Người Việt Khắp Nơi

Bệnh nhân gốc Việt thiếu bác sĩ đồng hương ở Philadelphia

Sunday, 05/11/2017 - 10:10:39

Không là chuyện lạ khi các bác sĩ thỉnh thoảng phải vất vả tìm cách dịch ngôn ngữ y khoa cho các bệnh nhân. Hãy tưởng tượng cảnh tượng bác sĩ và bệnh nhân nói các ngôn ngữ khác nhau.


Bệnh nhân gốc Việt không biết tiếng Anh có khi mang theo trẻ em để thông dịch cho họ. (Getty Images)

Nếu học ngành y khoa và sắp tốt nghiệp, bạn nên chọn hành nghề ở những nơi có nhiều người Việt Nam nhưng thiếu bác sĩ, chẳng hạn như ở thành phố Philadelphia. Bản tin sau đây từ nhật báo The Philadelphia Inquirer đăng ngày 19 tháng 10, 2017 cho thấy lý do tại sao bạn nên chọn như vậy, thay vì dồn quá nhiều vào những nơi như ở Quận Cam, San Jose, hay Houston.

Không là chuyện lạ khi các bác sĩ thỉnh thoảng phải vất vả tìm cách dịch ngôn ngữ y khoa cho các bệnh nhân. Hãy tưởng tượng cảnh tượng bác sĩ và bệnh nhân nói các ngôn ngữ khác nhau.

Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy sự trở ngại về bất đồng ngôn ngữ là điều thông thường trong khu vực Philadelphia. Thành phố này có nhiều di dân trong số các bác sĩ và các bệnh nhân, nhưng không nhất thiết đều đến từ cùng một quốc gia.

Sự bất đồng thường thấy nhất trong vùng là tiếng Việt, theo phân tích của Doximity, một mạng lưới xã hội của các bác sĩ. Trong số 330,000 người sống ở khu vực không nói rành tiếng Anh, có 5.8 phần trăm nói tiếng Việt Nam. Trong khi đó có chưa tới 1 phần trăm trong tổng số bác sĩ địa phương nói được ngôn ngữ đó.

Những điều được ghi nhận này không gây ngạc nhiên cho bà Nancy Dung Nguyễn, giám đốc điều hành VietLead, một nhóm cộng đồng phi lợi nhuận cho các di dân gốc Việt ở Philadelphia. Bà nói tình trạng thiếu hụt đó đặc biệt là trầm trọng nơi các bác sĩ chuyên khoa. Thỉnh thoảng các bệnh nhân phải cậy nhờ vào con hoặc cháu trong gia đình để phiên dịch.

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nói riêng đang bị thiếu hụt. Đây là một vấn đề trong một cộng đồng nơi mà một số di dân lớn tuổi mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, theo bà cho biết.

Bà Nancy nói, “Điều có thể gây lúng túng là khi một người phải đối phó với một tình trạng sức khỏe của người lớn, và họ mang theo đứa con mới có 10 tuổi. Bệnh nhân phải có những quyết định mà không được hiểu biết đầy đủ.”
Doximity đã thu thập dữ kiện trên toàn quốc gồm hơn 60,000 hồ sơ cá nhân của các bác sĩ trên mạng xã hội, trong số đó có 2,000 hồ sơ trong khu vực Philadelphia. Dữ kiện về những ngôn ngữ mà các bệnh nhân nói đều phát xuất từ Phòng Kiểm Kê Dân Số Hoa Kỳ.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích những rào cản ngôn ngữ giữa bác sĩ và bệnh nhân trong quá khư, nhưng chưa bao giờ ở quy mô rộng như thế. Ông Joel Davis, phó chủ tịch đặc trách phân tích thông kê của Doximity, cho biết như vậy.
Còn theo ông Christopher Whaley, một nhà kinh tế học y tế giúp đỡ việc phân tích, có nhiều cuộc nghiên cứu tìm thấy rằng mức hiểu biết kém cỏi có thể có nghĩa là bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Điều đó xảy ra khi các bác sĩ không thể hiểu được những điều bệnh nhân mô tả về các triệu chứng, cũng như khi các bệnh nhân không hiểu những hướng dẫn của bác sĩ.
Ông Whaley, giáo sư phụ khảo của Trường Y Tế Công Cộng Berkeley thuộc viện đại học University of California, nói, “Điều này đã được chứng minh về mặt chẩn y, để dẫn tới việc tuân thủ điều trị thuốc thang ở mức thấp hơn và việc tuân theo hướng dẫn của bác sĩ ở mức thấp hơn.”
Tình trên toàn quốc, ngôn ngữ thông thường nhất mà các bệnh nhân không thể tìm thấy các bác sĩ nói thông thạo là tiếng Swahili, một ngôn ngữ được dùng giữa người Đông Phi Châu. Theo Doximity tìm thấy, người Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 vị thứ hàng đầu quốc gia về tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT