Phóng Sự

Chuyện của một cựu quân nhân VNCH, giáo sư Trần Khánh (kỳ 1)

Sunday, 28/02/2016 - 11:21:37

Dẫu không phải là một nghệ sĩ hài, nhưng màn độc thoại hài hước của ông đã lôi cuốn khán giả không thua gì các nghệ sĩ hài chuyên nghiệp khi họ trình diễn hài độc thoại.

Bài BĂNG HUYỀN

Những khán giả từng đến dự đêm nhạc ra mắt CD Ne Me Quittepas, kỷ niệm 44 năm ca hát của ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa (diễn ra tại rạp Rose Center Theater đêm 18-10-2014) và ra mắt CD Merci Cherie kỷ niệm 45 ca hát của ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa (diễn ra tối 11-12-2015 tại hí viện Saigon Performing Art Center) chắc hẳn đã không quên được những giây phút thật vui khi thưởng thức tiết mục rất đặc biệt trong chương trình qua phần xuất hiện của giáo sư Trần Khánh. Ông là thân phụ của xướng ngôn viên nhạc sĩ Mộng Lan (hiền thê của ca nhạc sĩ Trọng Nghĩa).

Giáo sư Trần Khánh trò chuyện trên sân khấu buổi ra mắt CD của Trọng Nghĩa. (Hình Trọng Nghĩa cung cấp)



Với vẻ ngoài của mình, giáo sư Trần Khánh rất dễ tạo thiện cảm cho người đối diện, mái tóc hớt cao, hình dáng gầy gò, gương mặt vẫn còn lưu dấu lại vẻ ưa nhìn của thời trẻ nhưng nay đã có nhiều đường vẽ xô lệch của thời gian, nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt tinh anh, giọng nói truyền cảm.
Dù tuổi đời đã gần 80, nhưng ông vẫn giữ được sự minh mẫn tuyệt vời.

Dẫu không phải là một nghệ sĩ hài, nhưng màn độc thoại hài hước của ông đã lôi cuốn khán giả không thua gì các nghệ sĩ hài chuyên nghiệp khi họ trình diễn hài độc thoại.

Dẫu rằng không có những màn tung hứng cùng người bạn đứng chung trên sân khấu, chỉ có duy nhất một mình ông hoàn toàn chủ động nói lời độc thoại, nhưng ngay vài phút mới xuất hiện ông đã nhanh chóng làm người nghe bật cười, thích thú về chất duyên, hài hước qua cách kể chuyện của mình. Với kiến thức thơ văn, âm nhạc Đông Tây Kim Cổ thật phong phú, cùng kiến thức về đời sống, những kinh nghiệm tuổi già của mình, cộng với tài hoa của một thầy giáo đã đứng trên bục giảng 50 năm dạy học và đi lính: thời Việt Nam Cộng Hòa (1961-1975) dạy văn chương Anh ở Hoa Kỳ từ năm 1975-2011, kết hợp với duyên hài hước của một người rất hoạt ngôn, ông đã nói liên tục trong khoảng thời gian 10- 20 phút và “mê hoặc” được người nghe, tạo nên những tiếng cười sảng khoái nhưng cũng ít nhiều có ý nghĩa thâm trầm, sâu sắc.

Qua điện thoại, ông giới thiệu đến độc giả Viễn Đông, bảo, “Ở vào cái tuổi của bác, lẻ 2 que đầy 8 bó [ông sinh năm Mậu Dần 1938], cũng như Cụ Hoàng Xuân Hãn, than van: Bảy mươi qua sắp tám mươi/ Sức chừng thêm đuối, tính thêm lười! Nên bác yên phận, vui niềm vui ẩn dật Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm [một danh sĩ cuối đời Đông Tấn, Trung Quốc]. Vì vậy, thú thật với cháu, bác rất ngại phải chường mặt ra, và mang cái tôi đáng ghét ra cho thiên hạ dè bỉu, vì bác quan niệm Bóng chiều nghiêng bóng ta cao/ Cái ta bé nhỏ có cao bao giờ? [Bùi Vĩnh Hưng].”

Nhưng rồi vẫn có một ngoại lệ. Và khi cảm thấy sự phiền phức, nỗi ngại ngùng đã qua, thì ông lại rất nhiệt tình với câu chuyện.

Từ ký ức của ông, cả quãng đời, với tuổi xuân phơi phới khi về hồi cư tại Việt Nam từ năm 1953, rồi học hành để trở thành thầy giáo, bước chân vào quân trường. Trải qua những tháng năm của một nhà giáo, một quân nhân VNCH, cho đến biến cố 1975, thời gian tìm đến bến bờ tự do. Những tháng năm vất vả học tập để quay lại với nghiệp giáo chức nơi xứ người.

Tất cả như một cuốn phim đã mất, nay lại trở về. Trước khi mở đầu câu chuyện đời mình, ông hài hước thổ lộ rằng ông “cố vận dụng cái trí nhớ cùn mòn, theo năm tháng của tuổi đời chồng chất, để moi móc các dữ kiện, đã chìm lắng sâu trong tiềm thức, trước khi Nàng Alzheimer's đến rước ông đi về Miền Quên Lãng. Tuổi già khởi sự từ đâu?/ Tuổi già khởi sự khi nào ta quên/ Quên chồng, quên vợ, quên tên/ Quên cười, quên bạn, quên mình là ai!"

Quãng đời niên thiếu

Ông kể, từ khi sinh ra (năm 1938) cho đến năm 1953 ông sinh sống cùng cha mẹ ở bên Lào và Thái Lan. Mãi đến năm 1953 gia đình ông mới hồi cư về lại Sài Gòn.

Nhắc lại nguyên do gia đình sống ở hai quốc gia này, ông cho biết, “Ông cụ thân sinh của tôi [sinh năm 1895-1943], Hàn Lâm Viện Trước tác, Huế (chức hàm Hàn Lâm Viện dành cho quan văn ở trật chánh lục phẩm -theo Từ Điển Nhà Nguyễn của Võ Hương An, 2012 - đỗ Thông sự Tòa Công Chánh, và được hoán bổ sang Vạn Tượng, Lào, làm Chánh Phán sự Công Chánh, năm 1928, và sanh hạ 6 anh chị em và tôi tại đây. Sau khi ông cụ mất, gia đình trốn tránh chiến tranh và tản cư sang Thái Lan sinh sống từ năm 1945, cho đến năm 1953, thì hồi cư về Việt Nam.”

Ông nói từ nhỏ đến 15 tuổi trước khi ông về Việt Nam, thì chặng đường đời sống tại Lào, Thái Lan không có nhiều kỷ niệm lắm. Tuy nhiên thời gian ở Nongkhai, Thái Lan, năm 1946, có một dấu ấn đặc biệt với ông, là ông đã bị chết đuối khi tắm sông Mekong, được dân chài người Thái cứu, mang lên một bệnh viện trên bờ, mà ba ngày sau nằm còn sùi bọt mép. Thời đó ông học thì ở trường trong chùa, trong quận hạt mình cư ngụ.

“Tôi ham chơi hơn ham học, chỉ thích túm năm túm ba với bạn học người Thái, người Việt trong thập niên 1940 này, có rất nhiều người Việt mình, tập trung sống ở miền Đông Bắc Thái, như Nongkhai, Udon Thani, Khon Kaen, và Khorat (Nakhon Ratchasima) đi trèo me, hái trộm xoài, và ra các đầm lầy xúc cá lia thia. Tuy nhiên, tôi cũng học cọt quẹt được dăm ba chữ Thái và Ăng Lê, và vụng múa chê đất lệch, trách nhà trường cho tụng niệm Kinh Nhà Phật nhiều hơn là học!”

Hồi cư về Sài Gòn

Ông kể rằng từ năm 1953, khi ông theo gia đình về Việt Nam, lúc đó Tổng Thống Ngô Đình Diệm sắp sửa thay thế Quốc Trưởng Bảo Đại, ông nhìn thấy được buổi “giao thời” Pháp đi, Mỹ đến. Trong ông lúc bấy giờ là sự háo hức của một người trẻ thích thú được tìm hiểu về nguồn cội, Sài Gòn với ông khi ấy đẹp lắm, thực đúng là “Hòn Ngọc Viễn Đông.”

Ông tâm sự, “Hồi ở bên Thái, tôi không có dịp được tiếp xúc hay học Lịch Sử Việt Nam, nên khi hồi cư về Sài Gòn, tôi trau giồi tiếng mẹ đẻ, bằng cách ngấu nghiến, và miệt mài đọc, quên ăn quên ngủ. Tôi thấy giai đoạn này rất đáng sống, đây là quãng đời đẹp nhất trong độ tuổi trưởng thành của tôi. Khi tôi rành ngôn ngữ Việt, tôi đọc bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư, và nhất là Tự Lực Văn Đoàn, trước khi được nhập học trễ vào Lớp Đệ Tam C, trường Trung Học Chu Văn An, cùng với các bạn, sau này thành danh, như Bùi Bảo Trúc, Đinh Ngọc Mô Đố Vui Để Học, nhà văn Y Uyên Nguyễn Văn Uy, Vũ Khắc Dụng, Thứ Trưởng Tài Chánh thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Tôi to đầu lớn xác hơn các bạn học này, ít nhất là 5, 7 tuổi. Thời 1954-55 ở Sài Gòn, sách tiếng Pháp ít lắm, mà sách tiếng Anh thì nhiều, khi đó tôi có tham gia vào câu lạc bộ nói tiếng Anh, được giới thiệu nhiều tài liệu, được vô tòa đại sứ Mỹ, tòa đại sứ Anh thấy sách nhiều quá, thích quá, nên chuyển qua học tiếng Anh, không học tiếp tiếp Pháp nữa, vì vậy theo thời gian tiếng Pháp của tôi cùn mòn đi.

Giải thích lý do trở thành nhà giáo. Ông kể, “Tôi có ông anh, con ông bác khá nổi tiếng là Giáo sư Thạc sĩ Y Khoa Trần Vỹ, Bộ Trưởng Bộ Y Tế, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những năm 1956 - 1961, là role model của tôi, nên tôi chọn nghề dạy học. Gia dĩ, sáu đời trong gia tộc của tội, đa số cũng làm nghề giáo, nên tôi là Đệ Ngũ Thế Nhà Giáo theo truyền thống. Tiếc rằng, tôi lại là The Last Samurai... Teacher, vì con cái của tôi không có ai nối nghiệp cha nữa!”

Nghiệp giáo và quãng đời binh nghiệp

Làm trai trong thời ly loạn, nên cũng như bao thanh niên khác, ông đã nhập ngũ khóa 23/Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức/QLVNCH, và được tuyển chọn về làm Giảng viên Anh ngữ, Trường Sinh ngữ Quân Đội từ năm 1967-1971.

Được biết “Trường Sinh Ngữ Quân Đội trong thời đầu, danh xưng của trường là Trường Anh ngữ, rồi đổi tên là Trường Anh ngữ Quân sự (Armed Forces English Language School) và sau cùng được đổi thành Trường Sinh ngữ Quân đội (Armed Forces Language School) cho đến ngày 30/4/1975. Trường được thành lập vào ngày 18-6-1956 với mục đích huấn luyện Anh ngữ cho các quân nhân VNCH để chuẩn bị đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ.

“Trường có ba lần thay đổi chỉ huy trưởng, từ Đại úy Phạm Hữu Khoát đến Thiếu tá Phan Thông Tràng và sau cùng là Trung tá Huỳnh Vĩnh Lại. Trường dạy tiếng Anh cho quân nhân được các đơn vị cử về trường từ khắp bốn vùng chiến thuật. Tại đây, các quân nhân học tiếng Anh để chuẩn bị cho những chương trình du học chuyên ngành tại Hoa Kỳ trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, một cuộc rút quân từng bước của Mỹ ra khỏi Việt Nam.”

Từ năm 1971-1973 ông là thông dịch viên kiêm thuyết trình viên Anh ngữ, Tổng Cục Quân Huấn/Bộ TTM/QLVNCH. Thông Dịch Viên, cho Đại Tá Đỗ Nhọc Nhận, Phụ Tá Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp, Ủy Ban Liên Hợp Bốn Bên, Camp Davis, trong Phi trường Tân Sơn Nhất, 1973-1975.

Trước khi nhập ngũ, ông là Giáo sư Anh văn dạy tại Trường Anh văn Ziên Hồng và Nguyễn Ngọc Linh từ năm 1961- 1965 (toàn thời gian), còn từ năm 1967 - 1975 thì dạy bán thời gian, ban đêm tại trường Anh văn Ziên Hồng và Trung Học Tư Thục Khôi Nguyên, Sàigòn.

Nhắc về kỷ niệm vui buồn trong quân ngũ, ông hài hước bảo, “mặc dầu, tôi là sĩ quan giảng viên, với cấp bậc “tép riu,” nhưng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư,” được các vị Sĩ quan đàn anh, tiền bối “quan to súng ngắn,” cấp bậc Đại Tá, Trung Tá gọi là “Ông Thầy,” và biệt đãi hậu hỹ khi tôi có dịp đi công tác sau này cho Tổng Cục Quân Huấn/ Bộ TTM, ra các Quân Khu và Vùng Chiến Thuật. Ôi tình chiến hữu và "huynh đệ chi binh" quả đáng quý và cảm động!”

Ông cho biết cuộc đời binh nghiệp của ông rất may mắn nếu so với những bạn bè đồng trang lứa phải đương đầu với súng đạn, nằm gai nếm mật, đối diện với tử sinh từng phút từng giây. “Khi tôi gia nhập vào quân đội VNCH, vì không là sĩ quan tác chiến, nhưng tôi được làm việc với các sĩ quan tác chiến, được cảm nghiệm về chiến trận qua những lời kể của các bạn đi tác chiến về, nhưng tôi vẫn giữ được những thơ mộng ở bên ngoài nhiều hơn là những đau khổ của người lính trực tiếp cầm súng trên chiến trường, vì tôi chỉ làm về tham mưu, làm việc ở văn phòng. Còn khi tôi đi các vùng chiến thuật, trong thời gian làm ở Tổng cục Quân Huấn/Bộ TTM Quân lực VNCH thì tôi đi thanh tra với các phái đoàn, cũng như đi phối hợp với sự yểm trợ của quân lực Mỹ cho 18 quân trường và mấy chục trung tâm huấn luyện ở khắp bốn vùng chiến thuật. Khi tôi đến nơi thì mọi sự an lành, nhưng tôi có chứng kiến những trận đánh lẻ tẻ như khi năm 1960 tôi làm thông dịch viên cho Bộ Công Dân Vụ có phối hợp với liên đoàn 77 của lực lượng đặc biệt thì tôi có chứng kiến vài trận đánh và không có gì gọi là khốc liệt ở vùng Tam Kỳ, Quảng Nam thời tổng thống Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng Hòa.”

Ông nói khi ông chính thức trở thành quân nhân của Quân Lực VNCH từ năm 1966, ông chủ yếu dạy học và làm tham mưu, dịch sách, dịch các binh thư hơn là đi sát với chiến trường. “Trong thời gian tôi làm ở Tổng cục Quân huấn, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu tôi được biệt phái đi những quân trường như trung tâm huấn luyện Hải Quân Nha Trang năm 1967- 1968 dạy 2 khóa sĩ quan hải quân Nha Trang khóa 17, khóa 18 thì quãng đời đó nhiều kỷ niệm lắm nhưng rất đẹp. Ngoài giờ làm việc, tôi vô thư viện đọc sách, tôi đi dọc theo bờ biển Nha Trang để xem đất nước quê hương Nha Trang, vào viện Hải Dương Học.”

Chính vì không trực tiếp cầm súng, không nhìn thấy máu đổ, không nhìn thấy đồng đội hy sinh, nên tâm hồn của ông vẫn còn thơ mộng lắm. Ông kể, “Năm 1968, tôi chứng kiến biến cố Mậu Thân tại Sài Gòn, khi đó ở Trường Sinh ngữ Quân đội chúng tôi phải mang những trung đội ra để làm vành đai an ninh ở đường Nguyễn Huệ, lúc đó tôi chỉ hơi nếm mùi chiến tranh một chút thôi. Vì không trực tiếp cầm súng, nên những người bạn của tôi mỗi khi đi tác chiến về thăm lại Sài Gòn nghỉ phép, tôi đãi ngộ họ lắm. Tôi không hẳn cảm thấy tội lỗi, nhưng tôi thấy mình may mắn được ở lại hậu phương làm việc an bình, còn những người lính chiến nay sống, mai mất, đâu biết sống chết lúc nào. Thành ra tôi luôn xem họ là những người ơn của tôi.”
(còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT