Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Ngàn Khơi và Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 31/03/2012 - 08:11:37

Đây còn là tiếng nói nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, những ca khúc được trình diễn ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị nghệ thuật cao, được phối khí và trình diễn như một chương trình thính phòng giao hưởng độc đáo, giàu cảm xúc.


Ban hợp xướng Ngàn Khơi cùng dàn nhạc giao hưởng do nhạc trưởng Vũ Tôn Bình điều khiển.

Băng Huyền/Viễn Đông


Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương do ban hợp xướng Ngàn Khơi và ban thiếu nhi Ngàn Khơi thể hiện, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Vũ Tôn Bình và nhạc trưởng Lee Lee Trương sẽ ra mắt khán giả lúc 3 giờ trưa Chủ Nhật, 15-4-2012 tại hội trường Văn Lang, cạnh tòa báo Viễn Đông, trên đường Moran, thành phố Westminster. Đây chỉ là một buổi hòa nhạc, vì sao lại mang một cái tên nghe quá đỗi thiêng liêng, tha thiết? Bởi đây không chỉ là chương trình hòa nhạc thông thường, mà còn là tiếng lòng của nhiều thế hệ Việt Nam tại hải ngoại, cùng hướng vọng về quê hương với nhiều tâm tư âu lo trước hiện tình đất nước, là niềm tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Việt của những đứa con ly hương khỏi đất mẹ Việt Nam, cùng ngồi lại bên nhau ôn lại những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của cha ông, khơi lại tinh thần bất khuất của những trái tim Việt Nam thửơ dựng nước và giữ nước. Đây còn là tiếng nói nghệ thuật của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, những ca khúc được trình diễn ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị nghệ thuật cao, được phối khí và trình diễn như một chương trình thính phòng giao hưởng độc đáo, giàu cảm xúc.
Khán giả sẽ mong chờ và được thỏa mãn những gì ở Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương? Khán giả đến thưởng thức Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương có thời lượng dài khoảng 3 giờ đồng hồ với khoảng 20 ca khúc, sẽ tìm được những xúc cảm dâng trào và lắng đọng sâu sắc. Vì ngoài những hùng sử ca Việt Nam từng được hát trước đây như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Ai Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng… còn có những bài hát mới được thể hiện trong chương trình lần này Đường Việt Nam (Sáng tác: Nguyễn Đức Quang - do Hồ Đăng Tín viết bè cho hợp xướng), Đàn Chim Lạc Hồng (đây là sáng tác mới của Trần Đại Phước do chính ông soạn hòa âm cho hợp xướng)… Chương trình còn có những ca khúc tình yêu và tình tự quê hương qua những tiếng hát sâu lắng của ca sĩ Quang Tuấn, Bích Liên, Mộng Thủy, Nguyệt Hân, nhóm ca Sóng Xanh, Cát Trắng, tứ ca, song ca, nhóm nam ca, nhóm nữ ca… Đây còn là chương trình hòa nhạc gây quỹ giúp hội thiện nguyện Hope Today, Việt Heart, gây quỹ sinh hoạt cho ban hợp xướng Ngàn Khơi.

Vẻ đẹp của hợp xướng Việt Nam
Để khán giả hiểu rõ thêm vẻ đẹp, cùng giá trị nội dung và nghệ thuật của Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương qua những tác phẩm hợp xướng trình diễn lần này, tiến sĩ, nhạc trưởng Vũ Tôn Bình (nhạc trưởng của Ngàn Khơi) chia sẻ: “Trong chương trình này có một số bài mới thể hiện được tâm tư của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ trong giai đoạn hiện nay sau 37 năm ly hương, và còn bày tỏ hoàn cảnh, tâm tư về một cuộc sống lành mạnh cho người Việt tại hải ngoại cũng như tại quê hương, bày tỏ được triết lý sống, ao ước thầm kín nhất của con người.
“Mặt khác nó cũng phản ảnh được những phức tạp của con người Việt Nam trên xứ Mỹ. Một bài nhạc có thể bày tỏ hoàn cảnh, triết lý sống, ao ước thầm kín nhất của con người.
“Khán giả đến thưởng thức chương trình, sẽ cảm nhận được điều đó thông qua tác phẩm mới sáng tác Đàn Chim Lạc Hồng của Trần Đại Phước, ông đã diễn tả được ngôn ngữ và sự phức tạp toàn diện suy nghĩ của một tinh thần Việt Nam, thể hiện ý chí sống của con người hòa hợp với hoàn cảnh sống tách rời khỏi quê hương nhưng vẫn giữ được cái gốc của mình. Để thành công tại hải ngoại, triết lý sống của người đó phải rất mạnh, khéo léo và hòa hợp. Khi nhận tác phẩm này để tập cho Ngàn Khơi, tôi rất thích và vui mừng. Mừng vì mình thể hiện được những tâm tư của mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và bằng hợp ca, giúp bày tỏ được cảm xúc của mình không chỉ một chiều mà rất đa diện. Tôi nghĩ 50 năm sau, người học nhạc thuộc thế hệ người Việt tại hải ngoại sẽ thông qua những bản nhạc như Đàn Chim Lạc Hồng có thể hình dung được cộng đồng Việt Nam sống tại Hoa Kỳ trước đó ra sao. Vì người nhạc sĩ ấy đã sống hơn 30 năm tại đất nước này, mà vẫn giữ được tâm hồn Việt, vẫn diễn tả được tiếng nói của mình qua nhiều tầng lớp phức tạp, để viết nên Đàn Chim Lạc Hồng thì quý giá vô cùng. Những ai sau khi hát bài này hay nghe bài này, có thể thấy được hoàn cảnh của nhóm người sống tại hải ngoại, tâm trạng sống, mức văn minh (3 bè, 4 bè)”.
Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình cho rằng nếu với đơn ca, người nghe thường bị lôi cuốn bằng sự rung cảm trước tài năng và sự thăng hoa của người nghệ sĩ, nó chỉ thỏa mãn về mặt tình cảm và một ít luận lý trong cảm nhận của người nghe. Còn khi nghe nhạc hợp ca, có tới 4 lớp lang, mỗi lớp là một giọng, thỏa mãn được mặt luận lý và cả tình cảm nữa. Do đó, ta sẽ thấy thích thú hơn.
Vì ngoài sự rung cảm trước người biểu diễn, người nghe còn thấy sự ấm cúng, gần gũi, muốn bày tỏ, hòa mình vào cùng dàn hợp xướng, muốn trở thành một thành tố của âm nhạc mà mình đang thưởng thức.
Vì vậy sẽ không hẳn là thậm xưng khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hợp xướng chính là chiếc nôi của quá trình âm nhạc hóa con người, âm nhạc hóa đời sống cộng đồng và cộng đồng hóa đời sống âm nhạc.
Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình giải thích rằng nhạc hợp ca có 2 loại hòa âm là homophonic và polyphonic. Homophonic là hình thức 4 giọng hát cùng nhịp, 4 nốt nhạc chồng lên nhau thành một hợp âm. Mỗi giọng đều có nhiệm vụ. Còn polyphony thì có nhiều lớp nhưng mỗi lớp là một giai điệu. Làm hòa âm polyphony khó hơn vì mỗi lớp là một giai điệu khác nhau, phải hay, đẹp mà cũng phải liên hệ với nhau để tạo ra disonant và consonant (nghich âm và đối âm) khiến các câu nhạc khi hòa, khi nghịch, dẫn người nghe qua một biến chuyển cảm xúc... gần như câu đối của Việt Nam, đối qua âm thanh, mỗi bè là câu nhạc riêng và những nốt nhạc đó đôi khi tương phản, đôi khi hòa hợp, nó tạo những cảm xúc đặc thù cho người nghe. Viết hợp xướng bằng tiếng Việt thì thường viết theo hình thức hòa âm polyphonic hơn là homophonic, vì tiếng Việt có các dấu thanh, nên viết theo hình thức này sẽ dễ hơn.
Theo nhạc trưởng Vũ Tôn Bình, hợp xướng thể hiện một hòa âm thường là 4 giọng 2 nữ cao và thấp và 2 nam cao và thấp. Như vậy nghe hợp xướng khác với nghe đơn ca ở chỗ đơn ca chỉ có 2 phần là hát và đàn, còn hợp xướng có 4 bè, chưa kể như trong những chương trình Ngàn Khơi thực hiện thường có hợp xướng 4 bè cộng thêm dàn giao hưởng với nhiều bè khác. Vì thế khi nghe những chương trình này, óc luận lý được tận dụng tối đa, người nào óc luận lý càng cao thì càng nghe được nhiều lớp (layers) khác nhau. Do đó, phần tình cảm và phần luận lý cùng được đáp ứng và người nghe cảm thấy thích thú.
Ngoài ra nhạc trưởng Vũ Tôn Bình cũng cho biết ích lợi của các ca viên khi ham gia hát hợp xướng, nó là một cơ hội lớn, một cơ hội tốt được phát triển hoàn thiện hơn con người của mình. Trước hết, các ca viên có cơ hội tham gia một tập thể yêu nhạc và tôn trọng âm nhạc, một tập thể đoàn kết gắn bó để cùng nỗ lực tạo nên cảm xúc chung và thành công cho tác phẩm. Hát hợp xướng, người trình diễn sẽ biết thể hiện hơn nhưng cũng biết lắng nghe hơn, lắng nghe một cách tinh tế sao cho sự hòa quyện của các bè đạt tới đỉnh điểm. Hát hợp xướng rèn cho người ta một giọng hát tốt với hơi thở sâu và cả một đôi tai tinh tế. Người hát hiểu và tôn trọng giọng nói, giọng hát của mọi người, biết thưởng thức sự đa dạng của thế giới âm thanh.
Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình chia sẻ ước mong có nhiều nhạc sĩ viết thêm nhạc hợp xướng để Ngàn Khơi biểu diễn, vì hiện nay số nhạc sĩ viết hòa âm của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại rất ít, chỉ đếm được trên ngón tay. Do đó, mỗi chương trình của Ngàn Khơi là một dịp để các ca khúc này được chăm chút kỹ phần phối khí hòa âm, là dịp để các nhạc sĩ của chúng ta thêm hăng say sáng tác khi họ thấy đứa con tinh thần của mình đã được nhiều người biết đến, hơn là sáng tác ấy nằm im trong ngăn tủ. Trong hơn 20 năm hoạt động, Ngàn Khơi đã có vốn liếng hơn 200 ca khúc được hòa âm phối khí, là một đóng góp không nhỏ vào gia tài âm nhạc và văn hóa Việt tại hải ngoại, giúp người nghe học được những bài học, giúp thế hệ tiếp nối như những thành viên của ban thiếu nhi ngàn khơi, là những em sanh ra và trưởng thành tại Mỹ, qua bài hát có thể hiểu được triết lý sống của người Việt Nam, và lưu truyền truyền thống của người Việt tiếp tục phát triển nơi xứ người.
Có rất nhiều giá trị quý giá mà người thưởng thức tìm được chỉ qua một buổi hòa nhạc với Chiều Nhạc Hát Cho Quê Hương, vậy những khán giả chưa có duyên tham dự chương trình của Ngàn Khơi, xin đừng bỏ lỡ cơ hội, còn những ai đã từng thưởng thức hòa nhạc với Ngàn Khơi, thì hãy đến dự buổi hòa nhạc này để làm giàu thêm gia tài thưởng thức âm nhạc cho mình. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT