn Nguyên ở Tứ Xuyên. Công trình đang trải qua các thử nghiệm an toàn và dự kiến sẽ hoạt động vào giữa tháng 2. Đáy cầu bằng kính rộng 2.5 mét, lát những tấm kính cán mỏng ba lớp. Một đài quan sát được xây dựng bên dưới cầu. Số người tối đa có thể đứng trên cầu cùng lúc là 80 người. Cầu bắc qua núi Batai được mệnh danh là nơi đón ánh nắng Mặt Trời đầu tiên ở tỉnh Tứ Xuyên.
Cầu dài 198 mét, nằm cao hơn 186 mét so với vách đá dốc đứng có chiều cao tương đương một tòa nhà 66 tầng. Núi Batai cũng là nơi có lối đi bằng kính men theo vách núi cao nhất Trung Quốc. Khai trương vào tháng 8, 2016, lối đi bộ này nằm bên sườn vách đá dốc ở độ cao 2,288 mét

Lại thêm 1 người bị xe lửa tông chết vì chụp hình selfie
THÁI LAN – Một cô gái trẻ tại Thái Lan mới đây đã bị xe lửa tông chết, khi chụp hình selfie trên đường rầy cùng một người bạn. Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ngày thứ Sáu, tại nhà ga Samen ở thủ đô Bangkok. Nạn nhân là nữ giới 24 tuổi, bị mất một chân sau va chạm với đoàn tàu và đã qua đời tại bệnh viện sau đó. Người bạn đi cùng cũng bị thương nặng. Một người bạn chung của cả hai cho biết, 2 nạn nhân trước đó đã sử dụng bia rượu, rồi quyết định “chụp một bức ảnh cùng đoàn tàu.” Do mải mê chụp ảnh, cả hai không nhận thấy tàu đã tới sát bên.
Số người thiệt mạng chỉ vì sở thích chụp ảnh selfie tại những nơi nguy hiểm đang ngày càng gia tăng. Việc chụp ảnh khi đứng trước một đoàn tàu đang tới đã trở thành phong trào đáng lo ngại, đặc biệt là ở Ấn Độ. Hồi đầu năm nay, một người đàn ông Ấn Độ đã bị tàu hỏa tông khi đang mải mê quay video bản thân. Trước đó, vào tháng 10, 2017, 3 thiếu niên khác cũng bị tàu cán qua ở bang Karnataka vì sở thích nguy hiểm này.

Phát hiện ngôn ngữ mới tại Malaysia
KELANTAN - Các nhà ngôn ngữ học của Thụy Điển mới đây đã phát hiện ra một ngôn ngữ mới, khi nghiên cứu tại bang Kelantan của Malaysia. Ngôn ngữ mà các nhà nghiên cứu của Đại học Lund khám phá ra là tiếng Jedek. Đây là ngôn ngữ chỉ có khoảng 280 người sử dụng, tại vùng nông thôn bang Kelantan. Các nhà nghiên cứu mô tả Jedek là một dạng biến thể của ngữ hệ Đông Nam Á. Những người nói thứ tiếng này là những người sinh sống theo cách săn bắn và hái lượm.
Nhà nghiên cứu Niclas Burenhult, thuộc khoa Ngôn ngữ Tổng hợp thuộc Đại học Lund, cho biết Jedek không phải là ngôn ngữ được sử dụng bởi các bộ lạc vô danh trong rừng rậm như mọi người hình dung, mà là tiếng nói của cư dân một ngôi làng trước đây đã được các nhà nhân chủng học tìm đến và nghiên cứu. Dưới góc độ ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu Đại học Lund đã tìm thấy một số điều mà các nhà nhân chủng học bỏ sót.
Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra một số điều thú vị về những người nói tiếng Jedek. Nổi bật trong đó là sự bình đẳng về giới tính, được cho là hơn cả xã hội phương Tây. Hầu như không có bạo lực giữa các cá nhân với nhau. Dân làng thường khuyên trẻ em không cạnh tranh với nhau. Họ cũng không có luật lệ hay tòa án. Tiếng Jedek có phần từ vựng rất phong phú về chủ đề “trao đổi” và “chia sẻ.” Ông Burenhult cho rằng, thông qua những ngôn ngữ và văn hóa không được ghi chép và đang có nguy cơ bị biến mất như tiếng Jedek, con người của xã hội hiện đại có thể học được nhiều điều hữu ích


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT