Phóng Sự

Buôn người- hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ cuối)

Sunday, 21/02/2016 - 11:45:01

“Không nên để công ty môi giới XKLĐ tịch thu các giấy tờ, hợp đồng, biên lai, biên nhận của mình. Điều này thường xảy ra khi công nhân ra phi trường để lên đường đi lao động

Bài BĂNG HUYỀN

Những giải pháp chống buôn người của BPSOS và Liên Minh CAMSA

Nói về chương trình xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành tổ chức BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nạn Nô Lệ Tân Thời Tại Á Châu) cho biết: “Nạn nhân buôn người trong buôn lao động có bàn tay chính quyền trong đó. Những người lao động bị xuất cảng đi nhiều quốc gia khác nhau, chúng tôi ước lượng hiện nay có khoảng hơn 600 nghìn người lao động Việt Nam làm việc tại nhiều quốc gia, đi theo con đường chính thức trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước, cộng vào đó một con số tương đương như vậy là những người đi không chính thức, tức đi lậu. Chúng ta không biết được chính xác con số này, không biết được họ ở đâu. Tổng cộng có khoảng hơn 1 triệu người Việt Nam đi lao động nước ngoài, trong số hơn 1 triệu người này, chúng tôi e rằng một tỷ lệ rất cao đang bị bóc lột sức lao động một cách thậm tệ, đến nỗi có thể gọi họ là những người nô lệ thời đại mới.”

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng trong buổi điều trần về nạn buôn người tại Quốc Hội Hoa Kỳ.



Ông khẳng định, “Tại Việt Nam, buôn người, lừa đảo, để cưỡng ép lao động tại một quốc gia khác, cùng việc cưỡng bức lao động tại các trung tâm giam giữ là hai thực tế trong số các hình thức nô lệ hiện đại chủ yếu tại Việt Nam. Chỉ riêng hình thức buôn lao động trong nội địa Việt Nam thôi, cũng phải từ 300 đến 400 nghìn người rồi, chứ không phải chỉ là 250 nghìn, như bản phúc trình ước lượng. Chẳng hạn riêng về tình trạng buôn người theo dạng cưỡng bức lao động, để sản xuất hạt điều nằm ở trong những trung tâm cải huấn của nhà nước, ước lượng đã có 300,000 nạn nhân, chưa kể rất nhiều tù hình sự và tù chính trị cũng bị cưỡng bức lao động như chế biến hải sản, làm những đồ thủ công, mỹ nghệ để xuất cảng. Như cô Đỗ Thị Minh Hạnh là một người tù chính trị đã bị đàn áp rất nặng nề, bởi cô ta không chấp nhận bị cưỡng bức lao động để sản xuất hạt điều. Cô đã đứng lên chống không cho những tù nhận khác cũng bị như vậy. Nhưng những tù nhân khác sợ, nên họ vẫn phải làm. Đó là một hình thức nô lệ lao động.”

Không được đụng vào xuất khẩu lao động

Trả lời câu hỏi về việc nhà cầm quyền Việt Nam có tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế giúp phòng ngừa những người dân trở thành nạn nhân của buôn người, ông Thắng cho biết, “Các tổ chức quốc tế làm việc ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và họ bị hạn chế rất nhiều trong tầm vóc hoạt động của họ. Ví dụ như, không một tổ chức nào, nội địa hoặc quốc tế, đang hoạt động ở Việt Nam, có thể đụng đến chương trình xuất khẩu lao động, nghĩa là họ không được quyền can thiệp vào bảo vệ cho những nạn nhân sau khi đã hồi hương, hoặc là giúp các nạn nhân để truy tố, thưa kiện các công ty xuất khẩu lao động, bởi vì các công ty này được sự bảo vệ của chính quyền Việt Nam, cũng như chương trình xuất khẩu lao động là chương trình của nhà nước. Đây là vùng cấm địa, không tổ chức nào được đụng đến, nếu như không được phép của chính quyền Việt Nam để hoạt động trong nước.

“Hiện nay, cũng có một vài cuộc nghiên cứu, mà cuộc nghiên cứu có quy củ nhất, có quy mô nhất và đáng tin cậy nhất là của tổ chức Human Rights Watch. Họ đã làm một nghiên cứu này một cách rất âm thầm. Nếu như chính quyền Việt Nam biết được, thì đã bị cản chặn. Tổ chức này đã ra một bản phúc trình. Ở họ có những thông tin rất là chính xác và đi sâu, không nằm trong bản phúc trình, nhưng chúng tôi biết được là những khu nào, những công ty nào, dính dự đến tình trạng cưỡng bức lao động, trong vấn đề chế biến hạt điều.”

“Chúng tôi đã theo dõi, nhưng không thấy có tổ chức nào ở trong nước đã dám đứng lên để đặt vấn đề cưỡng bức lao động ở trong nước. Chỉ có một tổ chức ở bên Úc (Blue Dragon/Rồng Xanh), họ tập trung vào nạn lao động của các thiếu niên. Tầm hoạt động của họ cũng bị hạn chế rất nhiều, tuy nhiên đây là tổ chức độc nhất dám lên tiếng về tình trạng buôn trẻ em vào con đường lao động, còn bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước, thì tuyệt nhiên không có tổ chức nào, hoặc là chương trình cưỡng bức lao động trong các trại cải huấn.

“Trong tình hình rất bị hạn chế ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi có những cách thức khác. Thay vì đi vào Việt Nam để bị đặt điều kiện, những việc gì được làm, những việc gì không được làm, và chúng tôi nhận xét thấy rằng, những việc cần làm thì lại không được làm, thành ra chúng tôi có một công thức khác.
“Đó là giải cứu các nạn nhân ở các quốc gia tiếp nhận, chẳng hạn ở Mã Lai, ở Nga, ở Đài Loan… và qua đó, chúng tôi thu thập được rất nhiều thông tin về những đường dây buôn người, về những tổ chức buôn người như thế nào, về những mưu mô của họ ra sao, chúng tôi mới chắt lọc thành những điều tâm niệm, những điểm rất đơn giản, rất là cụ thể, ví dụ như, nếu như mà đi Nga, được hứa hẹn đồng lương cao, thì chớ có bao giờ đi với chiếu khán du lịch.

“Có những điểm rất dễ để người dân nhớ được, dù là trình độ học vấn không cao, thì như vậy, họ có thể bảo vệ được cho mình. Thứ hai, những ai có thân nhân đã là nạn nhân rồi, thì chúng tôi cung cấp một số điện thoại, gọi là đường dây khẩn cấp. Thì họ có thể gọi đến đó, hoặc gởi email cho chúng tôi, hoặc lên facebook để báo động cho chúng tôi biết. Qua công thức như vậy, chúng tôi đã giải cứu được khá nhiều những nạn nhân người Việt ở khá nhiều nơi trên thế giới.”

Những điều cần biết khi đi xuất khấu lao động

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, những người Việt ở hải ngoại có thân nhân, bạn bè tại Việt Nam, nên chuyển thông tin về trong nước, giúp những người trong nước có ý định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nắm rõ những lưu ý quan trọng để tránh nguy cơ bị trở thành nạn nhân buôn người. Đầu tiên chỉ ký mượn tiền của ngân hàng và trả các khoản chi phí sau khi đã ký bản hợp đồng với công ty môi giới xuất khẩu lao động.

“Công ty môi giới phải đưa bản hợp đồng cho quý vị ký ít ra 5 ngày trước ngày xuất cảnh. Trước khi ký kết hợp đồng người lao động cần dành thời giờ để đọc kỹ các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ của chủ sử dụng lao động nước ngoài, công việc, thời gian lao động, lương căn bản, lương phụ trội, điều kiện sinh hoạt, chi phí… và so sánh chúng với các thông báo tuyển dụng, hợp đồng cung ứng lao động mà công ty môi giới XKLĐ đã ký với chủ sử dụng lao động nước ngoài. Người lao động cần giữ kỹ các bản sao hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ để dùng khi có tranh chấp.

“Khi trả bất cứ khoản chi phí nào cho công ty môi giới XKLĐ, người lao động cần đòi hỏi biên lai, biên nhận. Biên lai, biên nhận phải phản ảnh đúng và đủ các khoản phí bạn đóng cho công ty môi giới XKLĐ. Bạn cần giữ kỹ các biên lai, biên nhận để dùng khi có tranh chấp.

“Không nên đi XKLĐ khi chủ sử dụng lao động ở nước ngoài là một công ty môi giới lao động (outsourcing). Loại công ty này thường ăn chặn tiền lương, bóc lột sức lao động nên người lao động dễ lâm vào tình trạng bị buôn người.

“Không nên ký kết nếu bản hợp đồng “nội” và bản hợp đồng “ngoại” có nội dung khác biệt với nhau. Nếu có sự khác biệt thì đó là dấu hiệu của sự lường gạt. Người lao động không nên ký kết nếu không được cung cấp bản hợp đồng ít nhất 5 ngày trước khi lên đường đi lao động.

“Không nên để công ty môi giới XKLĐ tịch thu các giấy tờ, hợp đồng, biên lai, biên nhận của mình. Điều này thường xảy ra khi công nhân ra phi trường để lên đường đi lao động

“Người lao động xuất khẩu cần mang theo trong người các thông tin liên lạc (số điện thoại, fax, email, địa chỉ) của đại diện công ty môi giới XKLĐ, Đại sứ quán Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ để dùng khi cần sự giúp đỡ nơi xứ lạ quê người.

“Khi về nước, bạn không nên thanh lý hợp đồng ký với công ty môi giới XKLĐ khi mọi quyền lợi của bạn chưa được thỏa mãn. Một số quyền lợi chính yếu khi bạn phải về nước trước hạn hợp đồng do lỗi của công ty môi giới XKLĐ hoặc do một sự kiện bất khả kháng là bạn có quyền đòi lại tiền dịch vụ, tiền môi giới và bồi thường thiệt hại. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động bạn cần gọi điện thoại, gửi thư, email, fax cho công ty môi giới XKLĐ để yêu cầu can thiệp và ghi chép lại nội dung và ngày tháng năm của những trao đổi đó.”

Ông Thắng tâm sự, “Trong sứ mạng giải trừ nạn buôn người tận gốc ở Việt Nam mà BPSOS và CAMSA thực hiện bấy lâu nay. Khi chọn con đường thay đổi cả một xã hội, thì chắc chắn cam go và khó khăn nhiều hơn và rủi ro thất bại cũng cao hơn so với việc cứu giúp cho một số trường hợp lẻ tẻ, nhưng nếu thành công thì sẽ thay đổi vận mạng của hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, hàng triệu người ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Chúng tôi quan niệm không có giải pháp dễ và nhỏ cho một vấn nạn lớn. Nếu không có sự cổ võ và yểm trợ quý báu của biết bao nhiêu ân nhân gần và xa, ắt hẳn chúng tôi đã không thể đạt những thành quả mà nay đã trở thành hiển nhiên.”

Ông nói, “Chúng tôi biết chính quyền Việt Nam ban hành luật chống buôn người, nhưng không bao giờ áp dụng luật. Họ ký công ước quốc tế nhưng không tôn trọng. Tổ chức BPSOS hiện có văn phòng hoạt động tại 3 quốc gia Châu Á:

- Đài Loan, nơi có khoảng hơn nửa triệu người Việt;
- Mã Lai, nơi có hơn 120,000 người Việt;
và Thái Lan, khoảng gần 1,000 người Việt đang tỵ nạn hoặc đang xin xin quy chế tỵ nạn, họ là những người không thể trở về quê hương vì bị chính quyền cộng sản Việt Nam gây khó dễ bằng cách này hay cách khác, có người thì vì niềm tin tôn giáo, có người thì vì hoạt động chính trị… cũng vì lý do đó mà họ buộc phải rời bỏ quê hương để mong tìm cho mình một nơi an toàn để sống mà không bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt bớ, đàn áp. Để duy trình hoạt động ở 3 quốc gia Châu Á này cần tới $42,000 mỹ kim/năm. Do vậy, BPSOS cần hỗ trợ từ cộng đồng Việt hải ngoại.

“Rất mong có những người tham gia làm thiện nguyện viên, lên đường sang Thái Lan, Mã Lai, Đài Loan hoặc ở tại Hoa Kỳ để tham gia làm công việc kế toán, hoặc hướng dẫn đồng bào những thông tin về buôn người, giúp người Việt tị nạn tại Thái Lan, đưa tin về Việt Nam, hoặc vận động chính sách Hoa Kỳ nói lên những vấn đề về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân đấu tranh dân chủ phải chạy đi tị nạn, hoặc tổ chức những buổi gây quỹ...”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận xét, “Tình trạng buôn người tại Việt Nam có tính hệ thống và tràn lan khắp mọi nơi. Nếu không áp dụng luật pháp một cách nghiêm minh, không dạy cho người dân tuân thủ luật lệ một cách có ý thức, Việt Nam khó có thể thành công trong việc phòng chống và giảm thiểu tệ nạn buôn người. Mong rằng những người chưa là nạn nhân thì đừng bao giờ là nạn nhân để phải được giải cứu. Họ phải tự bảo vệ họ trước, ai đã là nạn nhân rồi, thì thân nhân ở trong nước hay tại hải ngoại hãy liên lạc với BPSOS để chúng tôi giải cứu và thu thập chứng cớ buộc tội.”

Để có thể tìm hiểu thêm về nạn buôn người, các thủ đoạn lừa đảo, những công ty xuất khẩu lao động có thành tích lừa đảo và vô trách nhiệm, và nhiều vấn đề pháp lý khác, người lao động Việt Nam có thể vào xem trang điện tử: www.camsa-coalition.org
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT