Hôn Nhân, Cuộc Sống

So sánh Financial Aid

Thursday, 23/04/2009 - 01:25:00

Vài ngày sau, thư thông báo chính thức của ban tuyển sinh sẽ về kèm theo thư của văn phòng trợ cấp tài chánh (Financial Aid Office, gọi tắt là FAO). Khoản ...

Hoàng Châu

Khoảng cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư là thời gian có kết quả đại học. Các học sinh năm cuối bậc trung học sẽ vào internet xem kết quả; nếu thấy hàng chữ bắt đầu bằng “We are sorry…” thì chúng tôi xin chia buồn (cho dù thật sự thì chưa chắc đã là đáng buồn!) Với những bạn thấy chữ “Congratulations!” thì… hãy hét to lên. Xin chúc mừng bạn!!!



Vài ngày sau, thư thông báo chính thức của ban tuyển sinh sẽ về kèm theo thư của văn phòng trợ cấp tài chánh (Financial Aid Office, gọi tắt là FAO). Khoản tiền phải chi tiêu cho giáo dục đại học được ước tính (estimated) sẽ làm học sinh và gia đình chóng mặt. Vui mừng chưa qua mà lo lắng đã vội vàng chạy tới!!!

Ngoại trừ một số học sinh quyết định đi nhữõng trường hàng đầu của ngành học với bất cứ giá tiền nào như đi Columbia học báo chí, đi USC học đạo diễn, đóng phim, đi Stanford học về Computer Science, đi MIT học về kỹ thuật, đi UCSF học về Nursing…; còn thì đa số học sinh phải cân nhắc tài chánh đầu tư cho giáo dục đại học.

Thông thường, một học sinh sẽ được nhiều đại học nhận, điều quan trọng là phải chọn lựa, so sánh số tiền thực sự đầu tư cho giáo dục đại học giữa các trường đã chọn mình. Văn phòng Trợ cấp Tài chánh (FAO) mỗi trường sẽ đề nghị những khoản trợ cấp khác nhau. Phải hiểu và chọn lựa những đề nghị này sao cho đúng. Điều này không dễ dàng với một số phụ huynh và các em học sinh.

Nhìn vậy mà không phải vậy

Các trường đại học tính toán trợ cấp tài chánh (financial aid) khác nhau, có trường mang cả tài sản của Cha Mẹ kế, giá trị căn nhà, tiền dự định khi về hưu… vào tính toán tạo ra những phương pháp phức tạp.

Mỗi FAO (Văn phòng Trợ cấp Tài chánh trường đại học) có những tính toán khác nhau và dĩ nhiên đưa tới những kết quả khác nhau. Điều căn bản là phải hiểu rõ nghĩa những chữ grants và scholarship (tiền không phải trả lại, hãy mỉn cười khi ngắm nghía những con số này) và loans (tiền mượn phải trả lại, hãy cẩn thận coi chừng nhé!)

Nếu chỉ nhìn đơn giản vào trang tóm tắt (summary page) của FAO sẽ thấy bài toán trừ đơn giản dưới đây. Chúng tôi ghi thêm tiếng Anh để độc giả dễ tham khảo.

+ family’s contribution = costs of attendance – financial aid package.

+ Tiền gia đình phải trả = tiền chi phí cho học hành – tổng số tiền được trợ cấp.

Hai yếu tố chính được lưu ý đầu tiên là: “family’s contribution” (đóng góp của gia đình) và "costs of attendance" (chi phí giáo dục đại học).

Phần “family’s contribution” được tính toán từ những số liệu do học sinh cung cấp khi làm đơn FAFSA xin trợ cấp tài chánh của liên bang. Do vậy phần này lệ thuộc nhiều yếu tố như: lợi tức gia đình, tài sản, số lượng thành viên (bao nhiêu đứa con), số người đang học đại học và tuổi của Cha Mẹ… Gia đình có đông con học đại học và Cha Mẹ nhiều tuổi thì thường nhận được số tiền rộng rãi hơn từ chính phủ. Thông thường, nếu có một chút kinh nghiệm, ngay sau khi làm đơn FAFSA học sinh đã biết kết quả phải chịu trách nhiệm chi trả một khoản tiền là bao nhiêu cho giáo dục đại học dựa vào một chỉ số của FAFSA.

Phần “costs of attendance” là tổng số tiền chi phí cho giáo dục hàng năm bao gồm tiền học phí, ăn ở, sách vở, đi lại, chi tiêu cá nhân, bảo hiểm… và cả chục thứ phí tổn linh tinh khác gọi là “fee.” Một lần nữa, những chi phí này cũng khác nhau tùy vào FAO của mỗi trường liệt kê.

Từ 2 yếu tố nêu trên FAO tính ra “financial aid package” (tổng số tiền trợ cấp.) Chỉ cần lấy “costs of attendance” trừ đi “family’s contribution” sẽ suy ra được “financial aid package.” Gọi là package (tổng) vì nó bao gồm nhiều khoản khác nhau. Financial aid package gồm 2 phần: tiền không phải hoàn trả (scholarships, grants) và tiền phải hoàn trả lại sau khi ra trường (loans).

Tiền không phải hoàn trả:

+ Grants từ liên bang bao gồm: Federal Pell Grant, Federal Supplemental Educational Opportunity Grant (SEOG)…

+ Grant của tiểu bang (California gọi là Cal Grant)

+ Học bổng ngoài trường đại học và của chính trường đại học.

Tiền phải hoàn trả (loans):

Bao gồm Perkins loans, subsidized Stafford loans và work study. Xin đặc biệt chú ý phần này. Hãy coi chừng các khoản tiền mượn (loans) được lồng vào trong tổng số tiền trợ cấp giáo dục (financial aid package). Một số đại học liệt kê tiền nợ (loan) giống như một khoản tiền (grant) không phải trả lại. Một phần nào họ cũng có lý vì một số con em những gia đình khá giả không mượn được khoản tiền với lãi suất thấp của chính phủ.

Một khó khăn khác là các trường đại học còn gọi tên những yếu tố tính toán rất khác nhau khi tính financial aid. Thí dụ đại học UCLA gọi là “cost of education, expected family contribution và financial need.” Trong khi đó hệ thống CSU như Long Beach, Fullerton… gọi lần lượt là “Total expenses, Total resources, Need.”

Hãy nên để ý sự khác biệt về tên gọi này và các đại học dù có tên khác nhau nhưng thực chất vẫn bao gồm 3 yếu tố chính như trên.

Chi phí giáo dục đại học: Một bài toán cộng đơn giản

Hãy làm bài toán cộng sau đây để tìm ra chi phí giáo dục thực sự phải bỏ tiền túi ra trả: family’s contribution + loans các loại + work study (tiền do làm việc trong trường) sẽ được một con số. Đây chính là chi phí giáo dục thực sự tức số tiền túi bỏ ra cho giáo dục đại học. Công thức trên khá hiệu quả; nó giúp quý vị phụ huynh còn mù mờ về Financial Aid có một cách nhìn tương đối chính xác.

Nhiều trường đại học cho trợ cấp giáo dục nhiều nhưng thực sự lại thua những đại học khác vì họ coi tiền mượn (loan) là một phần được trợ cấp. Một nguyên tắc đơn giản nên nhớ, “Đại học lớn thường cho nhiều” do quỹ tài chánh giầu có của họ.

Có đại học cho nhiều học bổng nhưng toàn là học bổng ít tiền để chứng minh họ rộng rãi. Câu hỏi đặt ra là: “Gia đình phải chi ra (pay, mượn (borrow) và làm việc trong trường là bao nhiêu?”

Hãy “trả giá” với Financial Aid Office (Văn phòng Trợ giúp Tài chánh)

Nếu được yêu cầu, nhà trường có thể xem xét lại hồ sơ trợ cấp tài chánh. Trong trường hợp đó, phải chứng minh có sự thay đổi so với khi làm đơn FAFSA. Những thí dụ thường được kể ra là: người cha mới bị thất nghiệp, gia đình phải chi tiêu một món tiền lớn để chữa bệnh, hoặc gia đình bán một cơ sở thương mại nhưng lại quên khai là để trả nợ. Khi yêu cầu được đánh giá lại nên viết thư và gửi kèm giấy tờ chứng minh. Nếu định “cò cưa” với FAO thì nên đích thân gặp mặt hay gọi điện thoại để có thêm kinh nghiệm. Một số nhà chuyên môn khuyên hãy gọi những trường đại học không muốn đi trước để rút kinh nghiệm và trường muốn đi nên gọi sau cùng.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới Financial Aid Package

Financial Aid thay đổi mỗi năm. Lợi tức của cha mẹ và sinh viên thay đổi khiến cho Financial Aid thay đổi theo. Một sinh viên được trợ cấp tài chánh năm này có thể năm sau trợ cấp tài chánh sẽ khác đi vì có anh hay chị đã tốt nghiệp đại học.

Nếu sinh viên được nhận vào vì là một học sinh giỏi thì hãy giữ GPA bằng hay hơn yêu cầu. Một chểnh mảng trong học hành sẽ đánh mất học bổng. Nên coi lại khả năng của mình khi phải đáp ứng yêu cầu về GPA của đại học. Đôi khi những đại học không yêu cầu giữ GPA cao về lâu về dài lại tốt hơn cho dù đề nghị ban đầu xem ra không được rộng rãi.

Mỗi đại học có những cách tính financial aid khác nhau. Điều quan trọng là tính được chi phí giáo dục thực sự – nghĩa là số tiền túi phải bỏ ra cho giáo dục đại học, tìm hiểu những điều kiện ràng buộc về GPA và hoạch định chương trình giáo dục sao cho có hiệu quả nhất so với khả năng mình. Trong thời buổi khó khăn hiện nay, vấn đề tài chánh nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì đang có khá nhiều sinh viên buộc phải thôi học do gia đình không thể kiếm thêm nguồn tài chánh khác và các ngân hàng cũng ngày càng thắt hầu bao lại tạo thêm khó khăn cho sinh viên muốn vay tiền.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT