Pháp Luật

Quyền Lợi & Trách Nhiệm Khi Ly Dị

Wednesday, 18/10/2006 - 09:22:32

Chồng tôi mượn một số nợ trong thẻ tín dụng do ảnh đứng tên một mình, vậy tôi có phải chịu trách nhiệm không? Thưa, câu trả lời là có.  Ngay cả khi người ...

Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran)

Theo luật của tiểu bang California thì kể từ khi hai người lập gia đình, thì những tài sản và cả những nợ nần của hai người có trong thời gian chung sống với nhau là của chung của hai người, và trong trường hợp hai người đưa đến chuyện ly dị, tất cả những tài sản và trách nhiệm này sẽ được chia đôi.  Những tài sản này tính luôn cả bất động sản, 401K, tiền hưu trí, bảo hiểm nhân thọ, stock, trương mục ngân hàng, đến những vật dụng cá nhân như xe cộ, thuyền, bàn ghế, dụng cụ trong nhà, tranh ảnh, bộ sưu tập (collections), v.v...  Điều này vẫn đúng ngay cả trong trường hợp người vợ (hay người chồng) không hề đi làm, hoặc khi căn nhà chỉ đứng tên một người.



Chồng tôi mượn một số nợ trong thẻ tín dụng do ảnh đứng tên một mình, vậy tôi có phải chịu trách nhiệm không?

Thưa, câu trả lời là có.  Ngay cả khi người vợ không hề biết về món nợ này.  Mới nghe thì thấy bất công, nhưng luật pháp có những điều lệ để bảo vệ người phối ngẫu khi có những quyền lợi thì cũng có bổn phận chia đều những trách nhiệm.  Trên phương diện này, luật pháp coi như hai vợ chồng khi thành hôn cũng giống như hai người hùn hạp để thành lập một cơ sở thương mại (general business partnership).   Nếu một trong hai người dùng cơ sở thương mại đó để vay mượn thì cả hai người đều phải chịu trách nhiệm trả nợ, cũng như phần lời sẽ được chia đều cho cả hai, ngay khi chỉ có một người bỏ công sức ra để điều hành cơ sở thương mại đó.  Tuy nhiên, bạn có quyền đòi lại phần nợ trong việc chia tài sản nếu có thể chứng minh được là số nợ được dùng vào mục đích riêng tư cá nhân, chứ hoàn toàn không phải là cho quyền lợi chung của hai vợ chồng (for the benefits of the community).

Như vậy tất cả tài sản tôi có khi ly dị đều phải chia đôi sao?

Điều này không hẳn đúng.  Bạn vẫn có thể giữ được tài sản riêng trong những trường hợp sau đây:

1.  Những tài sản có đươc trước khi thành hôn.  Tuy nhiên, nếu những tài sản này dùng tiền của cộng đồng (community fund) để trả hết nợ thì cộng đồng sẽ có một phần trong đó.

Thí dụ:   Anh A mua căn nhà trước khi lập gia đình.  Hai năm sau, anh lấy vợ và tiếp tục trả tiền nhà bằng tiền lương của anh.  Khi ly dị vợ anh sẽ được một phần trong căn nhà riêng của anh.

2.  Những tài sản ghi rõ là của riêng trong hợp đồng trước khi thành hôn (prenuptial agreement).

3.  Những món tiền bồi thường:  khi một trong hai người bị thương tích hay tai nạn, số tiền bồi thường tuỳ theo trường hợp sẽ là của riêng người đó, mà không tính là tài sản chung.

4.  Thừa hưởng gia tài: Những tài sản được thừa hưởng gia tài (inheritance) cũng được coi là tài sản riêng của người nhận.

5.  Quà tặng (gifts):  Nếu món quà là của riêng một người.  Thí dụ: chiếc nhẫn tặng cho nguời vợ vào dịp sinh nhật vẫn là tài sản riêng của người đó.

6.  Những tài sản chung sau khi thành hôn mà người vợ hay chồng tự nguyện đồng ý cho người phối ngẫu làm của riêng, và có ký kết trên giấy tơ ø(transmutation agreement).

Điều quan trọng là khi ly dị, nếu muốn phân định tài sản nào là tài sản riêng của mình, thì người đó phải có những chứng minh rõ rệt (burden of proof).  Vì vậy, bạn nên giữ những giấy tờ liên quan đến chủ quyền của những tài sản này, kể cả giấy chủ quyền, thư từ, hình ảnh, receipts, canceled checks v.v...

Tôi đang ly thân và đang có tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội.  Vậy tôi có phải chia số tiền này cho vợ tôi không?

Theo luật của An Sinh Xã Hội, tiền trợ cấp An Sinh Xã Hội sẽ được tính là tài sản riêng, nên bạn không phải chia cho vợ bạn.  Tuy nhiên, nếu thời gian hôn nhân của bạn kéo dài trên 10 năm thì sau khi ly dị, vợ bạn vẫn có thể xin trợ cấp An Sinh Xã hội, dựa theo hồ sơ của bạn.

Tôi sắp sửa về hưu.  Tôi có phải chia tiền hưu trí cho vợ tôi trong trường hợp vợ chồng tôi ly dị không?

Vợ bạn sẽ được hưởng một phần của tiền hưu trí có được trong thời gian hai người thành hôn.  Tùy theo trường hợp, số tiền này sẽ được tòa tính theo giá trị hiện hữu (present value) và được chia ngay, khi hai người ly dị, hoặc được chia sau này, khi bạn bắt đầu lãnh tiền hưu.

Tôi đang tiến hành thủ tục ly dị.  Vợ tôi thay ổ khoá và không cho tôi vào nhà.  Căn nhà này do hai vợ chồng mua chung cách đây 8 năm.  Như vậy tôi có thể làm gì, và tôi có quyền tiếp tục ở chung nhà trong lúc việc ly di chưa xong?

Bạn vẫn có quyền tiếp tục ở tại nhà bạn vì căn nhà này là căn nhà chung, trừ khi vợ bạn có xin một án lệnh cách ly (restraining order) cấm bạn không được liên lạc hay đến gần cô ta.  Nếu không, bạn có quyền nhờ cảnh sát địa phương can thiệp để bạn vào nhà.  Tuy nhiên, trong những trường hợp cả hai bên đều gay go và đối với nhau bằng những biện pháp mạnh, thì việc tiếp tục sống chung trong một căn nhà chưa chắc là một điều tốt, để tránh những xô xát hay những chuyện đáng tiếc có thể xẩy ra.  Nếu điều kiện cho phép, bạn nên thu thập những vật dụng tuỳ thân cá nhân, và tìm một chỗ ở tạm thời trong thời gian ly dị.  Trong thời gian bạn dọn ra ngoài, vợ bạn sẽ được toàn quyền sử dụng căn nhà (exclusive use of the family residence), và vì thế người vợ sẽ phải trả tiền thuê nhà (fair rental value) hàng tháng cho cộng đồng.  Số tiền thuê nhà này sẽ được dùng để trang trải chi phí cho căn nhà như là tiền mortgage, tiền thuế nhà, tiền bảo hiểm.  Nếu chi phí hàng tháng vượt quá số tiền thuê nhà, hai bên có thể thoả thuận để chia 50/50 những chí phí dư này.  Nếu hai bên không thể tự thoả thuận, luật sư của hai bên sẽ có thể làm điều này.

Tôi nghe nói là nếu có con thì không nên dọn ra, vì sau này sẽ bị mất đi quyền giữ con 50/50, có đúng không?

Về vấn đề giữ con (custody) và thăm nuôi (visitation), toà sẽ đặt quyền lợi của con em bạn lên hàng đầu, và sẽ giảm thiểu những giao động cho con nít càng nhiều càng tốt.  Những xáo trộn cho con nít có thể sẽ là sự thay đổi chỗ ở, hay là chịu áp lực của sự tranh co giữa hai bên.  Thông thường thì cả hai cha mẹ đều có quyền giữ con như nhau, trừ khi là cha hay mẹ có những hạnh kiểm xấu hay quá khứ bạo hành.  Nếu bạn không có những vấn đề về bạo hành (abuse), hay không bị án lệnh cánh ly (restraining order), mà muốn giữ con 50/50, bạn nên có sự thoả thuận ngay từ đầu về việc này.  Nếu vì tình cảnh phải dọn ra trong thời gian ly dị, và không thoả thuận được, bạn nên nhờ luật sư xin một buổi điều trần (OSC Hearing) để có thể xác định về thời khoá biểu giữ con 50/50.  Toà án sẽ cho một phán quyết tạm thời (temporary order) về việc giữ con, và đều này sẽ giúp duy trì việc con em có một nếp sống chung với cả hai cha mẹ, và sẽ có lợi cho việc xin giữ con sau này.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề ly dị, không phải là cố vấn luật pháp.  Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran), số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại  davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster CA  92683.

Xin mời quý vị đón nghe chương trình Luật Pháp và Đời Sống do luật sư Trần Khánh Hưng đảm trách với những giải đáp thắc mắc về luật pháp của quý vị, vào lúc 12g30 trưa Chủ Nhật, hoặc 8g tối thứ Tư, trên làn sóng 1480AM.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT