Phóng Sự

Chuyện của cựu quân nhân VNCH, giáo sư Anh văn Trần Khánh (kỳ 3)

Sunday, 13/03/2016 - 10:37:14

Nói thêm về những khó khăn mà ông gặp phải trong thời gian dạy tại trường George Washington High School, giáo sư Trần Khánh cho biết, “Một số học trò từ các nước ngoài Mỹ, trình độ Anh ngữ chưa đủ, để có thể đọc và hiểu thấu đáo, các áng văn giảng dạy, như các em native-born, sinh và lớn lên tại Mỹ, mà các em này lại bị máy móc sắp vào các lớp học, căn cứ theo năm sinh.” Chính vì vậy việc dạy của ông cũng vất vả hơn.

Bài BĂNG HUYỀN


            Ông Trần Khánh cho biết ông mang cấp bậc Đại Úy trong Quân Lực VNCH từ năm 1966 đến 1975.
 

Trở lại nghề giáo trên quê hương mới

Mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi. Đó là cuộc đời mà mỗi người phải nỗ lực hết mình để đạt được những điều mình mong muốn, chứ không phải cuộc đời an nhàn bình lặng. Đừng để ánh sáng cuộc sống bình yên ngày một mất đi, cũng đừng để những tai hoạ làm mình gục ngã. Người chăm chỉ sẽ luôn biết cách nắm giữ vận mệnh của mình trong tay. Đây chính là điều mà người viết cảm nhận rõ nhất khi nghe những tâm sự của giáo sư Trần Khánh kể lại quãng đời của ông khi đến Mỹ định cư lúc ông gần 40 tuổi, nhưng vẫn chưa quá trễ cho ông và gia đình làm lại cuộc đời trên quê hương mới.

Ông kể ông xuất trại Camp Pendleton vào giữa tháng 8, 1975, và chính thức tạm "an cư lạc nghiệp" tại Hoa Kỳ, vào đầu tháng 9, 1975, khi được nhà thờ Trinity Lutheran Church, cơ quan thiện nguyện bảo trợ ông, ở Hillsboro, Oregon, giới thiệu ông để được tạm tuyển vào làm giáo sư chương trình Đông Dương và ESL cho Portland Public Schools, và sau đó cho Portland Community College, Oregon.

Giờ đây trở lại với công việc thầy giáo nơi quê người đối với ông, không chỉ là công việc để mưu sinh nữa, mà ngay từ khi đặt chân lên đất Mỹ, giáo sư Trần Khánh đã ý thức được rằng, giáo dục đóng vai trò trọng yếu trong việc đem lại một đời sống có phẩm chất, sáng tạo, nâng cao giá trị đời sống con người. Vì giáo dục đã chứng minh được trong lịch sử, cung cấp nhiều cơ hội cho con người phát triển, làm cho con người tự tin nhờ vào kiến thức, mà kiến thức chính là sức mạnh thực sự.

Ông biết rằng giáo dục tốt là chìa khóa đưa đến thành công. Vì là con người, không ai chịu giam hãm trong những hạn chế của mình, mà chờ cơ hội để phát triển. Là một người tị nạn, rời bỏ quê hương để làm lại từ đầu nơi xứ người với đôi bàn tay trắng, thì hành trang quý giá không gì khác hơn chính là tiếp tục học để trở lại với nghề giáo, để truyền dạy kiến thức cho các học trò, trong đó có những em cũng là người di dân như ông.
Giáo sư Trần Khánh tâm sự, “Kỷ niệm tôi nhớ và cảm động nhất là ngày tựu trường của niên học 1975-1976, khi đứng trong lớp hướng dẫn mấy em học sinh Việt Nam, Lào, Cao Miên, mà khi đó tôi là celebrity (theo lời ông Hiệu Trưởng và các đồng nghiệp người Mỹ) khi được các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí địa phương, đến chụp hình, quay phim, phỏng vấn, vì tôi là Viet Teacher đầu tiên dạy ở Oregon.”

“Lại nữa, ngày hôm sau, khi đang đứng co ro vì lạnh, trong tiết tháng 9, của mùa thu miền bắc Oregon, để đón xe buýt đến trường dạy, bác giật mình và ngạc nhiên, thấy các nhật báo địa phương (The Oregonian phát hành ngày thứ Ba, 9 tháng 9, 1975) bày bán trong các thùng báo, đăng hình tôi trên trang nhất.”

Giáo sư Trần Khánh cho biết nhờ ông có những kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán của người Đông Dương nên trong thời gian còn ở Oregon, ông không chỉ dạy học ở trường, mà những nhà thờ, mấy hội đoàn trong cộng đồng còn mời ông đến thuyết trình về phong tục tập quán của Việt Nam.

Ông đi thuyết trình nhiều nơi và nhận thù lao tượng trưng lúc bấy giờ là $25 cho một buổi thuyết trình do người mục sư ở Portland giới thiệu cho ông những nơi ông đến thuyết trình. Chính vì đi đâu thuyết trình cũng được mọi người quý mến, trân trọng, nên ông càng trân quý những kiến thức về văn hóa Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam nhiều hơn, ông dành thời gian nghiên cứu sâu hơn những kiến thức này.

    Thầy Trần Khánh chụp hình chung với Thiếu Tá (nay là Trung Tá) Thủy Quân Lục Chiến Phạm T. Tuấn năm                                                           2011. Tuấn từng là học trò của thầy Khánh.

Người chăm chỉ nắm vận mệnh trong tay

Nhắc lại những thuận lợi, khó khăn giúp ông trở lại nghề giáo trên xứ cờ hoa này, giáo sư Trần Khánh kể, “Nhờ số vốn liếng tôi dạy Anh văn, và làm thông dịch viên kiêm Thuyết Trình Viên Anh ngữ, 14 năm ở Việt Nam, nên khi tôi qua Mỹ mặc dầu là Anh văn của mình, là loại Made in Mỹ Tho, câu tôi hay đùa với bạn bè của mình, tôi may mắn ít gặp trở ngại và ngỡ ngàng.

“Tuy nhiên, tôi phải đi học lại gần hai năm rưỡi, để lấy bằng Cử nhân Văn chương Anh tương đương và giấy phép hành nghề dạy học. Ban ngày tôi đi dạy với Giấy Phép Hành Nghề Tạm (Emergency Teaching Credential), buổi chiều, tối, ban đêm, và cuối tuần, cắp sách đến trường học, để hội đủ tín chỉ của mỗi trường đại học đòi hỏi.”
Ông bảo giai đoạn khi qua Mỹ là giai đoạn thử thách ông rất nhiều. Khi còn ở Việt Nam, ông thấy mình như “đẻ bọc điều” rất may mắn, nhưng từ khi qua Mỹ, cuộc đời ông vô cùng vất vả, cái gì với ông cũng mới mẻ hết. Nhưng chính cái mới mẻ đó làm cho ông phải luôn cố gắng, chăm chỉ, nhờ vậy ông đã đứng vững sau mấy năm làm việc.

Giáo sư Trần Khánh cho biết trong suốt thời gian 36 năm, dạy học ở Hoa Kỳ từ năm 1975-2011, ông lần lượt được dạy ở nhiều Học Khu khác nhau, ở hai tiểu bang Oregon (1975-1978) và California (1978-2011).

Năm 1978 được lời “rủ rê” của người bạn thân là giáo sư Lê Duy Chương (1938- 2011) từng dạy Anh văn chung với ông ở trường Nguyễn Ngọc Linh (Sài Gòn), khi đó giáo sư Lê Duy Chương đang dạy ở San Francisco Unified School District biết được nơi đây cần tuyển giáo viên nên rủ ông thi tuyển. Vậy là từ năm 1978-2011 ông dạy cho học khu San Francisco Unified School District.

Để hội đủ điều kiện dạy học tại đây, ông theo học tại San Francisco State University lấy các chứng chỉ tương đương của Bằng Cử Nhân Giáo Khoa Anh Văn, và Giấy phép Hành nghề Dạy học California- Môn Anh văn của Uỷ Ban Cấp Giấy Phép Dạy Học Cho Giáo Sư.

Ông được cấp Giấy phép Hành nghề Dạy Học- Môn: Anh Văn- Suốt Đời ngày 18/7/1985, và Bằng Dạy Học cho Các Đại Học Cộng Đồng trong Học Khu Đại Học Cộng Đồng San Francisco- Môn: English as a Second Language (The California Community Colleges - Certificate of Qualifications For Teachers Of Classes For Adults - Issued: September 25, 1980 - Valid for life)

Từ năm 1978-1984: giáo sư Trần Khánh dạy các lớp ESL - Advanced Level, cho học sinh có những nền văn hoá khác biệt, từ lớp 9 - 12, tại Trung Học George Washington High School, San Francisco.

Từ năm 1984-2011 giáo sư Trần Khánh dạy World Literature cho học sinh lớp 9 của trường. Dạy môn American Literature cho các em học sinh lớp 10. Và dạy môn British and Western Litarature cho các em học sinh lớp 11 và lớp 12

Ông khiêm tốn bảo: “Các cụ xưa nói, mỗi người một nghề, như Trần Tế Xương: Trời đất sinh ra chán vạn nghề / Làm thầy, làm thợ, lại làm thuê..."

“Tôi cũng chẳng hay ho gì hết, dốt Toán, dốt các môn Hóa học, Vật lý trừu tượng... có được cái bằng Dạy Học Bộ môn Anh văn (English Language Arts), lại may mắn, thuộc loại quý hiếm "Valid For Life," lúc đó trường George Washington High School đang cần một giáo viên văn chương Literature Teacher, thế là tôi hội đủ điều kiện được tuyển chọn, chứ chẳng có kỹ năng đặc biệt nào.

“Có một lần, tôi được bổ nhiệm dạy Honor English, cho Lớp 9 World Literature, được một lục cá nguyệt (semester), thì bị Hội Đồng Giáo Sư Anh Văn của trường,(English Department) truất phế vì lý do: Kinh nghiệm dạy học bao nhiêu năm của ông, chỉ thích hợp và có lợi nhất, để hướng dẫn và nâng đỡ các em bình thường, còn yếu kém về văn chương; còn các em Honor English này, thông minh vốn sẵn tính trời, học với giáo sư nào cũng được."

“Nhưng may mắn, đến kỳ cho điểm giáo sư (Teacher Evaluation), tôi vẫn được Ông Hiệu Trưởng "quẹt" vào các ô có chữ Outstanding!” Trường George Washington High School, là ngôi trường mà giáo sư Trần Khánh quý mến, ông xem nơi đây là “đất lành chim đậu”, nên ông đã gắn bó từ buổi đầu về dạy cho đến lúc nghỉ hưu suốt 33 năm (từ năm 1978 đến khi nghỉ hưu ngày 28 tháng 8 năm 2011).

Ông mô tả về ngôi trường thân yêu của mình: “Đây là một ngôi trường lớn, với bốn đại lộ vây quanh, chứa khoảng gần 3,000 học sinh và giáo ban, nằm trên một ngọn đồi, nhìn ra bờ biển, vịnh, và cầu Golden Gate Bridge tuyệt đẹp, nổi tiếng nhất là một "comprehensive high school," trung học phổ thông, đào tạo ra nhiều học trò xuất sắc nhất, trong 5 trường trung học, của Thành phố San Francisco. Tỷ lệ học sinh của trường tính theo chủng tộc, đại khái: 49% Tàu, 16% Mễ, 16% Mỹ trắng và Mỹ gốc Phi Châu, còn lại là Nga, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, và các gốc dân thiểu số khác.

“Tôi có những đồng nghiệp người Việt dạy cùng học khu San Francisco Unified School District, cùng thời với tôi giỏi thập bát ban võ nghệ, dạy những môn tôi sợ và dốt nhất như: Trần Quan San (Pháp văn), Nguyễn Bội Châu (NewComer High School), Trịnh Xuân Đính (Toán và Computer Science), Nguyễn Văn Cẩm (Sử Địa, Toán, Kinh Tế), Vũ Công Hiển (Toán, Sử Địa, Computer Science), Nguyễn Bá Liệu (Civics, Social Studies)... và nhất là Lê Duy Chương, Người Anh Cả của Lê Văn Trương, người anh đầu đàn của Nhóm Giáo sư Người Việt (Indochinese/Bilingual Department Head).”

Nói thêm về những khó khăn mà ông gặp phải trong thời gian dạy tại trường George Washington High School, giáo sư Trần Khánh cho biết, “Một số học trò từ các nước ngoài Mỹ, trình độ Anh ngữ chưa đủ, để có thể đọc và hiểu thấu đáo, các áng văn giảng dạy, như các em native-born, sinh và lớn lên tại Mỹ, mà các em này lại bị máy móc sắp vào các lớp học, căn cứ theo năm sinh.” Chính vì vậy việc dạy của ông cũng vất vả hơn.

Giáo sư Trần Khánh cho biết, “Nhưng may mắn và thuận lợi trong thời gian này, là Học Khu còn có ngân khoản, cho các em mới từ nước ngoài đến, đi học một năm về Anh văn, ở trường chuyển tiếp NewComer High School, trước khi các em, tùy khu vực mình cư ngụ, được thâu nhập vào các trường Comprehensive High Schools của Học Khu.

“Ngoài ra, mỗi trường đều có các Phụ Giáo (Teacher Aides), giúp kèm mấy em còn yếu, trong giờ học, sau giờ học, hoặc thậm chí trong giờ cơm trưa.”
(Còn tiếp)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT