Vấn Đề Hôm Nay

Trở về cái máng lợn của một quan tham, của thiên thì trả về địa thôi

Wednesday, 08/11/2023 - 08:57:40

Tư Bản Phương Tây họ khôn lắm đấy, đừng cứ tưởng họ không biết tiền là từ tham nhũng mà con cháu các quan chức mang sang mua nhà mua trang trại kinh doanh

Li Jie

Lý Kiệt là một quan chức hàng đầu của tỉnh Tứ Xuyên, ông sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng.

Bố của Lý Kiệt đã từng theo Mao trong cuộc trường chinh vạn dặm khi quân đội Tưởng Giới Thạch bao vây phải tìm lối thoát với hành trình dài 25 ngàn dặm (12 ngàn cây số) bắt đầu từ Giang Tây, tiến về phía tây tới Tây Tạng rồi đi ngược lên phía bắc, tới tận Diên An của tỉnh Thiểm Tây, kéo dài 370 ngày từ 16 tháng 10 năm 1934 đến ngày 19 tháng 10 năm 1935.

Hồng quân luôn luôn bị quân của Tưởng Giới Thạch truy kích và phải đương đầu với núi cao, sông rộng, đói khát, bệnh tật và tuyết lạnh. Khi khởi đầu cuộc rút lui, Hồng quân có hơn 86 ngàn người, nhưng khi kết thúc cuộc Vạn lý Trường chinh, số Hồng quân sống sót chỉ còn ít hơn 7 ngàn.

Lý Kiệt là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, thường được gọi là những “Thái tử đỏ”

Thế hệ này trở nên giàu có nhờ cải cách mở cửa.

Tài sản, và tiền bạc của Lý Kiệt đã có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đô la, mặc dù gia đình ông ta vẫn sống trong một căn biệt thự khiêm tốn ở Trùng Khánh.

Trong thâm tâm Lý Kiệt và các quan chức Trung Cộng luôn rất lo lắng về số tiền mà mình có.
Tại một nước cộng sản với số tiền ấy họ sẽ làm gì?

Không thể đầu tư trong nước một cách công khai chính trực, làm sao có thể giải thích được nguồn gốc của số tiền khổng lồ này?

Lý Kiệt cũng thừa biết rằng, chế độ cộng sản chuyên quyền là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Nhưng bản chất chế độ không cho phép các quan chức làm giàu - Đây là một nghịch lý trói buộc, và chủ nghĩa cộng sản với thói đạo đức giả sẽ đến ngày tận diệt.

Lý Kiệt hỏi con trai cả, nếu có 100 triệu đô la nó sẽ làm gì?

Nó bảo rằng, thông thường người ta sẽ đầu đầu tư vào bất động sản, nhưng ở Trung Cộng đất đai thuộc quyền sở hữu nhà nước, bỏ tiền thật để đầu tư vào đất đai không thuộc sở hữu của mình quả là một sự điên rồ.

Lý Kiệt nhận ra rằng, quy định của Luật Đất đai chính là cái dây thông lọng thít vào cổ chính mình, về lâu dài khi đến một sự phát triển nào đó nó chẳng khác gì người cộng sản đào huyệt chôn chính mình. Những đồng tiền bẩn sẽ mãi mãi không thể rửa thành những đồng tiền sạch.

Người Do Thái trong hai nghìn năm không có tổ quốc, không có mảnh đất cắm dùi, điều duy nhất họ làm giàu là kinh doanh tài chính, tiền tệ. Chính vì vậy tất cả số tiền họ kiếm ra, họ mở ngân hàng tại bất kỳ nơi nào sinh sống, cho vay nặng lại, tiền lại đẻ ra tiền. Khi có rất nhiều tiền họ bắt đầu lũng đoạn chính trị với mong ước sẽ có ngày trở về tổ quốc bằng sự bảo trợ của những quốc gia hùng mạnh.

Cuối cùng người Mỹ đã giúp họ thực hiện được nguyện ước ấy.

Lý Kiệt nghĩ, liệu mình có thể học người Do Thái, mở ngân hàng để kinh doanh tài chính tiền tệ, khi không thể đầu tư vào bất động sản? Ở Trung Cộng nhà nước quản lý chính sách tiền tệ, Lý cũng không thể giải trình nguồn gốc số tiền.

Đầu tư vào sản xuất, vào các ngành dịch vụ thì sao? Lý Kiệt và con cháu không thể đứng tên theo quy định trong đảng, giao cho người khác đứng tên khi lòng tham nổi lên nó xà xẻo biết kiện ai? Chẳng khác nào lạy ông con ở bụi này.

Cuối cùng, cũng như bao quan chức khác Lý Kiệt quyết định ra nước ngoài đầu tư.

Đầu tiên con trai và con rể sang Pháp mua một trang trại trồng nho, mua đứt một xưởng sản xuất rượu vang ở bên đó. Hết nhiệm kỳ Lý Kiệt cũng sang Pháp.

Mấy năm đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ êm đẹp.

Qua báo chí, Lý Kiệt nhận được hung tin Tập Cận Bình với chiến dịch “đả hổ, săn cáo, diệt ruồi” nhưng thực chất đang đánh vào phe Trùng Khánh- Tứ Xuyên, bắt Bạc Hy Lai và Lý Kiệt cũng trong danh sách truy nã.

Ở Pháp và nhiều nước phương Tây khác có rất nhiều các quan chức mua nhà, mua đồn điền trang trại, một làn sóng phản đối của dân bản địa nổi lên. Các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn người Trung Cộng nhảy vào đầu tư.

Các chính phủ im lặng, vì luật pháp không thể cấm đoán việc mua bán giữa các bên vì đó là tài sản sở hữu cá nhân, họ có quyền định đoạt.

Nói như thế không phải các chính phủ tại các quốc gia này bất lực, khi để người Trung Cộng tràn vào.

Lý Kiệt thỉnh thoảng lại bị chính quyền địa phương gọi lên, họ bảo rằng, Lý Kiệt đang bị trong nước truy nã và có yêu cầu dẫn độ về nước.

Họ rất lịch sự, hỏi quan điểm và nguyện vọng của Lý Kiệt, ghi âm bảo cứ yên tâm ra về, nước Pháp sẽ bảo vệ ông. Họ không quên nhắc nhở, ông cần có nhiều đóng góp cho địa phương, nơi ông cư trú.

Lý Kiệt rất lo sợ một ngày nào đó sẽ bị dẫn độ về nước, ông phải lấy lòng nước Pháp, ông đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện, đầu tư vào các công trình phúc lợi làm rất nhiều việc tử tế cho nhà thờ xứ đạo.

Cuối cùng ông nhận ra rằng, bọn mũi lõ vẫn thông minh hơn cả, ông còn tiền họ sẽ bao bọc. Đến khi hết tiền, ông sẽ phải bán nốt cái trang trại và nhà máy rượu vang. Nước Pháp chẳng mất cái gì, cái gì của họ vẫn là của họ.

Còn ông dù có mất tất cả, ông không thể trở về Trung Cộng theo cái cách nhục nhã nhất bị trục xuất theo lệnh truy nã.

Lý Kiệt nay đã gần 80 tuổi, ông bán nốt cái trang trại và nhà máy rượu, mua một căn nhà nhỏ âm thầm sống nốt cuộc đời còn lại, ông đã ngẫm ra một điều - cái gì không phải của mình mãi mãi sẽ không bao giờ là của mình, chế độ mà bố ông theo đuổi khiến hàng chục triệu người chết để cướp lấy quyền lực cuối cùng cũng chẳng đem lại cho bản thân mình cái gì, thật vô nghĩa khi rất nhiều kẻ vẫn say mê lao vào cái guồng chết chóc ấy.

Anh Quốc

Photo by Eepeng Cheong on Unsplash

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT