Đời Sống Việt

Phỏng vấn Đại sứ Mark P. Lagon: Việt Nam phải có bổn phận đối với công dân của họ

Monday, 12/01/2009 - 05:20:06

Tiến sĩ Mark P. Lagon được Tổng thống Bush đề cử vào chức vụ Đại sứ và Giám đốc Văn phòng Giám sát, chống nạn buôn người trực thuộc Bộ ...

lagon-oc.jpgWESTMINSTER (California) – Trong chuyến viếng thăm Nam California vào hai ngày 11-12 tháng Giêng 2009, Đại sứ Mark P. Lagon, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Giám đốc Văn phòng Giám sát, chống nạn buôn người trực thuộc Bộ Ngoại giao, đã dành cho phóng viên Viễn Đông một cuộc phỏng vấn đặc biệt buổi tối Chủ Nhật, 11/1/2009. Chuyến viếng thăm của Đại sứ Lagon cũng nhằm gây sự chú ý cho công chúng về tệ nạn buôn bán người trong Ngày Chống Tệ Nạn Buôn Người Toàn Quốc vào cùng ngày.

[Đại sứ Mark P. Lagon - ảnh: Anh Thành/Viễn Đông]



Tiến sĩ Mark P. Lagon được Tổng thống Bush đề cử vào chức vụ Đại sứ và Giám đốc Văn phòng Giám sát, chống nạn buôn người trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng Hai 2007 và tuyên thệ nhậm chức tháng Năm 2007. Nhiệm vụ của văn phòng đại sứ là trông coi những hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ nhằm chống lại nạn hình thức nô lệ mới, bao gồm việc cưỡng ép lao động và mãi dâm. Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2006, có khoảng 800,000 đàn ông, đàn bà, và trẻ em bị buôn bán qua biên giới các nước, và còn hàng triệu người khác bị buôn bán ngay trên đất nước của họ.

 

Viễn Đông: Ông vui lòng cho biết chức năng và ngân khoản của Văn phòng Giám sát và những chương trình Văn phòng đã thực hiện tại Việt Nam.

Mark Lagon: Một trong những công việc chính yếu của văn phòng chúng tôi là giúp cho những quốc gia nào trên thế giới, trong đó có Việt Nam, muốn tạo sự thay đổi, thực hiện được ước nguyện của họ qua công tác ngoại giao và những điều kiện khác. Thí dụ, Việt Nam đã bắt đầu theo dõi các vụ án buôn lậu người để cưỡng ép mãi dâm, nhưng chưa làm gì nhiều để giảm bớt tệ nạn bóc lột lao động, nhất là những vụ môi giới lừa gạt đưa người lao động ra nước ngoài. Văn phòng chúng tôi có 8 chương trình lớn khắp thế giới, với ngân khoản 17 triệu Mỹ kim mỗi năm. Chúng tôi hợp tác với Bộ Lao động, Cơ quan Phát triển Thế giới (USAID), v.v.. Ở Việt Nam, chúng tôi điều hành những chương trình giáo dục tại các tỉnh thành, trợ giúp Tổ chức Di trú Thế giới (IOM) trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam xây dựng nền tảng pháp luật chống lại tệ nạn buôn người, và giúp cho Quỹ Á châu (Asia Foundation) với các chương trình của họ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn nhiều nghi vấn về sự thành tâm của chính phủ Việt Nam trong công cuộc chống nạn buôn người.

 

Viễn Đông: Ông có nhận xét gì về những tổ chức của người Việt tại hải ngoại tham gia tích cực vào việc chống nạn buôn người nhưng gặp khó khăn ngay từ phía chính phủ Việt Nam.  

Mark Lagon: Một trong những chương trình của chúng tôi là giúp cho các tổ chức phi chính phủ làm việc với các quốc gia để tạo thành lực lượng xã hội dân sự nhằm chống lại nạn buôn người. Chẳng hạn, văn phòng chúng tôi cung cấp ngân quỹ cho tổ chức Cứu Người Vượt Biển S.O.S. (Boat People S.O.S.) để làm việc với một tổ chức khác ở Mã Lai, hỗ trợ cho những công nhân Việt Nam đang là nạn nhân bị cưỡng bách lao động tại Mã Lai. Nhưng xã hội dân sự (civil society) tại Việt Nam rất hạn hẹp. Việt Nam mở cửa cho thị trường không có nghĩa là Việt Nam dành chỗ cho các tổ chức dân sự.

 

Viễn Đông: Ông thấy chính phủ Obama có tiếp tục ủng hộ công tác của Văn phòng?

Mark Lagon: Tôi làm đại sứ được hơn một năm rưỡi, trong một thời điểm mà chính trị Hoa Kỳ chia rẽ theo đảng phái nhất, nhưng tôi thấy rõ sự đồng lòng của cánh tả và cánh hữu, của Dân Chủ và Cộng Hòa, trong lãnh vực chống nạn buôn người. Tôi hoàn toàn mong đợi chính phủ kế nhiệm cũng sẽ tiếp tục ủng hộ công tác này. Khi hai ứng cử viên Obama và McCain thảo luận tại Nhà thờ Saddleback với sự điều hợp của Mục sư Rick Warren, Obama đã khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục chống nạn buôn người, và chúng ta có thể mong chờ điều đó.

 

Viễn Đông: Điều gì khiến cho hình thức nô lệ mới nở rộ?

Mark Lagon: Tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta cần phải chống cả hai hình thức buôn bán người: cưỡng bức lao động và cưỡng ép mãi dâm. Nhu cầu cho cả hai hình thức buôn người này đã tạo ra những nguồn cung cấp. Nhu cầu mua dâm, du lịch mãi dâm mồi lửa cho việc buôn bán người để cưỡng ép mãi dâm. Nhu cầu nhân công rẻ mạt dẫn đến những hành xử gian trá để ép buộc người lao động. Nếu chúng ta cắt được những nhu cầu trên, thì nguồn cung cấp sẽ phải cạn thôi.

 

Viễn Đông: Ở Hoa Kỳ cũng có nạn buôn bán người dưới hình thức cưỡng ép lao động. Trong trường hợp nào thì những di dân bất hợp pháp, đang làm việc với đồng lương rẻ mạt và không được bảo vệ bằng những quyền lợi lao động chính thức, được liệt kê vào danh sách những người bị cưỡng bức lao động?

Mark Lagon: Văn phòng chúng tôi cũng đã giúp một số trường hợp như vậy. Một số di dân tình nguyện vượt biên giới đến Hoa Kỳ và ở lại bất hợp pháp, nhưng vì họ bị cưỡng bức lao động, chúng tôi có thể cho rằng họ là nạn nhân của nạn buôn bán người. Chính phủ Hoa Kỳ cấp T-visa cho những trường hợp này để họ có thể ở lại Hoa Kỳ và, trong nhiều trường hợp, có khả năng xin được cấp thẻ xanh, trở thành thường trú nhân.

 

Viễn Đông: Hoa Kỳ cấp bao nhiêu T-visa mỗi năm?

Mark Lagon: Khoảng 2,000 visa trong 8 năm qua. Khoảng hai phần ba số đó được cấp cho các nạn nhân; một phần ba còn lại cho thân nhân của họ. Chúng tôi cấp visa cho họ ở lại không chỉ để làm nhân chứng cho những vụ án buôn người mà còn vì lý do nhân đạo. Những người này đã bị khủng hoảng tâm lý sau khi bị bắt làm nô lệ. T-visa được dành cho những nạn nhân trên lãnh thổ Hoa Kỳ mà thôi, không áp dụng cho các nước khác.

 

Viễn Đông: Còn những nạn nhân ở các quốc gia khác thì chính phủ Hoa Kỳ giúp họ như thế nào?

Mark Lagon: Chúng tôi hỗ trợ chính phủ của các quốc gia đó có những chương trình hồi hương thích hợp cho những nạn nhân. Có trường hợp phát hiện ra nạn buôn người thì những công ty phạm pháp lập tức bắt nạn nhân hồi hương. Đây là trường hợp của những công nhân Việt Nam làm việc bên Jordan tại nhà máy WND, mà tôi có dịp ghé thăm hồi tháng Chín. Câu hỏi lớn là chính phủ Việt Nam có bảo vệ công dân của họ đủ chưa. Những nhà môi giới lao động có vẻ đã giới thiệu họ đi làm việc ở Trung Đông, đã lừa dối họ, lấy một số tiền lớn của họ để đổi lấy việc làm, nhưng khi họ bị trả về Việt Nam sau khi đình công ở Jordan, dường như họ đã không được đối xử như là những nạn nhân, mà như những người đã phá hợp đồng, và tất cả tiền bạc họ vay mượn, cầm cố để đầu tư cho chuyến đi xem như mất trắng. Cho nên, chính phủ phải có bổn phận đối với công dân của họ. Việt Nam chưa làm những gì đáng ra họ nên làm.

 

Viễn Đông: Chính phủ Hoa Kỳ có làm áp lực như thế nào đối với chính phủ Việt Nam trong vấn đề này?

Mark Lagon: Một cách là việc chúng tôi đưa ra những xếp hạng trong bản báo cáo thường niên. Hiện nay Việt Nam ở hạng hai (1), và nếu không có tiến bộ thì có thể sẽ rớt xuống hạng thấp hơn. Chúng tôi cũng dùng phương pháp ngoại giao kín đáo (2). Chính phủ Việt Nam rất muốn kết nối với nền kinh tế toàn cầu, và nếu Việt Nam vướng vào tệ nạn buôn người, với những công nhân bị xuất khẩu, bị bán ra nước ngoài như một món hàng, thì Việt Nam sẽ khó lòng ở trên thương trường thế giới.

 

Viễn Đông: Ông thật sự nghĩ rằng những nước khác quan tâm nhiều đến việc bảo vệ nhân công, hay những đại công ty chỉ lo đến việc trục lợi tối đa qua việc mướn nhân công rẻ mạt?

Mark Lagon: Dần dà, dư luận thế giới hiểu hơn về tệ nạn buôn bán người và những hoạt động không lương thiện của các công ty tham gia vào đường dây buôn người. Đó chẳng phải đơn thuần là chuyện trả lương rẻ hơn hay lợi dụng nhân công, mà tôi đang nói đến những hình thức bắt nhân công làm việc như nô lệ một cách tàn nhẫn. Vì vậy, giới tiêu thụ và giới đầu tư sẽ càng quan tâm nhiều đến những vi phạm nhân quyền tồi tệ này và có phản ứng. Những tổ chức phi chính phủ hợp thành xã hội dân sự còn mạnh hơn cả chính phủ trong việc kêu gọi sự quan tâm đến vấn đề này khắp thế giới. Không riêng gì chính phủ Hoa Kỳ, mà những tổ chức dân sự giáo dục người tiêu thụ và giới đầu tư để tạo áp lực cộng hưởng lên chính phủ Việt Nam.

 

Viễn Đông: Người tiêu thụ có dễ dàng tìm hiểu xem gốc gác của những sản phẩm họ mua từ đâu không, nhất là khi họ không muốn đóng góp cho hoạt động buôn người một cách gián tiếp?

Mark Lagon: Không dễ lắm đâu, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ đang kêu gọi chúng tôi phải thực hiện việc ghi lại nguồn gốc sản phẩm. Năm 2005, Quốc Hội yêu cầu Bộ Lao động thành lập danh sách của tất cả sản phẩm trên thế giới được sản xuất dưới hình thức lao động cưỡng bức, nô lệ nhân công, lao động buôn người, và xuất xứ những quốc gia đó. Trong vài tháng nữa, bản báo cáo đó sẽ ra đời, và chúng ta sẽ thấy được nhiều điều lắm.

 

Viễn Đông: Quan tâm lớn nhất của ông đối với tình hình tại Việt Nam là gì?

Mark Lagon: Tôi thấy dường như có sự hợp tác của quan chức chính phủ Việt Nam trong những đường dây môi giới lao động ra nước ngoài. Những công ty môi giới này có quan hệ mật thiết với chính phủ Việt Nam. Khắp thế giới, chúng ta thấy rằng những chính phủ có nền pháp trị rõ ràng thường dễ chống nạn buôn người hiệu quả hơn những chính phủ tham nhũng; nào là cảnh sát nhận hối lộ, quan chức nhà nước được trả tiền để ngó lơ, thẩm phán cũng nhận tiền để không phạt vạ những kẻ buôn người. Tham nhũng là một vấn đề lớn ở Đông Nam Á và trầm trọng ở Việt Nam.

 

Viễn Đông: Ông thấy có cần thêm ngân khoản để giúp chống nạn buôn người?

Mark Lagon: Bao giờ có thêm ngân khoản vẫn tốt hơn. Chúng tôi hy vọng chính phủ mới sẽ tiếp tục cung cấp thêm ngân khoản để làm tiếp những công tác hiện tại. Chẳng hạn, chúng tôi có thể mướn thêm những cán sự xã hội để phục vụ nhu cầu của những nạn nhân ngay tại Hoa Kỳ.  Nếu chúng tôi có được 1/10 của 1% số tiền dùng để cứu nguy cho các ngân hàng và đại công ty thì chúng tôi sẽ làm được khối việc để giúp những nạn nhân tìm lại quyền làm người của họ. Tôi hy vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục công việc bảo vệ những nạn nhân trong cũng như ngoài nước.

Viễn Đông: Cảm ơn ông đã dành cho Nhật báo Viễn Đông cuộc phỏng vấn này.

 

Chú thích của biên tập:

(1) Chính phủ Hoa Kỳ xếp hạng về nạn buôn người cho các nước trên thế giới để quyết định một số chính sách ngoại giao. Hạng 1 (Tier 1) là các quốc gia thực hành những điều kiện tối thiểu trong Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân của Nạn buôn người. Hạng 2 (Tier 2) dành cho những quốc gia không theo hết những điều kiện tối thiểu trên nhưng đang cố gắng. Hạng 2 cần theo dõi (Tier 2 Watch List) dành cho những quốc gia có nhiều nạn nhân của nạn buôn người và đang trên đà gia tăng, tuy cũng có những cố gắng. Hạng 3 (Tier 3) gồm những quốc gia không theo những điều kiện tối thiểu và không có sự cố gắng nào cả.

(2) Nguyên văn: quiet diplomacy.

 

Vien Dong Daily News

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT