Vấn Đề Hôm Nay

Một góc nhìn khác về Hoàng Đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn

Wednesday, 30/08/2023 - 12:48:18

Năm 1932, ngay sau khi về nước chấp chính, ông vua Tây học này đã làm được 2 điều quan trọng mang tính cách mạng.

Vua Bảo Đại

Ngày 25/08/1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên đọc Chiếu thoái vị, kết thúc triều đại nhà Nguyễn 143 năm (1802 – 1945). Trong Chiếu thoái vị của mình, hoàng đế Bảo Đại mong muốn chính phủ mới đối xử ôn hòa mật thiết với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia để chứng tỏ rằng chính thể mới được xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

Sách vở dư luận thường đánh giá chung hoàng đế Bảo Đại như một ông vua ham chơi, thích nhảy đầm săn bắn, mê phụ nữ đẹp và ngây thơ nhu nhược về chính trị. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong cuốn hồi ký “Con rồng Việt Nam” (Le dragon d’Annam) của cựu hoàng Bảo Đại và cuốn hồi ký “Một cơn gió bụi” (Kiến văn lục) của cụ Trần Trọng Kim cho thấy một góc nhìn khác về vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt nam.

Năm 1932, ngay sau khi về nước chấp chính, ông vua Tây học này đã làm được 2 điều quan trọng mang tính cách mạng.

Trước hết, đối với việc triều chính, hoàng đế Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố nắm quyền chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều, đồng thời hủy bỏ Quy Ước ngày 06/11/1925 do Hội Đồng Phụ Chính mà đứng đầu là Tôn Thất Hân đã ký với Toàn Quyền Đông Dương khi ông còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, đồng thời ra nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chính của chính phủ Nam Triều.

(Quy ước bất hợp lý ngày 06/11/1925 tước bỏ hầu hết các quyền hành của nhà vua trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…, mọi việc khác đều thuộc quyền nhà nước Bảo hộ. Bằng bản Quy ước này, thực dân Pháp đã hoàn toàn thâu tóm mọi quyền lực của Nam Triều).

Về nghi thức triều đình, ông bãi bỏ một số tập tục quỳ lạy từ bao đời nay. Kể từ lúc đó, người dân có thể nhìn mặt vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan ta và Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua.
Những việc làm đó ít nhiều cho thấy đây là một ông vua có đầu óc cách tân và muốn thoát khỏi sự kềm kẹp của người Pháp theo cách riêng của mình.

Đối với nền độc lập dân tộc, Bảo Đại cũng ít nhiều biết suy tư mưu cầu độc lập cho quốc gia dân tộc theo cách tính toán riêng và suy nghĩ riêng của ông ấy, dù rằng cách tính toán và suy nghĩ ấy quá đơn giản và dễ bị các thế lực chính trị lợi dụng. Và vì tính cách cá nhân vốn thích an nhàn hưởng thụ nên ông cũng đã không chọn con đường mà vua Hàm Nghi và vua Duy Tân đã đi.

Khi Nhật đảo chính Pháp, trước một nền độc lập chưa thật sự toàn vẹn do người Nhật đưa đến và còn chịu sự kiểm soát của họ, Bảo Đại cũng đã từng rất băn khoăn khi tự đặt câu hỏi “Liệu cái nền độc lập mà người Nhật mang đến này, trong hoàn cảnh thực tại được bao nhiêu giá trị?” (1).

Về thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản, ông cũng đã đặt dấu hỏi “Á châu đối với người Á châu”, có thể là một khẩu hiệu tuyên truyền tốt đẹp với đại chúng. Nhưng đối với một nước nhỏ như nước tôi, nguy cơ thực sự không phải từ một nước phương Tây xa xôi, nhưng chính từ các nước lớn, mạnh ở sát kề như nước Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản” (2).

Ông cũng đã tính toán và quyết định “Liệu tôi có thể bỏ qua không chấp nhận cái đề nghị độc lập khi được người đưa tặng. Nền độc lập, vốn là mộng ước của tất cả người Việt Nam…Ý thức được như vậy, tôi đã quyết định: Phải nắm trọn thời cơ, đồng thời cố gắng làm giảm thiểu những đòi hỏi và sự thâu lạm của Nhật” (3).

Và khi mời nhà sử học Trần Trọng Kim đứng ra thành lập chính phủ, Bảo Đại đã nói với ông này:
- Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc. (4)

Khi nhà sử học đề nghị hoàng đế Bảo Đại nên mời Ngô Đình Diệm ra lập chính phủ nhưng chờ mãi ông Diệm không hồi đáp, Bảo Đại lại cho mời ông Trần Trọng Kim đến và nói thêm:
- Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước. (5)

Qua những lời tâm sự với cụ Trần Trọng Kim, Bảo Đại đã chứng tỏ rằng ông thừa hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải là một nền độc lập toàn vẹn vì còn phải chịu sự kềm tỏa của người Nhật, nên ông đã nghĩ đến chuyện phải “đối phó mọi việc”. Dưới mắt ông, người Nhật cũng là một nguy cơ đáng phải tính tới. Và ông xem nền độc lập còn dang dở đó như là một “cơ hội” để từ đó có thể tiến những bước xa hơn trên con đường mưu cầu độc lập hoàn toàn cho quốc gia dân tộc. Với tình thế và hiện trạng đất nước lúc bấy giờ, Bảo Đại có lẽ không còn con đường nào khác ngoài việc phải tạm thời chấp nhận giải pháp một nền độc lập dưới sự kiểm soát của Nhật Bản để tính chuyện lâu dài.

Cũng cần lưu ý một chi tiết là người Nhật không hề can thiệp vào việc chọn người của cụ Trần Trọng Kim khi cụ thành lập nội các (6)

Ở một góc độ nhất định, nếu không có các sự kiện liên tiếp nhau từ khi hoàng đế Bảo Đại tiếp nhận nền độc lập do Nhật Bản trao cho và tuyên đọc bản Tuyên cáo độc lập 11/03/1945, dẫn đến nền độc lập dưới sự kiểm soát của người Nhật và sự thành lập chính phủ Trần Trọng Kim như những điều kiện tiên khởi thì e rằng Việt Minh cũng không thể cướp chính quyền dễ dàng mà không đổ máu vào tháng 08/1945.

Khi Việt Minh vận động quần chúng nhân dân tiến vào đại nội, gây áp lực buộc vua Bảo Đại phải thoái vị, người Nhật liền cho quân bao vây kinh thành Huế để bảo vệ ông. Tuy nhiên, ông đã khước từ sự giúp đỡ từ người Nhật. Ông nói: “Tôi từ chối nhứt định sự bảo vệ của ông. Tôi yêu cầu ông hãy hủy bỏ ngay hệ thống phòng thủ này của ông. Tôi không muốn một đội quân ngoại quốc nào làm đổ máu dân tộc tôi”(7). Chỉ sau khi nói lời từ chối đó, ông mới chấp nhận tuyên bố thoái vị. Đây là một quyết định hợp lý nhằm tránh đổ máu và không để cho ngoại bang có cớ thò tay can thiệp vào nội tình đất nước.

Dù có thế nào thì mọi sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử cần được đánh giá trong một cái nhìn tổng quan từ nhiều góc nhìn khác nhau một cách thật khách quan.
------------------
(1), (2), (3): “Con rồng Việt Nam” (Le dragon d’Annam) – Cựu hoàng Bảo Đại.
(4), (5) và (6): “Một cơn gió bụi” (Kiến văn lục) – Trần Trọng Kim
(7): “Con rồng Việt Nam” (Le dragon d’Annam) – Cựu hoàng Bảo Đại.

Theo fb Lê Quang Huy

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT