Việc Làm

10 điều nên làm sau khi phỏng vấn

Monday, 15/08/2011 - 08:14:53

Cuộc phỏng vấn có thể đã chấm dứt, nhưng cơ hội để cho bạn gây một ấn tượng tốt đẹp vẫn chưa kết thúc.

Cuộc phỏng vấn có thể đã chấm dứt, nhưng cơ hội để cho bạn gây một ấn tượng tốt đẹp vẫn chưa kết thúc. Beth Braccio Hering nghiên cứu và viết bài cho Career Builder về sách lược tìm kiếm việc làm, quản trị nghề nghiệp, những xu hướng tuyển dụng và những vấn đề tại nơi làm việc. Bà đưa ra 10 sách lược để tiếp tục làm gia tăng cơ hội xin được việc của bạn.

1. Tỏ thái độ cho thấy bạn vẫn quan tâm

Bạn đừng để lại một mối nghi ngờ nào trong tâm trí của người phỏng vấn về lập trường của bạn. Vào cuối cuộc gặp gỡ, bạn hãy xin việc làm bằng một câu như: “Tôi thực sự muốn đóng góp vào công ty này, và hi vọng rằng ông/bà chọn tôi vào làm”. Ngoài ra, bạn cũng đừng nên rời khỏi phòng phỏng vấn mà không có một ý nghĩ rõ ràng về chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp, trong tiến trình tuyển dụng. Liệu những người tới xin việc và được tuyển chọn sẽ được mời quay trở lại để gặp những người khác nữa hay không? Đến ngày tháng nào họ hi vọng sẽ bắt đầu vào làm việc? Những câu hỏi như thế chứng tỏ lòngï hăng say nhiệt tình đối với công việc, và chuyện biết được khung thời gian của người tuyển dụng sẽ giúp giữ bạn khỏi bị khủng hoảng, nếu một tuần lễ đã trôi qua rồi mà bạn vẫn chưa nhận được một cú điện thoại nào cả.

2. Chuẩn bị để tiếp tục liên lạc thêm

Không ai muốn trở thành một kẻ gây phiền hà, nhưng liệu thái độ im lặng của bạn có thể bị hiểu lầm như là một sự dửng dưng hờ hững hay không? Bạn hãy tránh làm cho người ta phải đoán mò, bằng cách trước khi ra về hãy cố gắng tìm cho ra người tuyển dụng thích điều nào hơn, xét về chuyện bạn sẽ quay trở lại chỗ ấy. Lizandra Vega, tác giả của cuốn sách “The Image of Success: Make a Great Impression and Land the Job You Want” (Hình ảnh của thành công: Gây một ấn tượng tốt và kiếm được công việc mà bạn muốn làm), gợi ý rằng bạn nên hỏi người tuyển mộ về phương pháp mà người ấy thích hơn, trong việc thông tin liên lạc tiếp theo sau phỏng vấn, và hỏi người ấy rằng bạn có được liên lạc tiếp tục hay không.

3. Giữ đúng giờ

Nếu bạn nói với người phỏng vấn rằng đến sáng mai bạn sẽ gởi tới một danh sách những người giới thiệu bạn, thì hãy bảo đảm chắc chắn rằng bạn sẽ làm việc ấy. Hãy giữ lời hứa và trả lời kịp thời những điều người ta yêu cầu, đó là hai việc chứng tỏ một cách hùng hồn rằng bạn có thể thuộc vào loại nhân viên nào.

4. Biết rõ lúc nào nên đáp ứng yêu cầu

Nếu người phỏng vấn yêu cầu rằng bạn hãy tiếp tục liên lạc cách sau đó một tuần, thì bạn hãy tôn trọng điều mà người ấy mong muốn. Nếu ngay ngày hôm sau mà bạn đã gọi điện thoại tới, thì bạn có thể bị coi là đường đột và quá bức bách.

5. Gởi liền một bức thư cám ơn

Một cách thức tích cực và không đường đột để làm cho người tuyển dụng vẫn nhớ tới bạn là gởi một bức thư ngắn để cám ơn. Vega đề nghị rằng bạn hãy gởi một bức điện thư trong vòng 24 tiếng đồng hồ, viết về cuộc phỏng vấn, rồi tiếp nối bằng một lá thư viết tay, gởi đi trong vòng từ một cho tới ba ngày sau đó.

6. Gởi cho mỗi người phỏng vấn một lá thư tiếp nối, có tính cách cá nhân và mạnh mẽ

Lá thư giao tiếp này là một cơ hội thêm nữa để cho bạn tỏa sáng, vì vậy đừng phí phạm chỗ bằng cách viết những điều chung chung. Ford R. Myers, một chuyên viên hướng dẫn nghề nghiệp và là tác giả của cuốn sách “Get the Job You Want, Even When No One’s Hiring” (Kiếm được công việc bạn muốn, ngay cả khi không có ai thuê mướn), đề nghị rằng bạn nên viết ra những điều quy chiếu cụ thể cho mỗi người mà bạn đã gặp, và gắn liền những thành tựu của bạn trực tiếp vào những thách đố đã được công ty nói rõ ra. Bạn cũng có thể dùng lá thư ấy để giới thiệu những điều thành đạt của mình chưa được đem ra thảo luận, và khai triển rộng thêm những câu trả lời trong cuộc phỏng vấn, mà bạn cảm thấy còn chưa được mạnh mẽ cho lắm.

7. Đáp ứng một trong những nhu cầu của công ty

Một cách thức hữu hiệu khác để tiếp tục liên lạc là hãy hành động giống như một người tham khảo ý kiến, chứ không phải chỉ như là một người nộp đơn xin việc. Linda Matias, chủ tịch hội đồng quản trị của CareerStrides.com và là tác giả của cuốn sách “201 Knockout Answers to Tough Interview Questions (201 câu trả lời hạ đo ván những câu hỏi hóc búa trong phỏng vấn), gợi ý: “Hãy xem xét việc tạo ra một đề nghị về cách thức mà bạn sẽ đáp ứng một trong những lãnh vực này. Làm như vậy sẽ chứng tỏ rằng bạn có nhận thức và cũng có sự hăng hái sẵn sàng đem lại một sự đóng góp đáng kể”.

8. Tiếp tục suy nghĩ và tìm hiểu về công ty
Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho những lần phỏng vấn thêm, hoặc cho những cú gọi điện thoại nối tiếp, bằng cách tiếp tục tìm hiểu về tổ chức và lãnh vực hoạt động của công ty. Kiếm thêm được những tin tức mới về một đề tài đã được đưa ra trong buổi phỏng vấn. Hãy nghĩ về những câu hỏi bổ sung mà bạn thích chúng được trả lời. Những hành động này chứng tỏ cho người tuyển dụng thấy rằng bạn không ngừng quan tâm đến công ty, sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn.

9. Huy động những nguồn lực bên ngoài

Không nên chấm dứt việc giao tiếp. Myers nói: “Nếu bạn có những mối liên lạc và quan hệ với bất cứ người nào có thể gây ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng, hoặc với bất cứ người nào thực sự quen biết với người phỏng vấn, thì bạn hãy nhờ người ấy nói giúp vào cho bạn một lời tốt đẹp”.

10. Chấp nhận sự bác bỏ với lòng biết ơn

Sau cùng, bạn hãy kiềm chế cảm xúc và đừng tự phá hủy cây cầu có thể về sau đưa mình quay trở lại, nếu có một người nào khác được tuyển dụng vào làm, còn bạn thì bị từ chối. Nào ai biết được tương lai có thể hứa hẹn điều gì. Có thể người được nhận vào làm lại không làm được việc, hoặc biết đâu một công việc khác sẽ được mở ra. Myers nói: “Nếu bạn bị từ chối, thì điều đầu tiên (trớ trêu thay) mà bạn nên làm là gởi một lá thư ngắn để cám ơn. Việc này sẽ giúp làm cho người ta thấy bạn không giống như những người khác xin việc nhưng bị bác bỏ, cũng như làm cho người ta nhìn bạn một cách tích cực hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT