Thể Thao

Ngày 4 của Women’s World Cup: Hai thua, hai thắng, bốn hòa

Wednesday, 10/06/2015 - 10:01:24

Xem đá banh mà bàn thắng cho ra bàn thắng, bàn thua cho ra bàn thua thì cũng vui lòng hả dạ, chứ còn chứng kiến cái cảnh thắng theo kiểu “Chó ngáp phải ruồi” hay thua theo kiểu “Tình cho không biếu không” thì chán ngán lắm nhân gian ạ!

Nữ cầu thủ Thiney của Pháp tranh banh với Houghton của đội Anh trong trận Pháp thắng Anh 1-0. (Getty Images)

 

Ngày 4 của Women’s World Cup: Hai thua, hai thắng, bốn hòa

Bài THANH NGUYỄN

MONCTON - MONTREAL - Thứ Ba 9/6 là ngày thứ 4 của vòng loại giải Women’s World Cup với 4 trận đấu trên hai sân tại Moncton và Montreal, miệt Đông Canada. Bốn trận hai ngày đầu diễn ra ở miệt Tây Canada thì trời nắng ráo rất đẹp. Bốn trận diễn ra hôm thứ Ba 8/6 thì hai trận ở Vancouver, xa về phía Tây, vẫn nắng ráo đẹp đẽ, còn hai trận ở Winnipeg, lần về hướng Đông, thì đã có triệu chứng trời nhiều mây. Bốn trận ngày thứ Ba 9/6 trên sân ở Montreal và xa hơn nữa về hướng Đông là Moncton là mây mờ ảm đạm, lại thêm có mưa.

Trận hôm thứ Ba giữa Cameroon với Ecuador tại sân B.C. Stadium ở Vancouver tuy thưa thớt người xem nhưng ít ra có nắng vàng rực rỡ cho nên trông còn đỡ tiêu điều. Hai trận hôm nay, thứ Ba 9/6, giữa Pháp với Anh, rồi kế tiếp giữa Colombia với Mexico ở sân Moncton trong vùng New Brunswick thì vì sân đấu rất nhỏ, lộ thiên, nên số người chịu khó trùm áo mưa đi xem đã thưa thớt thì chớ, mà trông lên bầu trời ảm đạm, xám xịt thì quả là mất hứng.

Hai trận trong ngày tại Montreal, tuy trên cao cũng vần vũ, cũng có mưa rả rich thế nhưng khán đài thuộc loại to lớn thênh thang, lại có mái che nên cả số khách đi xem lẫn cầu thủ trên sân đều không hề hấn gì. Khác hẳn với tám trận trong 3 ngày trước đây, với số khán giả kém đi hết sức rõ rệt cho nên tiếng reo hò cổ vũ quanh sân đương nhiên là không ồn ào, vui nhộn, sôi nổi bằng. Nói chứ, xem đá banh mà không có hò reo ồn ào náo nhiệt thì có khác gì tìm nơi chùa chiền, hoang miếu này kia mà tịnh tâm tịnh khẩu!

Trận giữa Anh với Pháp

Pháp thắng Anh ở phút thứ 29 với cú sút thật đẹp phía cánh phải trước vùng cấm địa từ chân của Le Sommer. Banh bay vào góc phải, cao nơi khung thành. Thủ môn Karen Bardsley của Anh bay lên đỡ không kịp. Le Sommer là cầu thủ từng tham dự kỳ Women’s World Cup năm 2011 bên Đức. Một số không ít trong đội ngũ Pháp là những gương mặt mới.

Thủ môn Bouhaddi cũng là một thành viên cũ mà không hiểu tại sao Pháp vẫn giữ trong đội tuyển quốc gia. Cô này dáng người đã không thon gọn thì chớ mà những động tác thường khi lại vụng về khó có thể thấy nơi một thủ môn cho một đội tuyển quốc gia đi dự tranh những giải lớn như thế này.

Chỉ cần đơn cử một ví dụ: Trong hiệp 1, khi cô ta nhận được banh nơi chân, tất cả những cầu thủ của đôi bên đều đã tản mác ra hết giữa sân để chờ cú sút của thủ môn thế nhưng đương sự nghĩ sao đấy bèn đá tạt ngang quả banh qua bên cánh trái cho một hậu vệ ở vị trí đó. Thì cũng là chuyện bình thường nếu muốn mượn chân đồng đội để tống khứ quả banh! Chỉ có điều hết sức bất bình thường là chị ta chuyền quả banh thế nào mà nó lại bay ra khỏi làn ranh cuối sân. Và như vậy là tự dưng bao nhiêu cầu thủ lại kéo rốc về hết trước cấm địa vì đội Anh được hưởng cú phạt góc chả có ra làm sao hết!

Không đội nào “làm chủ tình thế”hơn đội nào. Hiệp 1 đội Anh giữ banh trong chân khoảng 44 % thời lượng; qua hiệp 2 là 42 %, nhưng sự chênh lệch giữa hai đội về mặt đó như vậy là không có gì đáng nói.

Tỷ số 1-0 giữa Pháp với Anh vẫn được duy trì cho đến hết trận đấu. Pháp hưởng trọn 3 điểm.

 

Trận giữa Tây Ban Nha với Costa Rica

 

Tây Ban Nha đứng hạng 14 trong khi Costa Rica đứng hạng 37 theo bảng phân hạng của FIFA. Khán giả đi xem không phải ai nấy đều biết rõ về thứ bậc của hai đội như thế, bởi vậy mà nếu như vào phút thứ 13, cầu thủ Losada của Tây Ban Nha làm bàn thắng cho đội mình, rồi ngay liền sau đó ở phút thứ 14 cầu thủ Rodriguez của Costa làm bàn gỡ hòa 1-1 cho đội của mình thì ai nấy đều coi như chuyện hết sức bình thường. Và nếu cho đến hết trận đấu mà tỷ số đó vẫn được giữ nguyên thì hẳn là ai nấy cũng đều coi như chuyện hết sức bình thường!

Chả thế mà có lần hai bình luận gia bình luận với nhau về những gì có thể diễn ra vào trận đấu sắp tới giữa 2 đội, rồi một bên nêu những mặt mạnh mặt yếu của đội này so với những mặt mạnh mặt yếu của đội kia thì rốt cuộc một người đã tìm ra chân ý khi kết luận :”Xét cho cùng thì những gì người ta có được trên giấy với số liệu này hay thành tích kia thì cũng không còn ý nghĩa khi đụng với thực tế diễn ra trên sân cỏ”!

 

Trận giữa Colombia với Mexico

 

Sau trận giữa Anh với Pháp thì đây là trận thứ hai trong ngày cũng diễn ra tại sân Moncton. Trận trước đấy thì trời ảm đạm, xám đen từng mảng trên cao, với mưa rơi lất phất. Trận thứ hai này thì mưa đã giảm đi nhiều và trên cao chỉ còn là một màn mây dày đặc nhưng trắng đục chứ không còn những mảng đen. Trông lên cũng đỡ u uất hơn! Nhưng có lẽ khán giả, hết sức thưa thớt, đã chịu đội mưa đi xem thì ai nấy đều chú tâm đến những gì diễn ra trên sân hơn là nhìn ngang ngó ngửa ra ngoại cảnh.

Điều lý thú và nổi bật hơn cả so với những đội ngũ khác là cầu thủ của hai đội này vóc dáng, chiều cao đều tương tự như nhau. Cô nào cô nấy trông tròn trịa như những hạt mít thế nhưng vẫn chạy nhanh như gió. Tuổi trẻ nơi con người ta có khác! Sân đấu rất nhỏ. Người dân Hoa Kỳ mà quanh quẩn trong thành phố nơi mình ở rồi đi ngang qua sân vận động của một khu học chính với một trường Trung Học nào đấy thì cam đoan là sẽ thấy sân đó rộng rãi ngon lành hơn sân Moncton.

Nữ cầu thủ Perez của đội Mexico “khai lưới” với cú sút vào phút thứ 30. Colombia thì có một kỳ vọng cao hơn cả mục đích làm sao gỡ cho được 1 bàn để trước mắt là thủ hòa. Từ xưa đến nay Colombia chưa từng có được bàn thắng nào ở giải World Cup. Bởi thế mà cuối cùng, đến phút thứ 87 khi Montoya của đội này làm được bàn thắng để gỡ hòa và duy trì cho đến hết trận đấu tỷ số hòa đó thì họ mững không những vì không đến nỗi để thua mà mừng ở chỗ là lần đầu tiên sút lọt lưới được một bàn ở giải World Cup, cho dù mới chỉ là vòng loại!

 

Trận giữa Brazil với Nam Hàn

 

Đôi bên đấu với nhau tại sân Olympic Stadium ở Montreal. Khán giả vẫn chưa được gần một nửa số ghế quanh 4 phía khán đài. Chả bù với những trận trong ba ngày đầu ở phía Tây, ngoại trừ trận giữa Cameroon với Ecuador, mà có bao nhiêu chỗ quanh khán đài là có bấy nhiêu người.

Kết quả là Brazil thắng Nam Hàn 2 bàn trắng nhờ sự giúp đỡ hết sức tận tình của chính Nam Hàn. Sự thể như sau:

Trước hết, từ đầu đến đuôi quả banh quanh quẩn trên phần sân, ngoài và trong vùng cấm địa của đội Nam Hàn là chính. Nam Hàn có kế hoạch phòng ngự của họ, bởi thế mà không thua đến cái mức như Cote d’Ivoire thua Đức 10 bàn trắng và Ecuador thua Cameroon 6 bàn trắng. Nam  Hàn có ít nhất 3 cơ hội để làm bàn một cách rõ rệt thế nhưng những cú sút quyết định thì lại chẳng có đâu vào với đâu.

Còn thua theo cái nghĩa tiếp tay đắc lực cho đối phương là như sau:

Phút thứ 33. Banh bên trong vùng cấm địa của Nam hàn. Một cầu thủ Nam Hàn thong thả kèm quả banh về hướng khung thành, trong tư thế chuẩn bị “bàn giao” banh cho thủ môn. Ngay bên cạnh là một đồng đội chạy song song để ngó chừng một cầu thủ Brazil cũng thong thả chạy theo sau theo cái kiểu “gây áp lực nhưng biết là không còn làm gì được với trái banh”!

Thủ môn thấy vậy thì theo như người ta đã lo chạy vội ra để vồ lấy quả banh cho chắc ăn vì xung quanh tuyệt đối không có ai khác. Thế nhưng thủ môn vẫn trơ mắt ếch ra đứng nhìn quang cảnh đó. Thế rồi cầu thủ có banh trong chân kia, khi chỉ còn cách khung thành chừng 10 mét thì bèn đưa chân khẩy nhẹ quả banh về hướng thủ môn. Thấy quả banh lăn tà tà như vậy thì cầu thủ Brazil kia bèn hộc tốc đuổi theo. Và phải đợi đến bấy giờ thì thủ môn cũng mới hoảng vía nhào ra để vồ lấy banh; nhưng không kịp, và cô Formiga của Brazil cứ thế sút thẳng quả banh vào lưới. Chuyện thuộc loại ngoài sức tượng của người xem bóng đá bình thường!

Thủ môn Luciana của Brazil bắt một ủa banh do Lee Eunmy của Đại Hàn đánh đầu. (Getty Images)

Lee Eunmi và thủ môn Kim Jungmi của Đoại hàn tranh banh với Marta của Brazil trước khung thành. (Getty Images)

 

Qua đến hiệp 2, phút thứ 53, banh vừa mới lọt vào bên trong làn ranh của vùng cấm địa Nam Hàn. Trước khung thành là cả một dàn hậu vệ của Nam Hàn. Nào đã có gì bảo đảm là sẽ phải thua một bàn? Thế nhưng một cầu thủ của “ta” vẫn tìm cách ngáng chân cô người Brazil có banh trong chân khiến cô này ngã lăn trên sân. Trọng tài ré hồi còi phạt penalty. Cô Marta của Brazil sút. Bay bay vào cánh trái, thủ môn Kim Jungmi nhào qua bắt gió bên cánh phải!

Nói chung là xem đá banh mà bàn thắng cho ra bàn thắng, bàn thua cho ra bàn thua thì cũng vui lòng hả dạ, chứ còn chứng kiến cái cảnh thắng theo kiểu “Chó ngáp phải ruồi” hay thua theo kiểu “Tình cho không biếu không” thì chán ngán lắm nhân gian ạ! (tn)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT