Mẹo Vặt

Chọn trái cây

Vũ Hằng Wednesday, 29/02/2012 - 12:17:48

Tìm những trái vỏ cứng, có nhiều gân, trái tròn và nặng, cuống dưa xoắn lại như hình ốc, đó là trái dưa ngon, ruột đỏ giòn, cơm chắc.

Vũ Hằng

Thưa bạn, loanh quanh ở bếp nhiều rồi, hôm nay Hằng mời bạn đi chợ một chuyến để mua mấy thứ quả chúng ta hay dùng trong gia đình.


Bác sĩ Bhimu Patil, giám đốc Trung Tâm Cải Thiện Rau Trái của Đại Học Texas A&M's cầm
trên tay một trái dưa hấu và xác định: “Dưa hấu có tác dụng giống như thuốc Viagra…”.
Hèn chi! - ảnh: Texas A&M University cung cấp.

Làm sao biết xanh vỏ đỏ lòng?
Trước tiên là dưa hấu, có thể nói gọn là trái hấu, thứ trái cây xanh vỏ đỏ lòng, nghĩ tới đã muốn nhỏ nước miếng. Cứ nhìn mấy trái cắt ra làm mẫu, phô cái ruột dưa đỏ au ra ngoài, trông là thấy mê. Nhưng không phải trái nào cũng vậy, trái hấu bạn mang về nhà có thể sẽ khác hẳn nếu không khéo chọn. Chả trách người ta gọi là “xanh vỏ đỏ lòng”: Cứ đánh giá vẻ bề ngoài thì lầm chết! Nhưng chẳng lẽ mua trái hấu nào cũng đòi mổ ruột ra xem?
Đòi hỏi như vậy là không thực tế và cũng không cần thiết. Vì cái vỏ bên ngoài có thể là những chỉ dấu khá chính xác, và chúng ta có thể dựa vào đó để mua dưa. Bây giờ các bạn thử quan sát với Hằng nhé:
- Tìm những trái vỏ cứng, có nhiều gân, trái tròn và nặng, cuống dưa xoắn lại như hình ốc, đó là trái dưa ngon, ruột đỏ giòn, cơm chắc.
- Ngược lại, tránh những trái có vỏ mềm, ít gân, trái tròn nhưng không nặng, cuống duỗi, đó là những trái dưa bọng, cơm rã, và ruột không đỏ.
Nhờ mấy cái mẹo vặt trên đây mà em rất có uy tín với mọi người trong nhà. Mấy cô cậu nhỏ chẳng nói làm chi, ngay cả cái “cậu lớn” cũng tỏ ra hài lòng thấy rõ. Có lần thấy “cậu” làm dữ quá, em mới hỏi, “Bộ hồi xuân hay sao mà dạo này ông sung dữ vậy”, thì người ta bật mí, “Nhờ em khéo chọn dưa đó, biết không?” Rồi ổng nhoài người lấy một tấm giấy cất kỹ trong ngăn kéo đưa cho em. Hằng có xin tòa soạn in lại đây cho các bạn cùng xem thay cho câu trả lời. Chứ nói ra thì mắc cở lắm, em không dám đâu!

Thơm như múi mít là nhất!
Một thứ trái cây khác được dân mình ưa thích, đó là trái… Mít (không biết có phải vì vậy mà người mình được gọi là dân Mít hay không?). Ở đây cũng vậy, nếu chỉ nhìn cái vỏ ngoài đen đủi sần sùi của nó mà bỏ qua thì lại thêm một lầm lẫn chết người nữa. Là bởi vì bóc ra thì nó rất ngon rất thơm, và rất hấp dẫn, khó ai từ chối nổi. Còn đối với các ông thì tất cả những gì “thơm như múi mít” mới là nhất, con cái cũng chẳng bằng, vợ lại càng thua xa… Nhưng nói không phải khoe, thật tình nếu không có vợ thì chẳng mấy khi các ổng được ăn mít ngon. Là bởi vì, phải biết chọn, các bạn ạ. Mà ai chọn? Có vợ thì vợ chọn cho, chứ ai vào đây nữa. Này, để Hằng nói và bạn xem lại có đúng hay không nhé. Muốn chọn mít ngon thì mình phải để ý ít là 3 điểm sau đây:
- Gai mít: Chọn những trái có gai nở to, không cao, không nhọn, các gai dàn trải cách xa, chứ đừng có dính chùm vào với nhau.
- Hình dáng: Chọn quả tròn đều, không có nhiều chỗ eo, chỗ lõm.
- Tiếng kêu: Ấn bàn tay vào thấy mềm, và búng nghe kêu bình bịch, nặng trái là ngon.
Riêng mít tố nữ phải chọn quả có cuống chỉ chừng 0,5 cm, đừng chọn những trái có cuống dài từ 1 tới 1,5 cm. Những trái mít đó, ngày xưa mẹ Hằng gọi là… Mít tây, ăn chua hơn mít tố nữ.
Nếu mua mít đã làm sẵn thì nên chọn những vỉ có múi màu vàng đượm, óng ả mới là mít ngon.
Kể ra cũng không có gì phức tạp. Nhưng đó là với phe nội tướng chúng ta thôi. Chứ nói với mấy ổng thì chán lắm. Cái gì họ cũng cho là chuyện nhỏ, không đáng nhớ. Cứ việc ngả ra cho các ổng đóng cọc là được rồi, mân mó làm gì để nhựa dính tay, ông xã Hằng bảo là trong sách vở cô Xuân Hương dậy như vậy đó. Vừa nghe đã lộn tiết, em cứ tưởng là ổng quen với cô Xuân Hương nào ở trường gia chánh. Về nhà, ổng mở sách ra chỉ cho xem bài thơ mới vỡ lẽ:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay!
Nhờ các bạn giỏi chữ xem lại, có phải đúng là thơ Hồ Xuân Hương dạy về cách “đóng cọc” không, hay là cái ông chết tiệt này lại tính “mà mắt” em nhé.

Vuhang231@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT