Văn Nghệ

The Paper Tigers, phim võ thuật của đạo diễn Mỹ gốc Việt ra mắt khán giả tại Quận Cam

Thursday, 13/05/2021 - 08:33:45

Tối Chủ Nhật, ngày 9 tháng 5, 2021 tuần qua, cuốn phim “The Paper Tigers” của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Trần Quốc Bảo (Bao Tran) thực hiện kiêm tác giả kịch bản đã ra mắt khán giả Quận Cam tại rạp The Century Stadium 25, thành phố Orange.


Từ trái, Tuấn Cường, đạo diễn Trần Quốc Bảo, diễn viên Alain Uy vai “Danny”, diễn viên Shannon Jenkins vai “Jim”, diễn viên Ron Yuan vai “Hing”, tài tử Kiều Chinh, và Lê Đình Y Sa chụp lưu niệm tại buổi ra mắt phim ở Quận Cam tối Chủ Nhật, ngày 9 tháng 5, 2021. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Bài BĂNG HUYỀN

Tối Chủ Nhật, ngày 9 tháng 5, 2021 tuần qua, cuốn phim “The Paper Tigers” của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Trần Quốc Bảo (Bao Tran) thực hiện kiêm tác giả kịch bản đã ra mắt khán giả Quận Cam tại rạp The Century Stadium 25, thành phố Orange. Trước đó, vào tối thứ Sáu, phim đã được ra mắt tại Los Angeles và chính thức khởi chiếu trên toàn quốc Hoa Kỳ tại các rạp chiếu phim và trực tuyến trên các nền tảng như Amazon, Google Play, Apple TV / iTunes… Well Go USA Entertainment đã mua bản quyền và phát hành phim này vào đầu năm 2021.


Câu chuyện về cộng đồng Á châu tại Mỹ


Nhà sản xuất Al' n Đường (tay cầm micro) đang trả lời khán giả trong phần trò chuyện sau khi xem phim. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

“The Paper Tigers” là phim võ thuật hài hước, nói tiếng Anh, thời lượng 108 phút, thuộc loại phim PG-13 (Parents Strongly Cautioned- Phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi. Một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi). Nội dung phim và việc thực hiện cuốn phim đã được đạo diễn Trần Quốc Bảo tâm huyết, ấp ủ trong 10 năm. Cuốn phim với bối cảnh tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, đây cũng là nơi đạo diễn Trần Quốc Bảo sinh sống. Truyện phim kể về ba người bạn là thần đồng Kung Fu (hai người gốc Á, một người da màu) từ thơ ấu cùng học võ với bậc thầy tài giỏi võ nghệ (diễn viên Roger Yuan), cả ba được biết đến với cái tên Tam Hổ. Hai mươi lăm năm sau họ gặp lại khi đã vào tuổi trung niên, quá khứ vinh quang đã lùi xa, võ nghệ của họ đã không còn như xưa. Nhưng khi sư phụ của họ bị sát hại, cả ba đã dẹp bỏ những khúc mắc khi xưa để quy tụ lại cùng nhau thực hiện nhiệm vụ tìm kẻ sát hại sư phụ để trả thù.

Nữ tài tử kỳ cựu Kiều Chinh có mặt từ rất sớm để chúc mừng đạo diễn Trần Quốc Bảo, bà chia sẻ, “Đạo diễn Trần Quốc Bảo là một đạo diễn trẻ có nghị lực và lòng kiên nhẫn khi thực hiện một cuốn phim võ thuật ra mắt hôm nay, đây là điều tôi rất mừng. Tôi đến ủng hộ tinh thần cho người đạo diễn trẻ gốc Việt dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn muốn dấn thân vào nghiệp làm phim. Làm phim đã rất khó khăn rồi, lại thực hiện trong thời gian bị đại dịch Covid-19, ra mắt ngay trong thời gian vẫn còn đại dịch Covid-19, Bảo Trần gặp đủ mọi khó khăn. Trước những khó khăn đó mà Bảo Trần vượt qua được là mình rất mừng. Tôi hy vọng cuốn phim của Bảo sẽ là một trong những cuốn phim vượt qua khó khăn trong mùa Covid-19 này và được nhiều khán giả đón nhận.”

Trong phần trò chuyện với khách mời và khán giả sau khi xem xong cuốn phim, đạo diễn Trần Quốc Bảo giải thích lý do thực hiện bộ phim The Paper Tigers, vì từ nhỏ đến lớn anh rất mê Kung Fu. Vì Kung Fu dạy cho con người nhiều điều hay của một bậc trượng phu như tình thầy trò, tình huynh đệ, lòng trung thành, tính nghĩa hiệp, sẵn sàng chết vì chính nghĩa… Huyền thoại võ thuật - tài tử Lý Tiểu Long (Bruce Lee) là niềm hứng khởi cho anh thực hiện cuốn phim “The Paper Tigers” và Thành Phố Seattle, bối cảnh chính của cuốn phim cũng là nơi Lý Tiểu Long sống nhiều năm cùng vợ con và an nghỉ tại đây. Anh cho biết cảnh quay cuối cùng của cuốn phim vừa xong thì cả nước Mỹ phải phong tỏa vào tháng Ba năm 2020 vì đại dịch covid-19. Trong thời gian phong tỏa, cuốn phim thực hiện phần hậu kỳ. Vì đại dịch covid-19 nên thời gian qua cuốn phim ra mắt phần lớn qua online. Nay mới ra mắt chính thức tại rạp.


Diễn viên Alain Uy kể về ảnh hưởng của phim với bản thân. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Nam diễn viên Alain Uy (vai Danny) ở lứa tuổi trung niên, là một trong ba nam tài tử chính của cuốn phim. Vai diễn này là một người chồng đã ly dị, có cậu con trai nhỏ sống với mẹ. Anh cho biết khi tham gia cuốn phim, anh đã học được nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống ngoài đời của mình. Ngoài đời thực anh cũng có đứa con trai 6 tuổi, anh đã dạy cho con cách tự bảo vệ bản thân và bảo vệ bạn bè của mình. Anh dạy con phải luôn giữ chữ tín, không nên nói dối. Vì trong phim nhân vật này luôn nói dối với vợ cũ nhiều lần do anh ấy bận quá những khi chia sẻ thời gian chăm sóc con, khiến con trai phải thất vọng vì sự thất hứa nhiều lần của mình.

Một nữ khán giả trẻ tuổi đã đặt câu hỏi cho ê-kíp của “The Paper Tigers” rằng cuốn phim này ra đời đúng thời điểm nhạy cảm của phong trào Black Live Matter và Stop Asian Hate tại Hoa Kỳ, vậy ê-kíp của phim nghĩ cuốn phim này sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, nhà sản xuất Al' n Đường (là một trong những nhà sản xuất chính của cuốn phim) cho biết, “Thời gian đầu của dự án khi tìm kiếm sự đầu tư để thực hiện cuốn phim, chúng tôi đã gặp phải sự từ chối từ các hãng phim lớn ở Hollywood. Và khi có người hứng thú với dự án phim, họ lại yêu cầu hãy thay đổi nhân vật chính người gốc Á và da màu thành người da trắng. Theo ý của họ cuốn phim sẽ không thành công với dàn diễn viên gốc Á và da màu. Nhưng The Paper Tigers là một câu chuyện đạo diễn Bao Tran muốn nó phải mang đậm chất văn hóa của cộng đồng Á châu ở Mỹ và chúng tôi luôn cố gắng hết sức để thực hiện bộ phim mà chúng tôi muốn làm. Cuối cùng Bao Tran quay trở lại Seattle và thành lập trang mạng gây quỹ Kickstarter. Cuốn phim đã được tài trợ hoàn toàn bởi cộng đồng và các nhà đầu tư địa phương.”


Cảnh trong phim ba diễn viên Phillip Dang, Andy Le, Brian Le vào vai ba chàng choai choai đấu với Tam Hổ (Hình cung cấp)

Nhà sản xuất Al' n Đường nhấn mạnh, “Đây là lúc những người Mỹ gốc Á hãy cùng thúc đẩy và hỗ trợ những phim của cộng đồng nhiều hơn để Hollywood có thêm những cuốn phim về sự đa dạng chủng tộc tại Hoa Kỳ.”

Cô Lê Đình Y Sa, giám đốc điều hành của VAALA - Hội Văn Học & Nghệ Thuật Việt Mỹ, đảm nhận vai trò điều hợp của buổi ra mắt “The Paper Tigers” tại Quận Cam đã chia sẻ với người viết sau buổi xem phim, “Mong mọi người hãy ủng hộ cuốn phim này và sau cuốn phim này, hy vọng có thêm những nhà đầu tư giúp cho những dự án phim tương tự như cuốn phim The Paper Tigers để chúng ta tiếp tục có nhiều cuốn phim kể về câu chuyện và văn hóa của người gốc Á châu. Nếu không mình sẽ mất tiếng nói nơi đất nước này. Đây cũng là điều mà Hội VALLA đeo đuổi bấy lâu nay, dùng văn hóa, nghệ thuật nói lên tiếng nói của cộng đồng mình.”


Nét mới, lạ của The Paper Tigers

“The Paper Tigers” là cuốn phim có nhiều tài tử từ những chủng tộc khác nhau. Có người gốc Á, gốc Phi, gốc Âu. Phim làm mê hoặc người xem bằng những pha võ thuật đẹp mắt, mới lạ, hài hước do Ken Quitugua đảm nhận vai trò chỉ đạo võ thuật của phim. Anh Ken cũng tham gia vai diễn sát thủ trong phim. Tuy là phim võ thuật hài, nhưng “The Paper Tigers” vẫn không hề mất đi điều cốt lỗi đó chính là tính nhân bản và giá trị giáo dục về tình sư phụ- môn đệ, tình huynh- đệ, tình cha con, thiện- ác. Cuốn phim cũng nêu lên một quan điểm khi Kung Fu là môn võ thuật dành cho mọi người thì không phân biệt tầng lớp, màu da hay chủng tộc.


Cảnh trong phim, màn tỉ thí của Hing (Ron Yuan)với Carter (Matthew Page) (Hình cung cấp)

Cuốn phim còn lôi cuốn người xem bởi các nhân vật đều có cá tính riêng, từ chính tới phụ, để lại ấn tượng với người xem. Đặc biệt là ba nhân vật chính của phim vai Danny (diễn viên Alain Uy), vai Hing (Ron Yuan), vai Jim (Mykel Shannon Jenkins) bước vào tuổi trung niên. Cả ba có sự tương tác ăn ý với nhau, họ “sống” với nhân vật, họ diễn mà như không diễn, rất đời, giúp “The Paper Tigers” trở nên thú vị từ đầu đến cuối. Phim đem đến sự tò mò cho người xem không thể rời mắt khỏi màn ảnh, vì muốn xem ba người họ có thể làm gì tiếp theo. Dù nội dung phim khá đơn giản nhưng nhờ tài năng của ba nhân vật này biến thành một cuộc phiêu lưu thú vị và đầy bất ngờ.

Phim mở đầu trong bóng tối, trong con hẻm phía sau nhà hàng Trung Hoa nơi sư phụ Cheung (Roger Yuan) đang làm việc. Ông bị giết bởi một sát thủ có những ngón tay chết người có thể đánh lừa cảnh sát nghĩ rằng ông đã chết vì đau tim. Với mối đe dọa đáng ngại đang treo lơ lửng trên không, “The Paper Tigers” quay ngược thời gian với những cảnh bằng máy quay video do ba đệ tử đã tuyên thệ của sư phụ Cheung đang luyện tập cùng nhau vào những năm 90. Chỉ vài phút phim có độ phân giải thấp, đạo diễn Trần Quốc Bảo giới thiệu ba vai chính của mình, phác họa sự tôn kính của họ đối với sư phụ và tài năng quyền cước của họ từ tuổi ấu thơ đến vị thành niên.

Xem “The Paper Tigers” người viết nhận thấy đạo diễn Trần Quốc Bảo đã mượn câu chuyện về võ thuật để người xem cảm nhận từ phía sau những pha tung quyền, sau những đoạn đời khi thành công tột đỉnh hay những lúc thất bại, cuối cùng con người giữ lại cho mình những gì? Tất cả đều ẩn chứa những thân phận rất đời, rất trần ai. Mà trong mỗi người chúng ta sẽ thấy thấp thoáng hình bóng mình trong đó. Danny (Alain Uy), từng là thủ lĩnh của nhóm Tam Hổ, một thời đã từng được biết đến với biệt danh “Tám Tay” vì tốc độ quyền cước tuyệt vời của anh ta. Trong hiện tại của phim, anh ấy đã rời bỏ luyện võ nhiều chục năm, là nhân viên bán bảo hiểm đã ly dị, có nhiều chuyện bất như ý và là một người cha không đáng tin cậy đối với con trai mình, Ed (Joziah Lagonoy) và vợ cũ Caryn (Jae Suh Park).


Cảnh cuối trong phim, Danny (Alain Uy) huấn luyện Kung Fu cho con trai Ed (Joziah Lagonoy) (Hình cung cấp)

Hing (Ron Yuan) là người tin vào Kung Fu hơn cả Danny hoặc Jim, nay là người đàn ông bị thừa cân, phải sống nhờ tiền bảo hiểm thương tật từ sau cú ngã nặng trong lúc làm thợ xây dựng, khiến bước chân luôn khập khiễng. Jim (Mykel Shannon Jenkins) chàng trai da màu mê Kung Fu nay là huấn luyện võ sĩ quyền anh tại một câu lạc bộ địa phương, nơi anh ấy huấn luyện các võ sĩ da đen khác. Công việc hàng ngày này đã giúp anh giữ được phong độ tốt, nhưng anh đã quên mất những bài học Kung Fu của sư phụ. Vì một sự cố tại một giải đấu Kung Fu cách đây 25 năm, Jim và Danny đã không nhìn mặt nhau. Tình bạn của bộ ba Tam Hổ đã được hàn gắn lại sau hậu quả của một bi kịch là cái chết của sư phụ. Họ đã gắn kết lại để tìm ra kẻ giết sư phụ Cheung và trả thù.

“The Paper Tigers” đem lại những tình huống hài hước khi ba người đàn ông trung niên nay đã qua thời hoàng kim, bắt đầu bằng việc tỉ thí khá chật vật với bộ ba thanh niên trẻ tuổi, khỏe khoắn, họ tự nhận là học trò của sư phụ Cheung, nhưng thật sự thì không phải. Ba nhân vật thanh niên này đều là diễn viên người Mỹ gốc Việt thể hiện, gồm có Phillip Dang (từ Los Angeles); Andy Le (là thành viên của The Martial Club in Westminster, OC); Brian Le (là thành viên The Martial Club in Westminster, OC). Phân cảnh tỉ thí này được các khán giả trong phòng chiếu vốn là “gà nhà” của ba diễn viên (cũng đang có mặt trong rạp) đến xem vỗ tay reo hò nhiệt liệt, khiến những khán giả khác có mặt trong rạp cũng phấn khởi như đang xem trực tiếp cuộc tỉ thí thật sự, chứ không phải qua màn ảnh nữa.

Đem lại tiếng cười cho cuốn phim còn có nhân vật Carter (Matthew Page), một người Mỹ trắng nói tiếng Quảng Đông giỏi hơn ba nhân vật chính, anh luôn tưởng tượng mình là người Á Châu. Trong quá khứ anh ta luôn bị ba chú hổ Danny, Hing và Jim đánh bại, nhưng hiện tại nhờ anh ta mở trường dạy võ, huấn luyện học trò mỗi ngày nên đã chiến thắng Tam Hổ dễ dàng với những màn tỉ thí.


Đạo diễn Trần Quốc Bảo kể lý do thực hiện bộ phim The Paper Tigers và thông điệp của cuốn phim. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Phim không chỉ có tiếng cười, những màn đánh nhau gay cấn mà còn có những phân cảnh xúc động khi hai cha con Danny trò chuyện với nhau, cảnh Hing nhắc về sư phụ với Jim…

Mục sư Martin Luther King từng nói, “Nếu bạn không thể bay, hãy chạy. Nếu bạn không thể chạy, hãy đi bộ. Nếu bạn không thể đi bộ, hãy bò. Dù với bất cứ phương pháp nào. Hãy nhớ bạn luôn phải tiến về phía trước.” Câu nói này thật đúng với bộ ba Tam Hổ nói chung và riêng với nhân vật Danny. Đây là cuộc hành trình của Danny tìm lại chính mình, dù có những phút giây yếu lòng, sợ chết vì kẻ thù quá mạnh, nhưng anh ấy đã chiến thắng nó. Hay nói khác hơn, anh ấy đã chiến thắng chính mình.

Phim “The Paper Tigers” đã khởi chiếu tại các rạp, quý khán giả hãy tìm hiểu các nơi trình chiếu ở các rạp phim tại trang nhà www.thepapertigersmovie.com.

Ngoài ra, quý vị có thể trả tiền để xem phim ngay tại nhà qua online trên các kênh trực tuyến như Apple TV / iTunes, Prime Video (Amazon), Google Play / YouTube Movies, Vudu, Microsoft Store / Xbox, Sony / PlayStation, FandangoNOW, Comcast Xfinity, Charter / Spectrum, DirecTV, AT&T U-verse, Cox Communications, Verizon, và Frontier Communications.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT