Đời Sống Việt

Người thợ nail và những câu chuyện buồn vui trong nghề (phần 2)

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 03/02/2013 - 09:41:40

Mối quan hệ giữa chủ và thợ lâu nay thường được biết đến là mối quan hệ ít khi thuận thảo, tình cảm khó mà bền lâu.

Nghề nail của người Việt trên xứ Mỹ (kỳ 23)

Băng Huyền/Viễn Đông

Nghề nail là một nghề về thẩm mỹ, người thợ mong muốn phục vụ khách hàng tốt, đem lại sự hài lòng cho khách để khách quay lại tiệm vào những lần sau, hoặc giới thiệu thêm bạn bè, thân nhân đến với tiệm. Người thợ có thể làm cho khách đến tiệm tiếp, họ cũng có thể làm cho khách bỏ tiệm đi vĩnh viễn.
Theo ông Đông Nông, cùng với vợ đã mở tiệm nail và spa có 15 thợ, tại Santa Clarita cho biết, thợ nail là người làm ra tiền cho tiệm, nhưng để kiếm được một người thợ nail giỏi nghề và làm việc lâu năm, gắn bó với tiệm, là một vấn đề rất khó đối với nhiều chủ tiệm nail.


Móng tay đủ sắc màu - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông



Tiêu chuẩn của một thợ nail giỏi
Một người thợ nail giỏi cần có tính chuyên nghiệp trong công việc, được thể hiện trong từng bước từ chuyện vệ sinh móng đến việc sơn móng cẩn thận, chu đáo. Nhất là cách thể hiện những kiểu trang trí tinh xảo lên móng theo yêu cầu của khách hàng thật đẹp và khéo léo. Trong từng động tác, người thợ đều hết sức nhẹ nhàng và chính xác cao. Để làm sạch móng, cắt da, giũa móng và sơn móng chỉ mất từ 30-45 phút. Nhưng để làm đẹp cả 10 ngón tay, 10 ngón chân theo đúng yêu cầu của khách, thời gian có thể đến 2 tiếng đồng hồ, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn. Dù đã rành nghề người thợ vẫn cần có tinh thần học hỏi, trau dồi thêm từ kinh nghiệm người đi trước, biết lắng nghe lời phê bình của chủ, đồng nghiệp và khách hàng… Bản thân người thợ giỏi nghề rất cần học hỏi thêm để càng ngày càng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho mình. Vì nếu chỉ sử dụng những gì đã có mà không chịu khó tìm tòi học hỏi những sản phẩm mới, những sáng tạo mới của kỹ thuật làm đẹp cho móng, thì người thợ sẽ không thể tăng thêm thu nhập cho chính mình và cho tiệm.
Người thợ nail giỏi không phải chỉ cần có kỹ thuật làm móng giỏi, mà còn biết phân tích tỉ mỉ từng bàn tay của khách để giới thiệu cho khách cách làm đẹp mới cho đôi tay của họ. Mỗi khi khách vào, họ đều giới thiệu cho khách sản phẩm mới của tiệm, họ biết cách giới thiệu sản phẩm lôi cuốn, mời khách làm thêm những dịch vụ mới của tiệm. Người thợ giỏi có kiến thức về sản phẩm, và biết “chăm sóc” khách hàng bằng cách giao tiếp giỏi qua khả năng ngôn ngữ thông thạo. Nghề này hầu như lúc nào cũng ngồi đối diện của khách. Việc đọc được cảm xúc của khách cũng là cách tạo sự thoải mái trong công việc. Do phải đối diện với khách hàng nhiều nên nhiều người thợ giúp gợi mở câu chuyện để giữa thợ và khách có thể trở thành những người bạn tâm giao, trong thời gian làm móng cho khách. Đôi khi khách quen đến làm móng không chỉ có nhu cầu làm đẹp về móng mà họ còn đến để tìm được sự chia sẻ, cảm thông.
Người thợ giỏi không chỉ biết lắng nghe khách, mà luôn luôn lịch sự, vui cười với khách, biết cách làm khách hàng an tâm rằng họ được cung cấp những dịch vụ tốt nhất. Họ cũng tìm hiểu xem khách hàng có hài lòng với sản phẩm mình làm ra hay không. Đồng thời, người thợ cũng cần tránh những điều không hay khiến cho khách hàng bỏ đi như: thiếu sự quan tâm, không nhiệt tình phục vụ, không giúp đỡ giải đáp những thắc mắc của khách hàng đúng mức khi họ sử dụng sản phẩm, không giữ lời hứa, thiếu vốn kiến thức chuyên nghiệp, coi thường khách dù là vô tình…
Người thợ cũng cần trung thực, tôn trọng quyền lợi của người khác (khách hàng, chủ tiệm, đồng nghiệp), thực hiện tốt những kỹ thuật an toàn cơ bản khi hành nghề, tránh cho bản thân và chủ tiệm không bị phạt khi nhân viên thanh tra của State Board đến thanh tra tiệm, và cũng tạo được niềm tin nơi khách hàng khi đến tiệm chăm sóc móng. Nhờ vậy, họ sẽ xây dựng được mối quan hệ vững chắc với khách hàng thông qua sự tin tưởng vào khả năng chuyên môn, phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp nơi người thợ nail.
Theo ông Đông Nông, ngoài việc kiếm được một người thợ giỏi, hội đủ nhiều ưu điểm, thì một trong những mối quan tâm của các chủ tiệm nail từ xưa đến nay là làm sao giữ thợ nail giỏi trung thành với mình. Vì hầu như chủ tiệm nào cũng khổ sở việc thợ đến rồi đi, gây nên sự xáo động cho tiệm, nhất là vào mùa cao điểm, thiếu thợ làm… Mối quan hệ giữa chủ và thợ lâu nay thường được biết đến là mối quan hệ ít khi thuận thảo, tình cảm khó mà bền lâu.

Buồn vui trong quan hệ chủ-thợ
Giải thích về điều này, anh Charles Lê là một thợ nail tại vùng Los Angeles, nói rằng thợ nail được trả lương phần lớn theo kiểu ăn chia, ngày nào làm nhiều hưởng nhiều, ngày nào làm ít hưởng ít, ngày nào nghỉ, thì không có tiền. Lúc nào cũng chia 6/4 (thợ 6, chủ 4), dù thợ có làm 1 năm cũng là 6/4, làm 10 năm ở tiệm đó cũng là 6/4, nên thợ ở tiệm đó, hay đi tiệm gần đó cũng chẳng có gì khác biệt. Vì vậy, mỗi khi bất đồng ý kiến với chủ là thợ chẳng ngại nghỉ việc, vì thợ có nghề vững rồi, không sợ kiếm không ra tiệm để làm.
Đồng ý với anh Charles Lê, anh Benjamin Thái là một thợ nail làm việc tại Las Vegas cho rằng do chia 6/4, thợ cảm thấy không có một động cơ nào để ở lại tiệm lâu bền. Họ có đi bất cứ tiệm nào thì vẫn là 6/4 nên họ sẵn sàng bỏ đi mà không hối tiếc với thâm niên công vụ. Nếu đi làm hãng xưởng, người thợ, công nhân, nhân viên không chỉ lãnh lương mà còn được bảo hiểm sức khỏe, cùng những quyền lợi khác chẳng hạn như nghỉ lễ hằng năm, ngày phép, tiền thưởng, tiền hưu trí về già. Làm thợ nail không có một quyền lợi gì, chỉ được chia 6-4. Do đó, thợ quan niệm làm ở đâu cũng giống nhau thôi nên chẳng cần phải trung thành với tiệm.
Nói thêm về lý do thợ nail thường xuyên bỏ việc ở tiệm này, đi kiếm tiệm khác làm, anh Benjamin Thái nói rằng, thường là do tiệm ế khách, tiền kiếm không như mong muốn, thợ sẵn sàng nghỉ việc, để tìm tiệm khác có số lượng khách ổn định và được tiền tip cao. Hoặc người thợ lỡ xin vào làm tại tiệm lấy giá quá rẻ, thợ làm một bộ full-set cũng mất 1 tiếng, kiếm được khoảng 12 Mỹ kim, phải chia 6/4, không còn lại bao nhiêu. Còn những ngày vắng, không có khách để làm liền tay, có khi ngồi không từ sáng đến 4 giờ chiều mới có được một người khách đầu tiên; dĩ nhiên, thợ phải sốt ruột, sẽ diễn ra tình trạng các thợ giành giựt khách. Làm việc những nơi này, vừa mất sức lao động, mà tiền công thì không đáng. Vì vậy, thợ phải kiếm tiệm khác có giá làm cao hơn, để khi ăn chia, tiền kiếm được nhiều hơn vì cũng bằng thời gian và bao nhiêu đó công việc.
Theo anh, người thợ vào làm với những người chủ quá khắt khe, không biết cảm thông cho thợ, chủ có tính áp đặt và mệnh lệnh đặt ra không hợp lý hay không đúng lúc, gây ức chế tâm lý cho thợ, nhất là vào những lúc thợ có chuyện không vui ở nhà, hoặc gặp phải người khách khó chịu, “hành” mình đủ kiểu… thì thợ cũng sẽ không bao giờ trụ lâu với những người chủ này.
Chưa kể, đa phần các tiệm nail không có chương trình huấn nghệ, đào tạo nhân viên. Ai đến tiệm biết gì làm nấy, không biết thì khỏi làm, còn nếu muốn, thì tự bỏ tiền ra đi học thêm. Đôi khi chủ không chịu khó tìm những dịch vụ mới để thu hút khách, nên có khi chính những người khách vào tiệm, hỏi thợ có dịch vụ đó không, khách hướng dẫn lại cho thợ, khi đó thợ mới yêu cầu chủ đi mua sản phẩm đó đem về tiệm. Điều này cho thấy tiệm đã bị “lạc hậu” với khách và “lạc hậu” với thời trang biến đổi không ngừng của nghề nghiệp này. Chủ không chịu nâng cao nghiệp vụ quản lý của mình, không chịu khó cập nhật những thông tin luật lệ mới của state board để hướng dẫn lại cho thợ, thậm chí những sản phẩm làm nail khi chủ mua về, chủ cũng không cung cấp Bản Liệt Kê An Toàn Vật Liệu (Material Safety Data Sheet-MSDS) là tờ hướng dẫn của nhà sản xuất đầy đủ những thành phần của sản phẩm đó về những hóa chất có hại ra sao (luôn được đính kèm theo sản phẩm khi mua khách yêu cầu các đại lý cung cấp), cách để thợ trang bị tốt cho mình “bảo hộ lao động” khi tiếp xúc với các sản phẩm…
Chị Xuân Trần nói rằng làm nail là một nghề phải tiếp xúc với nhiều hóa chất. Một số thợ nail sau khi làm công việc này một thời gian cảm thấy sức khỏe suy yếu, cũng có người lo sợ cho sức khỏe về lâu về dài, nên sau một thời gian ngắn làm việc kiếm một chút vốn để vượt qua khó khăn hiện tại họ sẽ rút lui, đổi nghề khác. Hoặc do làm việc trong môi trường làm việc thiếu trong sạch, vì chủ không đầu tư đủ cho hệ thống hút, thông khí, chủ chỉ mua sản phẩm giá rẻ, có tác hại sức khỏe cho thợ vì làm việc lâu ngày…, cũng khiến thợ mau nghỉ việc, tìm nơi khác tốt hơn.
Nói về mối quan hệ chủ-thợ không êm đẹp, anh Charles Lê bảo thường là do chủ phân công thợ làm cho khách, cách sắp xếp công việc không công bằng. Thậm chí có những người chủ còn tranh việc với thợ, giành khách sộp, giành lượt làm với thợ… Chưa kể có trường hợp chủ nghe lời những người thợ khác “to nhỏ”, dẫn đến xung đột vô tình hay cố ý giữa chủ và mình.

Để trở thành người chủ tốt
Anh Charles Lê nói: “Nếu người chủ tốt, không ky bo thủ lợi cho bản thân mình, mà luôn luôn quan tâm đến đời sống và tâm tư của thợ một chút, sẽ giúp cải thiện mối quan hệ giữa chủ và thợ thêm gắn bó và thân thiện, tạo mối gắn kết lâu dài giữa thợ và tiệm. Dù chia 6/4, nhưng nếu người thợ đó đem lợi nhuận cao về cho tiệm từ tay nghề và kỹ năng giới thiệu sản phẩm của mình cho khách hàng dùng nhiều dịch vụ của tiệm, chủ cũng nên thưởng thêm cho thợ đó. Khi có hậu đãi tốt, chắc chắn thợ sẽ không nỡ bỏ tiệm mà đi”.
Anh Charles Lê bảo rằng người chủ giỏi quản lý, còn là người phải công bằng và sòng phẳng trong công việc; trong tình cảm phải thể hiện tình anh em, chị em. Để chủ và thợ đều vì quyền lợi chung của tiệm, thì nghề nghiệp mới phát đạt, kinh doanh mới thành công, bởi “hòa khí sinh tài”. Nếu tiệm nào không có thợ ruột là thất bại hơn 50% rồi.
Chị Thanh Thúy Phan nhận xét: “Muốn làm một người chủ tiệm nail tốt, giữ được thợ giỏi lâu năm cho tiệm là cả một nghệ thuật. Nếu họ vốn là người thợ không tốt, thì khi có điều kiện mở tiệm, để làm chủ, họ cũng sẽ hội đủ những điều không tốt đó khi cư xử với thợ của mình. Người chủ tốt phải có tư cách, khi mướn thợ vào làm, phải có thương lượng rõ ràng, cùng những quy định cụ thể thà mất lòng trước, được lòng sau ngay từ ban đầu với thợ. Mối quan hệ chủ-thợ phải dựa trên lòng tự trọng và tôn trọng lẫn nhau, đó là yếu tố cần thiết; tính công bằng là nền tảng quan trọng cho việc phân lượt làm việc trong tiệm. Chủ cũng nên quan tâm đến môi trường làm việc sạch sẽ, tiện nghi phù hợp trong tiệm, giúp thợ an tâm thoải mái làm việc, sẽ tăng tính kết hợp lâu dài giữa thợ và tiệm, giữa thợ và chủ. Nếu đòi hỏi thợ phải trau dồi nghề nghiệp, thì chủ cũng không ngoại lệ, chủ phải luôn luôn học hỏi những sản phẩm, dịch vụ mới, để phổ biến trong tiệm, nên tham gia những nail show do các công ty sản xuất sản phẩm nail hay đại lý sản phẩm nail thực hiện, để không lạc hậu với nghề nghiệp, khiến thợ nể chủ hơn, và không dám qua mặt chủ (nhất là với những thợ giỏi nghề)”.
Cũng theo chị Thúy, người chủ không nên trực tiếp ngồi làm, vì rất dễ bị thợ xem là tranh khách, chủ cũng sẽ thiếu công bình với thợ và không quản lý được tiệm thật chu đáo. Ngoài ra, người chủ cần tạo sợi dây thân ái giữa các người thợ với nhau, để tránh những vụ tranh giành, gây gỗ, mất tình đồng nghiệp giữa các thợ. Những mối xung đột vì thế sẽ không có cơ hội để gây tác hại trong tiệm. - (BH)


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT