Người Việt Khắp Nơi

Ứng dụng công nghệ mới của Ludwig Center để phát hiện đột biến trong tế bào ung thư

Wednesday, 05/04/2023 - 04:17:25

Ở người bình thường (khoẻ mạnh, không mắc ung thư) thì hàm lượng cfDNA trong máu khá ổn định, nhưng ở bệnh nhân ung thư thì hàm lượng cfDNA tăng cao bất thường

cfDNA

Tôi rất hân hạnh chia sẻ một công trình nghiên cứu [1] hơn 2 năm hợp tác với nhóm Ludwig Center [2] thuộc Đại học Johns Hopkins mới được công bố trên tập san PNAS [3] sáng nay.

Nghiên cứu này ứng dụng công nghệ mới (MethylSaferSeqS) của Ludwig Center để phát hiện đột biến trong tế bào ung thư. Chất liệu nghiên cứu là từ những mảng DNA nhỏ được thải ra khỏi tế bào, rồi đi vào máu, sau khi tế bào chết đi theo lập trình tự nhiên (gọi là apoptosis). Những mảng DNA này có tên là ‘cell-free DNA’.

Ở người bình thường (khoẻ mạnh, không mắc ung thư) thì hàm lượng cfDNA trong máu khá ổn định, nhưng ở bệnh nhân ung thư thì hàm lượng cfDNA tăng cao bất thường. Tận dụng vào mối liên quan này, các nhà khoa học phân tích cfDNA để sáng chế các phương pháp phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm. Nghiên cứu này đi xa hơn một bước: đó là dùng cfDNA và giải trình tự gen để phát hiện đột biến trong tế bào ung thư.

Nói cách khác, nghiên cứu này thiết lập một phương pháp mới để phân tích cfDNA có thể ứng dụng trong chẩn đoán ung thư. Nghiên cứu kế tiếp sẽ ứng dụng phương pháp này vào một nhóm có nhiều ca ung thư hơn để đánh giá giá trị lâm sàng của phương pháp. Sẽ còn vài nghiên cứu khác nữa trong chương trình hợp tác này nhưng do nhóm bên Việt Nam chủ trì.

Đây là một chương trình hợp tác mà cả Việt Nam và Mĩ đều win-win. Việt Nam chẳng tốn đồng nào để có dữ liệu dồi dào và tiếp cận phương pháp mới. Thực ra, do những đóng góp tri thức và chất liệu nên bên Mĩ nói rằng chúng tôi là ‘partner’ chứ không đơn thuần là ‘hợp tác’.

——

[1] https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.2220704120
[2] Đối với tôi, làm việc chung với nhóm của Gs Bert Vogelstein là một điều tuyệt vời. Ông — năm nay đã 73 — được xem là một ‘siêu sao’ trong thế giới ung thư học và y học nói chung.

Ông ‘chỉ’ công bố chừng 600 bài báo, nhưng được trích dẫn hơn 450,000 lần! Ông là một trong 10 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn trong thế giới y sinh học, nhưng làm việc chung mới thấy ông khiêm tốn như một nghiên cứu sinh! Ông cư xử bình đẳng với mọi người trong nhóm. Nói năng từ tốn (chắc do tuổi tác), chất hài hước không chê được, và sẵn sàng lắng nghe góp ý từ người ngoài ngành.

[3] Tập san PNAS hay Proceedings of the National Academy of Sciences là một tập san khoa học đa ngành (như Science, Nature), thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Hoa Kì. PNAS được sáng lập từ năm 1915, và vẫn là một ‘flagship’ trong cộng đồng khoa học. Ngày xưa, PNAS thường được mệnh danh là câu lạc bộ của mấy ‘old boys’ (mấy ông già viện sĩ của Viện hàn lâm), nhưng ngày nay thì nó dân chủ và bình dân hơn rồi.

Theo FB Nguyễn Tuấn (GS)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT