Xe Hơi

Thay bộ lọc khí trong xe hơi (kỳ 1)

Friday, 19/08/2011 - 06:57:14

Cũng như con người cần dưỡng khí cho buồng phổi, chiếc xe cũng cần phải có dưỡng khí cho hoạt động cháy nổ trong đầu máy.

Hao Smith

Điều khiển xe, chúng ta chỉ làm một vài động tác đơn giản là chiếc xe vọt đi theo ý muốn. Nhưng để có được thành quả cho ba cái việc đơn giản ấy, nhà sản xuất đã phải tạo nên một kiến trúc hòa hợp, bao gồm muôn ngàn bộ phận, phức tạp có, đơn giản có… tất cả đều hòa nhịp và ăn khớp với nhau một cách tài tình, bằng không chiếc xe sẽ không thể phóng đi được. Hôm nay, xin nói đến một bộ phận rất đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, đó là bộ lọc khí (Air Filter) trong hệ thống xe hơi.

1. Bộ lọc khí là gì?
Sở dĩ phải gọi rõ tên bộ lọc khí là vì ngoài nó ra, xe hơi còn có một bộ lọc khác, đó là lọc xăng (fuel filter). Nhưng lọc xăng chưa phải là đề tài chúng ta nói tới ở đây.

Nói về lọc khí cũng có 2 thứ: Một là lọc khí trong đầu máy (engine air filter), hai là lọc khí trong khoang hành khách (cabin air filter). Hôm nay, xin nói đến bộ lọc để đưa khí vào trong đầu máy.

Cũng như con người cần dưỡng khí cho buồng phổi, chiếc xe cũng cần phải có dưỡng khí cho hoạt động cháy nổ trong đầu máy. Không có dưỡng khí - mà chúng ta thường quen gọi là không khí - để thở, bạn cũng như tôi chúng ta đều… xí lắc léo. Cái xe hơi cũng vậy, không có không khí nạp vào, cái xe không nổ máy được. Vậy mà trước nay chúng ta cứ tưởng rằng chỉ cần xăng. Tưởng như vậy thì không khác gì cho rằng em bé ra đời được là chỉ nhờ… người mẹ!

Người viết tuy không biết tiến trình tạo thành em bé trong bụng mẹ như thế nào, nhưng hoạt động cháy nổ trong đầu máy xe hơi thì biết ít nhiều, đại khái là thế này: Xăng được đưa vào xi lanh, hòa chung với không khí, phát sinh hiện tượng cháy nổ, làm chuyển động pít-tông gây ra chuyển động dây chuyền dẫn tới trục bánh xe, đẩy bánh xe đi tới. Không có xăng thì xe không chạy, điều đó ai cũng biết. Nhưng nếu không nhờ một ống dẫn, hút không khí ngoài trời đưa vào, hòa với xăng để phát sinh cháy nổ trong đầu máy thì xe cũng không chạy, điều này có lẽ ít người biết. Nên cái ống dẫn - quan trọng không khác gì “lỗ mũi” của con người - bị lãng quên, cho đến một ngày nó bị nghẹt thì xe không nổ máy nữa.

2. Vai trò bộ lọc khí
Xem ra vai trò cái lỗ mũi không phải tầm thường, chúng ta cần bỏ chút thời giờ để nghiên cứu và chăm sóc. Trước tiên, mở nắp đậy đầu máy, bạn có thể nhận ngay ra một cái ống cao su khá lớn, một đầu nối với máy, đầu kia thông ra ngoài trời để lấy không khí. Nhưng không khí hút qua ống chưa thể chạy thẳng vào xi lanh ngay. Trước khi được “tiến cung”, cái khối không khí tạp nhạp đó phải được sàng lọc sạch sẽ đã. Đó chính là nhiệm vụ của bộ lọc, một dụng cụ bằng giấy, vải hoặc “xốp”, được xếp lại thành nhiều nếp để tăng cường diện tích sàng lọc. Rác rến theo khí trời vào ống, bị giữ lại tại đây, để cho luồng khí sạch theo các khe xốp tiến vào, hòa với xăng làm thành một hỗn hợp cháy nổ và thực hiện chức năng đầu máy….

Rác rến tích lũy lâu ngày chầy tháng, bít luôn các “khe thở” trên màng xốp khiến không khí không thể lọt qua, hoặc chỉ lọt qua một phần rất ít, không cân xứng với xăng để tạo thành một hỗn hợp đúng mức… gây ra tình trạng máy xe không nổ, hoặc cháy nổ không “tới”, xe không dọt mà lại hao xăng. Bạn có thể kiểm tra việc này bằng cách nhờ người nổ máy rồi ra sau xe đứng nhìn vào ống bô: Làn khói xịt ra bình thường là màu trắng, bây giờ có màu đen, sờ vào thấy ươn ướt, là vì còn lẫn nhiều xăng “sống” do cháy chưa hết thì đã bị thải ra. Thời buổi này, bỏ tiền mua xăng đã đau mà còn phải chịu tiền xăng “sống” trong khí thải nữa thì thật là vô lý, thậm vô lý!

Chung qui cũng chỉ vì cái lỗ mũi bị nghẹt. Muốn máy xe nổ đều, dọt lẹ, chạy nhanh, và không hao xăng, chúng ta không thể lơ là việc chăm sóc cái lỗ mũi, hay đúng hơn, chăm sóc bộ lọc trong ống dẫn khí. Chúng ta sẽ nói tiếp về việc này trong bài kỳ tới.

Haosmith@yahoo.com





Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT