Thể Thao

Ngày thứ 3 giải Women’s World Cup

Tuesday, 09/06/2015 - 08:17:24

Nếu còn đấu đá kiểu này, đấu thiếu nhất quán như chiều thứ Hai, thì chắc chắn ở giải Women’s World Cup 2015 Nhật sẽ không còn tí hy vọng gì khi đụng trận với Thụy Điển, Đức, Hoa Kỳ...


Nữ cầu thủ Ordega của đội Nigeria làm bàn thắng thứ 3 cho đội mình trong trận hòa với Thụy Điển 3-3. (Getty Images)

Ngày thứ 3 giải Women’s World Cup

VANCOUVER – WINNIPEG - Thứ Hai 8/6 có tất cả 4 trận, vẫn vòng loại, theo trình tự từ trận vào lúc xế trưa cho đến trận cuối vào lúc 7 giờ tối: Thụy Điển với Nigeria tại sân Winnipeg Stadium ở Winnipeg, Cameroon với Ecuador thại sân BC Stadium ở Vancouver, Hoa Kỳ với Úc tại sân Winnipeg, và cuối ngày là trận giữa Nhật với Thụy Sĩ tại sân BC Stadium.

Giờ Winnipeg đi trước giờ California hai tiếng, trong khi giờ Vancouver cùng múi giờ như California. Giới hâm mộ bóng đá ở California mà theo dõi các trận đấu trên sân ở Vancouver có được cái thú là trong thời gian trận đấu diễn tiến mình nhìn ra ngoài trời thấy độ sáng ra sao thì ở miệt Bắc cũng tương tự như thế. Chỉ có khác là ngày thứ Hai ở Winnipeg có nhiều mây cho nên những trận đấu vào lúc xế trưa hay xế chiều vẫn không có nắng, trong khi hai trận trên sân Vancouver thì cho dù trận cuối giữa Nhật với Thụy Sĩ, ở California nhìn ra ngoài trời thấy ánh nắng xuống đến cỡ nào thì trên sân đấu cũng y hệt như vậy vì cũng gặp ngày nắng ráo.

Trận giữa Thụy Điển với Nigeria

Theo bảng sắp hạng của FIFA thì đội nữ của Thụy Điển đứng hạng 5 trên thế giới trong khi đội Nigeria đứng hạng 33. Xem thứ bậc đôi bên như vậy thì rất dễ có ấn tượng là cái kiểu này thì rồi có khi cũng lại giống như trận hôm Chủ Nhật khi Đức thắng nước Phi Châu Côte d’Ivoire 10 bàn trắng. Nhưng rồi hóa ra là trong cả bốn trận ngày thứ Hai 8/6 này thì đây lại là trận hào hứng, sôi nổi và thú vị hơn cả. Chỉ cần sau chừng mươi mười lăm phút giao đấu là người xem thấy ngay mấy chị đứng hạng thứ 5 theo bảng xếp hạng của FIFA kia không dễ gì mà thắng cho được mấy chị đứng hạng thứ 33 nọ!

Trong bóng đá thì một trong những yếu tố căn bản là tốc độ của cầu thủ. Bởi vậy mà nếu quyết định thắng thua trong bóng đá chỉ căn cứ vào tốc không thôi thì đội nữ của Nigeria chắc chắn đã không bị xếp vào hạng thứ 33. Đã vậy họ chuyền banh cho nhau cũng rất chững chạc. Cầu thủ của Thụy Điển nhận được banh từ đồng đội mà còn loay hoay định hướng để chuyền tiếp thì nhanh như cắt đã có một cầu thủ Nigeria từ đâu ào đến áp đảo. Còn một khi mà phe Nigeria có được banh rồi chạy về hướng khung thành của Thụy Điển thì lại một phen kinh hoàng cho cầu thủ đội này.

Nigeria thua bàn đầu tiên là do đen đủi! Từ một cú phạt góc do phe Thụy Điển sút, banh bay vào trước khung thành, chạm vào vai của Oparanozie và bay vào lưới của phe mình. Phút thứ 31 thì Nigeria thua thêm 1 bàn nữa từ cú sút của Fisher.

Phút thứ 50, hiệp 2, banh lọt vào cấm địa của Thụy Điển, Okobi sút lọt lưới. Anh huấn luyện viên Edwin Okon của đội Nigeria, áo loại “T shirt” màu trắng trùm lên khổ người gấp rưỡi cái bao gạo 100 kí, đầu nhẵn nhụi, bóng loáng, bèn quỳ ngay gối xuống mép sân cỏ nhân tạo và cứ thế vái lên vái xuống như tế sao.

Phút thứ 53, Oshoala của Nigeria lại làm thêm một bàn thắng nữa. Anh Okon lại quỳ gập xuống và lại càng van vái kính cẩn hơn nữa vì tỷ số giữa đôi bên bấy giờ là hòa 2-2. Nhưng phút thứ 60, Sembrant của Thụy Điển làm thêm 1 bàn thắng. Tỷ số giữa Thụy Điển với Nigeria trong phút chốc đã trở thành 3-2. Có khi tại anh Okon chưa vái đủ số chăng? Nhưng anh đang lo âu rầu rĩ qua ánh mắt cùng nét mặt thì đến phút thứ 87 cầu thủ Ordega của anh ta đã kịp thời làm một bàn thắng để gỡ hòa 3-3 cho đội mình. Edwin Okon vội vàng phủ phục bên mép sân, vái lên vái xuống mệt nghỉ!

Trọng tài cho thêm 3 phút phụ trội nhưng Thụy Điển vẫn không làm gì thêm được với tỷ số 3-3 giữa đôi bên. Người xem trận đấu có đầy đủ bằng chứng trên sân là Nigeria hòa 3-3 với Thụy Điển hoàn toàn không nhờ chữ “may”. Thực tế là họ có rủi thì mới hòa như thế, bởi bàn thua đầu tiên là do cầu thủ đội mình làm cho banh lọt lưới!

Trận giữa Cameroon với Ecuador

Nếu hôm Chủ Nhật mà đội Đức “làm cỏ” đội nước Phi Châu là Cote d’Ivoire với 10 bàn trắng thì ngày thứ Hai 8/6, nước Phi Châu khác là Cameroon tiếc thay lại không đấu với một nước Âu Châu để phục thù cho châu mình. Thay vào đó thì “nạn nhân” là đội Ecuador của Nam Mỹ. Mà những trận đấu thuộc loại “tàn sát” như thế này thì chả có gì đáng nói hơn là một bên ra trận còn một bên thì “chịu trận.”

Rồi vào những phút đường cùng, tìm cách cứu vãn tình thế bằng biện pháp ngáng chân ngáng cẳng người ta một cách trái phép thì lại lãnh những cú phạt đền. Phút thứ 34, Ngono Mani của Cameroon làm bàn thắng đầu tiên. Riêng một mình Enganamouit làm 3 bàn thắng vào những phút 36, 73, 90+4; với bàn thứ 3 đó là cú sút penalty trước khi trận đấu kết thúc. Manie sút một cú phạt đền khác vào phút thứ 44. Và Aboudi Onguene đá lọt lưới một quả vào phút thứ 79.

Điều đáng nói là theo bảng xếp hạng của FIFA thì Cameroon đứng hạng 53 trong khi Ecuador đứng hạng 48. Vậy thì trong trận này Cameroon hạng 53 thắng Ecuador hạng 48 tổng cộng 6 bàn trắng!


Emily Van Egmond áo xanh của Úc đang chuyền banh bằng đầu trong lúc bị Alex Krieger áo trắng của Mỹ bám sát trong hiệp nhì tại giải vô địch túc cầu nữ thế giới, World Cup 2015, diễn ra tại thành phố Winnipeg, Canada chiều thứ Hai. (Hình: Kevin C. Cox/Getty Images)

Trận giữa Hoa Kỳ với Úc

Cũng lại cái vụ phân ngôi cao thấp thì Hoa Kỳ đứng hạng 2 trong khi Úc đứng hạng 10. Và ở đây thì không có sự ngạc nhiên gì đáng kể. Báo chí ở Hoa Kỳ cứ thích đề cao những cầu thủ như Morgan, Wambach trong đội nữ xứ này. Thế nhưng qua trận này thì Morgan do bị thương nên gần giữa hiệp 2 mới vào đấu, còn Wambach thì chả làm nên tích sự gì. Cú đánh đầu nào của Wambach cũng trật lất.

Hoa Kỳ thắng Úc 3-1 là do công của Rapinoe một mình đá lọt lưới 2 quả xuất sắc vào phút thứ 11 và 77, cộng thêm bàn thắng của cô Press vào phút 60. Úc thắng 1 bàn nhờ cú sút của De Vanna vào phút thứ 26. Nhưng điều đáng nói hơn hết là Hoa Kỳ thắng Úc vì HK có thủ môn Hope Solo, trong khi thủ môn Lydia Williams của Úc để thua 2 bàn mà nếu như gặp đôi bàn tay của một Solo giữ khung thành thì đã không thua!

Chẳng hạn như bàn thua đầu tiên của Úc là do một cú sút từ xa của Rapinoe, cách khung thành khoảng 25 mét; banh chạm vào người của một cầu thủ Úc, đã bị giảm tốc độ mà đến khi bay vào khung thành thì thủ môn Lydia đứng nhìn như thể bị trời trồng, chả có lấy một phản ứng!

Trận giữa Nhật với Thụy Sĩ

Trời về chiều nhưng vẫn cón ánh nắng vàng soi sáng trên một mảng sân. Nhật là đương kim vô địch thế giới tuy FIFA tính điểm chỉ xếp vào hạng 4, trong khi Thụy Sĩ đứng hàng thứ 14.

Trận đấu có thể tóm lược giản dị: Hiệp 1 đội Nhật có phần làm chủ tình hình trước và sau bàn thắng do một quả phạt đền vào phút thứ 29 do Aya Miyama sút. Hiệp 2, đội Thụy Sĩ tìm cách gỡ nên có khuynh hướng áp đảo cũng như có nhiều cơ hội làm bàn hơn. Tỷ số 1-0 không thay đổi cho đến hết 90 phút cộng thêm 3 phút phụ trội.

Nửa tiếng đầu tiên đội Nhật giữ banh, giao banh rất hiệp đồng, gắn bó và đẹp mắt. Qua đến hiệp 2 thì chả hiểu sao giữ banh đã kém mà giao banh lại không còn chính xác. Nữ kiện tướng Sawa chỉ đấu chừng mươi phút ở hiệp 2 rồi quay trở ra để đồng đội khác vào thay.

Kết luận cho phía đội Nhật là nếu còn đấu đá kiểu này, đấu thiếu nhất quán như chiều thứ Hai, thì chắc chắn ở giải Women’s World Cup 2015 Nhật sẽ không còn tí hy vọng gì khi đụng trận với Thụy Điển, Đức, Hoa Kỳ hay thậm chí cả Nigeria nếu Nigeria giữ vững được khí thế mà vào lọt vòng tứ kết. (tn)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT