Đời Sống Việt

Về vùng sa mạc Las Vegas, viếng Đức Mẹ La Vang

Wednesday, 02/11/2016 - 09:04:18

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Phượng Vũ

Khi nhắc đến Las Vegas, gần như ai cũng biết đó là một vùng đất sa mạc nóng cháy, nhưng lại mọc lên 1 thành phố ăn chơi với nhiều sòng bài thuộc vào loại lớn nhất thế giới. Do đó bất cứ du khách nào đến Mỹ cũng đều muốn đi thăm Las Vegas cho biết, vì chưa biết Las Vegas coi như chưa biết nước Mỹ. Đó là một thành phố mà tất cả loại hình vui chơi giải trí đều được đổi mới và cập nhật hóa liên tục và đặc biệt đèn điện chiếu sáng rực rỡ muôn màu lấp lánh khắp cả một bầu trời Las Vegas lúc về đêm. Đến nỗi người ta thường nói đùa rằng những người đánh bài thua cháy túi ở Las Vegas là “góp đóng tiền điện cho Las Vegas”. Như vậy mới biết mức tiêu thụ điện của Las Vegas cao tới độ nào! Ngày xưa người ta gọi Paris là kinh đô ánh sáng của thế giới, nhưng từ lâu ngôi vị này đã bị Las Vegas chiếm đoạt rồi.

                                                         Linh đài Đức Mẹ La Vang


Vậy mà giữa môi trường ăn chơi xa hoa lộng lẫy đó đã âm thầm mọc lên một Đền Thánh Đức Mẹ La Vang để giáo dân Việt Nam có nơi tìm về bên Mẹ La Vang dấu yêu ngay trên đất Mỹ. Có lẽ nhìn thấu rõ tâm tình tha thiết yêu kính Đức Mẹ La Vang đặc biệt của dân Việt Nam, nên tòa Giám Mục Las Vegas đã tặng khu đất để xây đền thánh (2002) và bắt đầu khởi công xây cất từ năm 2003. Từ năm 2004 trở đi vào tháng 10 là tháng Đức Mẹ Mân Côi, Đền Thánh đều tổ chức 3 ngày hành hương cho giáo dân khắp nơi về tham dự. Thời gian đầu 2 năm tổ chức 1 lần, nhưng từ 2011, số người Việt Nam kéo đi hành hương ngày một đông, nên đền thánh tổ chức đại hội mỗi năm một lần.

Năm nay 2016 là đại hội lần thứ 9 với số lượng người về tham dự có thể lên tới 5, 6 ngàn người. Trước đây người ta tự rủ nhau thuê xe đi riêng, rồi lần lần xuất hiện những tour hành hương Đức Mẹ La Vang Las Vegas. Về sau không chỉ có 1 nơi mà tới 3, 4 nơi thi nhau tổ chức tour hành hương để đáp ứng nhu cầu gia tăng của giáo dân Việt Nam, nhất là ở vùng Orange County. Giá cả thì các nơi đều như nhau, vấn đế là chọn nơi nào để ủng hộ và tín nhiệm. Tôi đã từng tham dự hành hương Đức Mẹ La Vang trước đây 1,2 lần rồi bằng xe riêng . Kỳ này vợ chồng chị bạn thân rủ tôi đi chung cho vui và chúng tôi chọn nhóm Bảo Trợ Nữ Tu Hưu Trí Việt Nam, vì chúng tôi luôn có cảm tình với các sơ, những người đã tận tụy hiến cả đời mình phục vụ cho người nghèo. Bây giờ các sơ già yếu về hưu, làm gì có lương hưu như ở Mỹ, nên ủng hộ các sơ là việc phải làm và nên làm.

                                                  Đông đảo dân chúa tham dự thánh lễ.


Ngay trước ngày đi đã có trục trặc rồi, vì chúng tôi đi chung 3 người ghi tên chung, đóng tiền chung để ngồi gần nhau. Vậy mà trước khi đi mở giấy ra xem thì hỡi ôi, vợ chồng chị bạn ngồi phía trên, tôi bị tách ra ngồi tuốt phía dưới... nên định hủy chuyến đi, nhưng mọi chuyện đã lỡ, thôi đành nuốt bồ hòn làm ngọt. Chị bạn tôi cứ nói "Thôi đi hành hương, chịu khó hãm mình đền tội đi." Tôi thì nghĩ , thôi mình chấp nhận chịu thiệt thòi một chút, biết đâu sẽ được Chúa bù đắp cách khác thì sao?". Thế là vui vẻ lên đường! Vậy mà đúng thiệt khi chúng tôi đến điểm khởi hành thì có 1 bà mới đi emergency vô nhà thương, nên phải bỏ chuyến đi. Vậy là tôi được đôn lên thay chỗ, còn ngồi phía trước vợ chồng chị bạn. Bà ngồi bên cạnh tôi thì có vẻ buồn vì bạn phải vô nhà thương do ngộ độc thực phẩm. Đúng là ở đời có khi nỗi buồn của người này lại là niềm vui của người khác! Biết sao bây giờ?

Xe bắt đầu lăn bánh, mọi người râm ran trò chuyện, lúc bấy giờ tụi tôi mới phát hiện ra chung quanh đa số toàn các cụ xấp xỉ 80 trở lên, nhưng nom cũng còn mạnh khỏe lắm. Đúng là thời đại ngày nay... “60-70 trẻ lạ lùng! và trên 70 người ta trẻ vĩnh viễn”. Bạn tôi cười khoái chí : "Đi với mấy bà tự nhiên mình được làm "giới trẻ", làm em út cũng vui thiệt!" Tôi bắt chuyện với bà ngồi bên cạnh cho đường xa đỡ dài, nhưng xem ra bà có vẻ lạnh lùng, cách biệt!. Có lẽ vì tôi đã chiếm chỗ của bạn bà chăng? Bà nhìn tôi có vẻ không mấy thiện cảm và nói:

- Thưa bà, trông bà có lẽ trẻ hơn tôi cả gần mười mấy hai chục tuổi thì phải?
Tôi tự nhủ thầm, Chèn ơi! đã biết người ta nhỏ tuổi hơn bằng ấy mà còn “thưa bà” thì nghe thấy quải quá chắc là đụng phải kiểu “khuôn khổ lễ nghi” quá mức của dân Bắc chính gốc đây! Tôi hãi quá, vì tôi vốn tính dân Saigon đơn sơ thẳng thắn, không quen khuôn sáo, làm sao mà nói chuyện cho hạp đây? Cái này mà nói chuyện với nhau chắc sẽ bị “trớt quớt” hết cho mà coi! Nhưng thôi cứ thử xem sao? Vậy đó, mà từ từ bà lai rai tâm tình với tôi "một chút" rồi lát sau thêm "một chút" lần lần tôi biết khối chuyện về bà, và tôi chỉ việc ngồi nghe.

Bà đã 85 tuổi, sang Mỹ từ năm 1960 vì chồng làm ở tòa đại sứ Việt Nam tại Mỹ. Vì thế bà nói tiếng Mỹ rất nhuyễn khi trả lời phone các con gọi hỏi thăm về chuyến đi của bà. Bà cho biết cái thời đó làm gì có ai dạy Việt Ngữ, nên chúng nó toàn nói tiếng Mỹ từ bé...Tôi cảm phục bà vì sống trong môi trường Mỹ hơn nửa thế kỷ mà bà vẫn còn nói tiếng Việt rất chuẩn, trong khi nhiều người sang Mỹ một thời gian là đã bắt đầu quên tiếng Việt. Bà tâm sự với tôi khá nhiều về các con của bà, về đời sống của bà... Rồi bà còn mở bóp lấy ảnh vợ chồng bà đi chơi Châu Âu cho tôi xem, kể những kỷ niệm đi chơi Las Vegas khi “ông nhà tôi còn sống”. Và sau này thân hơn bà đổi lại gọi tôi là “cô”, đến hôm cuối thì bà vui vẻ nói, “ Partner của tôi đâu rồi?” khi tôi lên xe trễ! Từ đó tôi rút ra bài học, có những người vừa nhìn là đã thấy không hạp rồi, nhưng nếu mình cứ mở lòng ra trước, thì từ từ mình sẽ thấy họ cũng có nhiều điểm dễ thương lắm. Đừng để những thành kiến ban đầu, ngăn chặn bạn nhìn thấy những nét tích cực từ người khác. Điều này có thể giúp ích cho việc giao tế hay các nàng dâu mới về nhà chồng mà gặp bà mẹ chồng khó ưa thì đừng có nản!

Xe đang chạy phom phom bỗng dưng tấp vô lề rồi ngừng hẳn, đợi mãi chẳng thấy thông báo gì từ HDV. Bà giục tôi, "Cô hỏi thăm xem!" Lúc đó mới biết xe bị trục trặc, trục trặc gì thì không biết. Vậy là xe nằm “nghỉ mệt” trên xa lộ, chắc có lẽ chở nặng mà leo dốc cao 4000 feet nên leo không nổi. Xe "nghỉ mệt" nhưng bà con trên xe thì lại thấy "quá mệt" vì không biết khi nào xe mới "hết mệt". Sau khi "nghỉ mệt" một hồi thì xe bắt đầu từ từ "bò" lần lần. Một bà gần đó trả lời phone con gọi hỏi thăm: "Hồi nảy nó ban nằm ụ một đống, bây giờ thì nó đang lết lết con ơi! không biết khi nào nó mới tới? " Ai nghe bà nói chuyện cũng bật cười về cách dùng từ gợi hình của bà. Khi hỏi thăm tài xế, người Tàu, xem lúc về có đổi xe khác không? Ông ta trả lời “I d'ont know”. Tôi buột miệng: “Như vậy là lúc về có thể bị trục trặc nữa?" Bà bên cạnh nghe vậy sợ quá “Thôi để tôi gọi con gái book vé máy bay cho tôi về, chứ đi thế này sợ quá!” Mọi người xúm lại cầu nguyện, và xe bắt đầu chạy nhanh hơn lúc nãy. Cuối cùng thì cũng tới nơi, có điều trễ hơn dự định khá lâu.

Khi chúng tôi đến đền thánh Mẹ La Vang thì thánh lễ khai mạc đã bắt đầu, người ta đông quá kín mít cả một khoảng đất rộng trước đền thánh. Ngay cổng vào 2 bên là hai hình tượng lớn một bên là hình Lòng Thương Xót Chúa, vì năm này là Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa, một bên là hình Đức Mẹ La Vang với hàng chữ chủ đề của đại hội năm nay “Cùng Mẹ Tín Thác Vào Lòng Chúa Xót Thương”. Sau này đây là 2 nơi mà mọi người chiếu cố đứng chụp hình nhiều nhất! Chúng tôi tự động tản mác, len lỏi vào trong dòng người đông nghẹt tìm chỗ đứng gần nhất để có thể để nhìn lên lễ đài. Linh đài Đức Mẹ La Vang được thiết kế giống như ở La Vang Việt Nam, nhưng xem ra có phần đẹp hơn. Ngôi nhà thờ cũng được thiết kế giống nhà thờ La Vang ở Việt Nam. Nhìn những hình ảnh này mà có cảm tưởng quê hương vẫn thấp thoáng quanh đây!

Theo tài liệu Tòa Tổng Giám mục Huế - 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Mẹ Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: "Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện".

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Sau thánh lễ theo thông lệ hằng năm, đền thánh sẽ lo phục vụ phần ăn miễn phí cho các giáo dân tham dự đại hội trong 3 ngày. Tôi không hiểu làm sao giáo dân ở đây, không phải là dân "chuyên nghiệp" mà lại có thể phục vụ ăn với số lượng mấy ngàn người mà tránh được cảnh chen lấn, tranh giành nhau. Điều này chứng tỏ tiền bạc và công sức họ bỏ ra quá lớn. Hơn nữa óc tổ chức của họ cũng thật tài tình, đặc biệt là các em thiếu nhi thánh thể. Các em tuy còn nhỏ, nhưng năng động và kỷ luật làm theo sự hướng dẫn của các huynh trưởng. Phía sau đền thánh là một dãy lều thật lớn, hàng mấy chục dãy bàn ghế phục vụ khách ăn đều đã sẵn sàng. 4,5 khu nhà bếp đặt sẵn 2 bên lối đi với những tô phở bò được làm sẵn, cứ dòng người đi tới đâu thì nước lèo nóng được múc chan vào bát phở, kèm theo là 1 túi nhỏ có giá sống, chanh, rau thơm. và cả 2 gói tương đen, tương đỏ nữa.Thật là quá chu đáo! Bên ngoài mọi người xếp hàng theo thứ tự vào phía bên hông, khi nào thấy bên trong phục vụ không kịp thì các em ngăn lại với bảng Stop (ngừng) sau đó là bảng Go Slowly (đi chậm). Có một hàng dành riêng cho người già, yếu đuối hay khuyết tật được ưu tiên. Cuối cùng hàng mấy ngàn người đều được phục vụ chu đáo, được ăn tô phở nóng ngon với đầy đủ gia vị đàng hoàng. Lớp này ăn xong, mọi người tự dọn dẹp phần mình bỏ vô thùng rác cạnh bên, tới lớp khác vào. Đối với dân các tiểu bang miền lạnh thì được ăn tô phở ngon vào buổi tối khi trời hơi lạnh thì thật là tuyệt vời. Riêng tôi là dân Cali nên không lạ gì phở, nhưng cái tôi quý ở đây là tình người phục vụ quá đẹp! Chưa có ở đâu tôi được chứng kiến sự phục vụ miễn phí hoàn toàn nhưng rất chu đáo và lễ phép của các em thiếu nhi thánh thể. Đó là chưa kể có một sân khấu bên cạnh nhà ăn, các em lên hát thánh ca hoặc trình diễn những điệu múa dân tộc phục vụ cho khách ngồi ăn. Các em rất giỏi và thật đáng khen! Có người cảm động vì được ăn ngon và được phục vụ tử tế, đi tìm thùng donation để bỏ tiền vô, nhưng không thấy đâu cả. Đúng là “Tình cho không, biếu không” thực sự 100%. Lúc đầu tôi nghĩ phục vụ ăn miễn phí thì chắc sẽ có thùng Donation cạnh bên để mọi người tùy nghi đóng góp. Nhiều người cũng băn khoăn khoản này, đề nghị lần sau xin BTC để các thùng Donation cho mọi người tự ý đóng góp để khỏi cảm thấy áy náy vì mình đã nhận quá nhiều mà không cho lại được gì! Sau bữa ăn tối là đến phần Văn Nghệ Chào Mừng Đại Hội với nhiều tiết mục chuẩn bị công phu và rất hay! Tối đó về khách sạn, ai cũng ngủ ngon sau một ngày dài mệt mỏi.

Sáng hôm sau thức dậy lại lên xe tới tham dự Đại Hội, đến phần thánh lễ Chữa Lành. Khi cha chủ tế hỏi, Ai có bệnh phần xác? Tôi thấy gần như ai cũng giơ tay hết vì đa số là dân cao niên mà, ngó bề ngoài coi bộ ngon lành vậy, chứ bên trong rệu hết rồi. Người thì nhức mỏi, kẻ đau lưng, người đau chân, kẻ ù tai. Ai cũng 3 cao: cao mỡ, cao máu, cao đường... Ai có bệnh phần hồn? Mọi người lại giơ tay. Ai cũng mắc bệnh tự kiêu, tự mãn, bệnh ích kỷ... như tôi thường nói với các bạn mình là "tham, sân, si" cũng còn nhiều. Sau đó mọi người lần lượt được xức dầu thánh chữa lành để trở thành con người tốt hơn. Tiếp theo là thánh lễ đồng tế, tôi nghe thấy rao nhiều ý lễ tạ ơn Đức Mẹ, có người hiếm muộn đến đây khấn xin và nay đã có con, có người hết bịnh nan y.... Sau thánh lễ mọi người đi nghe phần thuyết trình của các cha với nhiều đề tài khác nhau. Cha Trường Luân mở đầu bài giảng của mình bằng cách kêu gọi mọi người tự đặt câu hỏi với mình "Nếu tối nay Chúa gọi tôi về, tôi đã sẵn sàng chưa?" Hay là lúc đó lại la lên "Con không về, con không về! ". Thực ra câu hỏi này tôi cũng đã tự hỏi mình nhiều lần, nhất là với tình hình Cali luôn bị đe dọa động đất. Những lúc đó sao thấy lòng mình "chợt từ bi bất ngờ" chẳng muốn phiền trách ai điều gì! Ai xin gì cũng sẵn sàng cho, giữ làm gì "đất nứt một cái là mọi chuyện tiêu tan hết". Nói tới đây tôi lại nhớ mới tháng trước khi có tin từ cơ quan dự báo động đất cho biết cụ thể ngày giờ sẽ có động đất ở CA. Email loan tin báo động gửi tới tấp, tôi bận quá, không có giờ đọc kỹ, vội vàng gửi cho các bạn ngay. Tối đó tôi xuống nhà chị bạn ở tầng dưới đưa chị cuốn báo. Gặp tôi chị hỏi ngay:

- Tối qua ngủ ở đâu?
Tôi ngạc nhiên:

- Hỏi gì ngộ vậy? Ngủ ở nhà chứ ngủ ở đâu? Có chuyện gì vậy?"
- Sao chị giống ở cung trăng mới rớt xuống vậy? Tối qua dự báo có động đất, em đâu dám ngủ. Quần áo không dám thay, sẵn sàng để chạy.Thức tới hơn 1 giờ sáng mệt quá mới thiếp đi!
Tôi ngơ ngác:

- Thiệt vậy sao? Ai cho chị biết tin đó vậy?
- Trời ơi, chính chị foward email cho em tin này chớ ai nữa. Mấy bà hàng xóm chung quanh chạy về nhà con ngủ hết. Có bà không có con thì ôm gối mền ra xe ngủ lỡ có gì thì chạy cho kịp vì ở trên lầu nó sụp xuống không có đường mà chạy. Có ông lo thòng sợi dây từ cửa sổ xuống dưới đất, để có gì thì còn đường leo xuống...

Tôi nghe mà thấy buồn cười, may nhờ tôi bận quá không có giờ đọc kỹ email nên vẫn ngủ khỏe re, khỏi phải lo lắng gì. Thôi cứ giao mọi chuyện trong tay Chúa, sống chết có số mạng hết. Lo làm gì? Nói thì nói vậy, chứ biết đâu khi biết tin đó tôi cũng lo lắng không ngủ yên thì sao? Trong đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ, “Phải lúc này mà đi xin tiền làm từ thiện, chắc là ai cũng rộng lòng cho hết!' Vì lỡ đất nứt ra gọi ta xuống thì ta cũng chẳng mang theo được gì!”

Chương trình tối nay có phần đặc biệt "Rước kiệu trọng thể kính Đức Mẹ La Vang". Lâu lắm rồi tôi mới được tham dự rước kiệu một cách trọng thể và đông người tham dự như vậy. Trong bóng tối mênh mông vì đèn được tắt hết, giáo dân mỗi người cầm trên tay một cây nến để đi rước kiệu. Kiệu Đức Mẹ La Vang nằm trên một xe hoa được thiết kế như một chiếc thuyền hoa đứng cạnh cây thánh giá trông uy nghi. Hàng người kéo dài đi kiệu như tấm lòng con dân Việt Nam đang hướng về Mẹ La Vang để cầu xin cho quê hương Việt Nam sớm bình an. Tôi thấy có đài truyền hình Việt Nam từ O.C. lên làm phóng sự. Lời 1 bài hát cũ từ rất xa xưa được cất lên, nhưng nghe sao như rất mới, rất phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của đất nước Việt Nam đang trong cơn nguy nan: dân thì đói khổ điêu linh vì hết nạn cá chết rồi tới chết vì bão lụt, vì xả đập. Nguy cơ mất nước vào tay bọn Tàu xâm lược ngày càng rõ nét.

“Me ơi đoái thương xem nước Việt Nam.
Trời u ám tóc tang điêu tàn.
Me hãy giơ tay ban phúc bình an
cho Việt Nam qua phút nguy nàn."
Có lẽ chỉ có ở đây hàng ngàn người mới được tự do rước kiệu trong đêm tối, hát vang những bài thánh ca về Đức Mẹ, về lòng yêu nước. Còn ở bên kia bờ đại dương lòng yêu nước cũng bị cấm đoán: yêu nước, thương dân là có tội. Trường hợp điển hình là blogger Mẹ Nấm mới bị bắt. Chị là 1 giáo dân nhiệt thành với nhà Chúa, yêu Chúa nên thương người. Chị sẵn sàng đấu tranh cho những người dân oan, cho việc bảo vệ môi trường sống của người dân. Vừa rồi khi công an bắt chị khẩn cấp và xét nhà chỉ thấy những khẩu hiệu “Ngưng xả thải ra biển” “Formosa cút khỏi Việt Nam”... Vậy mà chị bị kết tội "tuyên truyền chống nhà nước”. Chẳng lẽ Formosa là đại diện cho nhà nước sao?

Buổi rước kiệu được kết thúc bằng thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống (giáo phận Phan Thiết, VN) chủ tế cùng với mấy chục linh mục đồng tế trong bầu khí long trọng và tôn nghiêm. Tối đó ra về lòng tôi thấy bình an và cảm nghiệm mình thật có phước khi được sống ở một đất nước tự do, không phải chỉ có tự do tôn giáo, hội họp, mà còn tự do ngôn luận, tư tưởng... Về vật chất thì quá đầy đủ, nếu không muốn nói là dư thừa. Trong khi dân tôi ở Việt Nam thì thiếu thốn trăm bề từ vật chất tới tinh thần...

Sáng Chúa Nhật chúng tôi trở lại đền thánh để dự thánh lễ bế mạc. Khi thánh lễ sắp bắt đầu thì trời âm u và lát sau thì có nhiều hạt mưa rơi, làm mọi người lo lắng vì thánh lễ cử hành ngoài trời, nhưng mọi người không ai bỏ chạy, vẫn đứng yên ở vị trí của mình. Có lẽ Đức Mẹ muốn thử lòng con cái Mẹ một chút, vì khi Đức Cha Thống, chủ tế kết thúc lời nguyện đầu lễ, thì mặt trời bắt đầu chiếu ánh sáng, xua đuổi mây mù đi. Do đó khi mở đầu bài giảng của mình cha đã so sánh ở đây mọi người đang tưng bừng tham dự đại hội và ánh mặt trời đang chiếu sáng khắp nơi. Trong khi đó ở quê hương thân yêu bao nhiêu người dân miền Trung đang chịu cảnh màn trời chiếu đất, vì mưa gió bão lụt. Ngoài ra họ còn phải sống trong cảnh tăm tối vì thiếu ánh sáng của mặt trời công lý, nên bị áp bức, chèn ép, tù đày... Xin mọi người hướng lòng về cầu nguyện cho quê hương Việt Nam.

Khi nói về bài Phúc Âm Người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ. Cha đưa ra “3 không” khi cầu nguyện: Không nhiều lời. Không khoa trương về mình. Không nản lòng. Hãy chú ý về đời sống tâm hồn nhiều hơn...Cuối thánh lễ Đức cha ban phép lành đặc biệt của tòa thánh và ơn toàn xá cho mọi người tham dự.

Sau đó ai nấy rộn ràng ra xe để lên đường trở về nhà. Hôm qua tài xế đã thông báo là đổi xe bus cho chuyến về làm chúng tôi an tâm hơn. Trước khi chia tay để về bằng máy bay, bà bên cạnh đã nhắc nhở tôi:
- Cụ HDV này già yếu và lẩm cẩm lắm rồi, cô nhớ khi cần phải ra tay giúp cụ ấy nhé!

- Thì hôm check in vô hotel, anh Dũng và tôi cũng nhào vô làm giúp, chứ cụ ấy có làm gì đâu!
Nghĩ thật tội nghiệp cho đoàn hành hương 5,6 chục người lại đặt dưới sự hướng dẫn của 1 cụ HDV già yếu, chậm chạp, lẩm cẩm...,tiếng Anh tiếng u thì khi cụ nghe được khi không. Trên xe thỉnh thoảng ngồi buồn không biết làm gì cụ lại lấy micro ra gõ “rọt rọt” rồi lập đi lập lại những điều cụ đã nói nhiều lần và luôn kết thúc bằng câu “Xin cám ơn”, chúng tôi phải nghe cả mấy chục lần phát mệt. Nhiều người muốn nghỉ ngơi hay trả lời phone của con cháu cũng không được yên. Vì thấy cụ già yếu nên mọi người đều ra tay giúp đỡ, nhưng khốn nỗi trách nhiệm chính vẫn là ở cụ, và cụ đã làm phiền bao nhiêu người. Tôi nhớ lại cái cảnh trưa qua cụ đã cho xe bỏ rơi chúng tôi mà thấy sợ, lần sau cụ có cho đi không thì xin “No, thanks”. Lúc buổi sáng khi đi cụ thông báo: “Trưa ai muốn về hotel nghỉ ngơi thì 1 giờ ra cổng xe bus sẽ chở về. Rồi chiều lại chở ra". Lúc hơn 12:30, tụi tôi đi tìm cụ thì cụ cho biết cứ đợi gần cổng, đúng 1 giờ xe bus tới chở về. Ra cổng đứng nắng quá nên tụi tôi lui vô lều gần cổng đứng mà mắt vẫn ngóng ra cổng. Đợi mãi tới gần 1 giờ, bèn ra đi vòng vòng trước cổng vẫn không thấy, gọi ĐT cho cụ thì cụ không bốc phone. Một lát sau gọi nữa thì cụ trả lời cho biết xe đã đi được 5 phút rồi. Vậy là dù đã có gặp và báo trước, tụi tôi vẫn bị bỏ rơi. Thiệt là giận quá sức! Lúc đó về cũng dở mà ở lại cũng không xong, vì khi lòng con người ta mất bình an, thì không còn tâm trí đâu mà nghe giảng hay cầu nguyện gì được. Lúc này mà ai giảng về đạo đức thì còn dễ nổi khùng nữa. Vì đứng ngoài ai nói cũng hay! Cuối cùng tụi tôi quyết định gọi taxi về, khốn nỗi vì không phải là dân địa phương nên đâu biết số để gọi. Thế là giữa trưa nắng gắt đi lang thang hỏi thăm từ văn phòng, tới người bán hàng qua tới ông security. Đợi mãi mới gọi được taxi tôi đưa cho security cái bao chìa khóa có tên hotel rồi chạy đi lấy túi đồ. Lên xe lòng khấp khởi mừng thầm sắp được về phòng nghỉ ngơi, ai dè khi taxi ngừng trước hotel, tôi thấy lạ hoắc và cho là không đúng. Tài xế chỉ tôi tên hotel trên tấm bảng cao ngất thì đúng là tên đó. Tôi phải vào trong đi từ văn phòng tới quầy tiếp tân hỏi tới hỏi lui mới khám phá ra có 2 hotel cùng công ty, nên có cùng tên, một cái ở phía tây, 1 cái ở phía đông. Vậy là phải lên Taxi chạy tiếp cả chục miles nữa. Vừa tốn tiền, vừa mất thời gian, vừa mệt, vừa bực mình, đã vậy khi về tới phòng chị bạn tôi mới ngớ ra, hồi nãy ấm ức nên móc phone ra xem vì sao gọi mà cụ không trả lời... rồi bỏ quên phone trên taxi. Bây giờ biết tìm "em" ở đâu? Đúng là “họa vô đơn chí”, ông xã bạn tôi thì cho là “chuyến đi bão táp” và mọi sự đều bắt nguồn từ cụ HDV mà ra..
Ấy vậy mà trên đường về nghe cụ tuyên bố là sang năm cụ sẽ hy sinh phục vụ tiếp. Tôi nghe sao “hãi hùng” giống mấy ông cụ đảng viên trung ương đảng ở VN già hết xí quách rồi mà vẫn còn muốn tiếp tục hy sinh phục vụ đất nước, hèn gì đất nước mới tơi tả như thế này. Chúng tôi vẫn muốn ủng hộ Hội Bảo Trợ Nữ Tu Hưu Trí, nhưng lần sau xin hội vui lòng chọn HDV còn khỏe và có năng lực cho bà con nhờ. Kẻo cứ như thế này thì ai cũng đi 1 lần rồi chạy luôn. Vì đức bác ái mọi người không ai muốn nói ra, nhưng thật tội nghiệp cho những người chưa có kinh nghiệm đi với cụ."Lời thật mất lòng", mong cụ bỏ qua và lo nghỉ ngơi cho khỏe cụ nhé! Cám ơn cụ rất nhiều!Chúng tôi vẫn muốn ủng hộ Hội Bảo Trợ Nữ Tu Hưu Trí, nhưng lần sau xin hội vui lòng chọn HDV còn khỏe và có năng lực cho bà con nhờ. Chuyến đi được kết thúc khi anh Dũng mời 1 ông nhà văn, nhà báo 85 tuổi lên nói lời tâm tình. Ông nom còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn cụ HDV nhiều. Ông nói vừa khéo, vừa dí dỏm làm cả xe lăn ra cười mệt nghỉ: “Kính thưa cụ HDV vì tôi là người cao tuổi nhất trong xe nên được mời lên phát biểu. Thú thật lúc đầu gặp cụ nhìn cụ già yếu rồi vẫn còn nhiệt tình công tác, nên tôi đã cầu xin Chúa cho tôi được sống lâu như cụ... nhưng khi hỏi ra mới biết cụ 78, còn thua tuổi tôi. Tôi bèn xin rút lại lời cầu nguyện ấy..." Cứ thế mà ông tiếp tục chiêu đãi mọi người trên xe từng tràng cười no nê khi nói chuyện với cụ HDV, để xóa tan bao nhiêu bực bội của mọi người trong chuyến đi. Xin cám ơn ông nhà văn rất nhiều, hy vọng sẽ tiếp tục gặp ông sang năm cho chuyến đi hành hương được vui vẻ hơn nhờ những tràng cười thuốc bổ của ông tặng cho.

Phượng Vũ

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT