Mẹo Vặt

Lại cùng đi… Chợ Cũ

Vũ Hằng/Viễn Đông Thursday, 19/04/2012 - 10:22:15

Ở đây bây giờ còn có nhiều thứ hấp dẫn hơn Chợ Cũ ngày xưa của mình nữa.

Vũ Hằng/Viễn Đông

Nếu những mẹo vặt lần trước giúp bạn một vài ý hay nhằm tiết kiệm ngân sách gia đình thì hôm nay mình lại đi chợ cũ với nhau nhé. Ồ, vô tình nhắc chợ cũ làm Hằng nhớ những ngày lang thang trên Hàm Nghi quá. Cái chỗ này ngày xưa mình gọi là Chợ Cũ, nhưng có ai nghĩ đến đó để mua đồ cũ đâu. Còn lại trong trí nhớ của Hằng bây giờ chỉ là hình ảnh những ổ bánh mì thật ngon với muôn vàn thứ mà nhìn vào là muốn “na” ngay về nhà cho đã thèm. Ở đây bây giờ còn có nhiều thứ hấp dẫn hơn Chợ Cũ ngày xưa của mình nữa. Dĩ nhiên, không phải cái gì cũ cũng xài được, nhưng với những món sau đây thì bảo đảm, bạn sẽ thấy phẩm chất không thua gì đồ mới mà giá lại rẻ hơn nhiều.

Nhạc khí
Mua nhạc khí cũ, bạn có thể tìm được một kho tàng. Không phải chỉ vì nó rẻ hơn, mà nhạc khí càng cũ càng được dân chơi đồ cổ ưa chuộng. Ông Brad Wilson, tác giả trang mạng www.bradsdeals.com kể lại một kinh nghiệm bản thân: “Cái trống đầu tiên tôi có năm 11 tuổi là cái trống Yamaha Touring Drum, giá 250 Mỹ kim, mua được nhờ xem rao vặt trên báo. Tôi dùng cả gần chục năm sau, bán đi hồi 19 tuổi lại được tới 1.100 Mỹ kim do cái màu trống đã trở thành cổ điển, vì bây giờ người ta không còn chế cái màu ấy nữa.”
Cho dù bạn không tính mua đi bán lại sau này, theo ông Wilson thì mua nhạc khí cũ vẫn làm một đầu tư có giá trị: “Xét về phương diện kỹ thuật, nhạc khí đời nay không đổi mới bao nhiêu. Còn theo ý kiến chung của giới nghệ sĩ thì… nhạc khí bây giờ không còn hay như ngày xưa”. Chả hiểu sao họ nghĩ vậy. Nhưng nếu các con bạn đang học nhạc, thì đừng ngại mua lại những nhạc khí cũ của đời xưa miễn là chúng không có gì hư hại phải sửa chữa.

Sách
Sách vở tích lũy sự khôn ngoan của nhân loại. Thời đại bây giờ, kiến thức được chuyển tải bằng email, bằng ebook, nên sách vở đã rẻ nhiều. Nhưng thành thật mà nói, cầm một quyển sách trên tay có những cái thú riêng mà cuốn ebook trên màn ảnh không cung cấp được. Ông mọt sách nhà em nói thế, nếu bạn là người cũng mê sách thì kiểm tra lại hộ em xem có đúng không nhé. Còn điều sau đây thì Hằng tin là “chắc ăn như bắp”: Những cuốn sách in ra trên giấy mang theo cả lịch sử của những người đã sử dụng nó, đó là điều làm cuốn sách thêm giá trị.

Tâm lý chung là khi nghe nói có một cuốn tiểu thuyết mới ra lò, thì ai cũng háo hức muốn tìm đọc ngay. Nhưng nếu hiểu rằng giá trị một cuốn sách không giống như một cái bánh ăn xong là hết. Mà nội dung của nó phải có đủ sức sống trải qua thời gian. Vậy nếu chờ một chút cho đến khi sách được bán lại theo giá sách cũ ở địa phương thì bạn sẽ có được những cuốn sách giá trị với giá rẻ chỉ bằng nửa, bằng một phần ba hoặc bán gần như cho.
Cô giáo em bảo rằng, đừng sợ làm như vậy sẽ trở thành một kẻ lỗi thời. Là vì, có ai dám bảo mình “thức thời” vì đã đọc hết được mọi cuốn sách trong thế giới này đâu. Vì thế, chờ đến khi tờ giấy in sách được bán lại theo giá giấy cũ, thì những ý tưởng có giá trị trong sách vẫn mới như thường. Thì ngay tuần trước chứ có đâu xa, Hằng “chộp” được tại thư viện địa phương một cuốn sách mà em tin rằng nghe tựa thôi là bạn mê rồi: Secret Lives of the First Ladies! Đời sống bí mật của các vị Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, kể từ phu nhân của Tổng Thống Washington cho đến phu nhân Tổng Thống Bush. Chỉ có phu nhân Tổng Thống Obama chưa được ghi vào, là vì còn đang tại chức! Nghe cái chữ “bí mật” đã hấp dẫn, mà lại là bí mật của các vị đệ nhất phu nhân nữa chứ. Sách này có bán cả trăm đồng cũng xứng đáng, nhưng các bạn có biết em mua được với giá bao nhiêu không? 25 xu!
Còn sách giáo khoa, dứt khoát bạn phải tìm mua sách cũ. Là vì, trong khi sinh viên chưa làm ra tiền mà vẫn phải bấm bụng mua những cuốn sách giáo khoa đắt ngất trời… chỉ dùng được trong một học kỳ. Sang học kỳ mới là phải mua sách khác. Vậy tại sao không mua lại sách cũ của những người khóa trước? Kiến thức nhiều phần không thay đổi, mà giá tiền lại giảm được nhiều lắm.

Đồ điện tử phục chế
Cái chữ phục chế là tiếng Việt, nhưng xem ra không phổ thông cho bằng chữ Refurbished. Đúng, đồ điện tử thì chẳng nên mua cũ, là vì cấu trúc nó rất phức tạp. Chỉ trừ khi đó là đồ Refurbished, tức là hàng đã có người sử dụng rồi, nhưng bị hư hại sao đó, nên trả về cho hãng vì còn hạn bảo hành. Hãng sửa chữa lại cho đúng với tiêu chuẩn đồ mới, guarantee như đồ mới, nhưng giá bán thì giảm hẳn.
Ông Brad Wilson cho rằng ngay cả những cái iPhone cũng có thể mua cũ, nếu đã được hãng sản xuất Refurbished. Ông cả đẫn nhà em thì khỏi nói, lúc nào chả cho rằng đa số những món hàng phục chế phẩm chất còn cao hơn cả những thứ brand new đóng trong gói nữa.

Đồ dùng nhà bếp
Trước tiên, phải nói tới những thứ không nên mua, như máy móc có bộ phận chuyển động, chẳng hạn máy xay rau, xay sinh tố… Mình đâu có biết mô tơ bên trong thế nào, các bộ phận hao mòn ra sao… Tuy nhiên, những thứ như muỗng nĩa, chén bát, ly tách và nồi niêu bán ở trong một cửa hàng đồ cũ (Thriftstore, Goodwill…) thì mua được. Đương nhiên cần phải rửa lại kỹ càng trước khi sử dụng.
Nếu chỉ có ý mua đồ dùng, chứ không chủ ý sưu tập đồ cổ cho đủ bộ thì không có lý do gì phải mua đồ mới cho đắt tiền, mà giá trị cũng không hơn gì.
Chợ cũ còn nhiều món hàng giá trị, bạn cứ ngẫm mà xem. Chẳng hạn như… cái ông “chợ cũ” ở nhà, có phải là cứ như men, càng nhấp vào lại càng say không?

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT