Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tòa án bác yêu cầu của Netflix về việc hủy đơn kiện đòi bồi thường $5 triệu

Monday, 31/01/2022 - 07:26:02

Vào tháng 9, 2021, bà Nona Gaprindashvili đã khởi kiện Netflix vì cho rằng hãng phim online này...


Bà Nona Gaprindashvili đã trở thành một chính trị gia đối lập, đang cùng ông Temur Shashiashvili tham gia một cuộc biểu tình chống Tổng Thống Mikheil Saakashvili thân Tây Phương ngày 24 tháng 5, 2011. (Vano Shlamov/ AFP via Getty Images)


LOS ANGELES – Vào tháng 9, 2021, bà Nona Gaprindashvili - nữ kỳ thủ nổi danh tại Liên Xô vào thập niên 1960 – đã khởi kiện Netflix vì cho rằng hãng phim online này đã bôi nhọ hình ảnh của bà trong bộ phim The Queens Gambit.

Bà Gaprindashvili yêu cầu được bồi thường $5 triệu Mỹ kim và thêm $75,000 nữa cho các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng từ sự việc. Vào cuối tuần qua, tòa án liên bang tại California đã từ chối yêu cầu bác đơn kiện của Netflix.

Đơn kiện của bà Gaprindashvili liên quan đến một lời thoại sai sự thật trong The Queens Gambit, khẳng định bà “chưa từng thi đấu với một kỳ thủ nam nào.” Bà Gaprindashvili cho rằng lời thoại này cho thấy “sự kỳ thị giới tính một cách thô thiển và coi thường phụ nữ”,” đồng thời khẳng định rằng, tính đến năm 1968 - thời điểm được chọn làm bối cảnh phim, bà đã từng thi đấu với 59 tuyển thủ là nam giới.

Hãng Netflix đã yêu cầu tòa án bác bỏ vụ kiện, với lý do tác phẩm của họ chỉ là hư cấu, và Tu chính án số 1 cho phép các nhà sáng tạo chương trình truyền hình được quyền sáng tạo dựa trên các sự kiện có thật. Tuy nhiên, Thẩm Phán Virginia A. Phillips của khu vực Central California không đồng ý với cách giải thích này, và cho rằng bà Gaprindashvili cảm thấy bản thân bị phỉ báng là hợp lý.

Theo ý kiến của Thẩm Phán Phillips, nếu một tác phẩm hư cấu gây tổn hại danh dự cho nhân vật có thật, nó cũng sẽ bị xét xử vì tội phỉ báng. “Netflix không dẫn chứng, và tòa án cũng không ghi nhận bất kỳ tác phẩm hư cấu nào được miễn trừ khỏi tội phỉ báng, khi mô tả chân dung các nhân vật có thật. Việc bộ phim là tác phẩm hư cấu không miễn trừ Netflix khỏi trách nhiệm pháp lý đối với tội phỉ báng, nếu các bằng chứng chứng minh tội danh này được thu thập đầy đủ,” Thẩm Phán Virginia A. Phillips nói khi từ chối yêu cầu bác đơn kiện.

The Queens Gambit được xây dựng dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1983 của tác giả Walter Tevis. Nhân vật chính trong phim là Beth Harmon (Anya Taylor-Joy), một thiếu nữ Hoa Kỳ đã vươn lên ngôi vô địch cờ vua thế giới trong thập niên 1960. Trong tập cuối lấy bối cảnh Moscow, Nga, Harmon đã đánh bại một đối thủ là nam giới. Chiến thắng của cô được một nhân vật trong phim mô tả là: “Elizabeth Harmon không phải kỳ thủ sáng giá theo đúng các tiêu chuẩn. Điều khác thường duy nhất về cô chính là giới tính. Nhưng ngay cả điều này cũng chẳng còn khác thường tại Nga. Chúng ta có Nona Gaprindashvili, nhưng cô lại là nhà vô địch cờ vua dành cho nữ và chưa từng đối đầu với kỳ thủ nam.”

Đại diện Netflix nói họ viết lời thoại này dựa trên các thông tin được hai chuyên gia cờ vua cung cấp. Nhóm sáng tạo cho TV series không hề có ý coi thường bà Gaprindashvili. Tuy nhiên, lời giải thích này không được chấp nhận.

Trong phán quyết mới nhất, Thẩm Phán Phillips nói chủ đề chính của phim là phá bỏ thành kiến về giới tính. Tuy nhiên, TV series này lại bồi đắp cho chiến thắng của nhân vật giả tưởng Harmon bằng cách coi thường thành tựu mà bà Gaprindashvili đạt được trong đời thật. “Khán giả đại chúng dễ dàng hiểu lời thoại được nhắc đến trong đơn kiện là “xem thường thành tựu của nguyên đơn,” đề cao chiến thắng của nhân vật giả tưởng Harmon thay vì nguyên đơn trong đời thực. Ngoài ra, câu thoại này thể hiện sự thiếu tôn trọng, gây tổn hại đến danh tiếng của nguyên đơn,” nữ thẩm phán viết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT