Mẹo Vặt

Rửa sạch rau trái

Vũ Hằng/Viễn Đông Thursday, 26/04/2012 - 09:53:28

Có như vậy mới thâu thập được lợi ích của rau quả tươi sống. Bằng không lợi đâu chưa thấy đã thấy nhiều thứ độc hại được đưa vào trong cơ thể của mình rồi đó.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Chúng ta thường được khuyên nên ăn nhiều rau trái. Nhiều loại trái cây như nho, táo… thì phải ăn cả vỏ, còn rau thì ăn sống. Hằng không chắc ăn rau sống có thực sự tốt hơn rau đã luộc hoặc nấu chín không? Nhưng nếu ăn rau sống và ăn trái cây cả vỏ thì phải làm thế nào để rửa sạch. Không chỉ là… chạy qua hàng nước cho xong, nhưng phải bảo đảm sạch sẽ 100%. Có như vậy mới thâu thập được lợi ích của rau quả tươi sống. Bằng không lợi đâu chưa thấy đã thấy nhiều thứ độc hại được đưa vào trong cơ thể của mình rồi đó.

Rửa… không sót em nào
Rau trái tươi sống chắc chắn mang nhiều bụi đất ở ngoài vườn. Ấy là chưa kể rau trái trồng ở nông trại còn được bón thuốc sát trùng, được cho “ăn” phân để giục lớn. Đến mùa gặt hái, rau trái phải qua tay thợ làm vườn, vào chợ thì được đủ mọi người nâng niu, sờ nắn… trước khi có cơ hội lọt qua cửa bếp nhà mình. Bởi lẽ đó dù rau trái trông có ngon cách mấy, hấp dẫn cách mấy thì cũng không thể bỏ vào miệng ngay được. Nhưng có nhiều loại rau trái nếu đòi rửa sạch thì tốt nhất là khỏi ăn… Chẳng hạn như những trái nho đỏ mọng, trĩu cành, phơn phớt một lớp phấn mỏng đầy mời gọi, ai nhìn chẳng thấy hấp dẫn? Nhưng làm sao để rửa sạch được từng trái nhỏ li ti ấy? Xin cống hiến với bạn một vài mẹo nhỏ, đơn giản nhưng bảo đảm chúng ta sẽ không bỏ sót một “em” nào.
Đó là dùng Baking Soda và Corn Starch. Baking Soda là thứ bột nổi các bà nội trợ vẫn dùng để làm bánh. Nhưng không phải chỉ để làm bánh, baking soda còn có nhiều công dụng khác như chúng ta từng nhiều lần đề cập trong mục này. Còn Cornstarch là bột bắp. Chúng ta chịu khó nhớ luôn cái tên tiếng Mỹ ấy để ra chợ dễ tìm hàng.

Rửa ướt:
- Bắt tay vào việc rửa nho, chúng ta hái nho ra từng trái và bỏ vào trong một cái rổ.
- Đưa rổ vào sink, bịt miệng cống thoát nước lại rồi mở nước, cho nước ngập lên tới mép rổ.
- Tiếp theo, đổ vào chừng một thìa (teaspoon) bột bắp hoặc baking soda vào rổ nho còn ngập nước.
- Dùng tay xoa và rửa nho trong nước có pha bột bắp.
- Sau đó tháo nắp bịt miệng cống để cho nước thoát đi.
- Mở vòi, xả lại vài lần bằng nước trong cho sạch.
- Lấy rổ nho ra, bạn có thể yên tâm tới 99% số nho trong rổ đã được rửa sạch. - Thưởng thức nho lúc này, bạn sẽ thâu thập được hết những lợi ích của nho mà không cần phải chấp nhận những thứ độc hại đính kèm.

Rửa khô:
- Bạn cũng có thể rửa khô bằng cách rắc baking soda hòa với muối vào rổ nho, rồi lắc mạnh, trái sang phải, phải sang trái, trước ra sau, sau ra trước… cho những trái nho tự chà sát với nhau xuyên qua chất xúc tác là muối và baking soda. Lắc chừng vài phút, hoặc đến khi nào yên chí thì ngưng, rồi mở vòi nước trong để xả lại cho sạch.
- Rửa những trái táo, bạn cũng nên làm như vậy để có thể ăn luôn cả vỏ. Bảo đảm không còn phấn trắng, bụi đất, hoặc dư vị của thuốc sát trùng trụ lại trên những trái cây bổ dưỡng của chúng ta nữa.
Nhưng xin nhớ cho một điều là chỉ rửa đủ để ăn trong một bữa thôi. Bởi lẽ nho táo đã rửa sạch thì mất đi lớp phấn trắng cũng là tầng bảo vệ, rồi lại ngấm thêm nước làm nho dễ hư thối.

Rửa khe kẽ:
Nói sang việc rửa rau, chẳng hạn như broccoli hoặc cauliflower, người nội trợ chẳng lạ gì 2 thứ rau này, nhưng ít khi đặt ra vấn đề phải làm sao để rửa chúng cho sạch. Trong nhiều buổi Party ở Mỹ, Hằng thấy chủ nhân thường hay để những đĩa cà chua và những bông broccoli cắt nhỏ để mọi người ăn sống. Không hiểu họ làm vệ sinh thế nào, họ rửa làm sao để bảo đảm bụi đất hoặc cặn thuốc sát trùng không còn ở trong các khe kẽ của bông rau? Nhưng nếu là chủ nhân, chúng ta có thể làm theo những cách bình dân sau đây để bảo đảm sự an toàn và bổ dưỡng cho thực khách thân quí.
- Trước tiên, cắt bông broccoli thành nhiều miếng nhỏ, bỏ vào trong rổ, xối nước qua cho sạch.
- Hòa một dung dịch nước rửa bao gồm nửa phần nước, nửa phần giấm. Rồi nhúng bông cải vào, ngâm chừng 5 tới 10 phút.
- Xả lại bằng nước lạnh, để ráo nước trước khi lấy ra ăn.
Bạn có thể làm như để rửa những loại rau khác. Hoặc ngay khi gọt cà rốt, gọt khoai tây… bạn cũng nên rửa trước bằng dung dịch này để loại trừ vi khuẩn, bởi vì khi bạn gọt vỏ, vi khuẩn có thể theo bàn tay của mình nhiễm vào bên trong.

Dùng thuốc?
Ngày xưa ở Việt Nam, mẹ của Hằng thường dùng “thuốc tím” để rửa rau. Nhưng sau này, khi phải nhận trách nhiệm nội trợ thay mẹ, Hằng có dịp hỏi lại cô giáo và được biết thuốc tím là một dung dịch hóa học, có tên khoa học là KMnO4, dùng nhiều không tốt. Thậm chí bạn có thể bị ngộ độc nếu không may uống nhầm hoặc dùng quá liều lượng khi rửa rau. Thuốc tím khiến bạn nôn ói, loét niêm mạc, thủng dạ dày.
An toàn hơn cả là cứ baking soda, muối, giấm và nước mà dùng. Tiền không mất mà tật cũng chẳng phải mang. Hằng chịu những cái mẹo vặt mà ích lớn là vì đó!

Vuhang231@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT