Đời Sống Việt

Tổng Hội SVVN Nam California: Những tấm lòng nóng hổi với niềm tin

Tuesday, 27/01/2009 - 07:47:54

Và mỗi năm, cứ vào mùa Tết đến, dân Việt tìm đến khu hội chợ do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam (THSVVN) ở Nam California tổ chức để vui ...

Tong-Hoi-Sinh-Vien-1.jpgHoàng Hợp Long

 

Có thể họ chưa được coi là biểu tượng của vạn người trẻ Mỹ gốc Việt lớn lên tại miền Nam California, nhưng họ đã được biết đến như những gương mặt trẻ miệt mài làm việc bằng một tấm lòng tha thiết với cộng đồng Việt Nam hải ngoại và lòng yêu dân tộc Việt không bờ bến....



Và mỗi năm, cứ vào mùa Tết đến, dân Việt tìm đến khu hội chợ do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam (THSVVN) ở Nam California tổ chức để vui chơi, gặp gỡ đồng hương, bạn bè, để tìm lại chút hương quê, tự tình dân tộc. Còn giới trẻ, sinh ra và lớn lên ở đất Mỹ thì có dịp tìm hiểu về nguồn cội của tổ tiên.

 

Trong niềm vui xuân chan hòa, ít ai biết được, đằng sau những cổng chào, ngôi làng quê, mái nhà tranh, khu vườn cây xanh mát... là những giọt mồ hôi, những ngày dài dầm mưa dãi nắng của lớp người trẻ Việt, để vừa giúp vui cho hàng trăm ngàn người, vừa gây quỹ hoạt động cho cộng đồng. Sau ba ngày tưng bừng vui xuân, khi người dân Việt cuối cùng rời khỏi hội chợ thì một lớp trẻ xuất hiện, xăn tay áo thu dọn tất cả mọi thứ đã bày biện để trả lại khuôn viên sân cỏ cho trường học....

 

Nổi bật trong lớp người đó là ba bạn trẻ: Lý Vĩnh Phong, Nguyễn Trọng Phú và Trần Thiện Tâm. Ba bạn kể cho phóng viên Viễn Đông nghe những câu chuyện từ đáy lòng mình.

 

* Lý Vĩnh Phong, phó chủ tịch ngoại vụ Tổng hội SVVN Nam Cali nhiệm kỳ 2007 – 2009

Trước khi nhận chức vụ ở THSV, anh là chủ tịch Hội Sinh Viên UCLA, thành viên của THSV và đã trải qua 6 năm hoạt động dưới màu áo của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Nam California, tổ chức quy tụ đại diện 13 trường đại học, 20 trường trung học – tập họp trong Liên hội Học sinh các trường trung học. Anh cho biết, số lượng sinh viên VN không đồng đều ở các trường, ở USC có mấy chục trong khi UCLA có tới 1,500 sinh viên VN. Hiện nay, số sinh viên học sinh hoạt động tích cực cho Tổng Hội khoảng 300 người, chia đều hai phái tính nam – nữ. Vì các trường trung - đại học nằm trải dài từ San Diego đến Santa Barbara nên các đại diện các trường chỉ có thể gặp gỡ vào dịp cuối tuần. Mặc dù khó tập họp tất cả anh chị em trong cùng một lúc - các trường cử người đại diện đến được là tốt rồi - nhưng công việc của Ban chấp hành vẫn chạy đều. Có đến 5 thành viên trong BCH đã tốt nghiệp đại học, đang phải làm việc toàn thời gian, nhưng vẫn phải chắt chiu từng giây phút quý giá để lèo lái con thuyền sinh hoạt THSVVN tại Nam California.

Viễn Đông: Anh có thể cho biết những việc mà anh và ban chấp hành Tổng Hội đã thực hiện trong thời gian qua?

Lý Vĩnh Phong: Chúng tôi thường xuyên tổ chức họp giữa ban chấp hành Tổng Hội và các trường, qui tụ vài trăm người nhằm mục đích tạo tình thân ái giữa các anh chị em, hoặc một buổi họp mặt vui cũng như các cuộc picnic, liên hoan, cắm trại ở bãi biển chẳng hạn…. Trong mùa bầu cử này, chúng tôi còn tổ chức một cuộc thi đua ghi danh thật nhiều cử tri để thúc đẩy không khí tham gia sinh hoạt chính trị dòng chính giữa các trường đại học. Ngoài ra, chúng tôi còn tham dự và góp phần tổ chức các buổi sinh hoạt tranh đấu cho nhân quyền, lễ vinh danh 60 năm cờ Vàng, buổi thắp nến cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà, tổ chức tết Trung Thu và qui mô nhất là Hội Chợ Tết SV…. Chúng tôi còn góp phần tổ chức các vụ biểu tình quy tụ hàng vạn người Việt biểu tình ủng hộ dân oan, phản đối Trung Cộng chiếm đóng Trường Sa – Hoàng Sa của Việt Nam, v.v..

Viễn Đông: Những công việc quy tụ đông đảo đồng bào Việt như thế có mất nhiều thời gian không?

Lý Vĩnh Phong: Để chuẩn bị cho Hội Chợ Tết, chúng tôi cần từ một tới hai tháng chuẩn bị, và hầu như mỗi tuần đều phải họp với các hội đoàn để bàn công việc. Còn những buổi họp hội bất thường như đêm thắp nến Thái Hà chỉ có 4 ngày chuẩn bị. Mặc dù đa số anh chị em trong Ban chấp hành đều bận, trong đó 5 người đều đi làm, nhưng ai cũng cố gắng nhín một chút thời gian vì việc chung cho nên hầu như các cuộc họp mặt của chúng tôi đều thành công về số lượng cũng như nội dung yêu cầu.

Viễn Đông:  Sự cố gắng hết mình, dành công sức, thời gian của anh chị em thành viên Tổng Hội SVVN cho cộng đồng, theo anh, đã được mục đích tối hậu?

Lý Vĩnh Phong: Mục đích cuối cùng của chúng tôi là giúp ích cộng đồng Việt Nam, xa hơn là góp sức cống hiến thúc đẩy nền dân chủ đất nước Việt Nam. Những việc làm này giúp tuổi trẻ chúng tôi hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, để chúng tôi nhận thức rằng đó là những việc không được trả lương nhưng mang lại lợi ích cho nhiều người. Đối với giới học sinh Việt, cùng chúng tôi thực hiện những việc làm có ý nghĩa đó, ngoài việc học mỗi ngày, là góp phần tác động tích cực đến cuộc sống của người khác….

Viễn Đông:  Anh nhận định thế nào về độ thành công của Hội Chợ Tết SV những năm qua?

Lý Vĩnh Phong: Năm rồi số tiền thu được khá cao, tuy chưa phải là năm đạt số thu kỷ lục. Chúng tôi đã hỗ trợ Cộng đồng Việt Nam 106,000 đô, dành 30,000 đô cho Quỹ xây dựng Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng từ số thu của Hội Chợ Tết SV. Từ năm 2002 tới nay, tổng số tiền mà Tổng Hội SVVN Nam Cali hỗ trợ cộng đồng lên hơn 800,000 đô. Đó là số tiền có được từ Cộng đồng nên chúng tôi xin được trao tặng lại Cộng đồng. SV đóng góp sức mình bằng sự tình nguyện bỏ thời gian công sức làm việc không công tại hội chợ.

Viễn Đông: Phải nói rằng hội chợ Tết Sinh viên là một công trình lớn của cộng đồng Việt Nam do chính những người trẻ góp sức tạo lập nên, xứng đáng được ngợi khen. Anh đã làm gì để tập họp được sức mạnh tập thể như thế?

Lý Vĩnh Phong: Để chuẩn bị Hội Chợ Tết, anh chị em chúng tôi đều phải có mặt tại công viên trường Bolsa Grande vài ngày trước hôm khai mạc để dựng lều, dựng cổng, “xây” làng VN, dựng sân khấu.... Khi cô bác đồng hương tới tham dự lễ khai mạc thì mọi thứ đã hoàn tất mỹ mãn. Trên bãi cỏ mênh mông của trường Bolsa Grande hôm trước đã mọc lên một khu làng Việt Nam xinh đẹp, hào hùng với cổng chào, con thuyền độc mộc, với mái nhà tranh, với đình làng, cây đa cổ thụ, với vườn chuối sau hè.... Để rồi sau ba ngày đêm tưng bừng trôi qua, sau giờ bế mạc, khi người dân cuối cùng rời khỏi hội chợ tết, chúng tôi lại bắt đầu xăn tay áo tháo xuống tất cả những gì đã dựng lên, làm việc mãi miết tới 2 – 3 giờ sáng. Chúng tôi phải bê khoảng 100 cây mượn từ vườn hoa Mimosa ở Los Angeles, những khóm hoa rực rỡ, cây ăn trái... lên xe truck để trả lại cho nhà vườn. Chở đàn gia súc gồm heo, gà vịt... đem biếu ai đó, hoặc trả lại cho trại chăn nuôi. Chúng tôi tháo dở hết, từ căn nhà lá, nhà tranh, 300 gian hàng… nội trong một ngày để trả lại sân cỏ sạch đẹp cho trường như cũ. Mọi người làm việc rất mệt nhưng hăng say và vui nhộn, vừa làm vừa đùa giỡn để gây cười, chứ nếu không, chắc làm không nổi….

Viễn Đông: Xin anh cho biết nguyên nhân nào mang lại thành công cho hoạt động của Tổng Hội?

Lý Vĩnh Phong: Làm việc với các hội đoàn Việt Nam, chúng tôi may mắn được sự ủng hộ, thương mến, và nhất là sự tin cậy. Đó là yếu tố quan trọng mang đến sự thành công cho chúng tôi. Khi mời gọi mọi người đến cùng bàn bạc hay thảo luận về một vấn đề gì đó, chúng tôi được sự ủng hộ chân thành. Tôi nghĩ vì ai cũng hiểu những gì chúng tôi làm không xuất phát từ lợi ích của một cá nhân nào.

Viễn Đông: Để tổ chức một hội chợ tết thành công mỹ mãn như thế, Tổng Hội phải tập họp một lực lượng thanh niên sinh viên học sinh đông đảo?

Lý Vĩnh Phong: Chúng tôi có khoảng 100 anh chị em thiện nguyện viên thường trực tại Hội Chợ Tết. Mỗi người được cắt cử một nhiệm vụ khác nhau: người lo điều hành các gian hàng, người lo lễ khai mạc, người giữ trật tự ở cổng chính, soát vé, giữ lưu thông cổng ra vào. Tất cả anh chị em chúng tôi đều làm việc không có thù lao.

Viễn Đông: Anh dự định sẽ tiếp tục cùng làm việc trong ban chấp hành Tổng Hội để giúp sức cho các bạn trẻ sau khi mãn nhiệm kỳ vào tháng 6 năm tới?

Lý Vĩnh Phong: Tôi đã sinh hoạt trong Hội sinh viên suốt 6 năm, và nhiệm kỳ còn mấy tháng nữa, để giúp Tổng Hội thực hiện nhiều việc sắp tới và đang đào tạo các lãnh đạo mới của Tổng Hội. Điều quan trọng là chúng tôi cố gắng bồi đắp niềm tin vào tương lai cộng đồng để các bạn yên tâm làm việc dưới màu áo của Tổng Hội. Hơn nữa tôi đang sống với gia đình và làm việc tại Los Angeles, cách Little Sài Gòn khá xa. Dĩ nhiên là những người rút khỏi ban chấp hành sẽ còn tiếp tục làm việc cho Tổng Hội với tư cách cố vấn để hỗ trợ cho các bạn đi sau.

Viễn Đông: Thời gian làm việc ở Tổng Hội hẳn là giai đoạn của tuổi trẻ nhiều kỷ niệm khó quên?

Lý Vĩnh Phong: Vâng, làm việc ở ban chấp hành Tổng Hội SVVN, tôi quen và có thêm nhiều bạn mới đầy tin cậy. Những người đó luôn ở bên mình dù sau này không có điều kiện làm việc chung. Đó cũng là thời gian để chúng tôi rèn luyện tính làm việc tập thể, thêm lòng tự tin để sau này đóng vai trò tốt hơn, tích cực hơn trong việc làm thay đổi đất nước mình. Tôi vẫn ước ao người trẻ có thể về VN làm được nhiều điều ích lợi một khi đất nước mình có được một hệ thống cai trị thật sự thích hợp.

 

Tong-Hoi-Sinh-Vien-2.jpg* Nguyễn Trọng Phú, chủ tịch Ban chấp hành Tổng Hội SVVN Nam Cali nhiệm kỳ 2000 - 2003

Viễn Đông: Mặc dù hiện nay không có chân trong ban chấp hành của Tổng Hội, nhưng nhiều cư dân cộng đồng Việt Nam rất ái mộ về những công sức của anh ở cương vị một cố vấn. Có người nói với chúng tôi rằng anh vẫn ngày đêm cống hiến thời gian, công sức của mình cho sự thành công của mọi sinh hoạt của Tổng Hội SVVN Nam Cali. Anh có thể nói sơ vài công việc mà anh đang cùng với anh chị em thực hiện?

Nguyễn Trọng Phú: Thường trước Tết khoảng 4 tháng, chúng tôi đã thành lập các ban bệ chuẩn bị hội chợ, vào phút cuối nếu BCH cần gì thì tôi sẵn lòng xắn tay áo nhảy vào. Vai trò và trách nhiệm của tôi ở Tổng Hội rõ ràng là không và mỗi năm trách nhiệm giảm dần. Tuy vậy, mỗi khi Tổng Hội cần làm một công việc nào đó, như dịch hay viết một bài nào cho báo Xuân, hay đọc một bài trên đài phát thanh, kêu gọi tài trợ… thì tôi vẫn xin nhận.

Viễn Đông: Tính ra trong thời gian làm việc trong ban chấp hành THSVVN Nam Cali, có những việc nào đáng kể đối với anh không?

Nguyễn Trọng Phú: Tôi bắt đầu sinh hoạt trong Tổng Hội lúc học ở Cal State Fullerton, năm 1998. Khi làm chủ tịch Tổng Hội, tôi cố gắng tiếp nối công việc của các anh chị em đi trước. Trước đó, mỗi năm có ba hội chợ xuân của cộng đồng Việt Nam do 3 hội đoàn cùng đứng ra tổ chức. Sau này, Hội đồng thành phố chỉ chấp thuận cho Tổng Hội tổ chức hội chợ ở Garden Grove cho nên CĐ VN chỉ còn một hội chợ tết thôi.

Tôi vẫn còn nhớ trại hè quy tụ 400 – 500 sinh viên, có cả 100 sinh viên các hội SV Bắc Cali và lần tham dự Đại Hội Sinh Viên Thanh Niên Việt Nam ở Paris với phái đoàn 30 người, và lần tổ chức Đại Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam Thế Giới kỳ 3 qui tụ 600 anh chị em SVHS từ 7 quốc gia. Đó có thể nói là đại hội lớn nhất của tổ chức thanh niên sinh viên học sinh diễn ra vào năm 2003. Những người trẻ chúng tôi đã được sống trong những giây phút hết sức cảm động. Có thể nói sau ngày 30.4.1975, người VN có mặt khắp thế giới. Chúng tôi gồm những người trẻ trưởng thành tại các quốc gia khắp thế giới, trên đất nước không phải quê hương mình tụ lại, người nói tiếng Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch. Tiếng nói khác nhau nhưng chúng tôi cùng là người VN, cố gắng cùng diễn đạt một ngôn ngữ chung là tiếng Việt. Mặc dù khó diễn tả, nhưng tất cả đều cố gắng nói để tiếp xúc, để hiểu nhau hơn. Thật là dễ thương khi những người trẻ người VN lớn lên ở các quốc gia khác nhau gặp lại nhau để bàn thảo, nói chuyện về những cố gắng kết nối, liên kết nhau với khát vọng sẽ làm được nhiều điều cho người VN mình trong mọi lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện và kể cả tranh đấu cho nền dân chủ trong nước….

Viễn Đông:  Anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong thời gian qua?

Nguyễn Trọng Phú: Nhớ nhất là kỳ Hội Chợ Tết 2004, mưa đến nỗi sân ngập nước, chưa bao giờ mưa lớn như thế. Buổi tối, chúng tôi phải thức suốt đêm, thuê xe truck bơm nước dâng cao sân cỏ. Chúng tôi dầm mưa đi từng lều, múc nước đọng đầy trên nóc làm lún xuống ở giữa, hoặc cầm cây đẩy cho nước mưa chảy xuống, suốt 2 đêm như thế. Về nhà đứa nào cũng bệnh.

Viễn Đông: Anh cho rằng việc làm của anh, của Tổng Hội đã đạt được thành công về phương diện nào?

Nguyễn Trọng Phú: Thế hệ trước chúng tôi là những anh chị em được giáo dục trong nước, được học tiếng Việt, hiểu về nền văn hóa đất nước nên cảm thấy gần gũi và sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng VN, chung vai đấu cật với Tổng Hội. Còn thế hệ tuổi trẻ sinh ra và lớn lên ở đây, phải kiên nhẫn, bền bĩ để gợi lên ở họ một tấm lòng với đất nước. Có thể nói, thành công nhất của Tổng Hội là gợi lên tấm lòng của người trẻ hải ngoại hướng về đất nước VN với ý muốn người dân sẽ được sống tốt hơn, được nhiều quyền dân chủ hơn.

Viễn Đông: Anh có tìm thấy cho mình một bài học kinh nghiệm cho đời sống, hay ít ra cũng học hỏi được gì trong thời gian làm việc trong ban chấp hành Tổng Hội?

Nguyễn Trọng Phú: Bài học lớn nhất đối với tôi là tinh thần làm việc tập thể, bình đẳng. Người ngoài nhìn vào không ai là chủ tịch, ai là phó chủ tịch, hay ai là trưởng ban. Chúng tôi làm việc đồng lòng, ngang sức nhau, dù có hay không có chức vụ đều một lòng một dạ ;àm việc làm bằng cả tấm lòng, không ai mang “cái tôi” vào tổ chức Tổng Hội.

Viễn Đông: Về số doanh thu thì, theo anh, năm nào đạt cao nhất?

Nguyễn Trọng Phú: Năm 2004 đạt số thu nhiều nhất: 300,000 đô.

Chúng tôi thường đùa với nhau có một dịp nào phải ăn Tết với gia đình, chứ nhiều năm không bao giờ ăn Tết với gia đình. Tất cả đều ăn Tết trong sân hội chợ, tối có khi không về, và 2 – 3 ngày dài vẫn… không tắm…. Nhìn lại không hiểu tại sao lúc đó ai cũng hăng say như vậy, đầy khát vọng. Những năm đó chúng tôi hy sinh rất nhiều thời gian để lo hội chợ, tuần nào cũng chạy lên Los Angeles mấy ngày để gặp các nhà tài trợ, xin tiền. Tối thức làm báo Xuân cho xong. Mấy anh em chúng tôi tập họp tại một nhà, máy tính ngổn ngang, mền gối la liệt dưới đất. Chúng tôi không nghĩ rằng mình đang hy sinh cho cái gì, mà chỉ biết hừng hực lao tới để công tác đó thành công….

Viễn Đông: Theo anh thì người trẻ chúng ta hiện nay cần gì ở Cộng đồng?

Nguyễn Trọng Phú: Cần sự hướng dẫn trong một môi trường đầy thông cảm. Người lớn đôi khi không thông cảm, trách chúng tôi không biết nói tiếng Việt, không đấu tranh cho vấn đề này vấn đề kia mà họ cho là quan trọng…. Sự chỉ trích như thế làm chúng tôi chán nản và buông tay. Nói tóm lại là tuổi trẻ cần được hướng dẫn, ủng hộ, thông cảm… để họ góp phần tranh đấu cho đất nước một cách tích cực hơn.

Viễn Đông: Bố mẹ anh có ủng hộ con làm việc cho Tổng Hội?

Nguyễn Trọng Phú: Nói ủng hộ thì không, nhưng làm thinh khi mình làm, coi như ủng hộ rồi. Cha mẹ nào thấy con cái lo chuyện bên ngoài nhiều quá, còn phải bỏ tiền mình ra, nhiều khi bị thiên hạ trách mắng thì cũng xót.

Viễn Đông:  Theo anh, có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong đời sinh viên?

Nguyễn Trọng Phú: Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian tôi làm việc chung với anh Nguyễn Ngọc Phú mà chúng tôi gọi biệt hiệu là “Phú Heo”, một người trẻ hơn và cao ráo. Tôi ngưỡng mộ anh vì chưa từng thấy một người nào làm việc cật lực như thế, hết mình vì tập thể sinh viên, vì cộng đồng, vì giới trẻ. Năm 2004 là năm trời mưa khủng khiếp, tưởng như tan tành hội chợ. Phú Heo là trưởng ban tổ chức hội chợ, không khác một “tướng quân xông xáo giữa trận tiền”, anh huy động anh em làm này làm nọ… Hình như chưa có người làm được như anh.

 

* Trần Thiện Tâm, cựu tổng thư ký, hiện là cố vấn Ban chấp hành Tổng Hội SVVN Nam Cali nhiệm kỳ 2007 - 2009

Viễn Đông:  Chị nghĩ sao về Hội Chợ Tết năm nay và về mùa xuân, năm mới đến với người dân Việt?

Trần Thiện Tâm: Hội Chợ Tết năm nay lấy chủ đề “Xuân Hy Vọng” và làm nổi bật hoài bão của người trẻ đang sinh hoạt trong CĐ. Chúng tôi sẽ nói với nhau “sống phải có lý tưởng”, vui xuân nhưng không quên những mất mát, đau khổ trong nước. Tết là dịp sinh hoạt vui trong gia đình, là cơ hội để quảng bá về tình trạng thiếu tự do, mất nhân quyền, mất tự do tôn giáo, tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, lên án chính phủ Việt Nam không lo cho dân, để phụ nữ bán thân cho người ngoại quốc. Xin đừng quên những đồng bào thiếu may mắn ở trong nước.

Viễn Đông: Chị sinh ở Long Beach, nhưng nói khá sõi tiếng Việt lại còn là giám đốc văn phòng Thượng nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa. Chị có thể nói chị học tiếng Việt trong hoàn cảnh nào?

Trần Thiện Tâm: Ở nhà ba má, chị em tôi luôn nói tiếng Việt với nhau. Mẹ lúc nào cũng nói chuyện bằng tiếng Việt. Ở nhà thì mẹ kể chuyện này nọ, mỗi một mẩu chuyện, một nguồn tin nghe được trên tivi, radio thì mẹ liền bàn với chúng tôi để tạo cơ hội trao đổi tiếng Việt. Sau này nhờ làm việc cho TNS Lou Correa, tôi vừa viết thông báo bằng tiếng Việt, vừa thông dịch cho ông nên có cơ hội sử dụng tiếng Việt thường xuyên…. Hiện nay mỗi học sinh vô trung học phải ghi học một ngoại ngữ. Chúng ta là người Việt mà không chọn Việt ngữ để học thì dở quá.

Viễn Đông: Chị có những kỷ niệm buồn vui trong thời gian sinh hoạt trong Ban chấp hành Tổng Hội?

Trần Thiện Tâm: Buồn nhất khi mất người bạn thân nhất là Nguyễn Ngọc Phú. Còn niềm vui là có thêm nhiều người bạn, những người sẽ đi cùng với mình trong cuộc hành trình chia sẻ khó khăn, chứ không phải chỉ đi chơi một ngày một bữa. Tôi còn nhớ cứ sau ngày bế mạc, hội chợ trở thành một bãi chiến trường toàn rác, chúng tôi họp lại cùng dọn dẹp,  cùng làm việc. Đó là những người bạn có thể cùng đi với mình một đoạn đường dài đầy gian khổ, hy sinh.

Viễn Đông: Chị có thường xuyên tiếp xúc với người Việt mình không?

Trần Thiện Tâm: Đi bất cứ nơi đâu cũng có thể gặp người VN mình, có người nêu ý kiến hoặc yêu cầu giúp đỡ. Trong những trường hợp có thể giúp được cô bác thì tôi liên lạc lại, còn không thì cũng hướng dẫn để cô bác đến một địa chỉ khác. Nhiều khi đi chợ, cô bác cũng nhận ra tôi, và tôi luôn luôn dành thời gian để tiếp xúc với họ để ghi nhận ý kiến của cô bác. 

Viễn Đông: Theo chị, giới trẻ cần điều gì hiện nay?

Trần Thiện Tâm: Giới trẻ cần được sự thông cảm và khuyến khích để họ mạnh dạn dấn thân, phục vụ cho đất nước mình hiện nay. Năm nay tôi 28 tuổi, là tuổi mà bố mẹ tôi bỏ nước ra đi. Lúc họ bằng tuổi tôi hôm nay, họ phải sống trong chiến tranh, mất mát. Tôi xấu hổ vì những lời khen tuổi trẻ hôm nay giỏi. Chúng tôi không có gì giỏi vì hiện nay sống trong môi trường tự do, cái gì cũng có mà chưa làm được điều gì tốt cho cộng đồng, cho quê hương. Tôi sợ thế hệ thứ ba, thứ tư mất dần sự gắn bó với dân tộc, tôi muốn họ phải giữ gìn sự gắn bó với người dân Việt mình. 80 triệu người dân trong nước sống trong sự thiếu thốn trăm bề rất cần người Việt hải ngoại có đủ phương tiện và sức mạnh vật chất lẫn tinh thần lên tiếng để giúp người Việt mình có thêm sức mạnh tranh đấu và cũng qua đó người trẻ gắn bó với việc làm giảm nhẹ nỗi đau khổ của người VN ở quê nhà.

 

Ảnh tư liệu: Viễn Đông

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT