Xe Hơi

Tự bảo trì xe hơi: 10 điểm không thể bỏ qua

Hao Smith/Viễn Đông Sunday, 15/04/2012 - 09:24:56

Không hiểu là do em bị sót, hay là nhà báo bị sót. Bây giờ em xin anh cho em một cái thời biểu tổng quát về tất cả những việc phải làm, được không?”

 Hao Smith

Kết thúc những bài viết về dầu hộp số (transmission fluid), Hao Smith đang sửa soạn tài liệu để nói về bộ phận khác cần phải được giới chủ xe lưu tâm thì nhận được câu hỏi sau đây: “Các hướng dẫn của anh về bảo trì trên báo Viễn Đông thật là cần thiết. Em có cắt lại để dành được nhiều bài. Nhưng có khi lại bị thiếu, bởi vì có khi anh để bài 2 mà quay ra tìm bài 1 không thấy đâu. Không hiểu là do em bị sót, hay là nhà báo bị sót. Bây giờ em xin anh cho em một cái thời biểu tổng quát về tất cả những việc phải làm, được không?”
Dĩ nhiên là được, nhưng trả lời câu hỏi của bạn cần đến nhiều giấy bút và thời gian, không thể nào gom được vào một bài. Tuy nhiên Hao Smith hiểu ý bạn khi nói đến việc cắt báo, vì thế chúng tôi sẽ cố gắng gom các công việc bảo trì căn bản lại trong một bài. Nhưng xin hiểu cho rằng, qua thời biểu tổng quát dưới đây chúng tôi chỉ có thể đưa ra những gì căn bản nhất và phải lược bỏ nhiều chi tiết bổ túc khác.
Đây là danh sách 10 điểm mà bất cứ một người sử dụng xe nào – dù là đàn ông, đàn bà - đã ngồi sau tay lái là phải biết:

1. Nhớt máy (engine oil)
Điều quan trọng nhất, và cũng dễ nhất, là kiểm tra nhớt máy và thay nhớt máy đúng định kỳ. Kiểm tra nhớt máy bằng cách theo dõi que thăm với 2 bậc: FULL và ADD. Có nghĩa là, nhớt máy không được lên tới quá mức FULL và không được xuống dưới mức ADD. Nếu thường xuyên phải châm nhớt, thì đó là dấu hiệu nhớt bị rò, phải tìm thấu tới nguyên nhân để chữa trị, bằng không thì sắp sửa nguy lớn! Cho dù nhớt không hao, nhưng chủ xe vẫn phải thay nhớt mới theo định kỳ. Thợ máy có thể khuyên thay sau mỗi 3 ngàn dặm. Thực ra, bạn có thể chờ tới 5.000 dặm. Nhưng không nên để lâu hơn 6 tháng. Khi nhìn thấy nhớt đã sùi bọt, hoặc có mùi xăng lẫn vào, thì dù bất cứ là mấy tháng hoặc bao nhiêu ngàn dặm bạn cần đưa xe đến chẩn trị chuyên môn ngay.

2. Dầu hộp số (transmission fluid)
Kiểm tra dầu hộp số tự động khi đầu máy đang nổ. Thay dầu hộp số ở mức 25.000 dặm, hoặc không quá 2 năm.

3. Nước mát (Coolant)
Cũng còn gọi là nước Coolant, hoặc Anti Freeze. Kiểm tra thường xuyên, nhưng phải để cho đầu máy nguội hẳn. Nếu thấy thiếu thì châm vào ngay bằng nước Coolant thích hợp. Không dùng nước lạnh để đổ vào bình. Thay nước Coolant trong khoảng 25.000 dặm hoặc 2 năm một lần, cùng thời kỳ với dầu hộp số.

4. Dầu thắng (brake fluid)
Dầu thắng không bị hư hao nhiều trừ khi bị rò rỉ. Sử dụng xe khi bố thắng quá mòn cũng làm dầu thắng hư hao đôi chút. Nếu thấy dầu rút xuống quá mức “low” thì châm thêm bằng loại dầu thắng thích hợp. Quan trọng: Không nên để bình dầu thắng mở nắp quá lâu khi châm dầu. Vì bị phô ra không khí, dầu thắng có thể hút nước đưa đến giảm sút công suất. Việc thay dầu thắng phức tạp, sẽ được nói kỹ hơn trong các bài sau.

5. Dầu tay lái tự động (power steering)
Sách vở không nói gì đến việc thay dầu tay lái tự động, mặc dầu bình dầu có dipstick để thăm dò. Lâu lâu mở nắp ra để kiểm tra: Nếu mức dầu xuống quá thấp thì có thể châm thêm bằng loại thích hợp. Nếu một năm phải thêm tới 2 lần, thì đó là điềm rò rỉ, phải tìm nguyên nhân ở chỗ khác. Khi xoay tay lái ở vận tốc thấp mà nghe thấy tiếng ồn nổi lên thì đó là dấu hiệu dầu tay lái xuống thấp.

6. Bình điện (ắc qui, battery)
Hầu hết bình điện ngày nay không cần phải chế thêm nước. Nhưng phải luôn luôn giữ cho các cọc bình được khô ráo và sạch sẽ, dây nối phải chặt. Nếu mặt trên bình điện luôn luôn ẩm ướt và bị sói mòn một thời gian ngắn sau khi lau sạch, đó là dấu hiệu hệ thống “chạc” điện có vấn đề.

7. Lốp xe
Lốp xe phải được bơm đủ hơi (áp suất lốp), bằng không lốp sẽ mau mòn, và có thể làm hao mòn nhiều bộ phận khác do xe chạy trên hệ thống lốp yếu hơi. Luôn luôn kiểm tra hơi khi trời lạnh dựa theo tiêu chuẩn do nhà sản xuất đưa ra. Trời nóng, hơi nở ra, bánh căng hơn bình thường, nhưng không nên tháo bớt, bởi vì khi trời lạnh, lốp có thể thiếu hơi. Nên có đồng hồ đo hơi (air gauge) để sẵn trong xe.

8. Đường ống, dây belt (hoses and belts)
Kiểm tra đường ống và dây belt mỗi khi thay nhớt. Nếu mang ra tiệm thì nhớ yêu cầu thợ máy kiểm tra giúp, miễn phí. Kiểm tra khi đầu máy xe đã nguội hẳn. Kiểm tra Belt để tìm xem có bị nứt, mẻ, rạn ở chỗ nào không. Đừng chỉ nhìn sơ qua, có kiểm tra kỹ càng mới thấy những điều đáng báo động. Kiểm tra đường ống bằng mắt nhìn và bằng tay sờ để tìm chỗ phồng, nứt, rạn, nhất là ở những phần nối.

9. Cây gạt nước (windshield wiper)
Cây gạt nước đi theo cặp, rất cần khi trời mưa. Cần để ý lau bụi cho cây gạt nước, vì khi không sử dụng chúng thường bị đóng bụi, dễ giòn, vỡ. Nên thay mới (lưỡi dao gạt nước) mỗi khi sử dụng mà nghe tiếng xiết trên mặt kính.

10. Nước rửa kính chắn gió (windshield washer)

Cái “món” này thường hay bị lãng quên với tài xế ở xứ nóng, nhưng rất cần trong mùa Đông ở vùng tuyết. Không có nước rửa kính, bạn sẽ không nhìn được rõ ràng đường sá và giao thông trước mặt. Nước rửa kính giá rẻ, không nên pha chung với nước thường, hoặc tệ hơn, đổ nước thường vào bình rửa kính.
Dĩ nhiên, công việc săn sóc xe không phải chỉ có thế. Nhưng, đó là những điều tối thiểu người chủ xe ít nhất phải để ý để có thể duy trì tình trạng hoạt động an toàn của xe.

Haosmith@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT