Mẹo Vặt

Bốn cái hộp mang lại mùa Xuân

Vũ Hằng/Viễn Đông Friday, 16/03/2012 - 12:19:53

Phải hạn chế tối đa những thứ bỏ vào trong hộp này, và chỉ bỏ vào đây những thứ sử dụng thường xuyên, mỗi ngày hoặc mỗi tuần…

Vũ Hằng/Viễn Đông

Nói về việc tái tổ chức và thu dọn đồ đạc trong nhà, lần trước chúng ta có nhắc đến phương pháp 4 cái hộp. Có bạn hỏi lại Hằng 4 cái hộp nào? Chắc là bạn quên rồi, vậy để em nhắc lại và bổ túc một số ý mới.
Kiếm 4 cái hộp cạc tông lớn, và ghi nhãn hiệu như sau: Hộp rác; hộp cho/bán; hộp nhà kho; hộp sử dụng. Sau đó đưa chúng đến nơi được chọn làm chiến trường, và… ra tay!

Sử dụng bốn hộp thần
Có gọi là bốn cái hộp thần cũng không ngoa. Xin mời bạn xem công dụng của chúng:
Hộp Rác: Dồn vào đây tất cả những thứ nào bạn không cần đến, nhưng cũng không có ích gì cho ai, không bán được mà cũng không cho được, những món đồ đã hư hỏng không ai còn muốn xài.
Hộp Cho/Bán: Trên cái hộp này, Hằng đề nghị bạn viết thêm một chữ “Xin hãy rộng lòng!” giống như hàng chữ ghi trên những hộp tiền lạc quyên ở các cơ sở bác ái vậy đó. Bởi vì, đây là nơi đựng những thứ còn tốt nhưng sẽ được mang đi tặng cho người khác. Cái tính thâu gom cố hữu chắc chắn sẽ giữ tay chúng ta lại, nhưng xin bạn nghĩ rằng, “Cho ngưới khác cũng là tốt mà!”. Mẹ Hằng ngày xưa hay nói, “Người ăn thì còn, con ăn thì mất!” mà càng lớn Hằng càng nghiệm ra sự “thâm nho” của mẹ: Xài cho con cái mình là coi như mất, chẳng mấy khi chúng nhớ tới, nhưng cho người khác là cho… ông Trời, ổng giữ hoài, nhớ hoài…
Nhưng bây giờ bạn lại ngần ngại không biết cho đi, người khác có nhận không chứ gì? Dễ lắm, cứ việc mang ra sân, ghi mảnh giấy Free là sẽ có người đến lấy ngay. Hay bạn muốn thay đổi không khí? Vậy thì tổ chức một buổi Garage Sale!
Hộp Nhà Kho: Đây là hộp cất giữ những thứ mình không đành lòng chia tay, nhưng cũng không thường dùng đến. Xếp những thứ cùng loại vào chung với nhau. Nếu có thể ghi danh sách dán ở ngoài hộp.
Hộp Sử Dụng: Phải hạn chế tối đa những thứ bỏ vào trong hộp này, và chỉ bỏ vào đây những thứ sử dụng thường xuyên, mỗi ngày hoặc mỗi tuần… Bạn luôn luôn phải đánh giá lại sự hữu dụng của chúng, và từ từ loại bỏ những thứ không cần thiết.
Với “bốn cái hộp”, bạn có thể mang mùa Xuân vào tận trong nhà mình rồi đó, thử xem nhé!

Hốt trọn ổ
Phương pháp bốn cái hộp đòi hỏi bạn có chút thời giờ, nhưng hiện nay đồ rác đùn lên quá nhiều làm bạn ngứa mắt. Hoặc, bạn phải đối phó một tình trạng emergency vì có một người khách sắp đến thăm nhà. Bạn cần một cách ra tay gọn lẹ, có hiệu quả tức thời trong vòng… 5 phút. Thì emergency mà lị! Bạn làm Hằng run quá, viết bài mà cũng cuống cả tay lên đây này. Nhưng có ngay, xin nhắc lại với bạn phương pháp “hốt trọn ổ” gồm 2 bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Kiếm vài cái hộp hoặc túi rác, rồi vơ tất cả những thứ bầy hầy ở trên bàn, trong ngăn kéo, trên sàn, trong bồn tắm... Ném tất cả vào trong hộp hoặc túi rác, rồi mang chúng cất bỏ ở một nơi nào đó, cách xa tầm nhìn của mọi người. Cứ ra tay như vậy, cho đến khi nào các mặt bàn trở nên sạch sẽ. Và bạn sẽ có ngay cảm giác được giải thoát khỏi những thứ cỏ dại “vướng tay bận chân”. Khách khứa có đến lúc này, chắc ai cũng phải khen bạn là người nội trợ vén khéo và ngăn nắp! Dù bạn có cảm thấy... hơi ngượng, nhưng lời khen nghe vẫn mát lòng mát ruột làm sao!
- Bước 2: Mở các túi chứa ra, từng cái một. Dùng phương pháp 4 cái hộp thần như trên, lọc lựa từng món cho vào các hộp thích hợp: Món nào đáng vất đi, món nào cần trả về chỗ của nó, món nào nên mang ra tặng cho thiên hạ... Và giải quyết từng hộp theo đúng “định mệnh” của nó.
Như trước đây chúng ta có nói, phương pháp “hốt trọn ổ” này có 1 lợi điểm lớn... và yếu điểm cũng lớn không kém. Lợi điểm thì hiển nhiên, và đã thấy trước mắt. Còn yếu điểm thì mấy ngày nữa mới xuất hiện. Là vì, những túi “cỏ dại” được mang đi khuất mắt nên dễ bị chúng ta quên, và chẳng còn cảm thấy “bước thứ hai” là cần thiết. Rồi lại có thêm nhiều bụi cỏ dại khác xuất hiện trên quầy bếp, trên mặt bàn, và... mọi nơi. Tệ hơn nữa, nếu có lúc cần một món gì trong những thứ bị “hốt trọn ổ” cách đó ít lâu, chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái khủng hoảng khi phải bới tung những cái túi rác ấy ra để tìm. Và như vậy, tình trạng bầy hầy lại càng thêm bầy hầy... Và “cỏ dại” tuy có được dọn dẹp trên mặt bàn, nhưng “cỏ dại” trong tính cách và tâm lý của chúng ta thì mỗi ngày một lan tràn khó nhổ hơn.
Vì vậy, bí quyết là ở việc thực hiện “bước thứ hai”. Ngay sau khi tình trạng emergency đã qua đi, chúng ta phải dành ưu tiên một cho “bốn cái hộp” giải quyết dứt điểm những thứ bầy hầy đó. Bằng không thì “mẹo vặt” chẳng mang lại “ích lớn” nào đâu.
Ngoài kia, mùa Xuân đã đến để “tái tổ chức” lại thiên nhiên, nhưng có cái gì được tái tổ chức lại trong tính cách và tâm lý của chúng ta không?

Vuhang231@yahoo.com


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT