Phóng Sự

Buôn người, hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 3)

Sunday, 27/12/2015 - 09:09:07

Nghèo đói là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh phải gửi con cái họ ra đường phố và làm nghề bán dâm. Những đứa trẻ này chưa bao giờ nhận được tình thương yêu từ cha mẹ và những người xung quanh.

Bài BĂNG HUYỀN

Những dự án chống buôn người của nhà thơ Ngô Tịnh Yên và Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục

“Vào năm 2009, sau khi xem cuốn phim Holy của Holywood thực hiện, kể về một cô bé Việt Nam 12 tuổi bị bán qua động mãi dâm ở Cambodia và qua những bản tin tôi đọc được về những trẻ em Việt Nam bị bắt cóc đưa qua Cambodia làm nô lê tình dục, tôi đã rất xúc động, nên đã tự bỏ tiền túi về Việt Nam đến ở trong phố tây ba lô (quận 1 tại Sài Gòn), rồi đi xe bus qua Cambodia để tìm hiểu về tệ nạn xã hội này rồi sau đó về hoàn thành cuốn sách Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục.”

(Fb Ngô Tịnh Yên)



Đây là những lời tâm sự của nhà thơ Ngô Tịnh Yên kể lại nguyên do của sự ra đời tác phẩm Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục do chị viết, đã được ra mắt độc giả tại quận Cam lần đầu tiên vào năm 2010 và tác phẩm này được chị viết thêm 7 chương, cập nhật những tài liệu mới sau khi chị quay trở lại Cambodia vào năm 2012. Quyển sách được tái bản lần 2 do nhà xuất bản Sống ấn hành, đã ra mắt độc giả vào tháng Ba năm 2015. Tác phẩm này không chỉ được phát hành bằng tiếng Việt mà còn có bản Anh ngữ "Angels in Hell" (do Jon R Gilbert biên tập), đã được bán trên Amazon.

Nghèo đói là nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh phải gửi con cái họ ra đường phố và làm nghề bán dâm. Những đứa trẻ này chưa bao giờ nhận được tình thương yêu từ cha mẹ và những người xung quanh.

Trong tác phẩm Ký Sự Cam Bốt, có đoạn nhà thơ Ngô Tịnh Yên viết:
“Đằng sau mỗi bé gái trong các nhà thổ ở Cam Bốt là một câu chuyện thương tâm. Tôi chỉ có thể nói được một câu sau cuộc hành trình đi tìm hiểu sự thật về những bé gái bị bán làm nô lệ tình dục trên xứ Chùa Tháp: Có những thiên thần đang bị đày đọa trong địa ngục trần gian.

Tại sao tôi gọi những bé gái nạn nhân là thiên thần? Bởi vì chúng còn quá ngây thơ và trong trắng. Ngây thơ đủ để yêu thương cha mẹ vô điều kiện. Chúng không hiểu mình đang bị cái gì? Người ta đang làm gì mình? Tại sao họ làm như vậy? Và tại sao tôi gọi các nhà thổ ở Cam Bốt là địa ngục?”

Gary Haugen, một luật sư người Mỹ, từng là điều tra viên của Liên Hiệp Quốc, từng chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng nhất khi người ta bắn giết nhau ở Rwanda, cho biết rằng ngay cả những điều khủng khiếp đó cũng không thể sánh được với những nạn nhân của tệ nạn buôn người thời hiện đại.
Ông nói, “Không có điều gì so sánh được với sự chết trong những đôi mắt của các đứa trẻ trong nhà thổ ở Cam Bốt. Ở Rwanda, nạn nhân chết là hết. Còn ở Cam Bốt, các nạn nhân đang sống trong nỗi chết.”
Gary Haugen, đang điều hành một tổ chức chống buôn người mang tên International Justice Mission (IJM), còn nói, “Thế giới này hiếm có sự công bình. Sự thiếu công bình đó không phải xuất phát từ quyền lực của bọn ác, mà xuất phát từ sự sợ hãi và khuất phục, không dám lên tiếng tố cáo của các nạn nhân.”
Ông Haugen đã gởi các nhân viên của mình đến các nhà thổ ở Cam Bốt để âm thầm quay phim, thu thập bằng chứng gởi đến chính quyền Mỹ buộc họ phải có hành động đối với tệ nạn này, khi trong số những tên ấu dâm đó có cả người Mỹ. Tổ chức IJM đã cứu được hàng trăm, hàng ngàn trẻ em và phụ nữ trên khắp thế giới.
Nhắc lại quá trình thực hiện Ký Sự Cam Bốt, nhà thơ Ngô Tịnh Yên cho biết:

“Khi tôi thực hiện viết cuốn sách, tôi chỉ tìm hiểu chung quanh thôi, chứ tôi không thể vào động mại dâm gặp trực tiếp nạn nhân, vì tôi là phụ nữ nên không thể đóng vai một khách mua hoa vào tận hang ổ.
“Tôi có quen một cô sống tại Nam Vang, cô giúp tôi rất nhiều trong quá trình tìm hiểu để hoàn thành quyển sách. Bên cạnh đó tôi có đến thăm những cơ sở giúp các nạn nhân nô lệ tình dục được cứu ra như Sen Hoa (tại Siem Reap- Cambodia) do MC Thùy Dương sáng lập ra, Hội Thiện Nguyện AFESIP (tại Phnom Penh, là chữ tắt của Acting for Women Distressing Situations) do bà Somaly Mam là một cựu gái mại dâm từng là nạn nhân của các chủ chứa sáng lập ra, để tìm cách cứu giúp phụ nữ trẻ, hành nghề mãi dâm không do chọn lựa của họ, khỏi mắc bệnh AIDS, hay nếu cứu chuộc họ ra được thì tổ chức này chữa bệnh và dạy cho họ một nghề nghiệp như may vá, nuôi heo… để có một cuộc sống lành mạnh và lương thiện.

“Tôi có phỏng vấn em Sina Vann (em là một nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục ở một nhà chứa Cam Bốt, đã được giải cứu và đưa về trung tâm AFESIP của bà Somaly Mam để hồi phục những chấn thương tâm lý. Khi làm việc cho tổ chức AFESIP, đứng đầu chương trình Voices for Change, em đại diện cho những bé gái nạn nhân nô lệ tình dục không nói lên được tiếng nói của mình. Em thường giả làm nhân viên y tế chính phủ đến các nhà thổ để phân phát bao cao su và dạy họ cách phòng bệnh, rồi bí mật tiếp xúc với các nạn nhân.

“Sina nói em sống trong nỗi căm giận những tên chủ chứa, và chính nỗi đau đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho em để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

“Tại trung tâm AFESIP, Sina khuyến khích những bé gái đồng cảnh ngộ làm lại cuộc đời trong nhân phẩm và hy vọng. Sina tin rằng: Bước đầu tiên là đem tình thương đến cho họ. Họ cần sự âu yếm và tình thương bởi lẽ cuộc đời họ chưa từng có được tình thương.

“Thiên thần Sina Vann đang lao vào lửa hỏa ngục để giải cứu các thiên thần khác. Em nói thay cho những nạn nhân buôn người không có tiếng nói. Từng là một nạn nhân, Sina kêu gọi những nước phát triển như Hoa Kỳ hãy mạnh tay hơn trong việc chống buôn người, em cũng kêu gọi công an và các giới chức Việt Nam ở khu vực biên giới phải nghiêm khắc hơn, em cho rằng nếu họ hành động mạnh mẽ hơn thì tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên biên giới sẽ không xảy ra.

“Em cũng mong các bậc cha mẹ hãy quan tâm và chăm sóc con cái, hãy lắng nghe tâm tư của các em và đặc biệt đừng bắt các em phải đi làm xa nhà để kiếm tiền, bởi cuộc sống xa nhà có rất nhiều cạm bẫy.
“Và đương nhiên, hãy nhớ rằng trẻ em là để được yêu thương săn sóc chứ không phải dùng để bán đi làm nô lệ.

“Ngày 13/10/2009, Sina Vann được mời đến Hoa Kỳ để nhận giải Frederick Douglass Award 2009 cùng với một phụ nữ khác đến từ Pakistan. Giải thưởng này vinh danh những cá nhân đã vượt qua được hoàn cảnh nô lệ và cống hiến cuộc đời tự do của họ để giúp đỡ các nạn nhân khác.

“Với Nguyễn Thị Bích (tên Việt Nam của Sina Vann), ngày được trao tặng giải Freedom Awards, là lúc em cảm thấy tiếng nói của nạn nhân buôn người cuối cùng đã được lắng nghe:

“Nay tôi không còn là con bé Sina bị người ta hành hạ nữa, giờ đây Sina là một người chiến đấu.
“Xin hãy cứu những nạn nhân của buôn người bất cứ lúc nào quý vị có thể giúp. Nếu quý vị không giúp thì chúng tôi, những nạn nhân, sẽ chết dưới tay những tội phạm buôn người. Tôi nói như vậy bởi tôi đã chết từ lúc đặt chân lên đất Cam Bốt.

“Sina Vann đứng trước quý vị bây giờ là Sina Vann lớn lên trong bạo hành, hận thù và đau đớn. Sina Vann còn tranh đấu được vì Sina Vann được tiếp thêm sức mạnh để đến với những kẻ bị hành hạ đau khổ như mình trước kia.”

(Trích ký sự Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục của Ngô Tịnh Yên).

Mại dâm trẻ em phục vụ cho những kẻ thích ấu dâm

Nhà thơ Ngô Tịnh Yên nói với người viết, “Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện quyển sách, tôi biết được đa số 80 phầm trăm các em gái Việt Nam bị bắt đưa vào các động mại dâm phục vụ cho những kẻ ấu dâm qua Cam bốt, khoảng 5, 6 tuổi cũng có, 8, 9, 10 tuổi cũng có. Nạn nhân này vừa bị bắt cóc, vừa bị ba mẹ bán. Kể cả có những em từng rơi vào những động mại dâm này rồi bị đánh đập, ép dùng chất gây nghiện khiến tâm thần không được bình thường, những em đó được chủ chứa sai về Việt Nam dụ dỗ những em khác vào động mại dâm. Thành ra đây có thể nói là một thảm cảnh không biết nói sao cho hết.

“Tôi trở lại Capuchia lần thứ hai để tìm hiểu thì biết được có một số địa điểm về gái mại dâm phục vụ cho những kẻ thích ấu dâm như quán gái ở cây số 11 thì chính quyền Cambodia đã dẹp. Trên thực tế, dẫu hoạt động mại dâm trẻ em có giảm, nhưng phần còn tồn tại chuyển sang một phương thức hoạt động khác tinh vi hơn, khiến các nhà chức trách rất khó can thiệp.

“Mại dâm trẻ em không còn tìm khách, mà thay vào đó, những người có nhu cầu phải tự tìm đến những nơi cung cấp. Ngành công nghiệp tình dục ở Svay Pak không biến mất mà nó chuyển vào hoạt động ngầm, khiến chúng trở nên vô cùng khó kiểm soát và ngăn chặn. Tôi thấy rất khó dẹp vì công khai mà còn dẹp không được thì nói chi khi những động mại dâm này rúc vào hoạt động ngầm.”

Ngô Tịnh Yên khẳng định, “Điều quan trọng là nhà cầm quyền Việt Nam và nhà cầm quyền Cambodia đã không hợp tác với nhau dứt điểm thì sẽ không bao giờ dẹp được tệ nạn này hết.”

Mại dâm trẻ em đã có tại Việt Nam

Ngô Tịnh Yên nói, “Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta nên đánh động dư luận không chỉ riêng tại Cambodia mà ngay tại Việt Nam cũng rất nhiều em bị làm nô lệ tình dục. Ngay ở Sài Gòn, chỉ cần đi ra ngoại ô như Biên Hòa, Thủ Đức… vẫn có nhà chứa phục vụ cho những kẻ ấu dâm, những thanh niên thành phố đổ về đó để hưởng thụ những đứa bé từ 5 tuổi trở lên. Chứ không chỉ còn riêng tại Cambodia mới có nạn ấu dâm. Tôi chưa bao giờ thấy có báo chí nào bên Việt Nam nhắc đến tệ nạn này, có nói thì cũng chỉ nói tệ nạn này bên Cambodia thôi.

“Đừng nghĩ nạn nhân tình dục trẻ nhỏ chỉ xảy ra ở Campuchia, Thái Lan… mà ngay tại Việt Nam đã có mại dâm trẻ em phục vụ cho những kẻ ấu dâm. Tôi cũng tự hỏi chính quyền ở đâu mà không biết đến động mại dâm con nít như vậy? Những nơi mại dâm trẻ em này không chỉ phục vụ khách trong nước mà cả khách nước ngoài (nếu họ biết đến những động mại dâm này). Vì Campuchia và Việt Nam rất lỏng lẻo trong việc trừng phạt những kẻ ấu dâm.”

Nói về dự án in áo thun “Xin đừng xâm hại trẻ em” mà chị tự bỏ tiền túi ra thực hiện tại Việt Nam vào năm 2013, nhà thơ kể, “Nếu quý nào để ý thì cứ đọc tin tức tại Việt Nam, hầu như ngày nào cũng xảy ra tin trẻ em bị hãm hiếp, mà hầu như tỉnh nào cũng có. Các nạn nhân trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều và độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ. Vấn đề này rất cần lên tiếng báo động để bảo vệ cho trẻ.
“Khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2013, tôi về Việt Nam đặt mua áo thun ở chợ Tân Bình rồi in tại Việt Nam hàng chữ “Xin đừng xâm phạm trẻ em” bằng tiếng Việt và tiếng Anh, rồi một mình đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc để phân phát áo miễn phí cho mọi người, tôi đi khắp 63 các tỉnh thành từ Nam ra Bắc, đi tới đâu thì tôi có bạn quen trên Facebook sống tại địa phương đó rất tận tình giúp tôi phát áo cho mọi người. Thường tôi đi ra chợ phát áo vì ở chợ mới có đông người. Nhiều người thấy tôi cầm áo thì lờ đi không thèm nhìn vì tưởng tôi bán, nhưng khi tôi cho biết đây là áo cho thì họ tới lấy không còn một cái. Tôi thấy thương vì dân mình nghèo quá, càng đi xuống những tỉnh càng xa thành phố thì thấy dân nghèo khổ càng nhiều.”

Ngô Tịnh Yên nói khi đi phát áo chị cũng từng bị chính quyền gây khó dễ, nhất là ở các tỉnh thành xa trung tâm.

“Một lần tôi đứng ở bến xe Ban Mê Thuột hẹn người bạn quen trên Facebook ra gặp tôi để phụ phát áo với tôi, khi anh bạn đó đi mua vé cho tôi, thì có 5, 6 ông đeo băng đỏ vây quanh, làm thấy ghê lắm. Vặn vẹo, hạch sách tôi đủ điều, hỏi ai in áo này, in ở đâu, mục đích phát áo này. Lúc đó tôi cũng hơi bị run một chút và tự nhủ kỳ này chắc bị vào khám nằm cho muỗi cắn quá. Lúc đó tôi nhanh trí nói là áo này của Cục Bảo Vệ Trẻ Em. Mấy ông này nghe tôi mang tới Cục ra, mấy ổng hoảng quá kéo nhau đi. Khi đó tôi chỉ nói liều thôi, nhưng liều mà có hiệu quả. Còn những nơi khác thì ban quản lý chợ có ra nhìn tôi phát áo một cách khó chịu thôi.

“Khi thực hiện dự án này, tôi chỉ nghĩ một điều, việc tôi làm dù rất nhỏ bé, cứu dù chỉ cho một đứa bé không bị xâm phạm thì cũng là điều làm tôi hạnh phúc rồi. Tôi nghe nói sau lần phát áo đó, những người bạn ở Việt Nam chỉ quen tôi qua Facebook thôi cho biết sau đợt tôi đi phát áo, tại một số địa phương có tổ chức các cuộc hội thảo về xâm phạm trẻ em. Tôi nghĩ dù sao việc làm nhỏ bé của mình cũng ít nhiều có hiệu quả chút nào đó.”

Ngô Tịnh Yên cho biết khi thực hiện quyển sách Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục lần đầu tiên phát hành năm 2010, chị đã tự bỏ tiền túi in sách, ai mua sách, số tiền thu được tặng hết cho tổ chức như Sen Hoa, tổ chức Một Thân Hình (do Linh mục Nguyễn Bá Thông sáng lập với mục đích giải cứu trẻ em khỏi những nhà thổ, nuôi dưỡng và bảo vệ các em sống một cuộc sống có ý nghĩa, thương nhau như trong “một thân hình”).

“Sau đó có một số dư luận không tốt về tôi, cho rằng vì sách tôi bán ế nên mới kêu gọi mọi người mua để giúp cho từ thiện. Tôi rất buồn, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện bình thường với những người làm việc cộng đồng, có những lời nói không hay về mình nhưng vì nghĩ đến các em nhỏ nạn nhân nô lệ tình dục, nên tôi vẫn tiếp tục. Tôi nghĩ chúng ta không thể diệt trừ hết tội ác nhưng mỗi người làm được chút gì đó thì nên nỗ lực hết sức. Chỉ cần mỗi người thắp một ngọn nến thì bóng tối cũng sẽ được đẩy lùi. Tất cả những tổ chức chống buôn người nào cần giúp đỡ thì khả năng mình có thể góp được bàn tay thì mỗi người hãy nên góp bàn tay. Chứ không nên nghĩ rằng chuyện đó đã có nhiều người khác lo rồi, mình không cần lo tới nữa, thì không đúng.”

Nhà thơ nói, “Hiện nay tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện hai dự án gồm giúp trẻ em nạn nhân tình dục tại Campuchia và trẻ em là nạn nhân tại Việt Nam. Vì đứa trẻ nào bị xâm phạm cũng là trẻ em dù là bên Việt Nam hay là bên Campuchia.”

Ngô Tịnh Yên bày tỏ ưu tư, “Tôi thấy buôn người là một tội ác mà không hiểu sao vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Ngay tại Mỹ cũng có chứ không phải không, nhưng ở Mỹ có luật pháp, thành ra vẫn không có nhiều nạn nhân, kẻ buôn người cũng sẽ e sợ không dám công khai như ở những nước nghèo lạc hậu, luật pháp lỏng lẻo như tại Việt Nam, Campuchia… là nơi những kẻ ác lộng hành, không đạo đức, xem nhẹ tất cả để làm lợi cho cá nhân trên thân xác các nạn nhân nô lệ tình dục, nhất là trẻ em. Tôi mong mình cứ gắng làm hết khả năng của mình. Điều quan trọng nhất là đánh động được đến lương tâm của đại diện chính quyền thôi. Chỉ có chính quyền phải mạnh tay đến vấn đề này thì mới hy vọng dẹp được. Còn mà cứ nhắm mắt làm ngơ nhận tiền hối lộ thì sẽ không bao giờ dẹp được hết.”

Chị ước mong, “Tôi rất mong mọi người hãy chung tay đóng góp cho những tổ chức hoạt động mạnh như Một thân hình của cha Thông sáng lập (linh mục Nguyễn Bá Thông), Sen Hoa (MC Thùy Dương sáng lập). Những chuyện khác có thể mình còn ngần ngại, nhưng riêng việc này mong quý vị đừng ngần ngại vì những nạn nhân là trẻ em, giống như con, cháu, em của chúng ta, chúng quá nhỏ không có khả năng tự vệ, không nên để chúng bị hành hạ như vậy. Ngô Tịnh Yên đã dấn thân làm công việc này bấy lâu nay, mong rằng quý vị khi có cơ hội cũng hãy góp một bàn tay để dẹp trừ tện nạn buôn người này.”
Qúy vị nào muốn mua sách Ký Sự Cam Bốt: Thiên Thần Trong Địa Ngục hãy vào trang Web www.ngotinhyen.com có đầy đủ mọi liên lạc về sách. Riêng bản tiếng Anh thì quý vị có thể đặt mua trên amazon.
(Còn tiếp) (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT