Đời Sống Việt

Xem các học trò nhỏ đánh piano: Hãnh diện và hạnh phúc ngập tràn...

Friday, 23/01/2009 - 03:21:34

Lời giới thiệu dí dỏm đầy thông minh của nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn giúp chương trình trở nên sôi động giữa những hồi dài lặng im. Mọi người ...

Gia-dinh-am-nhac.jpgBài và ảnh: Phụng Linh

 

Đêm 4 tháng Giêng, 2009, lần đầu tiên một chương trình độc tấu piano được tổ chức khá chu đáo và trang trọng trên sân khấu Star Performing Arts Center ở thành phố Westminster, Quận Cam, Nam California, và các tài năng trẻ bộ môn dương cầm, con em của cộng đồng Việt có cơ hội thi thố tài nghệ.

 

[Gia đình pianist Công Chính-Châu Liên, Lan Phiên, Bích Hợp]

Lời giới thiệu dí dỏm đầy thông minh của nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn giúp chương trình trở nên sôi động giữa những hồi dài lặng im. Mọi người ngồi im phăng phắc để lắng nghe từng âm thanh réo rắt từ những đôi bàn tay bé nhỏ. Đúng như ý muốn của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và Phạm Tấn Triệu, các tài năng nhỏ tuổi đã đưa hồn dân tộc vào bộ môn dương cầm với các bài Ly Rượu Mừng, Trống Cơm, Sáo Diều, Chặt Gỗ Đóng Thuyền, Mưa Sài Gòn – Mưa Hà Nội, Qua Cầu Gió Bay, Ta Tắm Ao Ta... Mọi trái tim thổn thức cùng với những âm thanh quen thuộc: tiếng trống đầu làng, tiếng sáo diều vi vút trên không trung, tiếng mưa tí tách nhịp nhàng trên mái ngói...; mọi nỗi niềm yêu quê chất chứa trong lòng như có dịp bỏ ngõ tuôn trào... Chỉ tiếc rằng thời gian độc tấu dương cầm nhạc Việt còn hơi ngắn. Thầy Phạm Tấn Triệu tâm sự về ý thức tăng thêm dòng nhạc dân ca trong bộ môn dương cầm và nhấn mạnh rằng các dân tộc khắp nơi đã làm cho thế giới biết đến dân tộc mình bằng bộ môn âm nhạc.

 

Buổi trình diễn quy tụ khá đông các nhạc sinh giỏi của lớp dạy dương cầm Lê Văn Khoa và Phạm Tấn Triệu, trong đó có nhiều em là học sinh của cố nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi: Ý Nhi Đỗ, Huỳnh Nhi Đỗ, Trúc Ngô, Trí Ngô, Danielle Nguyễn, Jeffrey Nguyễn, Mai Hồng Mi, Hương Bùi, Thiên Anh Trần, Nikki Nguyễn, Andrea Nguyễn, Trâm Đặng, Nathan Trương, Trang Ngô, Joanne Trần, Christine Phan, Franklin Ngô, Richard Lê, Hoàng Quốc Bình, Phạm Bích Hợp... Cuối chương trình, Phạm Nguyễn Lan Phiên xuất hiện trong năm bản độc tấu của Chopin, Tchaikowsky, Dominico Scarlatti, Beethoven, Claude Debussy...Một buổi trình diễn đầy hạnh phúc và đáng hãnh diện vì cho thấy cộng đồng người Việt hải ngoại đã sản sinh một lớp trẻ đầy tài năng trong bộ môn piano.

 

Lan Phiên mới 13 tuổi nhưng đã có được ngón đàn vững chãi, được cộng đồng Việt Nam ở Nam California biết đến từ nhiều năm nay. Lan Phiên xuất hiện trước chiếc đàn dương cầm trên sân khấu với một phong thái đĩnh đạc, tự nhiên khác hẳn với các bạn nhỏ của mình. Thỉnh thoảng em dừng tay lau mắt kiếng, hoặc dùng khăn tay lau sạch mồ hôi trên các phím đàn. Tiếng đàn Lan Phiên nắn nót, trưởng thành hơn nhiều so với lần xuất hiện năm trước đây cũng tại Quận Cam nên những nốt nhạc buông ra nghe êm, mềm mại, tròn trịa hơn.

 

Ít ai biết được trong cuộc sống đời thường, Lan Phiên là cậu bé rất năng động và lớn lên trong một gia đình âm nhạc đang định cư ở Đức. Trước khi được thọ giáo với các nhạc sư tên tuổi trong làng âm nhạc Đức, Lan Phiên từng học đàn với bố mẹ. Em gái của Lan Phiên là Phạm Bích Hợp cũng đang từng bước nối gót theo anh.

 

Mẹ của nhạc sĩ dương cầm trẻ tuổi là bà Nguyễn Thị Châu Liên, cựu nữ sinh trường Gia Long cùng với chồng con đến Quận Cam, Nam Calif. đầu tháng Giêng 2009, trong dịp đưa hai con đến tham gia chương trình trình diễn trên, tâm sự: “Hồi Lan Phiên lên 4, chúng tôi bảo cháu ngồi vào đàn piano để học nhưng nó không chịu học, cứ đập đập vào phím đàn. Tới khi cháu 6 tuổi rưỡi tự nhiên đòi học trong khi cả bố lẫn mẹ đều đã nản lòng. Chúng tôi nghĩ Lan Phiên chỉ... phá đàn thôi, vì thế mà bố đẩy mẹ, mẹ đẩy qua bố, không ai muốn dạy cháu học. Bố còn bảo cho nó học computer đi. Lúc đó tôi biết, anh ấy buồn và thất vọng vô cùng. Nhưng thật lạ. Lần đó tôi còn nhớ, Lan Phiên nghe tôi đánh một bài trong cuốn Method Rose bỗng dưng nằng nặc bảo tôi chỉ nó đánh bài ấy. Thời may, nhân dịp anh Đặng Thái Sơn sang Đức thăm chúng tôi, chính anh là người dạy Lan Phiên nắn nót những nốt nhạc đầu tiên”.

 

Thập niên 1960, Châu Liên được học piano với cô Thục Khang, học trò của bà Đỗ Thế Phiệt. Mẹ của Châu Liên là cựu giáo sư trường Gia Long, Lê Thị Uyển, trước đây cho cả 5 cô con gái học piano. Nhà chỉ có 1 cây đàn, năm cô con gái dành nhau đàn với cuốn tập nhạc Method Rose. Trên bìa cuốn tập nhạc còn nét chữ bà cụ viết một dọc những cái tên của các con gái “Bội Hương, Thanh Nguyên, Châu Liên, Diệu Toàn, Diệu Tố”. Một tập nhạc dành cho năm đứa con yêu của bà. Có lẽ dòng chữ này đánh thức “gene” âm nhạc ở cậu bé nên Lan Phiên tự nhiên đòi học. Bố của Lan Phiên, ông Phạm Công Chính là nhạc sinh piano từ VN, tiếp tục học và tốt nghiệp trường Nhạc ở Canada. Công việc ở văn phòng du lịch của bà lâu nay nuôi sống cả gia đình. Cách nay 2 năm, Chính bắt đầu dạy thêm nhưng thù lao chỉ đủ đóng tiền cho Lan Phiên học nhạc với các nhạc sư người Đức. 

 

Cậu bé có cá tính mạnh mẽ nhưng lại biết vâng lời. Đến Nam California, Lan Phiên mê nhất là món bánh mì kẹp thịt McDonald. Mỗi ngày ít nhất bốn tiếng đồng hồ dợt đàn dưới sự kiểm soát của bố, đôi khi mệt quá Lan Phiên nằm dài trên sàn gạch. Nhưng rồi chiều lòng bố mẹ, Lan Phiên bật dậy, quên cả mệt mỏi để tiếp tục làm bạn với những nốt nhạc, cung đàn. Thỉnh thoảng, cậu bé than với mẹ nhức mỏi cả cánh tay để được mẹ thoa dầu nóng.

 

Đàng sau sự tỏa sáng của Lan Phiên và Bích Hợp, người ta luôn thấy hình ảnh nghiêm khắc của một người cha và sự cần cù chăm sóc gia đình của một người mẹ. Bốn người đều chơi đàn dương cầm và chơi thành thạo, một “gia đình pianist” đáng được trân trọng.

 

Vien Dong Daily News

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT